Thiết kế buồng rác trong chung cư cao tầng đáp ứng phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/1/2024 | 11:38:03 AM

Đối với nhà chung cư cao tầng thì việc phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn những khó khăn trong triển khai thực hiện. Một trong các nguyên nhân phải kể đến đó là buồng rác trong chung cư nhà cao tầng chưa đáp ứng các yêu cầu của việc phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

1. Đặt vấn đề

1.1. Lý do chọn đề tài

Phân loại rác thải đã trở thành thói quen ở nhiều nước trên thế giới. Phân loại chất thải tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất để bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình và tại điều 75 nêu CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác (Quốc hội, 2020).

Đối với nhà chung cư cao tầng thì việc phân loại và thu gom CTRSH có nhiều khó khăn hơn so với nhà ở thấp tầng. Việc đánh giá thực trạng phân loại CTRSH tại các chung cư cao tầng để tìm ra các khó khăn, bất cập, và sau đó là đề xuất các giải pháp quản lý, thiết kế buồng rác đáp ứng việc phân loại, thu gom CTRSH hiệu quả, thuận tiện cho người dân và nhân viên vệ sinh, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan là việc làm cấp thiết.

1.2. Mục tiêu đề tài

- Tìm hiểu các vấn đề liên quan đến thiết kế buồng rác ảnh hưởng đến việc phân loại và thu gom CTRSH trong chung cư cao tầng.

- Đề xuất giải pháp thiết kế buồng rác trong chung cư cao tầng đáp ứng việc phân loại và thu gom CTRSH

1.3. Đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Buồng rác trong chung cư nhà cao tầng. Buồng rác phân ra làm 2 loại gồm buồng thu rác và buồng chứa rác. Buồng thu rác bố trí trên từng tầng là nơi diễn ra hoạt động đổ rác, phân loại rác của cư dân. Buồng chứa rác là nơi chứa rác được thu gom từ các buồng thu rác.

- Giới hạn phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu này chỉ tập trung vào hai giai đoạn phân loại - thu gom CTRSH trong công trình chung cư cao tầng.

1.4. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu này gồm có:

- Khảo sát cơ bản: Thu thập dữ liệu về kiến trúc buồng rác, thực trạng phân loại và thu gom CTRSH trong chung cư cao tầng trong nước và ngoài nước.

- Nghiên cứu lý thuyết: Các tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan chỉ dẫn thiết kế buồng rác trong chung cư cao tầng đáp ứng thực trạng phân loại và thu gom CTRSH.

- Tổng hợp: tổng hợp thực trạng và lý thuyết đã thu thập để đề xuất các giải pháp tổ chức không gian phân loại, thu gom CTRSH trong chung cư cao tầng tại Việt Nam.

2.Tổng quan

2.1. Kinh nghiệm thiết kế hệ thống thu gom CTRSH trong nhà chung cư cao tầng và thực trạng phân loại và thu gom CTRSH

Chung cư cao tầng được khảo sát gồm 4 chung cư cao cấp và 2 chung cư xã hội. Trong đó, có 2 chung cư được đưa vào sử dụng cách đây khoảng10 năm và 4 chung cư mới đưa vào sử dụng gần đây. Thông tin cụ thể về các chung cư được khảo sát như sau:

- Chung cư Đà Nẵng Plaza, số 16 Trần Phú, Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng (sử dụng từ năm 2011)

- Chung cư Hoàng Anh Gia Lai, số 72 Hàm Nghi, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng (sử dụng từ năm 2013)

- Chung cư The Mornachy Block B, số 535 Trần Hưng Đạo, An Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng (sử dụng từ năm 2020)

- Chung cư FPT Plaza 2, số 5 Võ Quí Huân, Hoà Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (sử dụng từ tháng quý 2/ 2023)

- Chung cư Blue House An Trung Block C, số 1120 Ngô Quyền, An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng (chung cư xã hội) (sử dụng từ năm 2018).

- Chung cư The Ori Garden, Lô B4-1 và lô B4-2 thuộc khu đô thị xanh Bàu Tràm, Phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, Việt Nam (chung cư xã hội) (sử dụng từ quý 1/2023).

Qua khảo sát thực tế tại 6 công trình chung cư cao tầng có thể nhận thấy một số vấn đề liên quan đến thiết kế buồng rác trong chung cư và thực trạng phân loại và thu gom CTRSH trong các nhà chung cư cao tầng như sau:

- Các công trình chung cư xây dựng các đây hơn 10 năm, dù là chung cư cao cấp, diện tích buồng thu rác trên từng tầng là 1.5 - 1.8 m2 đối với buồng thu rác sử dụng ống rác và chỉ có một ống rác (Hình 2); 2.0 - 2.4 m2 đối với buồng thu rác trên từng tầng, có một lớp cửa. Việc tổ chức phân loại CTRSH thành hai loại là chất thải thực phẩm và chất thải rắn có khả năng tái chế tại buồng rác trên từng tầng gặp khó khăn do buồng rác nhỏ.

- Các công trình chung cư xây dựng trước năm 2020, buồng thu rác sử dụng ống rác ít được sử dụng hơn, loại buồng thu rác trên từng tầng đặt thùng rác cỡ lớn 120 lít (kích thước: 49 cm x 55cm x 93cm, có 2 bánh xe), diện tích 2.5 - 3.0 m2, có một lớp cửa.

Buồng thu rác có diện tích lớn hơn đủ diện tích đặt hai thùng rác để thực hiện phân loại chất thải thực phẩm, và chất thải chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (Hình 3). Một số chung cư đã thực hiện phân loại và thu gom CTRSH khá tốt, theo tác giả đánh giá, đã tuân thủ được 60 - 70 % Luật môi trường 2020 tại điều 75 về phân loại CTRSH.

- Các công trình chung cư xây dựng từ năm 2020 đến nay, loại buồng thu rác trên từng tầng đặt thùng rác 120 lít, diện tích 3.0 - 4.0 m2, có hai lớp cửa, có khoang đệm chống cháy. Buồng thu rác tại một số chung cư, vì việc hạn chế trong diện tích nên cửa buồng thu rác mở ra bên ngoài.

Cư dân trong chung cư nhận xét, cửa buồng thu rác mở ra bên ngoài không được thuận tiện cho việc đi đổ rác, cửa nên mở vào bên trong. Buồng thu rác đã được đặt hai thùng rác để thực hiện phân loại chất thải thực phẩm, và chất thải chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.

Một số chung cư đã thực hiện phân loại và thu gom CTRSH khá tốt, theo tác giả đánh giá, đã tuân thủ được 70 - 80% Luật môi trường 2020 tại điều 75 về phân loại CTRSH.

- Hình thức thu gom CTRSH phổ biến cho công trình chung cư cao tầng tại đô thị là thu gom tập trung theo khung giờ cố định tại điểm tập kết rác thuận tiện cho xe rác thu gom tiếp cận (Hình 1).


Hình 1. Hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH và các bên liên quan (Tác giả, 2023)

Từ các thiết kế hệ thống thu gom CTRSH trong nhà chung cư cao tầng, cho thấy, ,hiện nay, tại Việt Nam có 2 kiểu hệ thống thu gom CTRSH chính trong nhà chung cư cao tầng là hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống và hệ thống thu gom rác thải trên từng tầng, kết hợp với vị trí buồng thu rác trong nhà hay bãi tập kết rác bên ngoài nhà mà hệ thống thu gom CTRSH được phân ra làm 4 kiểu và ưu nhược điểm của mỗi kiểu liên quan đến kiến trúc, hoạt động phân loại và đổ rác của cư dân, hoạt động thu gom CTRSH của nhân viên vệ sinh đưa rác đến điểm tập kết rác được đề cập trong Bảng 1. 

Bảng 1. Các loại thu gom rác trong chung cư cao tầng ở Việt Nam và ưu nhược điểm của từng loại



Hình 2. Phòng chứa rác mỗi tầng có máng đổ rác trung tâm tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai, Đà Nẵng (Tác giả, 2023)


Hình 3. Phòng chứa rác bố trí ở đầu hồi (trái) với 2 thùng rác (phải) tại chung cư The Morachy, Đà Nẵng (Tác giả, 2023)


Hình 4. Mặt bằng phòng rác trung tâm (phòng màu xanh) bên trong chung cư FPT Plaza 2, Đà Nẵng (https://fptcity.vn/du-an/fpt-plaza-2/, 2023)

2.2. Kinh nghiệm thiết kế hệ thống thu gom CTRSH trong nhà chung cư cao tầng trên thế giới đáp ứng việc phân loại và thu gom CTRSH

Chung cư Fernvale Vines, 441D Fernvale Road, District 28, Sengkang, Singapore. Chung cư gồm 6 block, cao 24 tầng, đưa vào sử dụng năm 2017. Chung cư sử dụng giải pháp ống thu rác và phòng tập kết rác bên trong công trình. Chung cư có 2 ống thu rác gồm ống thu rác chung và ống thu rác tái chế (giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại).

Diện tích phòng thu rác trên từng tầng có diện tích 9.5 m2, rộng rãi, tại góc đầu hồi, bố trí được cửa sổ làm cho không gian buồng rác thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên, khô ráo, vệ sinh, và dễ dàng thu gom rác tại buồng chứa rác tại tầng 1. (Hình 5)

Ký túc xá Trường Đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản sử dụng bãi tập kết rác ngoài trời, được tổ chức khoa học, đáp ứng tốt việc phân loại và thu gom CTRSH, là một giải pháp thiết kế tốt cho bãi tập kết rác bên ngoài công trình.

Bãi tập kết rác có nhà thu rác hữu cơ; nhà thu rác lớn như bàn ghế, đồ điện tử; chỗ thu gom riêng cho giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh. Nhà thu rác hữu cơ có khung chịu lực là thép, tường và cửa lùa đều là tấm kim loại đục lỗ giúp cho công trình thông thoáng, đồng thời cũng ngăn côn trùng và động vật xâm nhập.

Việc sử dụng nhà thu gom rác hữu cơ, nhà thu rác lớn giúp bảo quản tốt hơn CTRSH đã được cư dân phân loại. Các thùng rác làm bằng lưới, gọn nhẹ, dễ dàng nhìn xuyên qua, dễ hiểu, dễ sử dụng. Bãi tập kết rác có bố trí camera để giám sát, và có đường đi riêng để xe tập kết rác tiếp cận (Hình 5).


Hình 5. Phòng chứa rác có 2 máng đựng rác trung tâm, chung cư Fernvale Vines, Singapore. (Housing and Development Board, 2019)


Hình 6. Bãi rác trung tâm Đại học quốc gia Yokohama (trái) và thùng rác lưới (phải), Nhật Bản (Le Thi Kim Dung, 2023)

2.3. Các cơ sở khoa học trong thiết kế buồng rác đáp ứng việc phân loại và thu gom CTRSH trong chung cư cao tầng

2.3.1. Hệ thống thu gom rác trong nhà chung cư

Trong QCVN 04:2021/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong mục 2.7 Yêu cầu về hệ thống thu gom rác đã nêu rõ:

- Hệ thống thu gom rác đảm bảo các quy định về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường;

- Hệ thống thu gom rác bên trong công trình được phép bố trí theo đường ống đổ rác hoặc buồng thu gom rác đặt tại từng tầng; toàn bộ rác thải phát sinh trong nhà với thời gian lưu giữ không quá 1 ngày;

- Hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống, hệ thống thu gom rác thải trong nhà trên từng tầng phải đảm bảo các yêu cầu cụ thể (Bộ Xây dựng, 2021) .

Trong QCVN 06:2022/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, trong mục 4.24 Buồng chứa rác, ống đổ rác và cửa thu rác phải được thiết kế, lắp đặt phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật quy định riêng cho bộ phận này và các yêu cầu cụ thể (Bộ Xây dựng, 2022).

2.3.2. Trang thiết bị trong buồng rác

Thùng rác có nhiều kích thước thể tích khác nhau, loại 100 - 240 lít thường được sử dụng trong buồng rác đặt trên từng tầng vì có kích thước phù hợp thước cửa buồng thang (800-900mm), kích thước lồng thang máy tải trọng 1000kg - 2000kg. Thùng rác thể tích 660 lít có 4 bánh xe thường được sử dụng cho buồng tập kết rác bên trong công trình có sử dụng ống thu rác (kiểu 1), hoặc bãi tập kết rác bên ngoài công trình (kiểu 4)

- Thùng rác 100 lít có 2 bánh xe (kích thước: 550 x 490 x 750 mm).

- Thùng rác 120 lít có 2 bánh xe (kích thước: 550 x 490 x 830 mm).

- Thùng rác 240 lít có 2 bánh xe (kích thước: 750 x 620 x 1040 mm).

- Thùng rác 660 lít có 4 bánh xe (kích thước: 1260 x 780 x 1200 mm).

- Thùng rác 1000 lít có 4 bánh xe (kích thước: 1350 x 1035 x 1295 mm).

Ngoài ra, trong buồng rác cần bố trí thiết bị chiếu sáng tự động, thiết bị thông gió định kỳ, vòi nước, có hố thu và đường ống dẫn nước bẩn vào hệ thống thoát nước thải chung của nhà. Khoang đệm chống cháy bắt buộc phải có hệ thống báo cháy tự động hoặc hệ thống chữa cháy tự động.

2.3.3. Chỉ số phát sinh CTRSH đô thị bình quân trên đầu người

Chỉ số phát sinh CTRSH đô thị bình quân trên đầu người tại vùng trung du miền núi phía Bắc là cao nhất với 1,20 kg/người/ngày; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 1,17 kg/người/ngày; thấp nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 0,82 kg/người/ngày (năm 2019). (Bộ TN&MT, 2020).

Bảng 2: Thành phần chất thải rắn đô thị, Việt Nam (2019) [4]

Chỉ số phát sinh CTRSH đô thị bình quân trên đầu người, thành phần CTRSH đô thị tại Việt Nam (Bảng 2) cùng với quy mô, kích thước trang thiết dùng làm cơ sở tính toán tính toán diện tích buồng rác hay diện tích bãi tập kết rác bên ngoài nhà chung cư.

3. Đề xuất giải pháp thiết kế buồng rác đáp ứng việc phân loại và thu gom ctrsh trong nhà chung cư cao tầng

Theo điều 75: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Quốc hội, 2020), để tuân thủ luật thì trong chung cư cần có ít nhất 3 loại thùng rác, được dán nhãn, phân loại theo màu khác nhau để phục vụ cho việc phân loại CTRSH.

Đối với chung cư sử dụng hệ thống thu gom rác thải trong nhà trên từng tầng thì buồng rác tại từng tầng trong nhà chung cư thì cần đặt được ít nhất 2 thùng chứa rác thải để phân loại thành chất thải thực phẩm và chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.

Đối với chung cư sử dụng hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống, cần có hai đường ống riêng biệt để thu chất thải thực phẩm và chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (tham khảo chung cư Fernvale Vines, Sengkang, Singapore).

Đối với CTRSH khác thì nó có đặc điểm là số lượng không nhiều, không phát sinh thường xuyên, không bốc mùi nên có thể bố trí tại một buồng rác ở tầng thấp của chung cư.

Hiện nay, hệ thống ống thu rác được áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, thông minh hơn, chỉ với một ống thu rác và có bảng điểu khiển trên từng tầng, cư dân chọn loại một trong ba loại rác cần đổ trên bảng điều khiển trên từng tầng, một cơ quan được đặt ở vị trí cuối cùng trong ống thu rác sẽ hướng đến một trong ba thùng rác được đặt sẵn bên dưới.

Khi ống thu rác đang được sử dụng thì cửa thu rác ở các tầng khác bị khóa lại, bảng điều khiển hiển thị hệ thống đang bận. Khi hoàn thành một hoạt động đổ rác, đường ống sẵn sàng, thì cửa thu rác trên từng tầng lại được mở ra, bảng điều khiển sẵn sàng cho cư dân phân loại, đổ rác.

Bên cạnh việc nâng cao ý thức phân loại CTRSH tại nguồn; nâng cao hiểu biết về các nguyên tắc phân loại CTRSH cho cư dân trong khu chung cư, hướng dẫn cư dân đổ rác đúng quy định thì việc tổ chức hệ thống thu gom CTRSH trong nhà chung cư (tại các buồng rác hay bãi tập kết rác) là hết sức quan trọng.

Trong đó việc xác định sơ bộ thể tích rác thải phát sinh hàng ngày theo 3 loại kể trên để lựa chọn loại thùng thu gom rác cho phù hợp; diện tích, thể tích buồng thu rác trên từng tầng và buồng chứa rác cho phù hợp; hay diện tích, thể tích bãi tập kết rác bên ngoài nhà chung cư cho phù hợp là điều hết sức quan trọng. Để tránh phát sinh mùi hôi, dịch bệnh thì buồng rác cần được dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, cần bố trí các thiết bị như đã nêu ở mục 2.3.2.

Đối với bãi tập kết rác bên ngoài nhà công trình, để phục vụ tốt hơn cho người dân trong việc phân loại CTRSH, để bảo vệ CTRSH đã phân loại thì khu này nên có mái che để che nắng mưa, được dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, cần bố trí các thiết bị như đã nêu ở mục 2.3.2 và tham khảo bãi tập kết rác tại trường đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản.

Từ kinh nghiệm thiết kế buồng rác trong nước và trên thế giới, thực trạng kiến trúc buồng rác ảnh hưởng đến việc phân loại và thu gom CTRSH tại Việt Nam, và các cơ sở khoa học trong thiết kế buồng rác trong chung cư nhà cao tầng, tác giả đề xuất các giải pháp thiết kế buồng rác liên quan đến hệ thống thu gom rác thải trên từng tầng và hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống đáp ứng việc phân loại, thu gom CTRSH trong chung cư cao tầng tại Việt Nam (Hình 7, 8, 9, 10).


Hình 7. Mặt bằng tầng các phòng chứa rác có 2 lớp cửa mở vào trong tạo khoang đệm chống cháy, bố trí 2-3 thùng rác 240 lít, trạm thu nước bố trí trong góc (Tác giả, 2023)

Hình 7 là giải pháp mặt bằng buồng thu rác trên từng tầng đặt 2 – 3 thùng rác 240 lít, có diện tích dao động từ 6 – 8.5 m2 và Hình 8 là mặt bằng buồng chứa rác trong công trình đặt 12 thùng rác 240 lít, 3 thùng rác 660 lít, có diện tích từ 36-40 m2, của hệ thống thu gom rác thải trên từng tầng đáp ứng việc phân loại, thu gom CTRSH trong chung cư cao tầng tại Việt Nam.


Hình 8. Sơ đồ mặt bằng phòng rác trung tâm (Tác giả, 2023)

Hình 9 là giải pháp mặt bằng buồng thu rác trên từng tầng và mặt bằng buồng chứa rác tại tầng trệt của công trình, của hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống, cụ thể là có hai đường ống riêng biệt để thu chất thải thực phẩm và chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.

Mặt bằng buồng chứa rác có diện tích 36 - 40 m2, có đặt 4 thùng thu gom rác thải 1000 lít, và 4 thùng thu gom rác thải 240 lít. Trong buồng chứa rác cần đặt camera để giám sát các thùng rác lớn hứng rác từ ống rác, khi đầy cần đổi thùng kịp thời để đảm bảo rác không bị tràn ra ngoài thùng. Hình 10 là mặt cắt cắt qua hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống.

Đối với cả hệ thống thu gom rác thải trên từng tầng và hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống thì việc người dân tiến hành phân loại chất thải tại căn hộ, phân loại chất thải tại buồng thu rác đúng loại, đúng quy định (kích thước túi rác, chất liệu túi rác, buộc chặt miệng túi rác, đúng giờ đổ rác ...) là một việc làm hết sức quan trọng, đặc biệt là trong hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống.

Chính vì vậy, ban quản lý tòa nhà chung cư cần có một chương trình giới thiệu, hướng dẫn, phổ biến quy định đến cư dân mới, để họ hiểu được hệ thống thu gom chất thải trong tòa nhà và biết cách sử dụng chúng một cách hợp lý, không làm hư hỏng hệ thống, không làm ảnh hưởng đến vệ sinh chung, thuận tiện cho nhân viên vệ sinh thực hiện thu gom CTRSH ở các bước tiếp theo.


Hình 9. Sơ đồ mặt bằng phòng rác điển hình và phòng rác trung tâm là một phần của hệ thống máng rác (Tác giả, 2023)


Hình 10. Phần hệ thống máng đổ rác (Tác giả, 2023)

4. Kết luận

Qua khảo sát về kiến trúc buồng rác và thực trạng phân loại và thu gom CTRSH tại các chung cư cao tầng trong nước thì tác giả thấy được các chung cư cho dù là cao cấp nhưng xây dựng cách đây khoảng 10 năm thì hệ thống thu gom rác bên trong công trình không đảm bảo để đáp ứng việc phân loại CTRSH theo điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cần được cải tạo cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Từ sau khi Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Xây dựng ban hành QCVN 04:2021, QCVN 06:2022, thì thiết kế buồng rác trong công trình chung cư cao tầng được quan tâm nhiều hơn có thiết kế tốt hơn, tuy nhiên QCVN 04:2021/ BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư vẫn cần bổ sung thêm các chỉ dẫn về thiết kế buồng rác đảm bảo về diện tích để đáp ứng việc phân loại và thu gom CTRSH; quy hoạch và thiết kế bãi tập kết rác ngoài nhà chung cư để đảm bảo đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan.

Trong phần giải pháp, tác giả đề xuất giải pháp thiết kế buồng rác thuộc hệ thống thu gom rác thải trên từng tầng và hệ thống thu gom rác thải trong nhà theo đường ống đáp ứng việc phân loại và thu gom CTRSH trong nhà chung cư cao tầng, là một tài liệu tham khảo hữu ích trong thiết kế buồng rác đáp ứng việc phân loại và thu gom CTRSH trong nhà chung cư cao tầng.

Phan Ánh Nguyên 
Khoa Kiến trúc
Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ TN&MT, "Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 - chuyên đề: Quản lý CTRSH”, NXB Dân trí, 2020, trang 33.

[2]. Bộ Xây dựng, "QCVN 04:2021/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, 2021, trang 18.

[3]. Bộ Xây dựng, "QCVN 06:2022/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình”, 2022, trang 56-57.

[4]. Quốc hội, "Luật số 72/2020/QH14 của Quốc hội: Luật Bảo vệ môi trường”, Điều 75: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, 2020, trang 41.a

Theo Tạp chí Xây dựng

Tags Môi trường và Đô thị Việt Nam Hội nghị Tổng kết

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục