Cần có cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/12/2023 | 11:02:21 AM

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo quy trình khép kín, từ đầu vào đến đầu ra. Áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm chuyển hóa phế, phụ phẩm công đoạn này thành nguyên liệu đầu vào cho công đoạn khác của quá trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm, thủy sản, giúp tiết kiệm chi phí, giảm chất thải tác động tới môi trường.

Những hạn chế trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được dùng để chỉ mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý "phế phẩm của quy trình sản xuất này là đầu vào của quy trình sản xuất khác” và sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng hóa chất giảm chất thải độc hại, cho ra những sản phẩm sạch. Hay nói một cách dễ hiểu, kinh tế tuần hoàn là biến phế thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, nghĩa là tuần hoàn trong nội tại của nền kinh tế. Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện tích rộng. Với những vùng thâm canh trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, năng suất sẽ giảm rõ rệt và gặp nhiều khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh.

Anh Nguyễn Công Tới, thôn Vô Hối Đông, xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) người đi đầu trong tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lúa hữu cơ phân trần: Mỗi vụ chúng tôi phải đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng/sào, chi phí phụ phẩm hữu cơ nhưng sản lượng lại thấp hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống. Trước đây năng suất luôn đạt từ 1,8 đến 2 tạ/sào, vụ thu hoạch vừa qua chỉ đạt 1,4 đến 1,5 tạ/sào. Ngoài ra, phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, nên nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ. Hơn nữa do chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận là lúa hữu cơ, vì vậy giá thành sản phẩm vẫn chỉ tính theo giá thị trường như lúa truyền thống, khiến nhà nông chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển mô hình hữu cơ.

Thêm vào đó nhiều ngành nghề chưa được đầu tư theo chiều sâu như: chăn nuôi gia súc, gia cầm ở nước ta còn manh mún, nhiều trang trại nhỏ lẻ, thiếu quy trình sản xuất sản phẩm sạch dẫn đến quá trình thu gom, xử lý và tận dụng chất thải trong chăn nuôi thiếu đồng bộ, công nghệ thu gom và xử lý chất thải chưa được đầu tư chuyên sâu, thiếu giải pháp về mặt chính sách; công nghệ xử lý chất thải trong giết mổ, chế biến nông sản, thủy hải sản… chưa được quan tâm đúng mức, làm lãng phí nguồn tài nguyên từ chất thải, gây ô nhiễm môi trường sống.

Nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển nông nghiệp xanh

Miền Tây được biết đến với đặc điểm sông nước, các vựa cây trái bạt ngàn, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra các nước lân cận. Trong đó nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh đã phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, Tiền Giang đã phân chia ba vùng trọng điểm: Vùng phía Đông là vùng có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển; vùng phía Tây có thế mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh, gắn với công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ dọc theo trục kinh tế quốc lộ 1; vùng trung tâm là khu vực đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chủ động hội nhập, hợp tác với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở phân định thế mạnh từng vùng, công tác phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm qua, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được áp dụng nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất. Từ đó nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, nâng cao thu nhập cho nhà nông. Đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền Tây theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: Áp dụng quy trình sản xuất lúa "3 giảm - 3 tăng”, "1 phải - 5 giảm” (đây là hai kỹ thuật trồng lúa được phổ biến cho bà con nông dân trong canh tác lúa bền vững); quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo mô hình VietGAP, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng nhiều công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi… đã được triển khai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đối với lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, ước tính 100% thân cây bắp, 85% rơm, 31% phụ phẩm trên cây lâu năm và 32% phụ phẩm trên cây rau đã được tái sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc giữ ẩm… ngoài ra, một phần cỏ dại cũng được tái sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp khác, qua đó giúp gia tăng hiệu quả kinh tế (người dân có thể thu thêm từ 500.000 đến 700.000 đồng/ha từ rơm…).

Đặc biệt, các mô hình sản xuất lúa theo quy trình "3 giảm - 3 tăng”, "1 phải - 5 giảm”, đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán canh tác của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực rau màu, như: Sản xuất rau an toàn; sản xuất rau VietGAP; trồng rau thủy canh; sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); tưới nước tiết kiệm; cơ giới hóa trong khâu làm đất… được người dân áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

Đối với cây ăn trái, nhà vườn ngày càng thấy rõ hiệu quả trong sản xuất theo VietGAP ở vùng sông nước, gắn với liên kết tiêu thụ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tuần hoàn như: Trên một số cây ăn trái phát sinh phụ phẩm lớn từ cành vượt, cành vô hiệu, tàn dư thực vật… được người dân sử dụng làm phân hữu cơ (mô hình này được áp dụng phổ biến trên cây thanh long, những cây thân mềm, không những tiết kiệm chi phí mua phân bón mà còn giúp quản lý tốt sâu bệnh và bảo vệ môi trường...).

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trên đàn gia súc, gia cầm đã giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tăng giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm như chăn nuôi theo mô hình VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học, acid hữu cơ để bổ sung vào thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi giúp làm giảm mùi hôi trong chăn nuôi, tăng chất lượng thịt. Từ đó, thị trường đón nhận thành phẩm thịt ở mức giá cao hơn; phân gia súc, gia cầm được chuyển hóa thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường.

Cần một cơ chế đồng bộ trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Khó khăn của anh Nguyễn Công Tới và bà con nông dân tỉnh Thái Bình, có thể chưa đại diện về tình trạng chung trong phát triển kinh tế tuần hoàn của cả nước. Tuy nhiên, phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm đối với cây trồng và sâu bệnh, kéo theo sự phát triển chậm lại của cây trồng, tác hại của sâu bệnh lên cây trồng kéo dài, hệ lụy là năng suất cây trồng thấp, chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm thu nhập của nhà nông… là có thật.

Thêm vào đó, lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp khi so sánh, thường có tỷ lệ thấp hơn so với các ngành sản xuất khác. Hàng loạt các rào cản này cần có sự quan tâm của Nhà nước bằng một chính sách đồng bộ và đủ lớn, đưa kinh tế tuần hoàn phát triển nhằm nâng cao năng suất và thu nhập của nhà nông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của nước nhà.

Theo Vũ Chiến/Tạp chí Công nghiệp môi trường

Tags cơ chế kinh tế tuần hoàn nông nghiệp nông nghiệp xanh

Các tin khác

Nhóm sinh viên từ Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành công trong việc chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng, một phát minh có thể hỗ trợ hiệu quả trong y học cổ truyền.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Rác thải từ nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Do đó, sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực miền Nam đã thành công trong việc sử dụng các phụ phẩm công nghiệp như bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than và xỉ lò đốt rác để tạo ra vật liệu san lấp mới có khả năng chịu lực thay thế cát san lấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục