Khám phá 23 hợp chất mới từ hải miên: Tiềm năng hỗ trợ điều trị ung thư

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/12/2023 | 8:49:52 AM

QLMT - Từ việc nghiên cứu về các thành phần hoá học của hải miên tại vùng biển Nam trung Bộ của Việt Nam, các nhà khoa học đã khám phá ra 23 hợp chất mới, trong đó có những hợp chất có hoạt tính tiêu diệt tế bào ung thư.

Thông tin từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa sinh biển, đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về thành phần hóa học của loài hải miên sống tại vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận. Nghiên cứu này phát hiện 23 hợp chất mới, trong đó có 2 hợp chất có hoạt tính gây độc tế bào ung thư tốt, mở ra triển vọng phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

Khám phá hợp chất mới

Nhóm nghiên cứu chủ trì bởi PGS.TS Phan Văn Kiệm đã tiến hành nghiên cứu chi tiết về thành phần hóa học của 10 loài hải miên, trong đó đặc biệt có loài Rhabdastrella globostellata (Carter, 1883) được các nha khoa học xác định bằng phân tích hình thái, cấu trúc spicule, cùng với phân tích chỉ thị DNA và so sánh với ngân hàng gen thế giới.

Tổng cộng, nhóm đã phân lập và xác định được 84 hợp chất khác nhau từ 10 mẫu hải miên, với 23 hợp chất mới đặc biệt. Các hợp chất này thuộc các nhóm chất merosesquiterpene, diterpene, sesterterpene, isomalabaricane triterpene và các dẫn xuất, các axit béo và lactone không no mạch dài chứa brom, cùng nhiều hợp chất khác nhau như aaptamine alkaloid, các hợp chất phenolic và dẫn xuất của indole.


Loài Ianthella basta hay còn gọi là hải miên tai voi. Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Hoạt tính tiêu diệt tế bào ung thư

Đặc biệt, trong kết quả nghiên cứu, 13 hợp chất đã thể hiện hoạt tính gây độc tế bào với giá trị IC50 dưới 20 µM trên ít nhất 1 dòng tế bào ung thư thử nghiệm, bao gồm LU-1 (ung thư phổi), MCF-7 (ung thư vú), HepG2 (ung thư gan), SK-Mel2 (ung thư da), và HEK-293A (tế bào thận gốc phôi) ở người.

Cụ thể, các hợp chất RG1, RG2, RG8, CR5, IB2, và IB5 được xác định là có tác dụng gây độc tế bào tốt, đồng thời có cấu trúc hóa học đặc biệt. Điều đặc biệt nhất là 2 hợp chất IB2 và IB5 có giá trị IC50 khoảng 1 µM, thấp hơn so với chất đối chứng ellipticine, và có hàm lượng tương đối lớn trong cặn chiết methanol loài Ianthella basta.

PGS.TS Phan Văn Kiệm cho biết, nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của hải miên tại Việt Nam là một thách thức lớn do yêu cầu trang thiết bị hiện đại và chuyên gia có kinh nghiệm. Tuy nhiên, các hợp chất từ sinh vật biển nói chung có dược tính rất mạnh, là những chất khởi đầu cho quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc mới. 

Nghiên cứu này không chỉ mở ra những khám phá mới về hóa học của hải miên mà còn đặt ra triển vọng lớn trong việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Việc khám phá 23 hợp chất mới, trong đó có 2 hợp chất có hoạt tính gây độc tế bào ung thư là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu y học và chứng minh sức mạnh của đại dương trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu quý giá cho ngành dược học.

LÂM HÀ

Tags khám phá hợp chất mới hải miên điều trị ung thư dược liệu

Các tin khác

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 900 km kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn thành phố.

Nếu được tái chế đúng cách, đất bùn nạo vét có thể trở thành tài nguyên giá trị.

Methane là chất khí phát thải, cùng với một số loại khí khác gây ra hiệu ứng nhà kính đang làm cho trái đất nóng lên. Việc xả nước thải sinh hoạt là một hoạt động diễn ra thường xuyên tại các đô thị, tuy nhiên cần quan tâm hơn nữa đến các biện pháp kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí Methane.

PGS. TS Ngô Đức Thành từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cùng nghiên cứu sinh Vũ Nhung từ Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện một nghiên cứu chi tiết về mối quan hệ giữa nhiệt độ, độ ẩm và căng thẳng nhiệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự