Kiến trúc & du lịch nông nghiệp: Vệ tinh xanh cho các thành phố

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/11/2023 | 2:48:18 PM

Phát triển du lịch nông nghiệp là một xu hướng phù hợp với bối cảnh yêu cầu về thực phẩm sạch và môi trường xanh ngày càng cao.

Bài viết này đi từ phân tích một mô hình du lịch nông nghiệp điển hình, tiến đến thảo luận vai trò của kiến trúc trong việc phát triển du lịch, rộng hơn nữa là vai trò của các vùng xanh này đối với tổng thể đô thị. Trong đó, kiến trúc thân thiện với môi trường được thiết kế theo hướng độc đáo sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất được dùng để quảng bá du lịch. Những kiến trúc xanh này, kết hợp với môi trường xanh, sản xuất xanh, sẽ hình thành nên một vùng vệ tinh trong chuỗi các vệ tinh xanh cho từng thành phố.

Trong bối cảnh con người ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và khủng hoảng môi trường, việc phát triển các vùng vệ tinh xanh xung quanh các đô thị bằng cách thúc đẩy các mô hình trải nghiệm môi trường nông thôn, môi trường tự nhiên trở thành một xu thế tất yếu. Nếu kết hợp được việc phát triển nông nghiệp, gìn giữ môi trường, với phát triển du lịch, thì đây sẽ là một hướng đi bền vững, mang lại lợi ích lâu dài trên nhiều phương diện, bởi vì "Phát triển du lịch sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn” .

Tầm quan trọng về phát triển du lịch nông nghiệp đã được nêu bật và dần áp dụng thực nghiệm trong những năm gần đây tại Việt Nam. "Tuy nhiên, sự phát triển của ngành Du lịch trong nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó”, do "Sự trùng lặp trong các sản phẩm dịch vụ, yếu kém trong khả năng cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc” . Bởi vậy Việt Nam cần có những chiến lược marketing phù hợp để nâng cao hiệu quả về du lịch. Trong nhiều chiến lược được nêu ra, có những chiến lược chủ yếu như: "Marketing hình ảnh địa phương, marketing đặc trưng địa phương, marketing cơ sở hạ tầng địa phương, và marketing con người” . Tuy vậy, có rất ít các chiến lược marketing về các kiến trúc đặc thù trong sản xuất kết hợp du lịch nông nghiệp, mặc dù kiến trúc là một trong những phương tiện cực kỳ quan trọng để có thể quảng bá thương hiệu đến du khách. Đây là một mảng còn khá trống mà các bên liên quan, gồm cả nhà quản lý về du lịch, quản lý về nông nghiệp, chủ đầu tư, và KTS cần chú trọng nghiên cứu và phát triển.

Khu trại nuôi lợn với kết cấu và hình dáng ấn tượng
Khu trại nuôi lợn với kết cấu và hình dáng ấn tượng (Nguồn: tác giả)

Kiến trúc: phương tiện quảng bá hiệu quả cho du lịch nông nghiệp

"Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa các hoạt động sản xuất – kinh doanh dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn” . Mà để phát triển được du lịch thì một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng chính là quảng bá. Ngoài các hình thức quảng bá truyền thống về du lịch, chúng ta có thể học hỏi thêm các hình thức có hiệu quả khác. Trong đó, việc xây dựng và quảng bá các kiến trúc đặc biệt, mang tính đặc trưng vùng, là một trong những hướng đi đã được chứng minh là có hiệu quả cao. Có nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện thành công, có thể trở thành bài học kinh nghiệm phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Bài viết này xin phép giới thiệu và phân tích về Sun Commune, tức Công xã Thái Dương, là một mô hình Du lịch nông nghiệp nổi tiếng tại tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Sun Commune có tổng diện tích 33,3 hecta, trong đó có khoảng 20 hecta đất trồng lúa và 13,3 hecta đất vườn nuôi trồng khác , điểm xuyến trên toàn khu là một chuỗi các kiến trúc độc đáo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Mô hình này là một ví dụ điển hình có thể tham khảo để xây dựng một khu du lịch nông nghiệp hiệu quả trên nhiều phương diện.

Ngoài các chương trình du lịch dựa trên nền tảng trải nghiệm môi trường nông nghiệp và tận hưởng môi trường tự nhiên, như dịch vụ hướng dẫn, trải nghiệm, đi lại, ăn uống, lưu trú, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp…, thì kiến trúc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút du khách đến với nông trường. Trại nuôi lợn, gà, vịt, hành lang ngắm cảnh, nhà hàng trải nghiệm, khu cắm trại… tất cả đều được xây dựng trên nền tảng quan niệm coi trọng và bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải carbon, phát huy vẻ đẹp nông thôn mà vẫn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chúng được thực hiện theo hướng phương pháp thiết kế hiện đại kết hợp với việc sử dụng vật liệu địa phương như cỏ tranh, gỗ, đá và đặc biệt là tre, một loại vật liệu tiêu biểu của vùng này. Những công trình độc đáo này đã hình thành nên điểm nhấn khác biệt, là yếu tố quan trọng để quảng bá thương hiệu ra thị trường.

Khu trại nuôi gà nằm trên sườn đồi được làm hoàn toàn bằng tre và gỗ
Khu trại nuôi gà nằm trên sườn đồi được làm hoàn toàn bằng tre và gỗ

Các chuồng trại chăn nuôi của Sun Commune được thiết kế bởi các KTS chuyên nghiệp chứ không phải là những chuồng trại thông thường do nông dân tự làm. Bằng cách truyền đạt các thông điệp như "Trại nuôi lợn đẹp nhất Trung Quốc”, "Giáo sư Học viện mỹ thuật thiết kế trại nuôi lợn”, "Những chú lợn hạnh phúc nhất Trung Quốc”, "Dựng một ngôi nhà cho vịt”…, công xã này đã tạo được ấn tượng rất sâu đậm, kích thích sự tò mò, và đã thu hút được rất nhiều người đến tham quan.

Khu vực nuôi lợn ở vùng chân đồi được thiết kế với kiểu dáng mái như gấp giấy, tạo thành nhiều khối tam giác liên tiếp nhau, tạo hình này vừa ấn tượng lại vừa phù hợp với không gian tự nhiên xung quanh. "Công trình được cấu tạo chủ yếu từ vật liệu tre, trên lợp tranh, dưới dùng đá tự nhiên, mặt đất cũng không đào bới” , cấu kiện dễ dàng thay thế khi hư hỏng, không ảnh hưởng môi trường khi bị loại bỏ. Chỉ có phần nền và trụ thấp được làm bằng bê tông để đảm bảo an toàn kết cấu và thuận tiện vệ sinh. Bên cạnh kiến trúc này là đường chạy, hồ bơi và vườn cây dành cho lợn vận động. Những chú lợn thong dong dưới cây và hoa, sau lưng là chuồng trại được trau chuốt như một công trình lớn, lợn lại còn được cho nghe nhạc, là khung cảnh khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác.

Trại nuôi gà nằm trên sườn đồi cũng được đầu tư thiết kế một cách công phu. Móng nông được hình thành bằng cách dùng những cọc gỗ nhỏ đóng đều xuống đất, phần kết cấu tre được liên kết phía trên phần móng gỗ. Mái của trại gà được làm hoàn toàn bằng tre, kể cả phần kết cấu và phần lợp mái. Không gian bên trong cao và thoáng, được bố trí nhiều thanh tre ngang dọc để tạo nơi đậu cho gà khi về đêm.

Còn dọc theo vùng trồng lúa ở giữa thung lũng là chuỗi trại nuôi vịt được thiết kế bởi một nhóm các giáo sư, giảng viên, và hàng chục học viên thạc sĩ ngành kiến trúc. Sau khi nghiên cứu phương án tại trường đại học, nhóm KTS này đến thực địa để hoàn thiện phương án theo thực tế, và hiện thực hóa các công trình với sự hỗ trợ thi công trực tiếp từ người dân. Đi dọc theo trục chính của công xã, chuỗi hàng chục trại nuôi vịt trở nên rất nổi bật bởi kiểu dáng độc đáo và đa dạng, thu hút sự hiếu kỳ và thích thú không chỉ đối với trẻ em mà ngay cả đối với những người lớn.

Hàng chục trại nuôi vịt độc đáo được bố trí giữa các đồng lúa dọc theo thung lũng
Hàng chục trại nuôi vịt độc đáo được bố trí giữa các đồng lúa dọc theo thung lũng

Cũng với nguyên tắc về sử dụng vật liệu tự nhiên, các công trình khác như hành lang ngắm cảnh trên bờ đập nước, chòi nghỉ giữa đồng, trung tâm sự kiện… đều được thiết kế với vật liệu chính là tre, kết hợp cùng gỗ, đá, cỏ tranh. Nguyên liệu tre được thu thập ngay tại rừng tre trên đồi do Sun Commune trồng và chăm sóc. Nhân công xây dựng cũng là nông dân ngay tại địa phương, họ hình thành một cộng đồng có tính liên kết chặt chẽ, sẵn sàng tham gia vào vào việc xây dựng các công trình này bởi họ nhận thức rõ được giá trị lợi ích đến từ các công trình vừa chung mà vừa riêng này.

Liệu trại lợn, trại gà, trại vịt… có nhất thiết phải thiết kế thành như vậy hay không? Nếu xét trên khía cạnh chăn nuôi thuần tuý, rõ ràng câu trả lời là "Không!”. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, những người làm du lịch ở đây đang hành động theo tư duy phát huy tối đa thế mạnh của từng yếu tố riêng lẻ, từ đó thúc đẩy hiệu quả tổng thể của du lịch nông nghiệp. Đứng ở khía cạnh kiến trúc, họ đã đẩy quan niệm, hình thái và câu chuyện kiến trúc lên một mức độ cao, để đạt được một giá trị lớn hơn hẳn so với giá trị nông nghiệp thông thường. Các công trình tại Sun Commune không những nhận được sự quan tâm của truyền thông đại chúng, mà còn nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn khi tham gia các cuộc thi, triển lãm quốc tế lớn, như ARCASIA 2016, hay Venice Architecture Biennale 2016 & 2018… Với sự đặc biệt đó, công xã đã thành công trong việc thu hút du khách đến trải nghiệm thực tế và sử dụng dịch vụ. Đây là minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng của kiến trúc trong du lịch nông nghiệp nói riêng, và trong lĩnh vực du lịch sinh thái nói chung.

Hành lang ngắm cảnh là nơi nghỉ ngơi của nông dân, hoặc có thể trở thành nơi tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm khác
Hành lang ngắm cảnh là nơi nghỉ ngơi của nông dân, hoặc có thể trở thành nơi tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm khác

Vật liệu địa phương được sử dụng trong các kiến trúc của Sun Commune
Vật liệu địa phương được sử dụng trong các kiến trúc của Sun Commune

Vệ tinh xanh cho các TP: tạo dựng liên kết chặt chẽ để cùng phát triển

Từ quy mô kiến trúc, chúng ta vẫn có thể tiếp tục mở rộng và thảo luận ở quy mô lớn hơn, tức quy mô liên kết vùng. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng mà KTS cần đặc biệt quan tâm để làm tốt việc phát triển đô thị và các vùng nông thôn lân cận.

Ngày nay, chúng ta đang hướng đến xây dựng những đô thị xanh, phát triển bền vững. Nhưng để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta không chỉ dựa vào việc tiến hành các động thái trong phạm vi đô thị, mà còn phải duy trì môi trường sinh thái xanh tại các vùng xung quanh. Ở nước ta, bao bọc các đô thị thường là các vùng sản xuất nông nghiệp xen kẽ với núi đồi và (hoặc) sông ngòi tự nhiên, cùng với đó là sự phân bố của các thị trấn, thôn xã nhỏ với tỉ lệ khá lớn người lao động trong ngành nông nghiệp. Với điều kiện về địa lý và phân bố không gian như trên, kết hợp với năng lực sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam từ trước đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các vùng xung quanh đô thị (bao gồm ngoại ô của TP, và cả các khu vực lân cận khác nằm ngoài phạm vi TP) thành những vùng xanh về sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch.

Sự hình thành của các vùng du lịch nông nghiệp với định hướng kiến tạo các chuỗi kiến trúc vừa đáp ứng tiêu chí sinh thái vừa độc đáo mới lạ, sẽ là động lực mạnh mẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế của từng vùng đó. Kiến trúc xanh, nằm trong môi trường xanh, kết hợp với sản xuất xanh, sẽ là nền tảng để hình thành nên các vùng vệ tinh xanh phân bố xung quanh các đô thị. Nhiều địa phương của Việt Nam có đầy đủ các loại địa hình trải dài từ đồi núi cho đến đồng bằng, với nhiều ao hồ, sông suối, cùng với đó là môi trường và khí hậu nhiệt đới ẩm thuận lợi cho sự phát triển của động thực vật. Những yếu tố này đã hình thành nên nhiều khu vực nông nghiệp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, cấu tạo cảnh quan tự nhiên khác nhau. Đây là cơ sở để chúng ta có thể nghiên cứu và phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp đa dạng và phong phú. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của môi trường, bao hàm cả môi trường tự nhiên và môi trường nông nghiệp, có tác dụng điều hòa môi trường cho đô thị lân cận.

Về khía cạnh sản xuất xanh, trong trường hợp của Sun Commune, công xã này thiết lập quy tắc canh tác hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, và các chất độc hại khác, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, phương pháp diệt cỏ và côn trùng thủ công… Việc nuôi trồng được thực hiện một cách khắt khe, tạo dựng thương hiệu uy tín, từ đấy xây dựng được một lượng khách hàng lớn và ổn định từ TP lân cận. Quy trình sản xuất xanh là một phần quan trọng trong việc gìn giữ môi trường tự nhiên, không gia tăng sự tàn phá của con người đối với tự nhiên, đảm bảo năng lực hỗ trợ cho môi trường đô thị lân cận.

Ở hướng ngược lại, đô thị cung cấp nguồn du khách thường xuyên, đồng thời là nơi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các vệ tinh. Ngoài chức năng trung chuyển du khách từ nơi khác đến, bản thân đô thị cũng sẽ có không ít nhu cầu du lịch nông nghiệp định kỳ. Người dân tại đô thị cũng có nhu cầu rất lớn về sản phẩm nông nghiệp. Với mô hình Sun Commune thì công xã này cung cấp thực phẩm sạch hằng tuần cho người dân TP, xuyên suốt cả năm theo gói chi phí trả trước. Nguồn thu từ du lịch và sản xuất hoàn toàn đủ để duy trì và phát triển, mang lại thu nhập thường xuyên cho nông dân và lợi nhuận ổn định cho người tổ chức.

TP hay vệ tinh của TP đều có tầm quan trọng nhất định, chúng đều có sự ảnh hưởng và thúc đẩy lẫn nhau. Đây là mối quan hệ mang tính chất tương trợ, là nền tảng để hình thành sự phát triển một cách bền vững cho cả hai phía, xa hơn nữa là hướng tới mục tiêu xây dựng thành công một tổng thể sinh thái, bao gồm cả hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái về kinh tế.

Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp trên phương diện kiến trúc - quy hoạch

Việc phát triển Du lịch nông nghiệp cần sự nỗ lực và chung tay thực hiện từ nhiều phía, Chính phủ cũng đã ban hành "Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” , trong đó nêu ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện một cách nhất quán. Đứng riêng ở góc độ chuyên ngành của KTS, căn cứ vào hai khía cạnh "Kiến trúc” và "Vệ tinh xanh” đã phân tích ở phần trên, chúng ta có thể thảo luận một số giải pháp cụ thể sau để góp phần vào việc phát triển du lịch nông nghiệp như sau:

- Kiên trì quan niệm về môi trường xanh, cụ thể trong trường hợp này bao gồm gìn giữ môi trường tự nhiên, tạo lập môi trường sản xuất xanh và môi trường đô thị xanh, trong đó có sự tham gia và thể hiện tầm quan trọng của kiến trúc xanh, hướng đến các tiêu chí về giảm thiểu phát thải, hài hòa với thiên nhiên;

- Quy hoạch các vùng du lịch nông nghiệp sao cho phát huy được thế mạnh về sản xuất của người nông dân và phù hợp với tính chất cây trồng, vật nuôi, nghề truyền thống tại địa phương; bố trí các phân khu sản xuất, các địa điểm dịch vụ, hệ thống hạ tầng… sao cho vừa hợp lý, hiệu quả, vừa tạo được sự khác biệt và ấn tượng;

- Quy hoạch các vùng du lịch nông nghiệp phải xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa vùng với TP, đảm bảo mức độ hiệu quả trong việc hỗ trợ cùng phát triển giữa hai bên, hình thành một tổng thể lợi ích chung;

- Nghiên cứu và đề xuất những tiêu chuẩn riêng phù hợp đối với các dạng kiến trúc trong khu vực sản xuất nông nghiệp, một mặt đảm bảo được các quy định cơ bản về kiến trúc, một mặt vẫn tạo được không gian thiết kế đột phá, thúc đẩy sáng tạo đối với KTS;

- Lấy yêu cầu về công năng sản xuất nông nghiệp làm nền tảng chính, lấy yêu cầu về công năng du lịch làm yếu tố bổ sung và hoàn thiện, từ đó thiết kế kiến trúc sao cho phù hợp với đời sống nông nghiệp địa phương mà vẫn đáp ứng được yêu cầu cao về cơ sở vật chất và trải nghiệm tinh thần của du khách;

- Nghiên cứu rõ đặc điểm tự nhiên, văn hóa – xã hội, kinh tế – kỹ thuật của vùng để sáng tạo nên những công trình vừa đảm bảo yếu tố độc đáo, mới lạ, vừa phù hợp với đặc trưng vùng miền, từ đó tạo được điểm nhấn kiến trúc đặc biệt cho vùng;

- Tận dụng tối đa các nguồn lực tại địa phương, như vật liệu tại chỗ, nhân công cùng kỹ thuật truyền thống địa phương, nhằm giảm thiểu chi phí xây dựng, làm cho kiến trúc phù hợp với bản địa, lại tạo được sự gắn kết cộng đồng, làm cho người dân luôn cảm thấy tự hào và có trách nhiệm đối với các công trình nổi bật trong vùng;

- Đưa các hoạt động đào tạo, thiết kế, thi công thực tiễn về với các vùng này, một mặt giúp cho sinh viên, KTS trẻ có cơ hội thực nghiệm và nâng cao nhận thức về các vấn đề nông nghiệp và du lịch, kiến trúc và môi trường, một mặt tạo được các công trình thực tế giúp ích cho địa phương, đồng thời cũng là một trong những phương pháp tuyên truyền, quảng bá hiệu quả cho vùng.

Lời kết

Phát triển kiến trúc thân thiện với môi trường là một trong những yếu tố then chốt để tạo dựng sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên, tiến đến phát triển bền vững. Việc đầu tư xây dựng các công trình độc đáo trong khu vực sản xuất nông nghiệp, là một cách làm đáng học hỏi và nên ứng dụng vào thực tiễn phát triển du lịch tại Việt Nam.

Các khu vực nông thôn nếu đơn thuần sản xuất nông nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa các thế mạnh sẵn có, lãng phí tài nguyên và nguồn lực, tốc độ tăng trưởng thu nhập cho nông dân chậm chạp. Các khu vực đô thị nếu không được hỗ trợ bởi các vùng nông nghiệp lân cận sẽ không thể đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, thiếu chủ động trong cung cấp lương thực, thực phẩm, gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Bởi vậy, chúng ta phải dùng du lịch làm cầu nối để tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các vùng sản xuất nông nghiệp với các đô thị lân cận, tương trợ và thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Các đơn vị có liên quan về du lịch, nông nghiệp, môi trường, quy hoạch, kiến trúc tại mỗi địa phương cần tiếp tục thực hiện những nghiên cứu chi tiết để xây dựng nên các quy hoạch du lịch nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng. Trong đó, vai trò của KTS là khá quan trọng, cần phát huy tối đa khả năng chuyên môn để thực hiện được các giải pháp về quy hoạch và kiến trúc một cách có hiệu quả.

ThS.KTS. LÊ ĐỨC VIÊN

Tài liệu tham khảo:

1. "Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội Quý IV và Năm 2022 (885/BC-CTK)”, Cục thống kê Quảng Nam, 26-12-2022

2. Nguyễn Thanh Hồng – "Quảng Nam phát triển du lịch nông nghiệp theo xu hướng xanh”, Tạp chí Du lịch, 29-01-2023, https://vtr.org.vn/quang-nam-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-theo-xu-huong-xanh.html

3. "杭州双庙麦田农业发展有限公司”, Hangzhou Organic Industry Association, 31-10-2022, http://www.hzoia.org.cn/index.php?m=home&c=View&a=index&aid=204

4. Chen Haoru, Bamboo design in Taiyang Farming Commune, World-Architects, 2018, https://www.chinese-architects.com/en/atelier-chen-haoru-xihu-district-hangzhou/project/bamboo-design-in-taiyang-farming-commune

5. "Kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng nam đến năm 2025 (8384/KH-UBND)”, UBND tỉnh Quảng Nam, 13-12-2022

Theo Tạp chí Kiến trúc

Tags kiến trúc du lịch nông nghiệp du lịch sinh thái quy hoạch kiến trúc

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục