Đó là nhận định của tác giả Hoàng Nhất Thống đến từ Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong bài đăng trên Tạp chí Môi trường tháng 8 vừa qua. Bài viết với chủ đề "Tăng cường quản lý môi trường đất, nước ven biển".
Theo tác giả, vùng ven biển chịu nhiều áp lực về môi trường bởi những hoạt động kinh tế - xã hội từ lục địa, các hoạt động trên biển cũng như quá trình vận động tự nhiên. Vùng ven biển là vùng nhạy cảm, chứa đựng những "điểm nóng” ô nhiễm môi trường biển, bao gồm ô nhiễm môi trường đất và nước ở vùng ven biển.
Các loại rác thải khó phân hủy tràn ngập ở khu vực biển phường Đông Hải, thành phố Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN
Bài viết nêu rõ: Các tỉnh ven biển nước ta cũng là các tỉnh có sản lượng sản xuất nông nghiệp rất lớn. Những hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản này đã phát thải ra rất lớn ra môi trường đất và nước vùng ven biển. Cùng với đó, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và đặc thù vùng biển đảo của Việt Nam đã tạo sức ép rất lớn đối với môi trường biển, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, ô nhiễm môi trường biển không rõ nguồn gốc cũng như các tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những tác nhân này cũng gây sức ép không nhỏ đến môi trường đất và nước vùng ven biển Việt Nam.
Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã có sự quan tâm, chú trọng đến quản lý môi trường biển (bao gồm môi trường đất và nước vùng ven biển) thông qua việc ban hành và tổ chức triển khai hệ thống chính sách, pháp luật, các chương trình, kế hoạch, đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và vùng bờ…
Tác giả bài viết chỉ rõ, tuy đạt được những kết quả nhất định, song quản lý môi trường biển (bao gồm môi trường đất và nước vùng ven biển) ở Việt Nam cũng đang gặp phải 6 vấn đề hạn chế trong quản lý dưới đây:
Thứ nhất, pháp luật quản lý môi trường biển còn bỏ trống vấn đề xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom, giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày càng nghiêm trọng ở nước ta hiện nay.
Pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể, thống nhất, đồng bộ đối với hoạt động lấn biển nên rất khó đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường đất và nước vùng ven biển; thiếu các chế tài xử lý hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân khi vi phạm các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Nhiều văn bản về định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến môi trường biển được ban hành đã lâu, đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung nên không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn để quản lý môi trường biển.
Thứ hai, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường biển còn chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan, nhất là chưa thực sự thiết lập được cơ chế thống nhất điều phối các hoạt động quản lý môi trường biển.
Thứ ba, đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường biển còn hạn chế ở cả cấp trung ương và địa phương, nhất là công chức ở các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo.
Thứ tư, nguồn vật lực cho quản lý môi trường biển còn nhiều vướng mắc, chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu quản lý môi trường biển.
Thứ năm, chưa phát huy được vai trò của cộng động dân cư, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan (Stakeholders) khác tham gia quản lý môi trường biển.
Thứ sáu, hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và xử lý vi phạm về môi trường biển còn chưa được thường xuyên, chưa đầy đủ và chậm phát hiện các vi phạm. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương về môi trường (trong đó có môi trường biển) trên địa bàn còn chưa được chú trọng, đôi khi còn hình thức và hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh việc nhận định, tác giả bài viết cũng đưa ra một số giải pháp quản lý môi trường đất, nước vùng ven biển như: tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật về quản lý môi trường biển; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích cộng đồng và các bên liên quan tham gia quản lý môi trường biển; tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính công cho quản lý môi trường biển; nâng cao nhận thức về môi trường biển; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý môi trường biển.
LÂM HÀ