Hiện còn sự chồng chéo trong quy hoạch sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị. Kiến nghị trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ không có quy hoạch sử dụng đất đối với các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới…) mà chỉ lập kế hoạch sử dụng đất. Kế hoạch sử dụng đất này phải phù hợp với nội dung quy hoạch sử dụng đất của đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.
1. Các khái niệm
Đô thị: là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố, nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn (Luật Quy hoạch đô thị, 2009) [1].
Đô thị hóa: là quá trình dân số tập trung ở thành thị hoặc tăng tỷ lệ dân cư sống ở thành thị do dịch cư từ nông thôn ra thành thị hoặc do diện tích đất ở đô thị tăng lên (U.52 - UN Habitat, 1992) [2].
Quy mô đô thị hóa: là thước đo mức độ đô thị hóa dựa trên giới hạn quy mô đô thị tối thiểu và không phản ánh thứ bậc quy mô đô thị. Hai biện pháp được đề xuất làm giải pháp thay thế - quy mô đô thị hóa và quy mô tập trung dân số [3].
Tóm lại, khi nghiên cứu quy mô đô thị hóa, cần nghiên cứu quy mô dân số đô thị và quy mô diện tích đô thị.
Quy hoạch đô thị: Là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị (Khoản 4 điều 3 Luật Quy hoạch đô thị, 2009) [1].
Phát triển đô thị: phát triển đô thị theo quy hoạch, hoặc dưới dạng các đô thị mới hoặc mở rộng đô thị hiện hữu. Có thể bao gồm cải tạo cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đô thị (U.30 - UN Habitat, 1992) [2].
Dân số: là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính (Pháp lệnh dân số, 2003) [4].
Quy mô dân số: là người sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính tại thời điểm nhất định (Pháp lệnh dân số, 2003) [4].
Dân số đô thị: là dân số thuộc ranh giới hành chính của đô thị, bao gồm: nội thành, ngoại thành, nội thị, ngoại thị và thị trấn (Nghị định 42/2009/NĐ-CP) [5]. Như vậy Dân số đô thị đồng nghĩa với Dân số toàn đô thị (Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2021).
Dân số thành thị: là dân số của các đơn vị lãnh thổ được Nhà nước quy định là khu vực thành thị (phường và thị trấn) (Tổng điều tra dân số và nhà ở, 2019) [6]. Như vậy Dân số thành thị đồng nghĩa với Dân số nội thị (Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2021).
Dân số toàn đô thị: bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú đã quy đổi khu vực nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị (NQ 1210/2016/UBTVQH13) [7]. Như vậy Dân số ngoại thị là hiệu số của Dân số toàn đô thị và Dân số nội thị (Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2021).
2. Tổng quan về đô thị hóa
Trong lịch sử phát triển đô thị, có thể chia đô thị hóa thành 3 thời kỳ: Thời kỳ đô thị hóa tiền công nghiệp với chiếc xa quay biểu trưng của nền văn minh nông nghiệp, tương ứng với thời kỳ cách mạng kỹ thuật I còn gọi là cách mạng thủ công nghiệp;
Thời kỳ đô thị hóa công nghiệp với chiếc máy hơi nước biểu trưng của nền văn minh công nghiệp, tương ứng với thời kỳ cách mạng kỹ thuật II còn gọi là Cách mạng công nghiệp;
Thời kỳ đô thị hóa hậu công nghiệp với chiếc máy điện tử biểu trưng của nền văn minh khoa học công nghệ hoặc văn minh tin học tương ứng với thời kỳ cách mạng kỹ thuật III còn gọi là cách mạng khoa học kỹ thuật [8].
Đô thị hóa chính là sự mở rộng của đô thị và được đo lường bằng Quy mô dân số và Quy mô diện tích của đô thị.
Trên thế giới hiện có hơn 80% quốc gia phát triển với mức đô thị hóa cao, song vẫn có tốc độ đô thị hóa thấp hơn các nước đang phát triển. Ngược lại, những quốc gia đang phát triển có mức đô thị hóa thấp hơn các nước phát triển, bởi quá trình quản lý quy mô đô thị hóa còn yếu kém.
Ở Việt Nam, sự gia tăng dân số đô thị và diện tích đô thị thường diễn ra tại các đô thị lớn, phù hợp với quy luật chung của các đô thị trên thế giới. Cụ thể là:
- Dân số đô thị không ngừng gia tăng:
Năm 1800, chỉ có khoảng 2% dân số thế giới sinh sống tại các đô thị. Đến năm 1950, tỷ lệ này đạt khoảng 30%. Hiện nay, khoảng một nửa dân số hành tinh là các thị dân và cứ sau mỗi ngày lại có thêm 180 nghìn người nhập cư vào các đô thị.
Dự báo đến năm 2050, dân số thành thị sẽ chiếm 2/3 trên tổng dân số toàn cầu và GDP sẽ chiếm khoảng 80% toàn bộ nền kinh tế thế giới. Đầu thế kỷ 21, 20% dân số thế giới đang sinh sống và làm việc tại 600 thành phố lớn nhất hành tinh, với 60% GDP toàn cầu. Đồ thị hình 2 cho thấy quá trình đô thị hoá là xu hướng tất yếu của nhân loại cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Theo các chuyên gia, cả trước mắt và về lâu dài, tại các nước kém phát triển hơn thì tốc độ đô thị hoá lại mạnh hơn so với tại các nước phát triển (Chương trình phát triển dân số Liên Hợp quốc) [9].
- Dân số tập trung vào những đô thị lớn:
Trong nửa đầu của thế kỷ 20, những đô thị có số dân từ 10 vạn người trở lên, có tổng dân số tăng từ 350 đến 960 triệu người, tương đương 5,5% đến 16% dân số thế giới. Theo dự báo, vào những năm đầu của thế kỷ tiếp theo, có khoảng 45% dân số đô thị sống trong các thành phố có từ 1 triệu dân trở lên. (hình 1)
- Diện tích đô thị không ngừng mở rộng:
Hình 1: Dân số đô thị, nông thôn trên toàn thế giới giai đoạn 1950 - 2050 [9].
Hiện nay, lãnh thổ của những đô thị ngày càng mở rộng, dẫn đến diện tích đô thị ngày càng gia tăng. Trên thế giới, các đô thị có diện tích gần 3 triệu km², chiếm khoảng 2% lục địa. Tại khu vực Hoa Kỳ và châu Âu, các đô thị chiếm khoảng 5% toàn lãnh thổ. Riêng nước Anh, vào đầu thế kỷ tiếp theo mới tăng lên 5% là đô thị. Đầu thế kỷ 21 đã tăng thêm 6% và dự báo cuối thế kỷ này sẽ tăng thêm 14%.
Bộ Xây dựng đã chủ động ban hành nhiều Quyết định về chương trình, kế hoạch hành động của Ngành có liên quan đến đô thị hóa, công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại Việt Nam; các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Luật, Nghị định, xây dựng các bộ Tiêu chuẩn, Quy chuẩn về lĩnh vực Quy hoạch đô thị, phát triển đô thị.
3. Quy mô dân số đô thị
3.1 Các phương pháp dự báo dân số và dân số đô thị
Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng cả về diện tích và dân số, nhiều đô thị được mở rộng, ngày càng trở nên đông đúc hơn. Vì thế đánh giá quy mô đô thị hóa cần được đánh giá về quy mô dân số đô thị và quy mô diện tích đô thị.
Có nhiều phương pháp dự báo dân số được nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Quy hoạch Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tại Khoa Kinh tế xây dựng đô thị của Liên Xô, tại ngành học về quy hoạch sử dụng đất của Trường Đại học Công nghệ châu Á - AIT. Các phương pháp thường được sử dụng là:
- Phương pháp nhóm đặc trưng - thành phần [10].
- Phương pháp ngoại suy [10].
Đây là phương pháp thường được sử dụng khi dự báo dân số đô thị và lao động làm việc trong các đô thị.
Hình 2: Mô hình về lý thuyết 3 thành phần lao động của J. Fourastier: Sector I: Lao động nông nghiệp; Sector II: Lao động công nghiệp; Sector III: Lao động khoa học,dịch vụ [11].
Theo phương pháp này, lao động đô thị được phân loại như sau [10, 11]: Dân số trong tuổi lao động được tách thành nhóm lao động có nhu cầu làm việc và nhóm không có nhu cầu làm việc; Nhóm có nhu cầu làm việc bao gồm: sec-tơ I (ngành nông, lâm, ngư nghiệp); sec-tơ II (ngành công nghiệp, xây dựng); sec-tơ III (nhóm ngành dịch vụ, hành chính sự nghiệp) và lao động thất nghiệp; Nhóm không có nhu cầu làm việc: học sinh trong tuổi lao dộng, nội trợ, tàn tật mất sức lao động.
Lý thuyết về 3 thành phần lao động của J. Fourastier có ý nghĩa rất lớn trong quá trình đô thị hoá, giúp đánh giá trình độ phát triển của một vùng hoặc một đô thị, với mô hình lý thuyết như sau: Trong thống kê dân số, dân số trong các KCN tập trung tại các khu vực nông thôn, nghề nghiệp chủ yếu là lao động công nghiệp, không phải lao động nông nghiệp. Song vì họ tạm trú tại nông thôn nên được thống kê là dân số nông thôn, như vậy là không hợp lý.
Công nghiệp và đô thị công nghiệp đã có từ lịch sử xa xưa. Do đô thị hóa và phát triển công nghiệp hình thành nên các KCN và đô thị công nghiệp. Nhóm nghiên cứu đề xuất thống kê dân số KCN cần được được tính là dân số đô thị.
3.2 Đánh giá quy mô dân số đô thị Việt Nam
Theo Nghị quyết 1210/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về phân loại đô thị, quy mô dân số toàn đô thị bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú đã quy đổi khu vục nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị [11]. Trong số 59 tiêu chuẩn, có 2 tiêu chuẩn về dân số đô thị, đó là dân số toàn đô thị và dân số nội thành, nội thị.
- Quy mô dân số đô thị loại đặc biệt: Quy mô dân số toàn đô thị từ 5 triệu người trở lên; Quy mô dân số khu vực nội thành, nội thị đạt từ 3 triệu người trở lên.
- Quy mô dân số đô thị loại I: Đô thị trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 1 triệu người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 500 nghìn người trở lên; Đô thị thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 500 nghìn người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 200 nghìn người trở lên.
- Quy mô dân số đô thị loại II: Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200 nghìn người trở lên; Quy mô dân số khu vực nội thành, nội thị đạt từ 100 nghìn người trở lên.
- Quy mô dân số đô thị loại III: Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100 nghìn người trở lên; Quy mô dân số khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50 nghìn người trở lên.
- Quy mô dân số đô thị loại IV: Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 50 nghìn người trở lên; Quy mô dân số khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20 nghìn người trở lên.
- Quy mô dân số đô thị loại V: Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 4 nghìn người trở lên.
Tỷ lệ dân số đô thị nước ta liên tục tăng: giai đoạn 1990 - 2000, từ 19,51% (1990) lên 24,12% (2000); giai đoạn 2000 - 2010, từ 24,12% (2000) lên 30,39% (2010); giai đoạn 2010 - 2020 tăng từ 30,9% (2010) lên 36,82% (2020). Tốc độ tăng dân số thành thị bình quân năm chỉ đạt 2,64%/năm giai đoạn 2010 - 2020, thấp hơn tốc độ tăng dân số thành thị của giai đoạn 2000 - 2010 (3,4%/năm).
Giai đoạn 2010 - 2020 cho thấy tỷ lệ gia tăng dân số đô thị ở nước ta có những biến đổi (hình 3):
Hình 3: Dân số và tăng trưởng dân số đô thị giai đoạn 2010 - 2020 [6].
Giai đoạn 2010 - 2011 tỷ lệ dân số đô thị tăng 31,4% (tăng 2.218.200 người); Giai đoạn 2011 - 2012 tỷ lệ dân số đô thị tăng 31,7% (tăng 596.300 người); Giai đoạn 2012 - 2013 tỷ lệ dân số đô thị tăng 32% (tăng 590.200 người); Giai đoạn 2013 - 2014 tỷ lệ dân số đô thị tăng 33,19% (tăng 1.404.600 người); Giai đoạn 2014 - 2015 tỷ lệ dân số đô thị tăng 33,48% (tăng 609.200 người); Giai đoạn 2015 - 2016 tỷ lệ dân số đô thị tăng 33,67% (tăng 515.100 người); Giai đoạn 2016 - 2017 tỷ lệ dân số đô thị tăng 33,86% (tăng 531.300 người); Giai đoạn 2017 - 2018 tỷ lệ dân số đô thị tăng 34,2% (tăng 708.600 người); Giai đoạn 2018 - 2019 tỷ lệ dân số đô thị tăng 35,05% (tăng 1.179.700 người); Giai đoạn 2019 - 2020 tỷ lệ dân số đô thị tăng mạnh nhất trong 10 năm qua đạt 36,82% (tăng 2.116.100 người).
Nhìn chung trong giai đoạn 2010 - 2020 dân số cả nước tăng dần mỗi năm, trung bình dân số cả nước trong 10 năm tăng 92.769 người/năm. Dân số thành thị cũng tăng dần mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2020, trung bình dân số thành thị cả nước trong 10 năm qua tăng 31.168 người/năm.
Trong hệ thống thống kê về dân số chúng ta còn thiếu số liệu thống kê về dân số toàn đô thị. Nhìn chung trong giai đoạn 2010 - 2020 tỷ lệ tăng dân số bình quân năm cả nước tương đối ổn định qua các năm, tỷ lệ tăng dân số bình quân cả nước là 1,15%/năm.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị có những bước nhảy lớn; cao nhất trong năm 2014 và 2020; thấp nhất trong giai đoạn 2012 - 2013 và giai đoạn 2016 - 2017. Trung bình trong 10 năm qua dân số thành thị tăng bình quân 3,12%/năm.
Hình 4. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm cả nước và dân số thành thị giai đoạn 2010 - 2020 [12].
Trong hệ thống thống kê về tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm chúng ta còn thiếu số liệu thống kê về tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm toàn đô thị.
4. Quy mô diện tích đô thị
Hệ thống đô thị cả nước đã không ngừng được mở rộng và phát triển. Năm 2010 cả nước có 722 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 15 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 64 đô thị loại IV và 630 đô thị loại V. Cuối năm 2018, cả nước đã có 833 đô thị trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 80 đô thị loại IV và 658 đô thị loại V.
Sau 8 năm, cả nước đã tăng thêm 111 đô thị. Về phân cấp quản lý đô thị, cơ cấu hệ thống các đô thị sau gần 10 năm đã có sự thay đổi đáng kể: Đối với nhóm các thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương từ 137 đô thị (2010) đã tăng lên 170 đô thị (2018); nhóm các thị trấn thuộc huyện từ 630 đô thị (2009) đã tăng lên 658 đô thị (2018).
Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được phát triển theo mô hình mạng lưới (liên kết mạng), trên cơ sở kịch bản phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ và hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ năm 2009 đến 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia; từ sau năm 2016 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị (Liên kết mạng).
Mạng lưới đô thị đã được hình thành rõ nét, đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của từng vùng và trên cả nước. Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM là cực tăng trưởng chủ đạo, lan tỏa tri thức, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, tác động lớn đến sự phát triển nền kinh tế thị trường năng động.
Đô thị hóa mạnh mẽ tại các vùng đô thị lớn, các cực tăng trưởng chủ đạo đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước.
Đã hình thành hai vùng đô thị hóa quy mô lớn, mật độ cao (vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng TP.HCM). Các đô thị khác tập trung vào các trung tâm cấp tỉnh (tỉnh lỵ) và gắn với các hành lang kinh tế, trục giao thông lớn của quốc gia.
Các đô thị trung bình và nhỏ, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng của tất cả các vùng, liên kết hỗ trợ nhau kể cả khu vực nông thôn, làm cho tất cả các vùng đều phát triển.
Trong giai đoạn 10 năm qua, diện tích đất đô thị đã tăng thêm bình quân hơn 38,5 nghìn héc-ta mỗi năm. Năm 2020 cả nước có 2.028,07 nghìn héc-ta đất đô thị (theo địa giới hành chính phường, thị trấn), chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên được phân bố tại 6 vùng trên cả nước.
Theo Bộ TN&MT, trong giai đoạn 2011 - 2020 diện tích đất đô thị tăng 385,65 nghìn héc-ta, tập trung nhiều tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 122,74 nghìn héc-ta; vùng Trung du miền núi phía Bắc 102,69 nghìn héc-ta; vùng Đông Nam bộ 71,33 nghìn héc-ta; vùng Tây Nguyên tăng 49,39 nghìn héc-ta.
Như vậy có thể thấy, sự gia tăng diện tích đất đô thị đã góp phần hình thành hệ thống mạng lưới đô thị phân bố tương đối hợp lý trên các vùng lãnh thổ cả nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhìn chung, diện tích đất xây dựng đô thị cả nước tăng nhanh (gấp 1,25 lần so với năm 2010); bình quân đầu người 200 m²/người, cao hơn 1,07 lần so với chỉ tiêu cho năm 2010, cơ bản đạt được yêu cầu về mức bình quân diện tích đất đô thị trên người của một đô thị hiện đại.
Khi phân tích các thay đổi về mật độ đô thị thành những thay đổi ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn trong phạm vi ranh giới của cùng một thành phố và so sánh với những thay đổi về quy mô quỹ đất, có thể thấy rằng, mật độ dân số đô thị tại các thành phố giảm, chủ yếu là do chuyển đổi nhiều diện tích đất nông thôn thành diện tích đất đô thị. Sự khác biệt này có thể được giải thích bằng nhiều yếu tố.
Diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.450 km², bằng 1,045% diện tích đất tự nhiên của cả nước. Diện tích đất tự nhiên của toàn đô thị (cả nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị) là 34.760 km², bằng 10,53% diện tích đất tự nhiên toàn quốc. Đất đô thị (khu vực nội thành, nội thị) là 14.760 km², chiếm 42,46% đất tự nhiên của đô thị cả nước, bằng 4,41% đất tự nhiên của cả nước. So với năm 2009, đất xây dựng đô thị đã tăng lên 1,2 lần và đất đô thị đã tăng thêm 1.261 km².
Quy hoạch sử dụng đất đô thị còn có hạn chế, bất cập, do diễn ra song song với quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch ngành dẫn đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt có thể không còn phù hợp với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác. Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm phá vỡ cơ cấu sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt.
Quá trình đô thị hóa đã tác động không nhỏ đến sự biến động về sử dụng đất, dẫn đến thay đổi về cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm mạnh về diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và đồng thời tăng nhanh về diện tích đất chuyên dùng, đất đô thị.
Theo Ngân hàng Thế giới, việc mở rộng không gian đô thị của Việt Nam trong 5 năm gần đây (2012 - 2017) lớn hơn tổng mở rộng trong 15 năm trước. Trên thực tế, diện tích đất quy hoạch lớn hơn rất nhiều diện tích đất xây dựng đô thị tập trung.
Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị đạt 34.017 km², chiếm khoảng 10,26% diện tích đất tự nhiên của cả nước; nội thành nội thị 14.760 km², chiếm khoảng 4,42% diện tích đất tự nhiên của cả nước (tăng hơn so với dự báo tại QĐ 445 khoảng trên 3%).
5. Một số kiến nghị
Về mặt thuật ngữ, Dân số đô thị đồng nghĩa với Dân số toàn đô thị; Dân số thành thị đồng nghĩa với Dân số nội thị; Dân số ngoại thị là hiệu số của Dân số toàn đô thị và Dân số nội thị (Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2021).
Công nghiệp và đô thị công nghiệp đã có từ lịch sử xa xưa. Do đô thị hóa và phát triển công nghiệp hình thành nên các KCN và đô thị công nghiệp. Nhóm nghiên cứu đề xuất thống kê dân số KCN cần được được tính là dân số đô thị (Lưu Đức Hải và các cộng sự, 2021).
Trong hệ thống thống kê về tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm chúng ta còn thiếu số liệu thống kê về tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm toàn đô thị, vì thế cần được bổ sung trong quy trình thống kê dân số đô thị.
Hiện còn sự chồng chéo trong quy hoạch sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị. Kiến nghị trong Luật Đất đai sửa đổi sẽ không có quy hoạch sử dụng đất đối với các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới…) mà chỉ lập kế hoạch sử dụng đất. Kế hoạch sử dụng đất này phải phù hợp với nội dung quy hoạch sử dụng đất của đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.
Cần bổ sung trong phần giải thích từ ngữ của Luật Đất đai sửa đổi (dự thảo 2023) hoặc trong Luật Quy hoạch đô thị bổ sung các thuật ngữ "Đất đô thị” và "Đất xây dựng đô thị”.
PGS.TS Lưu Đức Hải
KTS Lưu Đức Anh Quân
Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 của Quốc hội.
2. UN Habitat - "Multilingual Glossary of Human Settlements Terms” - 1992.
3. Jack P. Gibbs - "Measures of Urbanization” - 1966.
4. Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 09/01/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
5. Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về Phân loại đô thị.
6. Tổng cục Thống kê - "Các số liệu thống kê về dân số đô thị 2009, 2019” - 2009,2019.
7. Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.
8. GS Đàm Trung Phường - "Đô thị Việt Nam” - NXB Xây dựng - 1995.
9. Ban Dân số của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp quốc (UN DESA) - "Đánh giá Triển vọng Đô thị hóa Thế giới” - 2019.
10. KS Phạm Thị Huệ Linh và nnk - "Phương pháp dự báo dân số trong quy hoạch chung xây dựng đô thị” - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn, 2000.
11. GS.TS Nguyễn Thế Bá - "Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị” - NXB Xây dựng, 1999.
12. Tổng cục Thống kê - "Các số liệu về dân số, mật độ dân số, diện tích giai đoạn 2010 - 2020” - 2020.
Theo Tạp chí Xây dựng