Vai trò quan trọng của những sinh vật sống không cần ánh mặt trời

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/8/2023 | 4:03:28 PM

Các tầng đất sâu thường bị bỏ quên… chứa đựng nhiều giống loài kỳ lạ hơn so với tầng đất bề mặt. Ước tính đa dạng sinh học mới lớn gấp hai lần so với tính toán trước đây.

Môi trường sống phong phú giống loài nhất trên Trái đất đã được xác định và đó không phải là đại dương, rừng nhiệt đới hay đầm lầy. Hầu hết sinh vật trên Trái đất sống trong lớp đất dưới chân chúng ta.

Trong nghiên cứu mới, nhà sinh thái học Mark Anthony và các đồng nghiệp tại Agroscope (một cơ quan nghiên cứu nông nghiệp Thụy Sĩ) ước tính: "Đất có khả năng là nơi cư trú của 59% sinh vật, bao gồm mọi thứ từ vi khuẩn đến động vật có vú, khiến nó trở thành môi trường sống đa dạng sinh học nhất trên Trái đất".

Đất chứa bên trong các khoáng chất, khí bị giữ lại, chất lỏng, chất hữu cơ… và bao phủ hầu hết các vùng đất trên Trái đất. Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng của nó, chúng ta vẫn biết rất ít về lớp sinh quyển mỏng này của Trái đất.

Nhà sinh thái Anthony cho biết: "Các sinh vật trong đất còn có tác động lớn hơn đến sự cân bằng của hành tinh chúng ta. Đa dạng sinh học của chúng quan trọng vì sự sống trong đất ảnh hưởng đến phản hồi của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực toàn cầu và thậm chí cả sức khỏe con người".

Xem xét các tài liệu trước đây, Anthony và nhóm đã tìm thấy tới 88% vi khuẩn, 85% thực vật và 90% nấm tồn tại trong lớp sinh quyển mỏng manh này. Mặt khác, chỉ có khoảng 4% trong số 6.500 loài động vật có vú ẩn cư trong lòng đất.

Các nhà nghiên cứu giải thích: Mặc dù có sai số lớn, nhưng tổng số 59% đa dạng sinh học (sai số 15%) trong lòng đất có thể bị đánh giá thấp do chúng ta biết rất ít về hệ sinh thái trong lòng đất.

Điều này thậm chí còn chưa tính tới vi rút bên trong vi khuẩn, chúng thống trị môi trường đất với sự đa dạng đáng kinh ngạc đến mức chúng hiện diện trong hầu hết bụi từ đất bay lên.

Họ hàng nhỏ của giun đất, Enchytraeidae, có tỷ lệ loài phụ thuộc vào đất lớn nhất (98,6%). Hầu hết chúng sống trong lớp 5 cm đất đầu tiên tính từ bề mặt, ăn vi khuẩn, nấm và chất hữu cơ. Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến của chúng, những động vật này không được nhiều người biết đến ngoài việc sử dụng làm mồi câu. Chúng ta thậm chí còn biết ít hơn về các loài ở dưới lớp đất sâu hơn.

Anthony và nhóm nghiên cứu giải thích: "Các tầng đất sâu thường bị lãng quên chính là nơi chứa đựng nhiều giống loài kỳ lạ hơn so với tầng đất bề mặt. Ước tính đa dạng sinh học mới lớn gấp hai lần so với tính toán trước đây”.

Môi trường sống ít được biết tới này thúc đẩy nhiều hệ thống duy trì sự sống của Trái đất, từ hấp thụ carbon đến phân phối nước. Đất cũng lọc các chất ô nhiễm và tạo điều kiện cho 95% thực phẩm của chúng ta phát triển.

Nhưng đất trên khắp thế giới đang bị xói mòn và thay đổi do hỏa hoạn và ô nhiễm. Một báo cáo gần đây cho thấy khoảng 65% đất đai của châu Âu không còn tốt cho sức khỏe con người.

Hơn nữa, cách chúng ta làm thay đổi lớp đất bên trên có khả năng làm xáo trộn thành phần sinh học của nhiều loại đất, dẫn đến xáo trộn cách thức hoạt động của đất.

Ví dụ, mỗi cá thể loài Echidnas (một loại nhím) cày xới hơn 7 tấn đất mỗi năm trong môi trường tự nhiên của Úc. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa và nông nghiệp đã đẩy chúng ra khỏi nhiều khu vực, hạn chế chu trình quan trọng này. Điều này đã làm thay đổi thành phần vi sinh vật trong đất và giảm khả năng lưu trữ carbon của đất.
-------------------------------
Không chỉ hệ sinh vật trong lòng đất bị đe dọa mà sinh vật trên mặt đất cũng đối diện với nhiều nguy cơ còn lớn hơn. Theo Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái 2019 của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hợp Quốc, 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái đất đứng bên bờ vực tuyệt chủng.

Trong số các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật. Ước tính 82% sinh khối động vật có vú hoang dã đã bị mất.

Các loài thực vật cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các khu rừng chứa 60.000 loài cây khác nhau nhưng mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu ha rừng đã bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp, 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý.

Theo Anh Tú/1thegioi.vn

Tags sinh vật đa dạng sinh học sinh vật trong đất động vật thực vật tuyệt chủng

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục