QLMT - Em Trần Thị Quỳnh, học sinh Trường THPT Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã thành công trong việc sản xuất tơ sợi từ lá cây lưỡi hổ để làm tóc giả và một số sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường thay thế tơ sợi nilon tổng hợp.
Quỳnh nhận thấy cây lưỡi hổ mọc hoang rất nhiều ở địa phương, và lá của nó có thể tách thành những sợi tơ tự nhiên không co, không xù. Do đó thích hợp sử dụng để làm tóc giả.
Cây lưỡi hổ
Nhờ sự hỗ trợ của Phòng thí nghiệm của Trường, Quỳnh và nhóm của mình đã tách được tơ sợi tự nhiên từ lá cây lưỡi hổ, có thể dùng làm tóc giả với độ bền cao, màu sắc đa dạng, khả năng chịu nhiệt tốt nên có thể dễ dàng thay đổi kiểu dáng.
Trần Thị Quỳnh chia sẻ: "Sau khi nhuộm màu cho các sợi tơ, nhóm dùng keo 502 gắn vào miếng dán tóc để được một bộ tóc hoàn chỉnh. Có thể làm tóc mái, đuôi tóc để buộc, lọn tóc highlight… Để tạo hình cho bộ tóc cũng như thí nghiệm khả năng chịu nhiệt của sản phẩm tóc giả, em tiến hành tạo hình cho sản phẩm tóc giả với 2 thiết bị làm đẹp là máy ép tóc và máy uốn tóc thường sử dụng đối với tóc thật”.
Tóc giả từ sợi cây lưỡi hổ được nhuộm và tạo hình
Kết quả tạo hình mái tóc giả bằng sợi cây lưỡi hổ với máy ép thẳng hoặc tóc xoăn ở các điều kiện nhiệt độ khác nhau tăng dần từ 160 độ C đến 220 độ C đều cho mái tóc thẳng đẹp hoặc xoăn tự nhiên và không có hiện tượng cháy khét.
Có thể thấy sản phẩm tóc giả từ tơ sợi lá cây lưỡi hổ có khả năng chịu nhiệt cao tương tự như tóc thật. Khi đó muốn thay đổi kiểu dáng tóc chúng ta có thể sử dụng các thiết bị làm đẹp như bình thường vẫn dùng với tóc thật mà không lo tóc giả cháy hỏng.
Theo Quỳnh, ngoài việc làm tóc giả, ta có thể dùng các sợi tơ để làm một số đồ vật khác như làm chổi cọ trang điểm, tết thành sợi dây thừng, sợi đan giỏ, sợi đan lưới, sợi đan võng, làm thảm lau chân, chổi quét bụi, đan vòng tay và làm một số đồ handmade khác tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng.
Quỳnh hào hứng: "Nếu được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu hơn, em nghĩ đề tài hoàn toàn có tiềm năng ứng dụng rộng rãi. Sản phẩm có chi phí giá thành thấp, từ đó cung ứng nguyên liệu sinh học cho ngành thời trang, may mặc, làm đẹp… và đặc biệt sợi tơ từ lá cây lưỡi hổ rất mảnh và bền chắc, có thể sử dụng để làm chỉ nha khoa, chỉ khâu tự tiêu trong y học khi được xử lý vô trùng thích hợp”.
LÂM HÀ
Tags
học sinh
cây lưỡi hổ
tóc giả
Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.
Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.
Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).
Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.