Tiếp cận và đề xuất phương pháp nhận diện công trình kiến trúc có giá trị ở Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/7/2023 | 8:57:43 AM

Công tác bảo tồn thích ứng các công trình kiến trúc có giá trị còn nhiều bất cập. Thời gian qua ở Việt Nam tuy đã được chú ý nhưng thực hiện chưa thường xuyên, có hệ thống, nhiều khi còn bị mục tiêu sản xuất kinh doanh lấn át nên nhiều công trình có giá trị đã bị xuống cấp, thậm chí bị xâm phạm nghiêm trọng, làm biến dạng, mất đi giá trị văn hóa, lịch sử vốn có của công trình theo thời gian.

Công tác bảo tồn kiến trúc chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị trong điều kiện tu bổ. Hệ thống hóa và đưa vào quản lý, vận hành quỹ tác phẩm kiến trúc có giá trị nhằm thúc đẩy mạch phát triển của kiến trúc Việt Nam, bảo vệ quỹ tác phẩm kiến trúc có giá trị là việc làm thiết thực, cụ thể. Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050.



Tính cần thiết và cấp bách

Kiến trúc là sản phẩm của lịch sử, nó không chỉ phản ánh cuộc sống văn hóa, điều kiện tự nhiên, hình thái kinh tế – xã hội và sinh hoạt của con người đương đại mà còn kế thừa kiến trúc truyền thống qua các thời kỳ phát triển của đất nước. Đánh giá thực trạng kiến trúc Việt Nam hiện nay cần xem xét trong mối quan hệ với toàn bộ lịch sử phát triển của nền kiến trúc nước ta.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố chứng kiến tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chưa từng có. Trong công cuộc chuyển mình mạnh mẽ của đô thị nhằm thay đổi diện mạo, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời đại mới, không ít công trình kiến trúc có giá trị từ thế kỷ trước đã bị xóa sổ một cách đáng tiếc, thay bằng các tòa cao ốc, các khu đô thị mới đông đúc dân cư… Vẫn biết đây là điều cần thiết, có tính tất yếu, song nếu không có chính sách, giải pháp đúng đắn với quỹ công trình có giá trị này thì chúng ta đang tự đánh mất đi tài sản quý giá mà thế hệ trước để lại. Nếu được trùng tu, bảo tồn đúng cách, nhiều công trình hoàn toàn có thể tiếp tục phát huy vai trò trong đời sống hiện đại như trở thành các địa điểm tham quan, địa chỉ văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng… Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để lưu giữ quỹ công trình quý giá ấy. Bởi khi đã mất đi vì bất cứ lý do nào, chúng ta cũng không có cách nào bù đắp lại được.

Kiến trúc phát triển còn thiếu trật tự, đa dạng nhưng không thống nhất và chưa có bản sắc riêng. Sự phát triển thiếu một định hướng thống nhất và sự thiếu kiểm soát chặt chẽ đã làm bộ mặt kiến trúc công trình được tạo lập riêng lẻ theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc theo sở thích riêng của người thiết kế, của người quản lý đã làm cho mỹ quan kiến trúc đô thị bị xuống cấp. Kiến trúc của từng đô thị, từng khu dân cư nhìn chung chưa có được bản sắc riêng. Tại các khu vực nông thôn, phần lớn các làng xã, đặc biệt là những làng xã ven đô đang mất dần những giá trị truyền thống. Hình thức kiến trúc tại các làng, bản vùng núi đang mất dần bản sắc riêng.

Việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị còn nhiều bất cập. Công việc này trong thời gian qua tuy đã được chú ý, nhưng vẫn chưa được tiến hành thường xuyên và thiếu hệ thống, đôi khi còn bị các mục tiêu sản xuất kinh doanh lấn át nên nhiều công trình có giá trị đã bị xuống cấp, thậm chí còn bị vi phạm nghiêm trọng, làm biến dạng hoặc mai một các giá trị văn hóa và lịch sử vốn có của các công trình theo thời gian. Việc bảo tồn kiến trúc cổ chưa có biện pháp hữu hiệu bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị trong điều kiện đổi mới.

Thực tế này đòi hỏi một cuộc tổng kiểm tra, rà soát trên quy mô lớn, nhằm phân loại, đánh giá những công trình kiến trúc có giá trị để có biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản một cách hiệu quả. Vấn đề "bảo tồn thích ứng” đang được một số chuyên gia đặt ra từ việc tham khảo kinh nghiệm của các nước. Cụ thể, đối với các công trình kiến trúc có giá trị, dù chưa được công nhận là di sản nhưng có giá trị và thuộc khu vực được bảo tồn thì cần có chính sách bảo vệ, ứng xử phù hợp với những công trình này.

Tác giả đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia, cho rằng rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị chưa được công nhận di tích, nên cần kiểm kê, kết hợp nâng cao năng lực quản lý của cán bộ và tuyên truyền tới người dân. Hệ thống hóa và đưa vào quản lý, vận hành quỹ công trình kiến trúc có giá trị nhằm phát huy mạch phát triển, làm nền tảng kiến trúc truyền thống. Phát huy quỹ công trình kiến trúc có giá trị theo hướng dẫn tại Nghị định 85/2020/NĐ-CP chính là công tác thiết thực cụ thể hóa Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.

Hiểu và nhận định tiêu chí công trình kiến trúc có giá trị

Căn cứ hướng dẫn tại Nghị định 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ, tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị được chia thành 2 nhóm chính với 7 tiêu chí như sau:

1. Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau:

a) Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc;

b) Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;

c) Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;

d) Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.

2. Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau:

a) Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử;

b) Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương;

c) Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.

Trên thực tiễn, tại các đô thị đang có quỹ công trình được đánh giá cao về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, nhóm này đang góp phần thúc đẩu phát triển kinh tế du lịch cho đô thị đó (TP Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…). Ví dụ, chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954, với đặc trưng kiến trúc Pháp vô cùng đặc sắc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những kiến trúc Pháp tại Hà Nội là "một bộ phận quan trọng cấu thành nên hình ảnh kiến trúc đô thị đặc trưng của Hà Nội”.

Gợi mở tiêu chí chi tiết đánh giá công trình kiến trúc có giá trị

Phương pháp xây dựng hệ tiêu chí đánh giá tiềm năng công trình kiến trúc có giá trị: Việc đánh giá phải được tiến hành từ cấp đô thị (cấu trúc tổng thể) đến cấu trúc thành phần (khu vực), rồi tới các công trình, cụm công trình cụ thể.

Tiềm năng công trình được đánh giá chính trên mức độ bảo lưu các yếu tố gốc (cấu trúc, phong cách, kỹ thuật và vật liệu, cảnh quan và hoạt động) và tình trạng kỹ thuật (chất lượng sử dụng) của công trình.

Ngoài ra, một số tiêu chí bổ sung cần xem xét trong quá trình đánh giá, các tiêu chí này sẽ không tính vào tổng điểm, nhưng có thể xem xét ưu tiên trong quá trình đánh giá:

Bảng 1. Hệ tiêu chí đánh giá các công trình kiến trúc có giá trị(Dựa theo Phụ lục I Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ)


Bảng 2. Hệ tiêu chí bổ sung


Kết luận

Nhìn chung, việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị được coi như quỹ di sản đô thị, không nên chỉ giới hạn nó trong điều kiện kinh tế – xã hội nhất định, mà phải coi là một quỹ tài sản quý giá của đô thị cần được kế thừa và sử dụng tiếp nối trong phát triển đô thị tương lai. Nghiên cứu công trình trong hình thái đô thị và khéo vận dụng các kinh nghiệm đã có sẽ giúp đô thị phát triển tiếp nối, kế thừa được bản sắc đô thị. Theo đó, người dân vẫn được tiếp tục khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội từ các công trình, mặt khác, ràng buộc trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ công trình đó. Đồng thời, cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực được bảo tồn cần không ngừng nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, gìn giữ di sản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Bởi gìn giữ, bảo vệ được người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Và quan trọng hơn, các công trình kiến trúc có giá trị sẽ tiếp tục phát huy vai trò, giá trị trong đời sống hiện đại.

ThS.KTS Lê Minh Nguyệt
Khoa Quản lý nhà & Thị trường BĐS, AMC 

Tài liệu tham khảo

1. Đồng chủ biên PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – TS.KTS Ngô Minh Hùng, Bảo tồn di sản kiến trúc truyền thống trong đô thị Việt Nam: Cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm từ các nước Asean, Nhà xuất bản xây dựng, 2021;

2. UBND TP Hà Nội (2013), Ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội, 2013;

3. UBND TP Hà Nội (2015), Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội, Hà Nội;

4. Nguyễn Quốc Tuân, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị khu phố Pháp tại thành phố Hải Phòng, Luận án tiến sỹ, 2014, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

Theo Tạp chí Kiến trúc

Tags phương pháp nhận diện công trình kiến trúc kiến trúc bảo tồn

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục