Tận dụng mai mực để sản xuất muối ít natri tốt cho sức khoẻ

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/7/2023 | 8:47:10 AM

QLMT - Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu sản xuất thành công muối ít natri từ mai mực. Sản phẩm có độ mặn tương đương với muối ăn thông thường nhưng hàm lượng natri ít hơn 1/3.

Theo các nhà nghiên cứu, mai mực có vị mặn, không độc tính, hàm lượng chất khoáng đa lượng chiếm 40% và vi lượng chiếm 0,73%. Đồng thời, mai mực chứa hàm lượng lớn các axit amin như L-arginine, L-lysine, L-histidine, L-aspartic và L-glutamic là các hợp chất vị umami với hàm lượng 71,37 μM/g (chiếm 34% tổng hàm lượng axit amin có trong mai mực).

Tại Việt Nam, phụ phẩm mai mực rất lớn nhưng chưa được quan tâm tận dụng. Hiện nay, mai mực chủ yếu bán thô cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi để làm chế độ ăn giàu canxi cho chim cảnh và rùa. Đây chính là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến muối ít natri - hay còn gọi là chất thay thế muối ăn. Muối ít natri là một chất hoặc hỗn hợp các chất có vị mặn với thành phần chứa ít hoặc không chứa natri.

Các nhà nghiên cứu đã tổ chức thu nhận mai mực nang từ cảng cá Bình Thắng (Bình Đại, Bến Tre). Sau đó, mai mực được rửa, sấy và nghiền thành bột nguyên liệu.

Quy trình xử lý mai mực để thu nhận muối ít natri.
Quy trình xử lý mai mực để thu nhận muối ít natri. Ảnh: NNC

Để thu nhận muối mai mực ở quy mô phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nước để trích ly tổng hàm lượng chất rắn hòa tan của các ion hòa tan như natri, kali, canxi, magie, phospho  và axit glutamic có trong bột mai mực. Sau đó, bột mai mực được tiến hành trích ly với các thông số tối ưu gồm tỉ lệ bột mai mực/nước, nhiệt độ, thời gian để thu dịch trích có tổng hàm lượng chất rắn hòa tan tối đa. Dịch trích ly được cô đặc và sấy để thu nhận muối ít natri.

Kết quả phân tích cho thấy, trong thành phần mai mực có các thành phần khoáng tạo vị mặn gồm: natri 6,19 mg/g, kali 1,12 mg/g, phospho 0,56 mg/g, magie 0,37 mg/g, canxi 253 mg/g và axit glutamic 3,3 mg/g. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã cô đặc dịch trích mai mực để thu muối. Sản phẩm muối từ mai mực có độ mặn tương đương muối ăn thông thường nhưng hàm lượng natri ít hơn 1/3.

Muối mai mực là giải pháp tốt để giảm hàm lượng natri trong ẩm thực, bảo vệ sức khỏe con người mà vẫn giữ được hương vị cần thiết của món ăn.

Thành công của nhóm nghiên cứu đặt tiền đề cho việc khai thác phụ phẩm mai mực ứng dụng làm muối ít natri hay đa dạng hóa thành các sản phẩm như nước sốt gia vị ít natri hoặc bột gia vị ít muối… phù hợp với chiến lược, chính sách giảm muối tại Việt Nam.

Sản phẩm muối mai mực của nhóm nghiên cứu mở ra các hướng nghiên cứu, ứng dụng mới cho các loại phụ phẩm khác của ngành công nghiệp chế biến thủy sản như vỏ tôm, vỏ nghêu...

LÂM HÀ

Tags mai mực muối ít natri phụ phẩm nông nghiệp

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục