Những nhận định trên được các nhà nghiên cứu đưa ra khi các nhà khoa học tại Viện Kỹ thuật biển thực hiện đề tài "Nghiên cứu đề xuất biện pháp công trình thủy lợi thích ứng với biến động về dòng chảy đến số lượng và chất lượng nước tại các lưu vực sông dưới tác động của biến đổi khí hậu".
Các nhà nghiên cứu, đã đưa ra đánh giá chung về hiện trạng các công trình, hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, kênh Đông Củ Chi và công trình N31A, thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn - Nam Rạch Tra, thủy lợi Nam Bình Chánh, thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản huyện Nhà Bè - Cần Giờ, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển, công trình kết hợp tiêu thoát nước nội thị và phòng chống ngập lụt,…
Kết quả cho thấy, đây là những công trình được đầu tư rất có hiệu quả về phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng phát triển nông thôn và phòng chống ngập lụt. Các công trình đều được tổ chức quản lý khai thác tốt, được Thành phố quan tâm đầu tư duy tu sửa chữa hàng năm nên hầu hết còn đảm bảo chất lượng và hiệu quả phục vụ. Theo quy hoạch về lâu dài trong khu vực, các hệ thống này vẫn duy trì phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển nhanh của nông thôn nông nghiệp Thành phố, sự thay đổi quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển dân cư đô thị, hình thành và phát triển những khu công nghiệp,… khiến cho quy mô nhiệm vụ, mục tiêu của công trình thay đổi, phát sinh những yêu cầu mới.
Tình hình đô thị hóa tại các vùng ven diễn ra rất nhanh, hình thành các khu công nghiệp, các khu đô thị tập trung, di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra ngoại thành, chuyển đổi cơ cấu sản xuất,… nên hiệu quả phục vụ của các công trình trình thuỷ lợi không đạt theo mục tiêu thiết kế ban đầu do diện tích phục vụ giảm, chức năng tưới giảm, chức năng tiêu tăng do phải tiêu cho các khu dân cư, làm thay đổi phần nào quy mô, nhiệm vụ công trình.
Một số hạng mục công trình hiện nay không còn hoạt động do không còn phù hợp, nổi bật là hệ thống thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh (kênh Trung Ương, các trạm bơm điện Vĩnh Lộc A, Tân Thới Nhì, trạm bơm 19/5, Xuân Thới Thượng); hệ thống kênh Đông Củ Chi, N31A (ảnh hưởng bởi Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu đô thị Tây Bắc Thành phố, dự án sân Golf của Tập đoàn GS, dự án quy hoạch khu công nghiệp hóa dược 250ha,…).
Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình tính toán mô phỏng tổng lượng nước đến cho 4 tiểu vùng thủy lợi phục vụ công tác điều tiết vận hành các cống theo thời gian và mùa vụ; Tính toán cân bằng nước cho 4 tiểu vùng thủy lợi để chủ động bố trí thời vụ, phục vụ công tác quy hoạch và chỉ đạo sản xuất một cách hiệu quả nguồn nước có khả năng sử dụng. Kết quả tính toán cho thấy:
- Về nhu cầu nước trong các tiểu vùng thủy lợi: vào các tháng mùa khô thì cả 4 vùng thủy lợi đều thiếu nước (với mỗi vùng khác nhau, mức thiếu khác nhau), các tháng khác có thể cung cấp đảm bảo đủ nguồn nước.
- Về diễn biến chất lượng nước trên các lưu vực sông và các kênh rạch chính trên địa bàn Thành phố, chất lượng nước trên các nhánh sông chính ít bị ảnh hưởng ô nhiễm hơn so với các kênh rạch, nhất là các kênh rạch nằm ở trong nội thành.
- Về xâm nhập mặn, mức độ xâm nhập mặn vào khu vực Thành phố hiện nay xâm nhập chủ yếu từ cửa Soài Rạp tác động lên, khi xét đến khả năm xâm nhập sâu vào trong nội vùng Thành phố thì nồng độ mặn có thể xâm nhập theo hướng từ mũi Nhà Bè đi sâu theo các kênh như Ông Lớn, Cần Giuộc,…
- Mực nước trên các sông, kênh rạch chính có xu hướng gia tăng theo thời gian, do những tác động của BĐKH, mực nước biển dâng và sụt lún do khai thác nguồn nước ngầm trong khu vực nghiên cứu.
Từ các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp công trình thủy lợi thích ứng với biến động nguồn nước dưới tác động của BĐKH.
Các nhóm giải pháp công trình được đề xuất gồm: Nạo vét, cải tạo các kênh/ rạch và sông bị bồi lắng; lấy nước từ hồ Dầu Tiếng; duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi; Nâng cấp, cải tạo một số công trình thủy lợi; nâng cấp công trình đê bao sông Sài Gòn; giải pháp thủy lợi cho 4 vùng quy hoạch.
Các nhóm giải pháp phi công trình gồm: Nghiên cứu và đề xuất giải pháp thích ứng với BĐKH cho các tiểu vùng thủy lợi về nguồn nước; Giải pháp kiểm soát nguồn nước thải sinh hoạt; Kiểm soát nguồn thải từ sản xuất; Kiểm soát nguồn thải từ các hoạt động chăn nuôi; thiết lập trạm quan trắc tự động chất lượng nước; Giải pháp hạn chế và chế tài lấn chiếm bờ sông/kênh rạch; Tiêu thoát nguồn nước trên các kênh rạch; Giải pháp quản lý khai thác; Giải pháp đầu tư thủy lợi.
TÙNG LÂM