Từ bài học Covid-19 đến giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/10/2022 | 11:20:46 AM

Kinh nghiệm triển khai những biện pháp đúng đắn và đúng thời điểm trong đại dịch Covid-19 có thể truyền cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách thực hiện cam kết xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường.

Sự phát triển thành công của Việt Nam đi kèm với cái giá về môi trường

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã trở thành câu chuyện thành công về phát triển kinh tế. Nhiều bước tiến vượt bậc đã được thực hiện để đem lại sức sống cho khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tuổi thọ, tăng tỷ lệ trẻ đến trường, và cả kết quả học tập. Nhiều tiến triển đã đạt được cùng với những xu hướng thuận lợi trong nước và trên toàn cầu. Dân số trẻ giúp mở rộng lực lượng lao động và Việt Nam cũng tận dụng được thời kỳ bùng nổ thương mại toàn cầu. Xuất khẩu nông sản cất cánh đầu tiên nhờ đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào, tiếp đến là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thâm dụng lao động như dệt may, và gần đây nhất là điện tử. Thành công đó đã đem lại những cải thiện trong hầu hết các chỉ số về năng suất, vốn và vốn nhân lực, trong đó nhấn mạnh một số thành tựu đầy ấn tượng về vốn nhân lực và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, vận tải đường biển và truyền thông.

Tuy nhiên, thành công đó một phần có được với cái giá phải trả là vốn tự nhiên. Cũng giống như hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp khác, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, tận dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp, khoáng sản và tài nguyên biển phong phú. Việt Nam sử dụng lợi thế tự nhiên để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bao trùm trong giai đoạn đầu của sự phát triển... Mô hình đó dần dần trở nên thiếu bền vững theo thời gian. Rừng của Việt Nam đang bị cạn kiệt trong khi ô nhiễm không khí đang tăng lên. Đồng thời, việc mở rộng nhanh chóng của tích lũy tài sản cố định các công trình đầu tư xây dựng diễn ra nhanh chóng, không được quy hoạch, và không tính đến những rủi ro thiên tai và khí hậu, khiến cho ngày càng nhiều người dân và tài sản phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết bất lợi. Nếu gộp lại toàn bộ những tổn hại về môi trường, thiệt hại ước tính ở mức từ 4 đến 8% GDP mỗi năm, do tác động tiêu cực trực tiếp đến vốn tự nhiên và ngoại ứng gián tiếp đến năng suất lao động, cũng như chất lượng của cơ sở hạ tầng [1].

Trong thời gian tới, khi vốn tự nhiên của Việt Nam tiếp tục suy thoái, và môi trường ngày càng hứng chịu và dễ bị tổn thương với những rủi ro thiên tai và khí hậu, tiềm năng tăng trưởng tương lai sẽ bị suy yếu. Không những thế, với biến đổi khí hậu, những xu hướng đó sẽ chỉ diễn ra nhanh hơn. Đến nay, Việt Nam đã nằm trong nhóm sáu quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu và là một trong chín quốc gia có ít nhất 50 triệu người sẽ phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu [2,3]. Việt Nam đặc biệt dễ tổn thương với hiện tượng mực nước biển dâng và tần suất thay đổi thời tiết cao hơn. Mặc dù khó có thể dự báo đầy đủ và chính xác địa điểm, quy mô và thời gian của những tác động khí hậu trong tương lai, nhưng mực nước biển dâng cao, sóng dâng do bão, kết hợp với thay đổi về lượng mưa có thể làm chậm lại đáng kể hoặc thậm chí đảo ngược lại những thành quả phát triển đã đạt được.

Mặc dù Việt Nam chỉ đóng góp một phần nhỏ vào phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng lượng phát thải của Việt Nam đã tăng đến năm lần kể từ đầu thập kỷ 2.000. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thâm dụng năng lượng cao nhất trên thế giới, với nhu cầu năng lượng tăng đến 1,5 lần với một phần trăm tăng trưởng GDP, lệ thuộc chủ yếu vào điện than. Hậu quả là chất lượng không khí xấu đi nhanh chóng tại các đô thị lớn. Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gây ra thiệt hại tương đương 60.000 ca tử vong năm 2018, trong đó khoảng 40% những ca tử vong đó liên quan đến sử dụng nhiên liệu hóa thạch [4]. Ô nhiễm không khí là yếu tố rủi ro đối với nhiều nguyên nhân gây tử vong hàng đầu như bệnh tim, đột quỵ, viêm đường hô hấp dưới, ung thư phổi, tiểu đường, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Không chỉ làm giảm số ngày làm việc do đau ốm và làm giảm năng suất lao động, sức khỏe yếu còn tạo thêm gánh nặng lớn hơn cho hệ thống y tế [5].

Những thách thức về thiên tai và khí hậu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam. Điều này được thể hiện trong các chiến lược quốc gia và ngành, và những thách thức đó được cũng xác định là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển đất nước trong mười năm tới [6]. Rủi ro thiên tai và khí hậu đến nay đã được thừa nhận là mối đe dọa trực tiếp cho khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao. Thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do thiên tai gây ra ảnh hưởng không chỉ đến khả năng chống chịu (ứng phó với thảm họa) và tính bền vững (không làm nguy hại đến tương lai) của nền kinh tế, mà còn đến năng lực duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bao trùm. Bên cạnh đó, tác động của suy thoái môi trường đến người dân cũng đang trở nên rõ ràng hơn. Nhiều người lao động và sinh viên làm việc và học tập kém năng suất hơn do tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí và nguồn nước đến sức khỏe của họ. Tác động của cả thiên tai và suy thoái môi trường được cho là gây ảnh hưởng nhiều hơn đến người nghèo và người yếu thế, những người không có nhiều cơ chế ứng phó - như nguồn lực tài chính - để tự vệ, và họ thường sinh sống ở những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Có thể thấy, thiệt hại hàng năm do thiên tai gây ra đang tăng lên nhanh chóng do phát triển không quy hoạch và thiếu sự quản lý của nhà nước cũng như do quản lý tài nguyên yếu kém. Chẳng hạn, quản lý tài nguyên nước chưa tốt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến xâm nhập mặn ở mức cao, gây thiệt hại đáng kể cho hệ thực vật và đất nông nghiệp. Cho dù rủi ro không thể được loại bỏ hoàn toàn trong quá trình phát triển, nhưng lồng ghép các yếu tố rủi ro thiên tai và khí hậu vào trong sự phát triển tương lai là cách giúp làm phẳng đường cong tổn thất.

Áp dụng bài học Covid-19 cho những thách thức về khí hậu và môi trường

Đại dịch COVID-19 được xử lý rất tốt ở Việt Nam bằng các biện pháp chủ động và kịp thời. Việt Nam đã thành công trong việc tiếp tục làm phẳng đường cong lây nhiễm COVID-19 bằng cách triển khai ba tuần giãn cách có điều kiện, theo dõi và xét nhiệm. Kinh nghiệm triển khai những biện pháp đúng đắn và đúng thời điểm cần được quan tâm hơn nữa, vì nó có thể truyền cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách thực hiện cam kết xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường.

Từ bài học Covid-19 đến giải quyết các thách thức về khí hậu và môi trường
Rủi ro thiên tai và khí hậu là mối đe dọa đến sự phát triển bền vững của Việt Nam

Các biện pháp cụ thể được các cấp có thẩm quyền ở Việt Nam triển khai để chống dịch vi-rút cô-rô-na nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí trong nước và quốc tế. Báo chí đã chỉ ra sự kết hợp của (i) mức độ sẵn sàng trước khi có đại dịch; (ii) khả năng phản ứng nhanh và quyết liệt của Chính phủ khi đại dịch mới bùng phát, thông qua đóng cửa trường học và biên giới; (iii) chiến lược khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm ở các địa bàn bị ảnh hưởng nhất [7]. Mục tiêu ở đây là tìm hiểu rõ hơn lý do tại sao Chính phủ có thể triển khai thực hiện những biện pháp trên hiệu quả và cương quyết đến vậy, trong khi nhiều quốc gia khác còn đang lúng túng. Các nghiên cứu kinh tế gần đây về thể chế liên hệ năng lực triển khai thực hiện của Chính phủ với ba yếu tố chính: (i) tầm nhìn (lên kế hoạch và chỉ đạo); (ii) năng lực (nguồn lực tài chính và kỹ thuật, khả năng điều phối); (iii) động lực (cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình và chia sẻ thông tin) [8]. Trực quan mà nói, tầm nhìn càng rõ, năng lực và động lực càng lớn, thì khả năng các biện pháp đó triển khai hiệu quả cũng càng lớn.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ để phục hồi sau COVID-19. Việt Nam cần lựa chọn giữa lộ trình như trước đây hay lộ trình khôi phục theo hướng xanh để giúp xử lý tác động của đại dịch hoặc rủi ro thiên tai và khí hậu, và nâng cao khả năng chống chịu trong tương lai. Kinh nghiệm với COVID-19 của Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong công cuộc chống lại đại dịch này, và đồng thời cũng giúp chỉ ra những bài học có thể áp dụng cho các thách thức về môi trường và khí hậu của Việt Nam. Các cú sốc về y tế và khí hậu, tuy khác nhau về tác động đến đời sống con người và cơ cấu kinh tế, nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Thiệt hại phải gánh chịu sẽ còn lớn hơn nữa nếu không hành động, và cả hai thách thức đó đều đòi hỏi sự thay đổi đáng kể hành vi của cá nhân và tập thể.

Bài học đầu tiên từ COVID-19 là để đối phó tốt nhất với cú sốc từ bên ngoài, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước, và phải hành động sớm và mạnh dạn.Có thể nói, Việt Nam đã sẵn sàng để đối mặt với đại dịch, dựa vào kinh nghiệm đối phó với các mối đe dọa dịch bệnh do vi-rút gây ra trước đó, vì mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế Việt Nam vào cuối năm 2019 tốt hơn so với các quốc gia tương đồng và gần sát với hầu hết các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới và trường họ. Trên cơ sở kinh nghiệm đó, Việt Nam cần hành động nhanh và chuẩn bị sẵn sàng, bằng cách trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19. Đây sẽ là quyết sách lành mạnh về kinh tế, vì chú trọng hơn vào môi trường sẽ đưa Việt Nam đi theo lộ trình bền vững hướng đến hoàn thành mục tiêu dài hạn để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có bảy chính sách và hành động có thể có tiềm năng vừa tạo tác động số nhân kinh tế, vừa cải thiện các tiêu chí đo lường tác động khí hậu [9]: Đó là ưu tiên đầu tư cho năng lượng sạch hơn, hoặc hỗ trợ có điều kiện cho các doanh nghiệp cắt giảm mạnh lượng thải, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng các-bon; Điều chỉnh hoạt động định giá các tài nguyên không tái tạo hoặc gây ô nhiễm để khuyến khích hành vi có trách nhiệm, bao gồm bỏ trợ cấp và/hoặc áp thuế (ví dụ thuế các-bon); Tài trợ, cho vay, và ưu đãi thuế cho giao thông và vận tải bền vững, xử lý nước, quản lý rác thải, kinh tế tuần hoàn, và nghiên cứu về năng lượng sạch, bao gồm thông qua hệ thống tài chính bằng cách yêu cầu các ngân hàng đầu tư ít hơn vào nhiên liệu hóa thạch và nhiều hơn vào các nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu; Hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo (tập trung vào các hệ thống cách nhiệt, sưởi và tích trữ năng lượng cải tiến); Có các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện khôi phục hệ sinh thái, coi đây là cơ sở hạ tầng xanh thiết yếu (ví dụ, rừng ngập mặn nguyên vẹn làm giảm sóng biển dâng do bão), bao gồm môi trường sống giàu các-bon và nông nghiệp thân thiện với khí hậu (nhiều hoạt động đầu tư như vậy cũng có thể giúp thúc đẩy và chuyển đổi ngành du lịch, như một phần trong nỗ lực phục hồi kinh tế hậu COVID)l Đảm bảo sự phát triển cơ sở hạ tầng mới có cân nhắc đến rủi ro thiên tai và khí hậu để tránh những khu vực có nhiều tai biến, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế có thể chịu được tác động của thiên tai nhằm tránh tạo ra những rủi ro mới; Đầu tư cho những biện pháp thích ứng thông qua các khoản đầu tư kết hợp giữa những chiến lược bảo vệ xanh và xám để giảm rủi ro cho con người và tài sản với những rủi ro thiên tai và khí hậu.

Bài học thứ hai là về cơ chế triển khai thực hiện. Đối phó với đại dịch COVID-19, các cấp có thẩm quyền của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỷ qua. Họ buộc phải ban hành và triển khai thực hiện những quyết định cần thiết dưới áp lực nặng nề, đòi hỏi phải có tầm nhìn chung, năng lực cũng như động lực để thử nghiệm và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, ưu tiên trước mắt của Chính phủ là tiếp tục phát huy kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua và tạo thêm cơ hội cho thử nghiệm và đổi mới sáng tạo thông qua việc áp dụng bốn nguyên tắc đúc rút từ kinh nghiệm với COVID-19, đó là có ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức nhà nước; Coi trọng tâm lý e ngại chế tài; Tạo lòng tin của người dân với các nhà hoạch định chính sách, cách thức và thể chế hoạch định chính sách; Thông tin, truyền thông rõ ràng, minh bạch và sâu rộng, không chỉ về hành động mà cả về kết quả để người dân thấy rằng tất cả là vì lợi ích chung.

Tạoưu đãi bằng cách điều chỉnh giá cả: Động lực là tìm kiếm các công cụ thông minh để khuyến khích các tác nhân kinh tế làm đúng ở đúng thời điểm. Trong kinh tế học, công cụ có thể sử dụng là giá cả. Trong lĩnh vực môi trường, việc áp dụng mức phí sử dụng quá thấp dẫn đến nguồn tài nguyên không tái tạo bị quản lý thiếu bền vững. Ngày nay ở Việt Nam, hầu hết lệ phí sử dụng cơ sở hạ tầng chỉ bằng một phần nhỏ chi phí, dẫn đến những hành vi thiếu trách nhiệm. Chính vì vậy, cần phải nâng mức phí sử dụng năng lượng, nước và xử lý rác thải để khách hàng thận trọng hơn trong sử dụng. Trong điều kiện mức phí tăng dần sẽ được thực hiện thông qua loại bỏ trợ cấp, cách làm như vậy sẽ khuyến khích các nhà cung cấp từng bước hoạt động hiệu quả chi phí hơn. Cách tiếp cận như vậy cũng cần được áp dụng để thu từ các cơ sở gây ô nhiễm bằng cách đánh thuế phát thải các-bon, gây ô nhiễm nguồn nước, hoặc cả hai.

Mặc dù ít ai không đồng ý với hiệu quả sử dụng các chính sách định giá môi trường để thay đổi hành vi, nhưng nâng giá hoặc tăng thuế có thể là thách thức về chính trị và xã hội trong ngắn hạn. Đôi khi, người tiêu dùng trên thế giới có những phản ứng rất tiêu cực với việc ban hành thuế các-bon hoặc việc giảm trợ cấp khiến cho giá xăng dầu tăng lên với người tiêu dùng cuối cùng. Vì lý do trên, những chính sách này nên được ban hành từng bước, kết hợp với các chiến dịch truyền thông khéo léo để giải thích về lợi ích lâu dài. Chính phủ cũng có thể cân nhắc cắt giảm các sắc thuế khác để giảm gánh nặng tài khóa chung cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Sử dụng trợ cấp có mục tiêu cho hầu hết các nhóm có dễ bị tổn thương nhất, một phần dựa vào trợ cấp chéo từ nguồn thu thuế môi trường của các nhóm khá giả hơn cũng là một phương án đã được Đức và Thụy Điển triển khai thực hiện để giảm giá năng lượng cho một số nhóm hộ gia đình nhất định.

Tạo tâm lý ngại chế tài bằng cách thực thi các quy định: Quy định có thể được bổ sung bằng một số ưu đãi khuyến khích thay đổi hành vi. Ưu đãi là cách hiệu quả để tạo động lực thay đổi hành vi cá nhân và tập thể, vì không đòi hỏi Chính phủ phải theo dõi và có chế tài chặt chẽ. Tuy nhiên, cách làm đó không phải lúc nào cũng có hiệu quả, và thường phải có thêm các quy định giúp thay đổi hành vi. Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc áp dụng các quy định mềm vì các quy định này cần ít sự quan tâm và giám sát hơn. Quy định mềm có thể bao gồm dán nhãn thông tin hiệu suất sử dụng năng lượng trên đồ điện gia dụng, xe ô-tô, tòa nhà và thực phẩm hữu cơ, như thường được thực hiện tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đồng thời, các quy định cứng cũng vẫn cần để cân đối giữa "củ cà rốt và cây gậy”. Cây gậy có thể là ban hành mức trần hoặc chỉ tiêu, chẳng hạn về chất lượng nước hoặc xăng. Các quy định đó cũng nhằm kiểm soát hoặc cấm sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường - ví dụ yêu cầu giấy phép sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất - hoặc bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ thiên tai như ngập lụt hoặc mực nước biển dâng. Sức mạnh của các quy định phụ thuộc nhiều vào năng lực giám sát cũng như quyết tâm thực thi và có chế tài với những người vi phạm của Nhà nước. Như được minh chứng qua COVID-19, điều này đòi hỏi phải có hệ thống báo cáo tốt, các biện pháp kiểm soát hiệu quả, và hệ thống tư pháp đảm bảo hiệu suất.

Xây dựng lòng tin bằng cách làm gương: Chính phủ nên hành động thông qua các ưu đãi và chế tài để thay đổi hành vi của doanh nghiệp và hộ gia đình. Mặc dù vậy, Nhà nước không chỉ là cỗ máy quản lý mà còn là một tác nhân quan trọng, thông qua các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng một số sản phẩm có tác động trực tiếp đến tài nguyên và môi trường. Nếu các cấp có thẩm quyền muốn tạo ra vòng xoáy tích cực có lợi cho các chỉ tiêu môi trường, họ cần bắt đầu từ chính các hoạt động của mình, để mở đường và tạo lòng tin cao hơn trong công cuộc cải cách. Nhà nước có thể đưa những quan ngại về môi trường vào trong chương trình đầu tư của mình. Như ngày càng nhiều quốc gia đã thực hiện, các tiêu chí về rủi ro khí hậu, thiên tai và/hoặc môi trường có thể được lồng ghép vào trong quá trình lựa chọn dự án đầu tư của các ngành chiến lược, như du lịch, năng lượng và nông nghiệp, hoặc trong thiết kế dự án hợp tác công-tư với khu vực tư nhân. Chính phủ cũng có thể đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng ngay tại các công sở của Nhà nước. Trong đó có thể bao gồm lắp đặt, sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái nhà để cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày. Thay đổi cũng có thể chỉ đơn giản như việc sử dụng bóng đèn LED hay điều hòa tiết kiệm năng lượng, vì cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng là phương án tốt nhất và tốn ít chi phí nhất để nâng cao an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Suy nghĩ về truyền thông và các cơ chế chia sẻ thông tin: Đại dịch COVID-19 cho thấy thông tin kịp thời và minh bạch có thể là yếu tố làm thay đổi trong nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân và nhận thức của họ. Vận dụng cách tiếp cận của Bộ Y tế trong COVID-19, Chính phủ có thể bắt tay vào hình thành nền tảng số tương tác và liên thông về môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo, trong đó mức độ rủi ro về khí hậu, môi trường có thể được lượng hóa và mô hình hóa để sử dụng cho các phương án đầu tư phát triển mới. Nền tảng đó có thể được sử dụng để trình bày thông tin bằng hình ảnh và tham chiếu địa lý về thiệt hại đối với tài sản khi diễn ra sự kiện thiên tai, để đẩy nhanh tốc độ khôi phục và tái thiết. Mặt khác, công khai những dữ liệu đó cho đông đảo các bên liên quan thông qua các kênh truyền thống và sáng tạo sẽ tạo được lòng tin. Một lần nữa, người dân sẽ điều chỉnh hành vi của mình khi được tận mắt chứng kiến diễn biến của đại dịch và kết quả hành động của các cấp có thẩm quyền. Minh bạch còn góp phần nâng cao niềm tin vào hành động của Nhà nước và xây dựng tinh thần trách nhiệm cao hơn của cá nhân và tập thể.

Truyền thông là công cụ hiệu quả để chống khủng hoảng COVID-19. Chính phủ có thể vận dụng cách tiếp cận mới, sáng tạo giống như vậy bằng cách kết hợp giữa chiến dịch truyền thống và các chiến dịch truyền thông mạng xã hội. Chính phủ cũng có thể cân nhắc tăng cường giáo dục về môi trường để khuyến khích những thói quen xanh hơn và tạo cơ hội cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển về những chủ đề như công nghệ xanh. Giáo dục ở các cấp khác nhau về các chủ điểm như thói quen xanh, kỹ thuật xanh, và công nghệ xanh có vai trò quan trọng nhằm mở rộng năng lực sẵn có trong nước để hỗ trợ cho tăng trưởng xanh. Thông tin về thói quen xanh có thể giúp nâng cao nhận thức của người dân về quyền được hưởng không khí sạch, nước sạch và đất sạch, cũng như trách nhiệm gìn giữ chúng.

Nguyễn Thành Trung
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)
Ngân hàng Thế giới
Theo Tạp chí Môi trường

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/33916/files/viet-nam-environment-climate-change.pdf.

[2] http://gain.nd.edu/our-work/country-index-rankings.

[3] IPCC 2018.

[4] https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/air-pollution; và Lelieveld và đồng sự 2020.

[5] Chất gây ô nhiễm trong nông nghiệp (phân đạm, phân lân, thuốc trừ sâu và hóa chất khác), chất gây ô nhiêm trong chất thải công nghiệp, bao gồm kim loại, a-xen, và rất nhiều chất độc khác cũng là nguy cơ lớn.

[6] Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu phê duyệt năm 2011, Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam phê duyệt năm 2012.

[7] Dabla-Norris, Gulde-Wolf, và Painchaud 2020; Vũ và Trần 2020; dữ liệu Our World Data 2020.

[8] Andrews, Pritchett, và Woolcock (2012).

[9] Stern và Stiglitz và đồng sự (2020); và OECD (2020).

Tags Covid-19 bài học giải quyết các thách thức khí hậu môi trường hoạch định chính sách

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục