Giải pháp tiết kiệm năng lượng: Còn nhiều dư địa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2022 | 11:06:11 AM

Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước phụ thuộc nguồn cung năng lượng sơ cấp vào nước ngoài. Do nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn tốc độ phát triển nguồn cung trong thập kỷ tới, Việt Nam đang đứng trước áp lực phải sử dụng hiệu quả hơn những nguồn năng lượng đang có.

Giải pháp tiết kiệm năng lượng: Còn nhiều dư địa - 1
Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng và hiệu quả có thể được triển khai nhanh chóng | Ảnh minh họa

Trong buổi khai mạc "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022" ngày 16/9, một trong những điều đầu tiên mà Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhắc đến là sự lãng phí năng lượng. Trích dẫn Báo cáo Thống kê Năng lượng Việt Nam 2019, ông chỉ ra rằng cường độ năng lượng để tạo ra cùng một đơn vị sản phẩm (GDP) của Việt Nam hiện đang cao hơn 1,3 đến 1,6 lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và lớn hơn rất nhiều so với trung bình thế giới và các nước phát triển. Đối với một nền kinh tế, đây không phải tin tốt bởi rất khó để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh với một cường độ năng lượng lớn như vậy.

Thông thường, có ba yếu tố dẫn đến cường độ năng lượng của một quốc gia cao hay thấp, đó là cơ cấu của nền kinh tế (nhiều ngành thâm dụng năng lượng), mức độ tiên tiến của các công nghệ được ứng dụng trong mỗi ngành, và hành vi về sử dụng năng lượng. Mặc dù điều đầu tiên đòi hỏi sự chuyển dịch vĩ mô cực kỳ lớn, nhưng hai điều sau hoàn toàn có thể can thiệp được từ các bên liên quan.

Các chuyên gia năng lượng thường truyền tai nhau rằng loại năng lượng xanh nhất, rẻ nhất và an toàn nhất chính là năng lượng mà chúng ta không sử dụng. Nhưng đó cũng lại là loại năng lượng ít được chú ý nhất. Việt Nam đã có chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia từ lâu, nhưng đến giờ "vẫn còn rất nhiều không gian để tiết kiệm”, theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An tại Diễn đàn. Bộ Công thương tính toán, tiềm năng tiết kiệm của ngành công nghiệp - vốn chịu trách nhiệm cho hơn một nửa tiêu thụ năng lượng của Việt Nam - có thể lên đến 20-30%.

Vì một thay đổi nhỏ trong doanh nghiệp sử dụng năng lượng lớn cũng có thể tiết kiệm đáng kể nên gần 3.000 cơ sở sử dụng điện trọng điểm trên toàn quốc chính là đối tượng nhắm tới đầu tiên trong các chính sách tiết kiệm năng lượng. Tuy vậy, EVN cũng bộc bạch, mặc dù phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ Luật và các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai các quy định (lập kế hoạch, kiểm toán năng lượng, duy trì các nhóm quản lý năng lượng,…) mang tính hình thức. Các doanh nghiệp không nằm trong nhóm sử dụng năng lượng trọng điểm và không bị ràng buộc bởi các chế tài đều ít hứng thú với việc đầu tư cho hiệu quả năng lượng.

Giải pháp tiết kiệm năng lượng: Còn nhiều dư địa - 2
Cường độ năng lượng ở một số quốc gia | Nguồn: VES-2019

Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) còn cho biết, khi làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 ngành (sản xuất giấy, cung ứng thủy sản, sơ chế nông nghiệp..), tiết kiệm năng lượng hầu như không nằm trong tầm ưu tiên ngắn hạn hay trung hạn của họ. Thậm chí, có những doanh nghiệp sẵn sàng nhập gỗ tươi từ Nam Mỹ về Việt Nam để sấy khô, bởi tính đi tính lại thì chi phí (bao gồm chi phí năng lượng) vẫn có lãi.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến nhận thức và ưu tiên về tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp, nhưng một trong số đó nằm ở việc chi phí sử dụng năng lượng trong nước còn thấp, trong khi việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền tiết kiệm năng lượng đòi hỏi nguồn lực lớn hơn nhiều khiến cho doanh nghiệp chưa cảm thấy mặn mà.

Thực tế, hiệu quả năng lượng thường bị bỏ qua như một lựa chọn đáng tin cậy. Quá trình chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng tái tạo mới có thể mất gần 30 năm, và để thiết lập những loại năng lượng lớn như thủy điện, hydrogen và hạt nhân cũng thường cần tới 20 năm. Ngay cả năng lượng mặt trời, vốn là công cụ nhanh nhất để thiết lập cũng mất ít nhất hai năm. Tuy nhiên, hiệu quả năng lượng có thể được thực hiện ngay lập tức và tác dụng của nó có thể nhìn thấy sớm hơn hẳn các biện pháp khác.

Một đánh giá của Viện nghiên cứu ADB chỉ ra, nếu dùng 1% của tổng mức đầu tư cho ngành năng lượng vào nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam thì có thể đáp ứng được 8% nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng thêm vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể tránh được rất nhiều khoản đầu tư mới vào công suất nguồn phát điện chỉ bằng cách bỏ ra chi phí tối thiểu để đầu tư vào tiết kiệm năng lượng.

Đầu tư cho tiết kiệm năng lượng

Khi nhìn lại hai chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) giai đoạn 2006- 2010 và 2011-2015 giúp Việt Nam tiết kiệm được lần lượt 3,4% và 5,65% tổng tiêu thụ năng lượng, và sắp tới là chương trình VNEEP 3 cho giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tham vọng hơn là tiết kiệm được 7-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) nói rằng, để đạt được mức tiết kiệm năng lượng như kỳ vọng, cần phải có một nguồn lực đầu tư rất lớn vào các giải pháp công nghệ, thiết bị mới thay thế cho những thiết bị, công nghệ đã lạc hậu. Nguồn lực này có thể đến từ xã hội, doanh nghiệp, người dân, chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế, tuy nhiên chúng cần một cơ chế khuyến khích tài chính phối hợp hiệu quả để tạo ra sự lan tỏa.

Theo nhiều báo cáo, hai chương trình VNEEP 1 và 2 được xem là "có nguồn lực đầu tư khá hạn chế”, tuy nhiên VNEEP 3 được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn cả về tài trợ vốn và cơ chế tài chính. Hiện có hai nhóm công cụ tài chính trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam, bao gồm nhóm các công cụ truyền thống (tài chính công) như trợ cấp cho các dự án đầu tư công nghệ hoặc nghiên cứu phát triển, vay đặc biệt ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, miễn giảm các loại thuế/ phí, trợ giá cho năng lượng tái tạo (giá fit-in), trợ giá cho các sản phẩm hiệu quả năng lượng; và nhóm công cụ phi truyền thống (tài chính thương mại) bao gồm mô hình cung cấp dịch vụ năng lượng ESCO, tín dụng carbon, tài chính xanh và hạn mức tín dụng. Thực tế, nhóm thứ nhất đang được sử dụng khá ít cho phần liên quan đến hiệu quả năng lượng, trong khi nhóm thứ hai mới bắt đầu thử nghiệm và còn thiếu không ít kinh nghiệm được triển khai.

Vấn đề nằm ở chỗ trong tâm trí của nhiều người, "hiệu quả năng lượng” vẫn rất khó định hình và ghi nhận. Tư duy này khiến nhiều bên cấp vốn truyền thống như ngân hàng (vốn không có nghiệp vụ về hiệu quả năng lượng) đặt ra những rào cản và thủ tục pháp lý nghiêm ngặt để đảm bảo mức rủi ro có thể chấp nhận được, trong khi đòi hỏi tỷ lệ tiết kiệm năng lượng lớn (trên 20%) mà nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được. Kết quả, phần lớn các dự án về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm không tiếp cận được nguồn tài chính truyền thống. Trong khi đó, những mô hình tài chính mới mẻ như ESCO vẫn đang loay hoay vì chưa có được một hướng dẫn rõ ràng cho phép ghi lợi nhuận dựa trên phần năng lượng tiết kiệm được.

Khảo sát mới đây của Hội khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho thấy, trong số 140 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm được khảo sát, hầu hết đều có các hoạt động đầu tư để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng chủ yếu dùng vốn tự có.

Chẳng hạn, công ty hóa chất Việt Trì - doanh nghiệp đạt giải nhất Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021” - đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cho việc đổi mới công nghệ trong nhiều năm và đổi lại đã tiết kiệm được gần 39% năng lượng sử dụng vào năm 2020 so với năm trước đó. Công ty cho biết, mặc dù các công nghệ cần đầu tư đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và đều là những giải pháp được đề xuất từ báo cáo kiểm toán năng lượng trước đó, nhưng họ chưa tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn ưu đãi nào liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Số tiền 300 triệu từ giải thưởng cuộc thi chính là nguồn "vốn ngoài” đầu tiên mà công ty có được và sẽ dùng nó để phối hợp với GIZ xây dựng, thiết kế nên một chương trình quảng bá các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Ông Văn Đình Hoan, Tổng giám đốc công ty chia sẻ, họ đang có nhu cầu cải tạo hệ thống sản xuất axit có thu hồi nhiệt và hệ thống sản xuất bột tẩy bằng công nghệ tiên tiến và tiết kiệm năng lượng hơn với chi phí khoảng 200 tỷ. "Nếu có một cơ chế tài chính phù hợp để Công ty có thể được vay vốn ưu đãi thì việc đầu tư sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, giảm bớt gánh nặng lo vốn cho Công ty”, ông nói.

Giải pháp tiết kiệm năng lượng: Còn nhiều dư địa - 3
Một số cơ sở sản xuất đang tính tính đến chuyện thay thế các thiết bị, công nghệ lạc hậu bằng những công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng hơn. | Ảnh minh họa

Khi đề cập đến đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, Bộ KH&CN cho biết trong mười năm tiếp theo, họ sẽ tập trung vào 10 công nghệ năng lượng nổi bật thông qua Chương trình trọng điểm cấp quốc gia KC.05 và một số chương trình nghiên cứu phát triển khác. Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) chia sẻ, trong giai đoạn 2016-2020, chương trình KC.05 đã đầu tư 148 tỷ đồng ngân sách nhà nước cho 23 dự án phát triển những công nghệ mới phục vụ ngành năng lượng, trong đó tới 30% số nhiệm vụ liên quan đến các giải pháp tiết kiệm và nâng cao hiệu quả khai thác, lưu trữ, sử dụng năng lượng.

Mô hình thường thấy của các chương trình KC là nhà nước đóng góp 1/3 tổng vốn, phần còn lại đối ứng từ doanh nghiệp để khuyến khích sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Vị đại diện Bộ KH&CN cho hay, trong số mười công nghệ được định hướng đầu tư cho thập kỷ tới, có những công nghệ đã quen thuộc với tiềm năng rõ ràng như công nghệ quang điện mặt trời, công nghệ tuabin gió, công nghệ thủy điện tích năng hay công nghệ lưới điện thông minh, tuy nhiên cũng có những công nghệ mà thế giới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc bắt đầu chuyển giao như công nghệ năng lượng hydrogen hay công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến.

Theo ông, các chương trình này được mở ra không chỉ nhằm phát triển những nền tảng công nghệ để giải quyết những bài toán năng lượng cụ thể mà còn góp phần làm tăng thêm năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra những mô hình gắn kết viện trường-doanh nghiệp tốt hơn để phát triển và tiếp thu các công nghệ này. Do vậy, đối với một doanh nghiệp cụ thể, nó có thể không cung cấp nguồn tài chính quá nhiềuso với nhu cầu của họ, nhưng sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc nắm bắt các quy trình công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực nhân sự và chuyển giao know-how.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đang có được những nguồn tài trợ khả dĩ từ các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng lớn từ nay đến năm 2027. Chúng bao gồm một dự án với Liên minh châu Âu (EU) có tổng trị giá 143 triệu Euro, trong đó dành ra 50 triệu Euro để hòa ngân sách cho các hoạt động của VNEEP 3 và 12,5 triệu Euro để triển khai ba dự án hỗ trợ các ngành công nghiệp; và một dự án khác với Quỹ Khí hậu Xanh thông qua Ngân hàng Thế giới (Mỹ) trị giá hơn 316 triệu USD, trong đó dành ra 11,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại để phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng, đồng thời vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro với một số ngân hàng thương mại trong nước, và 75 triệu USD để bảo lãnh các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam.

Tất cả được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam bước đầu hình thành nên một thị trường tiết kiệm năng lượng mà tại đó bất kì doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tìm được nguồn tài trợ cho những dự án hiệu quả năng lượng và giao dịch được các khoản lợi ích năng lượng mà mình tiết kiệm.

Nhìn ra bình diện quốc tế, cuộc khủng hoảng năng lượng đang lên cao trào ở châu Âu sẽ là một lời cảnh tỉnh cho những nước đã và sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nhập khẩu như Việt Nam. Nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng ở Anh, Pháp, Đức đã phải vật lộn với những hóa đơn năng lượng lên tới lên hơn 1.000 Euro mỗi megawatt/giờ. Để đối phó với tình trạng này, chính phủ các nước đã phải đưa ra những chương trình "séc nhiệt” khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ Euro nhằm giới hạn giá khí đốt và điện, hoặc trợ cấp trực tiếp cho người sử dụng năng lượng.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Daniel Gros từ Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) gọi những biện pháp đó là "cực kỳ tốn kém và cuối cùng sẽ vô ích” vì nó vẫn tạo ra nhu cầu nhập khẩu năng lượng cao, gây áp lực nhiều hơn lên giá cả trên thị trường toàn cầu, và trong một vòng luẩn quẩn, làm tăng nhu cầu về các biện pháp bảo vệ bổ sung. Theo ông, thay vì trợ cấp tiêu dùng, các chính phủ châu Âu nên trợ cấp tiết kiệm, ví dụ trả tiền cho những hộ gia đình để tiêu thụ ít năng lượng hơn trong mùa đông sắp tới.

Tham khảo:

[1] Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Kỷ yếu "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022”, Tháng 9/2022, https://drive.google.com/drive/folders/1oQb1cDdjx9W5GxunLz_BHXzrtmAuxziq?usp=sharing

[2] Daniel Gros, Why gas price caps and consumer subsidies are both extremely costly and ultimately futile, CEPS, Aug 2022, https://www.ceps.eu/ceps-publications/why-gas-price-caps-and-consumer-subsidies-are-both-extremely-costly-and-ultimately-futile/

[3] Nghi Viên, Tiết kiệm điện trong công nghiệp: Tiềm năng lớn vẫn còn bỏ ngỏ, EVN, tháng 9/2022, https://evn.com.vn/d6/news/Tiet-kiem-dien-trong-cong-nghiep-Tiem-nang-lon-van-con-bo-ngo-6-12-31220.aspx

[4] Hồ Nga, Khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, VECEA, tháng 5/2022, http://vecea.vn/tin-tuc/t869/kho-khan-trong-tiep-can-nguon-tai-chinh-de-trien-khai-cac-du-an-tiet-kiem-nang-luong.html

[5] Trần Thanh Liễn, Hiện trạng và các giải pháp để hoàn thiện cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam, VEECOM, 2021, http://veecom.vn/a/khcn04-hien-trang-va-cac-giai-phap-de-hoan-thien-co-che-tai-chinh-ho-tro-hoat-dong-su-dung-nang-luong-hieu-qua-o-viet-nam-387.html

[6] Yang Liu, Riasat Noor, Energy Efficiency In Asean: Trends And Financing Schemes, ADB Institue, Oct 2020, https://www.adb.org/publications/energy-efficiency-asean-trends-financing-schemes

Theo Phong Du/Khoa học và Phát triển

Tags tiết kiệm năng lượng nhu cầu năng lượng năng lượng xanh hiệu quả năng lượng

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục