Chính sách quản lý ô nhiễm không khí tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/9/2022 | 3:46:42 PM

Ô nhiễm không khí (ÔNKK) là thách thức đối với các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong đó có Việt Nam.

Giai đoạn vừa qua, tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tình trạng ÔNKK có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Từ thực trạng ÔNKK, bài viết phân tích, đánh giá hệ thống chính sách quản lý môi trường không khí hiện nay, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả của các chính sách BVMT không khí thời gian tới.

1. Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Các báo cáo môi trường hàng năm đều đánh giá cho thấy, hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ÔNKK ngày càng gia tăng, đặc biệt là bụi và tiếng ồn. Theo Báo cáo về Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) toàn cầu, năm 2020 thứ tự xếp hạng hiệu quả môi trường của Việt Nam tăng 9 bậc so với năm 2018; tuy nhiên vẫn trong nhóm cuối ở vị trí thứ 141 trong tổng số 180 quốc gia, sau hầu hết 11 nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, các chỉ số về chất lượng không khí xếp thứ 115/180; cường độ phát thải xếp thứ 121/180 quốc gia, lần lượt giảm 32 và 20 bậc so với năm 2018.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ TN&MT, ở Việt Nam ô nhiễm môi trường không khí (ÔNMTKK) chủ yếu là ô nhiễm bụi ở các thành phố (TP), đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Hà Nội là TP có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2.5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn năm 2018 - 2020 đều vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 - 2,2 lần, cao nhất ghi nhận năm 2019. Số liệu năm 2019 tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ số ngày có Chỉ số đánh giá chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%; đặc biệt một số ngày có chất lượng suy giảm xuống mức rất xấu… Trong khi đó, tại các đô thị miền Nam, giá trị trung bình năm của thông số PM2.5 khá ổn định, mức độ biến động không đáng kể. Nhìn chung, các đô thị ở miền Bắc có giá trị trung bình năm của thông số bụi PM10 và PM2.5 cao hơn các đô thị khu vực miền Trung và miền Nam.

Tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Ở các KCN, ô nhiễm bụi cũng là vấn đề lớn nhất khi chỉ số bụi tổng số (TSP) tại nhiều khu đã vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, đặc biệt là tại các KCN phía Bắc. Ngoài bụi, ô nhiễm khí thải (COx, NOx, SOx...) tại KCN mặc dù chỉ số trung bình các năm vẫn đang nằm trong giới hạn cho phép, tuy nhiên, ở một số thời điểm cũng có các dấu hiệu tăng cao.

Tại các làng nghề, ÔNKK đang có xu hướng gia tăng, do nguồn thải gây ÔNMT không khí tại một số làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp), sử dụng hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa), quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axít và kiềm. Điển hình là làng nghề đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (tỉnh Nam Định)…

Đối với các đô thị lớn, nguyên nhân chính dẫn đến ÔNKK do khí thải từ số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải. Hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa thực hiện nghiêm túc việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hằng ngày cũng như để kinh doanh. Bên cạnh đó, ÔNMTKK còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan là thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt; ảnh hưởng do lan truyền ÔNKK khí xuyên biên giới…

Chính sách quản lý ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Tăng cường trồng cây xanh trên các đường phố để BVMT không khí

2. Chính sách quản lý ô nhiễm không khí

Để tăng cường kiểm soát môi trường không khí, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT không khí như: Quyết định số 909/2010/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố; Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động Giao thông vận tải; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/ 2016 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí (CLMTKK) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020, tại Chương II, mục 2, điều 12 đã quy định về BVMT không khí, cụ thể: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật; CLMTKK phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật; tình trạng ÔNMT không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng; các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 6, Luật BVMT năm 2020 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT không khí là xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường,..; phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại...; gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí; thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định về BVMT.

Bên cạnh đó, các văn bản dưới Luật hướng dẫn quản lý môi trường không khí cũng khá đầy đủ như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn thi hành Luật BVMT; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật BVMT về ứng phó với biến đổi khí hậu… Mới đây, ngày 29/4/2022, Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 891/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nêu rõ những nội dung chính sẽ triển khai thời gian tới như: Ban hành quy định pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí theo quy định của Luật BVMT năm 2020; rà soát, hoàn thiện và trình ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam (bao gồm phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đang lưu hành ở Việt Nam); xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh; ban hành tiêu chí chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với các phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường…

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng phối hợp với các Bộ, ngành để tăng cường quản lý môi trường không khí, cụ thể: Phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, xây dựng mới cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề truyền thống ít gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề, chuyển đổi sản xuất đối với những làng nghề sản xuất gây ÔNKK, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2024; Cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng theo quy định của Luật BVMT năm 2020, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2025; Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025…

3. Một số ưu điểm và hạn chế trong hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí hiện nay

Ưu điểm: Cùng với hệ thống chính sách quản lý môi trường nói chung, chính sách quản lý ÔNMTKT tại Việt Nam nói riêng ngày càng được hoàn thiện. Hệ thống các chính sách quản lý môi trường không khí được xây dựng dựa trên nguyên tắc của chủ động: Chủ động quản lý, phòng ngừa, hỗ trợ. Các chính sách về BVMT không khí ngày càng sát với hoạt động thực tiễn, việc tổ chức thực thi ngày càng hiệu quả hơn. Có thể kể đến một số chính sách như: Quy định BVMT không khí của Luật BVMT năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định 1973/QĐ-TTg năm 2021về Kế hoạch quốc gia về quản lý CLMTKK giai đoạn 2021 - 2025…

Các hoạt động về công bố thông tin, khuyến cáo về ÔNMTKK được đẩy mạnh, cụ thể là: Tăng cường đầu tư cho hoạt động quan trắc môi trường không khí tại các đô thị lớn và các thông tin cảnh báo chất lượng không khí tới người dân, cộng đồng. Bộ TN&MT đã thường xuyên tổng hợp các kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và đăng tải chính thức trên website của Tổng cục Môi trường tại địa chỉ vea.gov.vn.

Các địa phương cải thiện từng bước CLMTKK trên địa bàn: Xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại địa phương; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về BVMT các cơ sở phát sinh khí thải; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BVMT không khí; xây dựng hạ tầng kết nối phục vụ cho việc truyền dữ liệu về khí thải công nghiệp từ các cơ sở có lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục về Sở TN&MT và Bộ TN&MT.

Hạn chế: Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng không khí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thực trạng ÔNMTKK tại một số TP lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin CLMTKK chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện CLMTKK.

Hoạt động và kinh phí đầu tư của Nhà nước cho xây dựng, lắp đặt, duy trì các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế.

Trách nhiệm quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư chưa được phân định rõ ràng. Đối tượng phát thải, gây ô nhiễm không khí lớn nhất hiện nay tại các đô thị lớn là từ hoạt động giao thông của các phương tiện ô tô, xe máy và từ hoạt động của các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng (công trường, khu đô thị, nhà ở, công trình giao thông, cải tạo vỉa hè...).

Các chính sách, chế tài xử phạt hành chính cũng như xử lý hình sự về các vi phạm gây ô nhiễm môi trường không khí chưa được áp dụng rộng rãi; việc xác định cũng như lượng hóa vi phạm gặp nhiều khó khăn; mức xử phạt hành chính, hình sự còn thấp nên chưa phát huy được hiệu quả trong việc điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Ý thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT không khí còn chưa cao; tình trạng xả rác bừa bãi, đốt rơm rạ mùa thu hoạch vẫn xảy ra; Các chính sách tuyên truyền về pháp luật không khí còn nặng tính hình thức, chưa tạo ra các chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng.

4. Đề xuất một số giải pháp

Trước diễn biễn ô nhiễm môi trường không khí ngày càng phức tạp, cần thiết phải tăng cường những giải pháp giám sát, cảnh báo, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm không khí trong thời gian tới như:

Thứ nhất, rà soát, bổ sung các chính sách, kế hoạch về quản lý ÔNMTKK. Triển khai thực hiện tích cực Luật BVMT năm 2020 và các Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng không khí để kiểm soát ô nhiễm không khí hiệu quả trên địa bàn tỉnh, thành phố; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với chất lượng không khí xung quanh và khí thải tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải; lộ trình thay thế các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các phương tiện gây ô nhiễm môi trường bằng các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường.

Thứ ba, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cung cấp thông tin sai sự thật về ô nhiễm không khí.

Thứ tư, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản ...

Thứ năm, tăng mật độ cây xanh trong các đô thị: trồng thêm cây trên các đường phố, mở rộng các công viên; tăng các giải pháp sử dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp ở các vùng lân cận nhằm hạn chế việc đốt bỏ gây phát tán chất ô nhiễm và bụi.

Thứ sáu, tiếp tục duy trì và tăng cường phun nước và quét đường, kiểm tra chặt chẽ việc vệ sinh các phương tiện trước khi đi vào khu vực nội đô; xây dựng và thực thi chính sách kinh tế xanh, lối sống thân thiện với môi trường, khuyến khích kinh tế tuần hoàn hạn chế chất thải ra môi trường tại khu dân cư, gia đình;

Thứ bảy, đẩy mạnh các hình thức phổ biến thông tin cho cộng đồng về chất lượng môi trường không khí xung quanh đối với sức khoẻ của cộng đồng cũng như ảnh hưởng của nó tới chất lượng sống. Đồng thời, xây dựng các cơ chế cụ thể thu hút sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng trong các quá trình xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch và triển khai các biện pháp BVMT không khí.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo đề dẫn quản lý chất lượng các thành phần môi trường, nền tảng và mục tiêu của công tác kiểm soát ô nhiễm -Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường tạiHội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V.

2. Bộ TN&MT (2021). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.NXB Dân trí, Hà Nội.

3. Quyết định số 909/QĐ-TTgngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP.

4. Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của TTCP ban hànhĐề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.

5. Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT quy định về tiếng ồn và độ rung; Thông tư 41/2010/TT-BTNMT về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp; Thông tư 25/2009/TT-BTNMT về một số khí thải công nghiệp về bụi, chất vô cơ, hữu cơ, khí thải của sản xuất phân bón hóa học, sản xuất xi măng, sản xuất nhiệt điện.

6. Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số08/2022/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BVMT.

7. Quyết định số 1216/QĐ-TTg năm 2012 về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

8. Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khíđến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

9. Quyết định số 1973/QĐ-TTg năm 2021vềKế hoạch quốc gia về quản lý CLMTKK giai đoạn 2021 - 2025.

10. Quyết định số 450-QĐ-TTg-2022 về Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nguyễn Thị Thục
Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng
Nguồn: Tạp chí Môi trường

Tags chính sách quản lý ô nhiễm không khí

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục