Một số kinh nghiệm của Thành phố Đà Nẵng trong công tác bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2022 | 3:45:51 PM

Là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, hoạt động kinh tế - xã hội của Đà Nẵng những năm qua phát triển mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.

Trong phát triển đô thị nói chung, BVMT và xây dựng mục tiêu "Thành phố Môi trường” nói riêng, Đà Nẵng đã đạt được những danh hiệu nổi bật là "Một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực năm 2011” (ASEAN bình chọn); "Đô thị có không khí sạch và có hàm lượng cacbon phát thải thấp năm 2012” được Ban Tư vấn phát triển đô thị châu Á nhận định; "Đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh sạch đẹp năm 2013” do Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn; Là "Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018” do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bình chọn…

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng tất yếu phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, tình trạng suy giảm chất lượng môi trường ở một số địa bàn, lĩnh vực sẽ gia tăng, phát sinh những vấn đề, thách thức mới về môi trường. Công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường mặc dù đã với nhiều nỗ lực nhưng chưa theo kịp với quá trình phát triển. Bên cạnh đó, xu thế phát triển toàn cầu, tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh luôn nảy sinh, công tác quản lý đô thị nói chung và công tác quản lý môi trường nói riêng của thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn, các chỉ số cao hơn mới đáp ứng với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

1. Những kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế

Trong thời gian qua, công tác BVMT được cộng đồng dân cư, người dân thành phố thực sự quan tâm, tích cực tham gia, đồng hành. Người dân thành phố đồng thuận với mục tiêu xây dựng "Thành phố Môi trường”. Do đó, nhiều mô hình, các sáng kiến về BVMT được cộng đồng, khu dân cư, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện: ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng rừng, đóng góp nhà vệ sinh công cộng, tham gia dọn rác bãi biển, lô đất trống, tham gia giữ gìn khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học… Để đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT được thực hiện từ rất sớm với sự chủ động, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, lôi cuốn. Các phong trào BVMT trở nên thân thuộc, diễn ra rộng khắp như: "Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”; "Khu dân cư thân thiện môi trường”, "Mô hình Trường học Xanh”, Chuyên mục "Thành phố Môi trường”...

Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, phát triển KT-XH đã xem xét ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, cấp thiết về BVMT, phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH: Hoàn thiện hệ thống đê kè, nâng cấp các tuyến đường, khu vực xung yếu, tổ chức quy hoạch, tái định cư các khu vực xung yếu, sạt lở ven sông, ven biển, cải tạo các tuyến thu gom, thoát nước, xử lý nước thải, tập trung quản lý, xử lý các hồ, ao, kênh, mương bị ô nhiễm kéo dài (Phú lộc, Âu thuyền Thọ Quang). Cộng đồng, người dân được đáp ứng các điều kiện cơ bản về nước sạch, dịch vụ vệ sinh môi trường.

Công tác kiểm soát, tuân thủ môi trường đặc biệt được chú trọng. Thành Ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo sát sao, nhất là các trường hợp có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các Sở, ngành chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải, khí thải các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và các trạm xử lý nước thải; đã giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất nấu luyện, cán kéo thép tại CCN Thanh Vinh, xả thải không đúng quy định tại các KCN, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại và kiến nghị của cử tri; kiểm soát ô nhiễm bụi, tiếng ồn trên các tuyến đường; tăng cường chất lượng thẩm định, cấp phép và thu phí BVMT.

Thành phố luôn sẵn sàng các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, diễn tập, nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh, môi trường, tràn dầu… Chú trọng các giải pháp chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong các trường hợp trước, trong và sau thiên tai. Huy động hiệu quả doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Công tác quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản, hệ sinh thái đã từng bước kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý ở thành phố theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các bộ, ngành; bước đầu hoàn thành rà soát, điều tra cơ bản và lập quy hoạch các nguồn tài nguyên để quản lý, khai thác phù hợp; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác.

Đối với hợp tác quốc tế về môi trường, Thành phố chủ động tạo lập sự hợp tác, tiếp nhận sự hỗ trợ, đa dạng hóa nguồn vốn BVMT với sự hỗ trợ nguồn lực rất lớn (hàng trăm tỷ đồng). Riêng lĩnh vực môi trường, thành phố thiết lập hợp tác chặt chẽ với 03 chính quyền thành phố (Boras - Thụy Điển, Yokohama - Nhật Bản; Daegu - Hàn Quốc) và nhiều tổ chức tài chính - kỹ thuật trong khu vực và thế giới để hỗ trợ, giúp đỡ về công nghệ, nguồn lực về bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường nói riêng và phát triển đô thị nói chung. Trong giai đoạn 2021-2024, hiện nay đã huy động được hơn 70 tỷ đồng từ các hợp tác này.

Những kết quả đạt được của TP trong giai đoạn 2016-2021 được thể hiện qua các chỉ số cơ bản về BVMT:

Nhóm chỉ số về cung cấp nước sạch - xử lý nước thải: 100% dân số đô thị và hộ gia đình nông thôn ở Đà Nẵng được cung cấp nước sạch vệ sinh; Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường: đạt 88,2%; các trạm xử lý có công nghệ hiện đại, có khả năng tăng công suất; Tỷ lệ bệnh viện, trung tâm y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, đạt trên 90%; Tỷ lệ KCN, CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; nước thải công nghiệp xử lý đạt yêu cầu theo các quy chuẩn quy định.

Nhóm chỉ số về quản lý chất thải, kinh tế tuần hoàn: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn trong đô thị đạt trên 95%; 100% chất thải nguy hại và CTRSH đã được xử lý đáp ứng yêu cầu; bãi chôn lấp CTRSH đảm bảo quy chuẩn hợp vệ sinh; Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn đạt 80%/tổng số hộ gia đình.

Nhóm chỉ số về công tác quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học: Tổng diện tích rừng, đất quy hoạch phát triển rừng hơn 63 ngàn ha (2021); tỷ lệ che phủ rừng: 47,17% (2021); Tỷ lệ rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đạt 1,5% (và tăng hằng năm); không để xảy ra trường hợp rừng bị chặt phá; Hoàn thành bố trí (thành lập) diện tích đất của các khu bảo tồn thiên nhiên trên tổng diện tích đất quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Nhóm chỉ số về quản lý môi trường: 100% thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường (trên địa bàn) qua đường dây nóng năm 2021, được phối hợp xử lý; Tổng chi ngân sách từ nguồn kinh phí sự nghiệp BVMT là 1.079,657 tỷ đồng; chiếm 6,15% tổng chi ngân sách của địa phương năm 2021.

Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố nhận thấy những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như sau:

Công tác quản lý môi trường vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, bởi quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung còn bất cập, các KCN, CCN hoạt động chưa đảm bảo quy định về khoảng cách vệ sinh từ các cơ sở sản xuất với khu vực dân cư xung quanh. Việc thiếu khoảng cách cách ly đã gây tác động như: ô nhiễm mùi KCN DVTS Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm; ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất; các trạm trung chuyển rác quy mô nhỏ trong khu dân cư hay bãi rác Khánh Sơn,… Bên cạnh đó, các thủ tục đầu tư đối với các dự án liên quan đến môi trường, nhất là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn kéo dài, các quy định đầu tư gặp vướng mắc về trình tự, cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép,… Năm 2021, hàng loạt các quy định về đầu tư, xây dựng mới được ban hành, hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn chi tiết, trong khi đó năng lực chuyên môn về đầu tư, xây dựng của các sở chuyên ngành chưa đáp ứng kịp thời (cụ thể như hình thức đầu tư xã hội hoá hay đối tác công tư - PPP đối với các dự án về môi trường, xử lý chất thải, nước thải,…). Do đó, thành phố vẫn tiếp tục áp dụng giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh, chưa đáp ứng với yêu cầu của Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025.

Nguồn lực, năng lực quản lý môi trường ngày càng giảm đi so với nhu cầu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT theo luật định ngày càng gia tăng: Các công cụ quan trắc môi trường để dự báo và ngăn ngừa ô nhiễm hiện tại có đầu tư nhưng chưa đáp ứng, phần chính vẫn là trang thiết bị quan trắc thủ công, thụ động. Quan trắc môi trường tự động, ứng dụng công nghệ thông tin còn ở mức thấp. Nhân lực quản lý môi trường các cấp, ngành chưa tương ứng với sự phát triển đô thị và công tác quản lý chuyên ngành mới theo Luật BVMT năm 2020 (quản lý tổng hợp chất thải rắn, quản lý thoát nước, xử lý nước thải, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học, quản lý lưu vực sông liên tỉnh, liên ngành, quản lý môi trường đối với các di sản thiên nhiên,…).

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tái chế, tuần hoàn…ở cấp quốc gia còn thiếu. Nhu cầu công nghệ, nguồn vốn để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan là thực sự rất lớn và không ngừng phát triển (hệ thống thu gom, xử lý nước thải; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, hệ thống năng lượng tái tạo, giao thông xanh, toà nhà xanh, công nghiệp sinh thái,…), trong khi ngân sách chưa thể cân đối được, dẫn đến các chương trình, dự án thường chậm, không đồng bộ, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, cần sớm có những chính sách quốc gia như ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế, phí và rất cần có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan thì mới thực hiện được trong thực tế.

2. Một số bài học kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong công tác BVMT

Công tác chỉ đạo, điều hành

Hơn 12 năm trước, mục tiêu, các tiêu chí xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường đã trở thành những nội dung được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thành phố. Để phát triển thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương không đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu; từ chối các dự án lớn khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm, khuyến khích phát triển du lịch dịch vụ theo hướng sinh thái, ban hành nhiều chính sách để BVMT khu dân cư, hệ sinh thái,…Thành phố thiết lập sự cân đối giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, kết hợp BVMT với phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT được triển khai bằng nhiều nguồn lực, hình thức phong phú

UBND các cấp, sở, ngành đã cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT. Ban Tuyên giáo Thành ủy thông qua các hội nghị giao ban định kỳ về báo chí, giao ban ngành, lĩnh vực khoa giáo, hội nghị báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội…đã nắm bắt, định hướng cụ thể để tuyên truyền nhiều vấn đề về môi trường trên địa bàn, nhất là những vấn đề nổi cộm dư luận quan tâm, kịp thời tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố chỉ đạo xử lý; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo, định hướng báo đài thành phố đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các nội dung về BVMT. Qua đó thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo người dân thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh và đạt hiệu quả nhất định.

Xây dựng chính sách thực thi, tổ chức phân công, phân nhiệm nhằm triển khai thành công mục tiêu về môi trườngtheo từng thời kỳ

Đến nay, công tác quản lý môi trường, triển khai xây dựng thành phố môi trường đã đi vào nề nếp. Nhiều văn bản, chính sách về quản lý và BVMT của thành phố đã được ban hành, cập nhật các quy định về BVMT, quy hoạch về quản lý chất thải rắn, quản lý thoát nước và xử lý nước thải. Đồng thời, thành phố đã ban hành các kế hoạch tập trung để xử lý môi trường, cải thiện hệ thống thoát nước đô thị, quản lý chất thải, phân cấp quản lý môi trường theo chuyên ngành và theo địa bàn.

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý nhà nước về BVMT của thành phố cơ bản kịp thời. Sở Xây dựng thành phố đã tham mưu ban hành các quy hoạch chuyên ngành về cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn, triển khai kế hoạch quản lý, phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước. Sở Công Thương thực hiện các kế hoạch và giải pháp về tiết kiệm điện và năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và giảm thiểu khí thải ô nhiễm, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, phát triển các mô hình tiết kiệm năng lượng và tận dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng sạch, xây dựng dự án thí điểm toà nhà xanh,… Sở Du lịch đã thực hiện lồng ghép công tác BVMT vào các hoạt động kinh doanh du lịch; chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời đến các ban quản lý các khu vực du lịch nhằm kiểm soát tốt công tác BVMT trong hoạt động du lịch,.…

Bố trí tương ứng từ ngân sách thành phố, nghiên cứu khoa học; chủ độnghợp tác quốc tế về BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống rủi ro thiên tai

Tỷ lệ chi ngân sách về môi trường đạt trên 2% trong tổng chi ngân sách thành phố hàng năm. Các chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố được xây dựng và triển khai thực hiện theo từng giai đoạn. Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống rủi ro thiên tai luôn được lãnh đạo thành phố và các cấp, các ngành đẩy mạnh. Thành phố đã tham gia, tiếp nhận các dự án quốc tế hỗ trợ về công tác quản lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các bon thấp. Thành phố đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế để giới thiệu về Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, các vấn đề thách thức về phát triển đô thị nói chung và xử lý môi trường nói riêng.

3. Các đề xuất, kiến nghị trong công tác BVMT

Trong thời gian qua, với nhiều nỗ lực và sự chung tay, công tác BVMT đã được triển khai ở các cấp, ngành, nhiều biện pháp, giải pháp đã được thực hiện nhằm phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường. Luật BVMT năm 2020 mới có hiệu lực, việc thực thi còn nhiều khó khăn do thiếu các văn bản hướng dẫn, chính sách ở địa phương chưa ban hành kịp thời; cơ chế quản lý và phân định trách nhiệm ở một số lĩnh vực chưa rõ ràng... Trên cơ sở đó, với chức năng tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, Sở TN&MT xin có một số kiến nghị với Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan một số nội dung:

Luật BVMT năm 2020 có một số điểm mới đặc biệt quan trọng trong công tác BVMT, do đó, kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục chủ trì, tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi chuyên sâu theo các chuyên đề, đặc biệt trong các lĩnh vực mới về cấp phép môi trường, các quy định kỹ thuật trong xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường, quản lý chất thải rắn (phân loại rác tại nguồn), quản lý môi trường đối với các di sản thiên nhiên,…

Sớm xem xét hướng dẫn, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác: Quản lý chất thải rắn, Quản lý về di sản thiên nhiên, bộ máy tổ chức các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, Quản lý về đất ngập nước, công tác ứng phó với BĐKH, quan trắc tự động,.....

Sớm ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư về BVMT, nhất là hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải.

Cần rà soát, nghiên cứu, cải thiện trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án về môi trường, thúc đẩy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

Sớm tổ chức hướng dẫn, chuyển giao hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường ở cấp bộ, kết nối, chia sẻ với các địa phương.

Rà soát, đánh giá vai trò, bổ sung hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Quỹ BVMT cấp tỉnh, chức năng thành lập, từ đó hoàn thiện các văn bản pháp lý để Quỹ BVMT cấp tỉnh hoạt động ổn định, có hiệu quả (cần mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong BVMT).

Tăng cường đào tạo chuyên môn đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, chú trọng chuyển giao để khai thác, sử dụng các công cụ mô hình, phân tích, dự báo các kịch bản tác động môi trường từng ngành, lĩnh vực, khu vực, lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thành phố.

Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng
Nguồn: Tạp chí Môi trường

Tags kinh nghiệm Đà Nẵng bảo vệ môi trường

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục