Đề xuất mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại các xã ven biển tỉnh Thái Bình

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/8/2022 | 3:56:58 PM

Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, thuộc hạ lưu của đồng bằng châu thổ sông Hồng, có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Mạng lưới sông ngòi này đều ở cuối nguồn không chỉ tiếp nhận toàn bộ chất thải từ đồng ruộng, dân cư, đô thị của tỉnh mà còn tiếp nhận chất thải của các tỉnh từ thượng nguồn sông Hồng và sông Thái Bình gây ô nhiễm vùng ven biển cửa sông.

Bên cạnh đó, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng của địa phương đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể chất thải nhựa, gây áp lực không nhỏ lên môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Theo IUCN (2020), Thái Bình nằm trong khu vực được ước tính có lượng rác thải rò rỉ mỗi năm từ 1,9-9 tấn/km2/năm, trong đó lượng rác thải nhựa rò rỉ mỗi năm của tỉnh là 8%. Trong khi đó, công tác quản lý chất thải lại chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Vì vậy, việc xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại các xã ven biển của tỉnh Thái Bình là rất cần thiết, nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

1. Một số mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển

Trên thế giới

Tại Canađa, chương trình đóng góp hỗ trợ truy xuất và giải pháp nghề cá bền vững với vốn đầu tư 8,3 triệu đô la Canađa (từ năm 2020-2022) đã hỗ trợ ngăn chặn và thu hồi những ngư cụ bị loại bỏ, bị thất lạc hoặc ngư cụ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản không sử dụng. Điều này cũng sẽ hỗ trợ những người thu hoạch cá có được công nghệ thiết bị, dụng cụ mới để giảm hư hỏng. Ngoài ra, thông qua Thử thách đổi mới về nhựa, Chính phủ đang đầu tư gần 19 triệu đô la Canađa (13,5 triệu đô la Mỹ) để hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nghiệp nhỏ phát triển các giải pháp như giảm chất thải nhựa và sợi vi nhựa từ dệt may, tìm kiếm các giải pháp thay thế bền vững sang bao bì nhựa, phát triển ngư cụ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bền vững, và cải thiện khả năng phân hủy của nhựa sinh học.

Inđônêxia đã thực hiện một số nỗ lực để giảm sử dụng nhựa bằng cách áp thuế 200 Rupah (0,02 USD) đối với túi xách bằng nhựa sử dụng một lần. Chương trình túi xách nhựa trả tiền này đã được thí điểm vào năm 2016 theo thỏa thuận giữa Bộ Môi trường và Lâm nghiệp (KLHK), Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Quốc gia, Tổ chức Người tiêu dùng Inđônêxia (YLKI) và Hiệp hội Doanh nhân Bán lẻ Inđônêxia.

Chính phủ Inđônêxia cũng đã thông qua Kế hoạch hành động về rác thải nhựa trên biển giai đoạn 2017–2025 nhằm mục tiêu giảm 70% mảnh vụn nhựa trên biển vào năm 2025. Kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn rác thải biển tại nguồn, phối hợp giữa các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất thải và áp dụng công nghệ dựa trên khoa học để kiểm soát rác thải nhựa với trọng tâm năm trụ cột chính: cải thiện thay đổi hành vi; giảm rò rỉ nhựa từ đất liền; giảm rò rỉ từ biển; giảm sản xuất và sử dụng nhựa; tăng cường cơ chế tài trợ, cải cách chính sách và thực thi pháp luật.

Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến đánh dấu ngư cụ vào năm 2006, giúp xác định chủ sở hữu hoặc người sử dụng ngư cụ nhằm góp phần ngăn chặn rác thải đại dương liên quan đến các ngư cụ bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, Chương trình mua lại rác trên biển ở Hàn Quốc là một chương trình tạo động lực khuyến khích ngư dân mang dụng cụ đánh cá bỏ đi và rác thải trên biển về cảng. Chương trình sẽ trả một khoản tiền nhỏ cho rác thải mang về. Từ khi bắt đầu vào năm 2003 đến năm 2009, Chương trình đã được thực hiện ở 51 địa phương thuộc 38 thành phố ở Hàn Quốc. Các bên đã hỗ trợ thực hiện Chương trình mua lại này bao gồm Bộ Hàng hải, các cấp địa phương, liên đoàn hợp tác nghề cá và bản thân ngư dân.

Đài Loan: Các hoạt động làm sạch bờ biển Đài Loan được thực hiện thông qua các dự án làm sạch môi trường ven biển ở một số khu vực kể từ năm 1997 với mục tiêu giữ cho môi trường ven biển thật gọn gàng, đặc biệt là các khu vực đông dân cư, bằng cách tiến hành các hoạt động làm sạch thường xuyên và thiết lập các phương tiện thu gom, tiếp nhận rác thường xuyên. Các quy định quản lý việc xử lý rác thải trên biển được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật cảng cá có quy định cấm xả rác vào các khu vực bến cảng; Luật thương mại cảng có quy định việc xả thải tại các khu vực tiếp nhận tại cảng; Luật kiểm soát ô nhiễm biển, được xây dựng theo quy định của Công ước MARPOL 73/78 và Công ước London, quy định rằng chất thải sẽ được lưu lại trên tàu hoặc được thải vào các cơ sở tiếp nhận, trừ khi áp dụng các điều kiện cụ thể để xả thải hợp pháp.

Tại một số tỉnh/thành ở Việt Nam

Hải Phòng đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, bước đầu đạt hiệu quả tốt như: chợ Cát Bà nói không với túi nilon khó phân hủy; khách sạn nói không với sản phẩm nhựa một lần; Trường học không sử dụng túi nilon khó phân hủy, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; Mô hình "Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động từ tháng 3/2019; Mô hình "Xã đảo không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phầm nhựa dùng một lần” tại xã Việt Hải. Mô hình Ngôi nhà xanh chống rác thải nhựa cũng là mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa do Quận đoàn Hải An triển khai thí điểm tại phường Đông Hải 1 phát huy sự hiệu quả suốt thời gian qua.

Sở Du lịch Hải Phòng cũng phối hợp với Tập đoàn Central Retail tổ chức trao tặng 5 thùng rác hình "Cá voi ăn rác thải nhựa” tại bãi biển Đồ Sơn. Mỗi thùng rác có thể chứa 4 - 5 tạ vỏ chai nhựa, được đặt tại bãi biển khu II, bãi biển đoàn 295 và đảo Hòn Dấu. Tại đảo Cát Bà, việc thu gom rác trên vịnh được thực hiện bởi Ban Quản lý vịnh Cát Bà. Hàng ngày, có tàu đi thu gom rác tại các bè nuôi trồng thủy sản, nhà hàng nổi, tàu du lịch và vớt rác trôi nổi trên vịnh. Rác thu gom trên vịnh được chuyển lên bờ và vận chuyển về khu xử lý.

Quảng Ninh đã thực hiện phân loại rác tại nguồn trên tất cả các điểm tham quan vịnh Hạ Long nhằm giảm tải ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và tiết kiệm chi phí thu gom, xử lý. Ban Quản lý cũng triển khai lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh Hạ Long (10 thùng) tại các khu vực tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh, nơi tàu thuyền thường xuyên neo đậu để người dân trên vịnh có điểm tập kết rác trước khi vận chuyển lên bờ. Ban Quản lý vịnh cũng đôn đốc các tổ chức, cá nhân thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên vịnh Hạ Long bằng các vật liệu nổi bền vững khác nhằm giảm thiểu rác thải xốp trôi nổi trên vịnh. Tỷ lệ thay thế phao xốp năm 2019 trên vịnh Hạ Long đạt 91,7%, năm 2020 đạt trên 94%.

Đảo Cô Tô đã triển khai Đề án "Hạn chế việc sử dụng túi nilon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017-2020”. Các chủ tàu thuyền, các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh, chợ... được vận động mua các đồ dùng, như làn nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông. Du khách tại bến tàu Cái Rồng sẽ nhận túi giấy, túi ni lông thân thiện môi trường miễn phí trước khi ra đảo Cô Tô. Với sự chung tay của nhiều nguồn lực, người dân và du khách Cô Tô từng bước thay đổi tư duy, bỏ thói quen dùng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn...

Tại Quảng Ngãi, mô hình Làng không rác được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh) là một ngôi làng nhỏ ven biển có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt. Mô hình "Làng không rác” được triển khai bao gồm hoạt động phân loại rác tại nguồn (69 hộ dân của làng sẽ được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn). Đối với hợp phần làm phân compost (phân hữu cơ), Dự án trang bị thiết bị và giúp người dân biết cách ủ rác hữu cơ thải ra hàng ngày để thành phân hữu cơ dùng cải tạo đất, hoặc bón cho cây trồng.

Mô hình "giỏ nhựa đi chợ” do Hội liên hiệp phụ nữ các xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi triển khai từ 3 năm gần đây đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Mô hình nhằm vận động hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh việc dùng giỏ nhựa, nhiều hội viên phụ nữ còn dùng hộp nhựa để đựng thức ăn, dùng lá chuối để gói thực phẩm thay vì dùng túi nilon. Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình, việc sử dụng giỏ nhựa đi chợ đã trở thành thói quen "mới” của hội viên phụ nữ ở một số địa phương.

Qua rà soát một số mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại một số quốc gia trên thế giới và các tỉnh/thành của Việt Nam, có thể thấy, việc xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển phải phù hợp với thực tế phân loại, thu gom rác thải tại địa phương (cấp xã, huyện) và phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thu gom, phân loại; thực tế xử lý chất thải trên địa bàn xã, huyện; năng lực (nhân lực và nguồn lực tài chính) của địa phương. Để mô hình kiểm soát đi vào hoạt động trong thực tế, cần có sự phối hợp tham gia của các cấp chính quyền tại địa phương (huyện, xã), có sự tham gia của tổ, đội thu gom và nhận được sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia các hoạt động đồng quản lý rác thải của người dân. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, chung tay phòng chống và giảm thiểu rác thải nhựa; vận động người dân tích cực phân loại rác tại hộ gia đình; thực hiện các biện pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông khó phân hủy; thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng các vật liệu hữu cơ thân thiện môi trường trong việc mua bán sản phẩm, hàng hoá trong đời sống hàng ngày.

2. Đề xuất mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại các xã ven biển tỉnh Thái Bình

Rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn tỉnh Thái Bình khoảng 950 - 1.045 tấn/ngày, trong đó thành phần nhựa chiếm 8-12% và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Quá trình thu gom rác thải nhựa tại các bãi biển Thái Bình cho thấy rác thải phổ biến nhất là các loại bao bì nhựa và túi nilon. Khu vực ven bờ biển có thể bắt gặp đủ các loại chất thải nhựa từ các nguồn thải: sinh hoạt, du lịch, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải trên biển… Trong các loại chất thải trên, có nhiều loại khó phân hủy như túi nilon, ống hút, chai nhựa, hộp xốp… trôi nổi nhiều ngày trên biển, gây hủy hoại môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Trước thực trạng đó, tỉnh Thái Bình đã chủ động ban hành các văn bản chính sách về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, hạn chế; rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, người dân, các chủ nguồn thải vẫn duy trì thói quen cố hữu bỏ rác không theo thời gian, địa điểm quy định, tỷ lệ tái chế rác thải còn thấp... Do vậy, mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện qua mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã được đề xuất. Tổ chức bộ máy cho hoạt động mô hình kiểm soát rác thải biển bao gồm các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh, huyện, xã, huy động sự tham gia, giám sát của các tổ chức đoàn thể. Trong mô hình này, UBND xã đóng vai trò hạt nhân, là cấp quản lý trực tiếp vận hành mô hình với việc ban hành Quy chế hoạt động của mô hình trong đó phân định rõ thẩm quyền của xã, thôn, các tổ chức đoàn thể và các tổ thu gom, vận chuyển rác thải quản lý theo địa bàn từng thôn và từng tuyến đường tự quản, quy định rõ trách nhiệm thực hiện của người dân, chủ nguồn thải nhằm quản lý tốt việc phân loại, đổ rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã. Thông qua việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn vừa giúp giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ra biển, ra môi trường, vừa tận thu được giá trị của những rác thải có thể tái chế, tái sử dụng, trong đó có rác thải nhựa. Quy chế cũng quy định rõ cách thức phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, cụ thể như:

Cách thức phân loại rác thải sinh hoạt: Quy chế hoạt động của mô hình đã quy định cụ thể cách thức phân loại rác thải sinh hoạt căn cứ theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và thực tiễn địa phương thành 3 nhóm chất thải khác nhau:Rác thải có thể tái sử dụng, tái chế; Rác thải thực phẩm; Rác thải sinh hoạt khác (rác thải dễ cháy, rác thải không cháy được, rác thải nguy hại và rác thải cồng kềnh).

Cách thức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt: Quy chế cũng quy định rõ cách thức, thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các nguồn phát sinh khác nhau. Đối với rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình/các hộ nuôi trồng thủy sản, sau khi được phân loại tại nguồn được chứa trong các bao bì riêng biệt và mang ra nơi tập kết theo địa điểm, ngày giờ quy định. Đối với rác thải sinh hoạt từ các tàu khai thác, đánh bắt thủy sản, cũng được phân loại, sau mỗi ngày hoạt động trên biển, các chủ tàu sẽ đổ các loại chất thải vào các thùng chất thải tương ứng đặt trên bến cảng. Tổ thu gom rác thải của thôn sẽ đến thu gom rác thải theo thời gian quy định và đưa đến khu xử lý chất thải của xã. Quy chế yêu cầu rác thải phải được đặt đúng nơi quy định, không được vứt rác bừa bãi ra môi trường, không được đổ chất thải xuống biển.

Do nhân lực và kinh phí thu gom hạn chế nên tần suất thu gom rác thải sinh hoạt chỉ 2-3 lần/tuần, theo đó, các loại rác thải phải thu gom ghép vào cùng thời gian thu gom, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo rác thải được đựng riêng biệt trong túi với nhãn/ghi rõ loại rác thải trên túi để tổ thu gom dễ dàng phân biệt từng loại rác thải, vận chuyển đưa đến khu vực xử lý phù hợp (chôn lấp, đốt hay nơi lưu trữ rác thải khác tại khu xử lý rác thải của xã).

Để mô hình được triển khai thuận lợi và hiệu quả, mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại các xã cũng cần triển khai các hoạt động:

- Hỗ trợ các thiết bị phân loại, thu gom rác thải. Trong khuôn khổ mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển thử nghiệm tại xã Thụy Hải và Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, các hộ gia đình được hỗ trợ làn nhựa, túi vải; các tàu đánh bắt, các khu vực công cộng đã được hỗ trợ các thùng rác phân loại tại nguồn; các địa điểm du lịch được hỗ trợ lồng thu gom rác mô phỏng biểu tượng cá ăn rác.

- Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các hội thảo, đài truyền thanh của xã, các tổ chức đoàn thể trong xã, các nhóm tình nguyện viên,… về: (i) tác hại của sản phẩm nhựa đối với sức khỏe và môi trường nói chung và tác hại của túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần nói riêng (bao gồm túi nilon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm và bộ đồ ăn từ nhựa...); (ii) sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần như sử dụng các loại ống hút tre, gỗ, inox, bình thủy tinh, bình giữ nhiệt, các loại túi, làn dùng nhiều lần, sử dụng các loại lá cây bọc thực phẩm thay cho túi nilon khó phân hủy…

- Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân; các tổ, đội thu gom tham gia các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa cũng như áp dụng các biện pháp giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tái chế chất thải tham gia nhằm tăng cường hoạt động tái chế chất thải nhựa.

Kết quả thử nghiệm mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển tại xã Thụy Hải và Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của chất thải nhựa, các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa, về phân loại rác thải tại nguồn qua đó giúp tăng cường hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn hai xã, đồng thời cũng góp phần giúp hai xã đạt mục tiêu về chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian tới, cần hoàn thiện, nhân rộng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển, đồng thời tiếp tục triển khai kết hợp những giải pháp về chính sách, công nghệ, tài chính và truyền thông.

Tài liệu tham khảo

1. Peter J. Kershaw, 2016, Marine Plastic Debris and Microplastic.

2. The Government of the Republic of Indonesia,2017, Indonesia’s National Plan of Action on Marine Plastic Debris 2017-2025 – Executive Summary, http://www.indonesianwaste.org/en/indonesias-national-plan-of-action-on-marineplastic-debris-2017-2015-executive-summary-2/

3. Langenheim. J, 2017, Indonesia pledges 1 billion USD a year to curb ocean waste, the Guardian, https://www.theguardian.com/environment/the-coral-triangle/2017/mar/02/indonesia-pledges-us1-billion-a-year-to-curb-ocean-waste

4. Carey Morishige, 2010, Marine debris prevention project and activities in the republic of Korea and United States .

5. IUCN, 2020, Hướng dẫn quốc gia về xác định điểm nóng ô nhiễm nhựa và xây dựng hành động, Báo cáo cuối cùng cho Việt Nam.

6. Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình, 2021, Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020.

7. Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình, 2020, Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và đề xuất các giải pháp quản lý.

ThS. Dương Thị Phương Anh
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh
ThS. Hoàng Thị Hiền
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục