Quản lý khu du lịch gắn với bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2022 | 3:35:17 PM

Việc quy hoạch và đầu tư tại một số khu du lịch (KDL) đã ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc môi trường tại địa phương có thể kể đến như độ cao công trình không phù hợp, kiến trúc ngoại quan khác với cảnh quan địa phương, tình trạng bê tông hóa tại các KDL...

KDL đặc biệt là các khu du lịch quốc gia (KDLQG) có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung cũng như sự phát triển của kinh tế địa phương nói riêng, bởi đây là những điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch (TNDL) phong phú, đa dạng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Theo quy hoạch phát triển du lịch (PTDL) đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 xác định Việt Nam có 47 KDLQG. Tuy nhiên, một vấn đề nan giải đặt ra đối với nhiều KDL tại Việt Nam hiện nay là vấn nạn ô nhiễm môi trường gia tăng do sự sự phát triển du lịch một cách ồ ạt và không thống nhất trong việc quy hoạch cũng như quản lý. Trong điều kiện du lịch đang phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, công tác quản lý KDL gắn với BVMT càng cần được chú trọng hơn bao giờ hết, bởi nếu không có những chính sách, quy hoạch và quản lý tốt gắn với BVMT thì các KDL sẽ không còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. PTDL theo hướng tăng trưởng xanh (TTX) tại các KDL có vai trò vô cùng quan trọng nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu do PTDL "nóng” tại một số KDL, KDLQG, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái nguồn TNDL.

Quản lý khu du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Ảnh minh hoạ

1. Môi trường và vai trò của môi trường trong sự phát triển của các KDL

Môi trường có thể hiểu là những thứ xung quanh chúng ta. Từ "Environment” có nguồn gốc từ động từ "Environner”, có nghĩa là hành động bao quanh. Theo Boyer.L, Guille.M (2016, trang 210): "Môi trường được tạo thành cùng một lúc từ tất cả hoặc các bộ phận của hệ sinh thái và nhân văn. Nó là một hệ thống phức tạp, có tổ chức, năng động và phát triển. Các yếu tố tự nhiên (vât lý, hóa học, sinh học) và nhân văn (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa) hoạt động ở đó, sinh vật sống hoạt động ở đó và hoạt động của con người diễn ra ở đó”. Theo các tác giả này, con người chịu ảnh hưởng của sáu môi trường xung quanh gồm: xã hội, chính trị - pháp luật, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự nhiên và cuối cùng là môi trường địa lý. Trong sáu môi trường này, môi trường tự nhiên có vai trò rất quan trọng không chỉ với sự tồn tại con người mà ngày nay còn liên quan đến sự phát triển của du lịch, ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng tại một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển.

Khái niệm môi trường tự nhiên thường được gọi tắt là "môi trường” rất được quan tâm trong những năm nửa sau thế kỷ 20, thời điểm của cách mạng công nghiệp và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong một số lĩnh vực bao gồm cả du lịch. Tiêu chuẩn ISO 14001:2004 định nghĩa môi trường tự nhiên "là môi trường mà sinh vật hoạt động, bao gồm không khí, nước, đất, tài nguyên thiên nhiên, thực vật, động vật, con người và các mối quan hệ qua lại của chúng”[2]. Tại Việt Nam, khái niệm môi trường cũng được quy định trong Luật BVMT năm 2020 như sau: "Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên"[7]. Từ các khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu rằng, con người và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau và không thể tách rời. "Môi trường tác động trở lại con người một các trực tiếp hoặc gián tiếp, ngay lập tức hoặc lâu dài, tại một thời điểm nhất định và trong một khu vực địa lý xác định”[1].

Trong lĩnh vực du lịch, môi trường đóng một vai trò rất quan trọng. Các TNDL từ thiên nhiên như núi, rừng, biển, hệ sinh thái động thực vật… được coi là những điểm mạnh của nền kinh tế du lịch và là điểm sức thu hút khách du lịch. Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE, KDL được định nghĩa «là một khu vực địa lý hấp dẫn để PTDL, được công nhận bởi sự phong phú về môi trường và di sản của nó". Tại Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 Điều 3 mục 6, KDL là «khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch”. Có thể hiểu, KDL là một điểm đến du lịch - một sản phẩm du lịch [6] có tính hấp dẫn mà ở đó môi trường tự nhiên đóng một vai trò chính yếu tạo nên sức hấp dẫn lớn và nhu cầu thăm quan của của khách du lịch.

2. Thực trạng quản lý du lịch gắn với BVMT tại các KDL Việt Nam

2.1. Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển KDL

Tại Việt Nam, KDL được chia ra thành KDL địa phương và KDLQG tại Chương 4, Điều 26 Luật Du lịch năm 2017. Về cơ bản, cả hai đều phải có TNDL hấp dẫn, có quy hoạch phát triển được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, có mặt bằng, không gian đáp ứng yêu cầu hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, giải trí trong KDL và có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch và dịch vụ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Sự khác nhau giữa hai địa điểm trên là về sự hấp dẫn đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, diện tích (đối với KDL địa phương phải đạt tối thiểu 200ha và KDLQG là 1.000 ha [3]) và số lượng lượt khách phục vụ trên một năm (100.000 lượt khách một năm đối với KDL và 1.000.000 lượt đối với KDLQG [3]).

Nhờ vào nguồn TNDL hấp dẫn và khả năng đáp ứng được nhu cầu thăm quan và nghỉ nghơi của khách du lịch, có đóng góp quan trọng trong quy hoạch PTDL Việt Nam tại quy mô địa phương cũng như quốc gia nên các KDL/KDLQG được các tỉnh/thành phố quan tâm và tăng nhanh về số lượng về quy mô quản lý thuộc nhà nước cũng như tư nhân. Nếu năm 2000, trên phạm vi cả nước mới chỉ có 6 KDL ở 5 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (TW) thì đến năm 2007 đã có 17 KDL đã và đang hình thành ở 15 tỉnh[3]. Báo cáo tại Hội thảo "Mô hình quản lý KDLQG” ngày 24/10/2020 đã nêu, có 22 địa điểm lập quy hoạch phát triển thành KDLQG được phê duyệt, trong đó có sáu địa điểm được công nhận KDL quốc gia gồm: Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sapa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận), Đền Hùng (Phú Thọ). Về chất lượng, nhiều KDL được du khách quốc tế biết đến và yêu thích như bởi du khách trong và ngoài nước như: KDL quốc gia Hạ Long - Cát Bà, KDLQG Tràng An, KDLQG Phong Nha - Kẻ Bàng, KDL phố cổ Hội An... Các KDL này được đánh giá cao về TNDL hấp dẫn cũng như cơ sở giao thông cũng như cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật. Việc quy hoạch và đầu tư tại các KDL trong cả nước góp phần lớn thay đổi diện mạo các KDL phục vụ nhu cầu của du khách với quy mô lớn.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng quá tập trung vào lợi ích kinh tế, cách quản lý thiếu nhất quán và thiếu mô hình quản lý chung đã tạo ra những khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển KDL/KDLQG. Điều này dẫn đến cảnh quan du lịch - yếu tố chính tạo nên giá trị của KDL không được tôn trọng. Theo phân tích của PGS.TS Lê Anh Tuấn - Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL trên Tạp chí Du lịch tháng 7/2017, việc quy hoạch và đầu tư tại một số KDL đã ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc môi trường tại địa phương có thể kể đến như độ cao công trình không phù hợp, kiến trúc ngoại quan khác với cảnh quan địa phương, tình trạng bê tông hóa tại các KDL...Tóm lại, việc trang bị các thiết bị và cơ sở hạ tầng hiện đại liên quan đến KDL thường dẫn đến sự không hài hòa với cảnh quan hoặc xuống cấp các KDL.

2.2. Công tác đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch

TNDL là yếu tố chủ đạo tạo thành các KDL. Tuy nhiên, hiện nay công tác đầu tư, khai thác và bảo vệ TNDL còn nhiều hạn chế. Đối với các cơ quan trực tiếp quản lý KDL, nhà đầu tư tư nhân chưa có chính sách cụ thể hay những đánh giá tác động môi trường chưa đúng mức, thậm chí xem nhẹ dẫn đến TNDL tại KDL bị tổn hại và xuống cấp một cách nghiêm trọng. Không chỉ ở khía cạnh về cơ quan quản lý, ý thức và hành vi của khách du lịch cũng là nguyên nhân dẫn đến cảnh quan, TNDL bị xâm hại.

2.3. Công tác BVMT trong KDL

BVMT có thể hiểu là việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế hoặc loại bỏ tác động tiêu cực của các hoạt động của con người đối với môi trường tự nhiên. Trên thế giới, có thể kể đến nhiều Hội nghị lớn liên quan đến BVMT như Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người năm 1972, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất lần thứ nhất năm 1992 tại Rio với Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Chương trình Nghị sự 21, Nghị định thư Tokyo 1997, hay Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu năm 2015… Tại Việt Nam, mục 2 Điều 3 Luật BVMT năm 2020 định nghĩa "Hoạt động BVMT là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Cũng trong Luật này, tại khoản 2 Điều 59 và Chương 5, mục 4 Điều 66 liên quan đến hoạt động BVMT trong hoạt động, văn hóa, thể thao và du lịch quy định rõ hoạt động BVMT tại các KDL với nội dụng cụ thể như sau: "1)Bố trí nhân lực trong việc thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý có đội ngũ kiểm tra, giám sát; xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Ban hành quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, BVMT nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý; 2) Cá nhân đến KDL điểm du lịch phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: a) Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, BVMT; b) Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa; c) Giữ gìn vệ sinh công cộng; d) Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật”. Tuy nhiên, thực trạng thực hiện công tác BVMT tại một số KDL còn bị xem nhẹ dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ, tái ô nhiễm hay ô nhiễm trắng tại các KDL. Nguyên nhân đầu tiên là từ công tác quản lý của các KDL chưa thực sự quan tâm đến việc thu dọn rác thải đến từ các hoạt động kinh doanh du lịch tại các KDL[10], các hạng mục công trình liên quan đến BVMT[10] hoặc lượng nhân công dọn dẹp môi trường bị cắt xén đặc biệt nhiều KDL chưa có hệ thống xử lý nước thải[10] đặc biệt, là tại các khu du lịch biển (KDLB). Tại phần lớn các KDLB, tình trạng ô nhiễm trắng gia tăng một cách báo động ở Việt Nam. Lượng khách du lịch tại các KDLB thường chiếm tỉ trọng lớn, lượng khách du lịch tăng lên nhanh chóng trong khi đó số lượng xử lý chỉ đạt khoảng 70-80%, thậm chí còn ít hơn tại các mùa cao điểm. Hiện nay, các KDLB như Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Phú Quốc...đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Bên cạnh công tác quản lý tại các KDL, ý thức BVMT công cộng và tại các KDL của khách du lịch còn chưa cao. Hành động xả thải còn phổ biến mặc dù các KDL đã bố trí dụng cụ hay thùng rác tại chỗ. Công tác chế tải, mức phạt đối với các qui hành vi xả thải, không tôn trọng môi trường công cộng còn chưa cụ thể, chưa đủ mạnh để răn đe với những trường hợp sai phạm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến TNDL cũng như BVMT tại các KDL.

3. Phát triển du lịch theo hướng TTX tại các KDL

TTX hiện đang được coi là trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhiều tổ chức, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về TTX nhưng nội hàm chính của TTX vẫn được thể hiện ở ba tiêu chí chính cụ thể: Phát triển kinh tế ổn định, cải thiện đời sống con người - xã hội lấy con người làm trung tâm và giảm thiểu những rủi ro về môi trường sinh thái. Theo Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Quang Đăng và nhóm tác giả, TTX chính là phương thức, cách thức để hình thành nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững (Phát triển du lịch Việt Nam theo hướng TTX, 2021, trang 23).

Khái niệm TTX đang được nghiên cứu rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có du lịch. Là một ngành kinh tế mang tính tổng hợp mang tính liên ngành, du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên thế giới và là ngành kinh tế chủ đạo tại một số quốc gia, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, du lịch cũng để lại những tổn hại nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, phát triển du lịch (PTDL) theo hướng TTX được coi là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của ngành du lịch trong hiện tại hướng tới phát triển bền vững du lịch trong tương lai. PTDL theo hướng TTX có thể hiểu là phát triển kinh tế du lịch ổn định gắn với BVMT. "PTDL theo hướng TTX là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” hay "Là mô hình, phương thức, cách thức phát triển du lịch trên cơ sở xanh hóa các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững” (Nguyễn Anh Tuấn, Lê Quang Đăng và đồng tác giả, 2021, trang 37).

Từ định nghĩa nêu trên, có thể thấy, PTDL theo hướng TTX là điều cần thiết tại các KDL và hoạt động quản lý KDL gắn với BVMT cần được xây dựng từ ba nhóm giải pháp chính gồm: quản lý xanh, kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh. Ba nhóm giải pháp này sẽ tập trung vào ba nguồn tác nhân chính liên quan đến KDL và quản lý KDL gồm: Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và KDL; Cơ quan và cá nhân trực tiếp quản lý KDL;  Khách du lịch.

Một là quản lý theo hướng phát triển xanh: Ở cấp độ này, nhân tố chính cần tập trung là Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và KDL. Quản lý du lịch xanh có thể hiểu "Là các hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các điểm đến, khu du lịch, điểm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch du lịch trong việc thực hiện phát triển du lịch theo hướng TTX và các yêu cầu phát triển bền vững”[4]. Theo Nguyễn Văn Lưu (Bài giảng Chính sách và Quy hoạch du lịch, 2022, trang 105) nêu rõ sự PTDL bền vững theo hướng TTX phụ thuộc rất lớn vào sự quản lý của nhà nước về du lịch và liên quan đến du lịch có hiệu lực và tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch. Chính vì vậy, nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và KDL cần: 1) Đề xuất, tiến hành nghiên cứu về một cơ quan nhà nước chuyên trách về quản lý về môi trường du lịch. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm đánh giá, kiểm soát toàn diện, khai thác hợp lý đảm bảo tài nguyên du lịch cũng như đề xuất phương án giảm thiệu hậu quả về môi trường tại các KDL; 2) Ban hành các chính sách liên quan cũng như hành lang pháp lý đến PTDL theo hướng TTX tại các văn bản nhà nước như: Luật Du lịch hoặc các luật quy định gián tiếp khác như Luật BVMT, đồng thời cũng quy định như chế tài đối với các hành vi vi phạm đến công tác BVMT hay xả thải tại các KDL; 3) Chú trọng công tác quy hoạch và đầu tư phát triển các KDL nhất quán theo hướng đầu tư xanh, bảo vệ TNDL, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và những dự án đầu tư phải có cam kết đánh giá tác động của môi trường; 4) Đẩy mạnh thường xuyên công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư cũng như công tác BVMT tại các KDL; 5) Nghiên cứu xây dựng tiêu chí và mô hình nhất quán về KDL xanh, các KDL đạt tiêu chuẩn KDL Bông sen xanh dựa trên sáng kiến về chương trình "Nhãn hiệu Bông sen xanh đã áp dụng cho hệ thống khách sạn tại Việt Nam; 6) Có chính sách khuyến khích các KDL thuộc quản lý nhà nước hay tư nhân thực hiện phân loại, tái chế rác thải, chính sách "zero waste- không rác thải” ví dụ như biến rác thải thành nguồn dinh dưỡng trực tiếp cho cây xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại các KDL.

Hai là kinh doanh theo hướng phát triển xanh: Cấp độ này tập trung chính tại các tổ chức và chủ nhân quản lý KDL như các Ban quản lý các KDL, các tập thể, hộ gia đình quản lý các KDL và cộng đồng dân cư. Các chủ thể quản lý KDL này cần: 1) Kiểm soát về quy mô sức chứa và giới hạn lượng khách nhất định tại KDL để tránh tình trạng quá tải của điểm đến cũng như ảnh hưởng đến nguồn TNDL và môi trường tự nhiên tại KDL; 2) Khuyến khích phát triển những sản phẩm du lịch xanh tại các KDL, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tái chế rác thải tại KDL; 3) Tăng cường nguồn nhân lực tại KDL ưu tiên nhân lực tại cộng đồng địa phương đồng thời đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tại KDL về BVMT, bảo vệ nguồn TNDL tại các KDL; 4) Cần dự chi, trích nguồn ngân sách hàng năm dành của KDL cho việc cải tạo môi trường hoặc trùng tu lại các TNDL; 5) Tăng cường công tác quản lý, áp dụng chế tài xử phạt đối với đơn vị kinh doanh hoặc khách du lịch có hành vi xả thải, làm ảnh hưởng đến nguồn TNDL và hệ sinh thái tại KDL; 6) Xây dựng hệ thống biển báo chỉ dẫn, cung cấp, lồng ghép thông tin cũng như hành động BVMT trong các tờ rơi, biển báo tại các biển chỉ dẫn tại KDL.

Ba là tiêu dùng xanh: Tiêu dùng xanh là:"hành vi của khách du lịch trong quá trình lựa chọn, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh, thân thiện với môi trường, không gây hại sức khỏe và không đe dọa hệ sinh thái”[4]. Ở cấp độ này tác nhân chính là khách hàng du lịch. Khách hàng du lịch cần chọn lựa các KDL tuân thủ các nguyên tắc BVMT đồng thời cần tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc ứng xử liên quan đến BVMT tại nơi công công cũng như tại các KDL. Để đạt được điều này về phía các cơ quan nhà nước cần tiến hành và tăng cường chính sách về công tác truyền thông, vận động, giáo dục các tổ chức, nhà trường, cộng đồng địa phương, tập thể, cá nhân nhằm nâng cao ý thức về BVMT, nhận thức được giá trị thực sự của TNDL và bảo vệ TNDL. Về phía cơ quan và cá nhân quản lý trực tiếp KDL cần phối hợp với cơ quan địa phương phát động phong trào, tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh, người dân bên cạnh đó có thể đề xuất chương trình - Đại sứ xanh KDL.

BVMT nói chung và BVMT tại các Khu Du lịch hiện nay là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách nhằm thực hiện phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch Việt Nam phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện điều này cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ không chỉ của ngành du lịch mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời không chỉ thực hiện trước mắt mà là cả lâu dài.

Tài liệu tham khảo

[1] Boyer.L, Guille.M (2006), L’environnement: Comprendre et gérer, Éditions EMS.

[2] Renaud.A, (2015), Management et contrôle de gestion environnemetale, p.16.

[3] Nguyễn Minh Tuệ (chủ biên) (2021), Địa lý du lịch- cơ sở lí luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, trang 142-144.

[4] Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Quang Đăng (2022), Phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng tưởng xanh, Nxb Đại học Quốc gia, HN.

[5] Nguyễn Văn Lưu (2022), Bài giảng Chính sách và quy hoạch du lịch

[6] Dương Thị Hồng Nhung (2021), Luận án tiến sĩ kinh tế-Chính sách phát triển các khu du lịch quốc gia thuộc vùng du lịch Đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Đông Bắc Việt Nam.

[7] Luật BVMT số 72/2020/QH14, ban hành ngày 17/11/2020.

[8] Luật du lịch- Luật số: 09/2017/QH14

[9] Nghị định số 30/2022/NĐ-CP Nghị định Quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, ban hành ngày 19 tháng 5 năm 2022

[10] Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du Lịch- Tổng cục Du lịch, môi trường du lịch Việt Nam, (2017), Bàn về môi trường các khu, điểm du lịch, https://moitruongdulich.vn/index.php/item/11894 (xem ngày 16/6/2022)

[11] Tạp chí du lịch (2020), Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tại Ninh Bình, http://vtr.org.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ve-moi-truong-tai-ninh-binh.html, (xem ngày 19/6/2022)

[12] Báo Thanh Hóa (2021), Công nhận các "khu du lịch”, "điểm du lịch” Tạo cơ sở để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, https://baothanhhoa.vn/du-lich/cong-nhan-cac-khu-du-lich-diem-du-lich-tao-co-so-de-khai-thac-hieu-qua-tai-nguyen-dulich/136894.htm (xem ngày19/6/2022).

GS.TS Nguyễn Văn Đính
Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Th.S Nguyễn Thị Thu Hà
Trường Đại học Thủy lợi
Nguồn: Tạp chí Môi trường

Tags khu du lịch bảo vệ môi trường môi trường

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục