Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT từ tác động của các khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/6/2022 | 4:35:01 PM

Ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Bài viết phân tích thực trạng các khu công nghiệp, công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Thái Nguyên và một số vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường từ tác động của các khu công nghiệp ở Thái Nguyên thời gian qua; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tác động môi trường từ các khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT từ tác động của các khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên
Một góc khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: thainguyen.gov.vn

Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030 là "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Bảo vệ môi trường (BVMT) đã trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

1. Thực trạng các khu công nghiệp và công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là một tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Trong xây dựng nhiệm vụ và mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, xác định: "Phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: sẽ quy hoạch khu vực trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh là vùng đô thị hóa, công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời, trong thời kỳ từ năm 2021-2030, định hướng đến năm 2050 cũng phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, chủ yếu nằm trên địa bàn phía Nam.

Tính đến tháng 5-2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 06 KCN; với tổng diện tích là 1.420 ha bao gồm KCN Sông Công I 195 ha, KCN Sông Công II 250 ha, KCN Nam Phổ Yên 120 ha, KCN Yên Bình I 400 ha, KCN Điềm Thụy 350 ha, KCN Quyết Thắng 105 ha. Các KCN thu hút 239 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đạt 8,662 tỷ USD và trên 16 nghìn tỷ đồng. Hằng năm, các doanh nghiệp có doanh thu trong các KCN của tỉnh đạt 30 tỷ USD và hơn 8 nghìn tỷ đồng, số lượng lao động có việc làm khoảng 100 nghìn người, với mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng/người/tháng.

Về công tác bảo vệ môi trường từ tác động của các KCN thời gian qua của chính quyền tỉnh:

Khi triển khai xây dựng các KCN, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên luôn bảo đảm phương châm: khu vực quy hoạch phù hợp, đồng bộ với địa hình xung quanh, không thay đổi quá nhiều hiện trạng, bảo đảm cảnh quan môi trường sinh thái; bảo vệ được nguồn tài nguyên đất và nước, chỉ khai thác nước mặt, không khai thác nước ngầm và tuân thủ các điều kiện xả thải.

Về BVMT đối với nước thải: nước thải trong quá trình sản xuất ở KCN được xử lý cục bộ tại các nhà máy, sau đó được thu gom và xử lý tiếp ở trạm xử lý nước thải tập trung của KCN. Tại đây, nước thải sẽ được xử lý làm sạch, đạt quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường, nhằm giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

Việc BVMT đất: bảo đảm nước mưa ở trong KCN, đặc biệt tại các khu vực sản xuất có nhiều loại hóa chất không chảy ra đất xung quanh. Chất thải rắn từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của KCN được thu gom đưa về khu tập kết trong KCN, sau đó, được vận chuyển, đưa đi phân loại và xử lý theo quy định.

Quá trình thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật tài nguyên nước: không gây ảnh hưởng tới môi trường, hệ thống kênh tưới tiêu thủy lợi, hồ đập gần KCN và đời sống sinh hoạt của người dân; có phương án sử dụng, bảo vệ hoặc di dời, hoàn trả đối với các công trình thủy lợi; bảo đảm phù hợp với quy hoạch thủy lợi và các quy định có liên quan.

Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT được đẩy mạnh. Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và nắm tình hình về công tác BVMT tại từng doanh nghiệp trong các KCN.

Công tác vận động doanh nghiệp cùng chung tay BVMT được tăng cường và nâng cao chất lượng. Hằng năm, Ban Quản lý đã huy động cán bộ, công chức, viên chức cùng với lãnh đạo, công nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp đồng loạt ra quân hưởng ứng "Ngày thứ Bảy tình nguyện”, "Ngày Môi trường thế giới”, "Thế giới sạch hơn”, "Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và hiệu quả. Tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về công tác BVMT theo tinh thần Chỉ thị số 25/TC-TTg ngày 31-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 04-10-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, xây dựng Quy chế phối hợp về công tác BVMT tại các KCN với các địa phương, đơn vị liên quan theo tinh thần Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ. Hằng năm, ban hành khoảng 450 văn bản các loại để tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT.

Công tác quan trắc môi trường trong và xung quanh các KCN được thực hiện thường xuyên. Thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường KCN Điềm Thụy với tần suất 04 lần/năm, nhằm đánh giá mức độ và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, độ ồn trong và xung quanh khu công nghiệp, chất lượng nước. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN thực hiện nghiêm túc công tác quan trắc định kỳ, kịp thời có những giải pháp BVMT khi có dấu hiệu ô nhiễm.

Công tác kiểm tra, giám sát luôn được chú trọng, bảo đảm đúng quy định. Hằng năm đều xây dựng kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp trong KCN; các đơn vị thành lập đoàn kiểm tra tại doanh nghiệp để đánh giá công tác BVMT.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường từ tác động của khu công nghiệp ở Thái Nguyên thời gian qua

Trong các hạn chế, thách thức nổi cộm về BVMT từ tác động của KCN ở Thái Nguyên, có một số vấn đề liên quan tới công tác quản lý nhà nước là: công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kiểm soát các khu vực ô nhiễm tồn lưu.

Thứ nhất, một khó khăn trong giải quyết về ô nhiễm môi trường là các đơn vị được thành lập, hoạt động sản xuất từ hàng chục năm trước đây, công nghệ lạc hậu, hệ thống BVMT không đồng bộ, gồm 7 đơn vị có lưu lượng xả nước thải hơn 1.000m3/ngày đêm, lượng rác thải của 2 đơn vị luyện kim có quy mô sản xuất hơn 200 nghìn tấn/năm và 1 nhà máy sản xuất axít đạt sản lượng hơn 10 nghìn tấn/năm. Để giám sát việc xả thải của các đơn vị này, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với từng đơn vị lắp đặt hệ thống quan trắc giám sát môi trường tự động, liên tục và cho chạy thử nghiệm có kết quả. Nâng tổng số đơn vị thực hiện hệ thống quan trắc giám sát tự động, liên tục môi trường nước, không khí lên 11 đơn vị, trong đó đã có 6 nguồn thải truyền dữ liệu về Sở. Các đơn vị còn lại tiếp tục tiến hành tích hợp với hệ thống quan trắc tự động của Sở để kiểm soát thường xuyên và kịp thời các nguồn thải.

Thứ hai, sự gia tăng hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thái Nguyên có gần 100 tổ chức được cấp phép, 195 giấy phép khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác đá vôi, cát sỏi, đất san lấp, antimon, barit, cao lanh, chì, kẽm, than, sắt... Riêng vàng có 10 mỏ được cấp phép. Quá trình khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Đã có 15 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, có doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chủ yếu do các đơn vị thứ cấp tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải riêng biệt. Liên quan đến môi trường còn là 220 làng nghề, trong đó hơn 198 làng nghề trồng và chế biến chè, còn lại là chế biến lâm sản, thực phẩm...

Thứ ba, đối với công tác quản lý chất thải: Về chất thải công nghiệp thông thường, phát sinh khoảng hơn 1.000 tấn/ngày, chủ yếu tại một số KCN đang hoạt động và khu gang thép Thái Nguyên. Trong đó, riêng Công ty Samsung và các đơn vị vệ tinh thải 600 tấn/ngày, Công ty Gang thép Thái Nguyên 240 tấn/ngày. Hầu hết lượng chất thải công nghiệp phát sinh được các cơ sở tái sử dụng và được thu gom xử lý. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chưa chú ý đúng mức tới BVMT, còn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải. Chất thải nguy hại, năm 2020, toàn tỉnh có 245 cơ sở được cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trong đó nguồn phát sinh lớn nhất từ Công ty Samsung (chiếm khoảng 30% tổng lượng phát sinh). Hầu hết lượng chất thải nguy hại phát sinh đều được thu gom, xử lý hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng theo đúng quy định, không có hiện tượng xả trộm chất thải nguy hại ra môi trường. Việc kiểm soát, giám sát hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải của các đơn vị còn nhiều khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh, đã có 188 dự án đầu tư vào các KCN; trong đó đã có 121/188 dự án đi vào hoạt động. Trong số 121 dự án, có 65 dự án thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; 56 dự án thuộc đối tượng phải lập kế hoạch BVMT. Đến nay, đã có 59/65 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án BVMT chi tiết; 06/65 dự án mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa được phê duyệt báo cáo hoặc đề án BVMT; 37/56 dự án đã được xác nhận kế hoạch BVMT. Tỷ lệ xác nhận hoàn thành mới đạt 63,6%, còn 36,4% các dự án đã đi vào hoạt động chính thức nhưng chưa được xác nhận hoàn thành.

Hiện mới chỉ có 2/19 CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải, với lượng nước thải được xử lý tập trung khoảng 500 m3/ngày đêm. Đối với các CCN chưa có chủ đầu tư, chủ yếu việc xử lý nước thải do các doanh nghiệp tự xây dựng và vận hành các công trình xử lý nước thải.

Thứ tư, theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 07 đơn vị có lưu lượng xả nước thải trên 1 nghìn m3/ngày đêm; 02 đơn vị luyện kim có quy mô trên 200 nghìn tấn/năm; 02 đơn vị sản xuất thuộc loại hình nhiệt điện và 05 đơn vị sản xuất ximăng; 01 nhà máy sản xuất axít trên 10 nghìn tấn/năm. Hầu hết các đơn vị này được thành lập từ nhiều năm trước, hệ thống các công trình BVMT không đồng bộ nên đây là một trong những điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT: Các đoàn Thanh, kiểm tra do địa phương thực hiện năm 2020 đã tổ chức hơn 500 cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT; kiểm tra chuyên đề, hướng dẫn xác nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, phê duyệt đề án BVMT, phục hồi môi trường, xác minh ý kiến, kiến nghị cử tri. Theo đó, đã xử lý 130 cơ sở vi phạm hành chính về BVMT gần 6 tỷ đồng; trong đó có 14 vụ đổ thải, xả thải trái phép ra sông, suối.

Thứ sáu, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Đối với các nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng chưa được xử lý triệt để. Kết quả kiểm tra và kết quả phân tích mẫu khí cho thấy, phần lớn các đơn vị luyện kim trong KCN Sông Công 1 và Công ty Shinwon đã có quan tâm đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý khói bụi, khí thải ra môi trường tại thời điểm kiểm tra đạt tiêu chuẩn cho phép. Tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương xử lý, giải quyết các "điểm nóng” về ô nhiễm môi trường do hoạt động khai khoáng, sản xuất công nghiệp gây nên. Sở Tài nguyên - Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện quan trắc đối với nước thải, khí thải định kỳ tại các cơ sở công nghiệp lớn, giám sát chặt chẽ việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tác động môi trường từ các khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên

Thứ nhất, giải pháp về khoa học - công nghệ môi trường.

Tỉnh cần hỗ trợ lãi suất vay vốn có thời hạn cho các doanh nghiệp có chương trình đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ nhằm tiến tới thành lập các doanh nghiệp khoa học - công nghệ để thực hiện tốt hơn vai trò của các đơn vị chuyển giao công nghệ, từng bước tạo lập thị trường công nghệ tại địa phương. Xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới và sử dụng công nghệ hiện đại; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu khoa học để phát triển sản xuất. Dành một phần ngân sách hỗ trợ nghiên cứu triển khai, áp dụng công nghệ mới. Có biện pháp hạn chế việc sử dụng các thiết bị, máy móc, phương tiện sản xuất quá cũ nát với trình độ công nghệ lạc hậu và tác động xấu cho môi trường.

Thứ hai, giải pháp về bảo vệ môi trường.

Gắn quy hoạch phát triển công nghiệp với phát triển bền vững, kết hợp giữa đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất với công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp hiện đại, nhằm đưa ra các giải pháp hữu ích BVMT; Quan trắc, thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất trong việc chấp hành các quy định về BVMT. Đầu tư đồng bộ kinh phí xây dựng các công trình xử lý môi trường tập trung. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT cho người lao động, cán bộ quản lý doanh nghiệp, ban quản lý, cán bộ, công chức nhà nước về môi trường công nghiệp... Thực hiện các quy định pháp luật trong đầu tư mới các công trình công nghiệp, công trình khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên. Cần lập quy hoạch BVMT và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt chú trọng công tác BVMT trong các khu, cụm công nghiệp.

Tiến hành đánh giá cụ thể hiện trạng môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất đang hoạt động. Đánh giá tình trạng ô nhiễm do khí thải, chất thải công nghiệp; khí thải và bụi của phương tiện giao thông, mức độ ô nhiễm nguồn nước... để có phương án xử lý chung trên địa bàn cũng như từng khu vực. Định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại.

Các dự án đầu tư, các nhà máy, trước khi xây dựng phải cam kết hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng. Các khu, cụm công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt mức quy định trước khi thải ra môi trường. Đối với những dự án, nhà máy đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường định kỳ theo quy định của Luật Môi trường.

Quy hoạch thoát nước cho các KCN phải tính đến nguồn tiêu nước cụ thể. Cần áp dụng 02 hệ thống xử lý nước thải: hệ thống xử lý nước tại chỗ cho từng nhà máy và hệ thống xử lý chung của KCN.

Thứ ba, đổi mới tư duy phát triển và cách tiếp cận trong quản lý tài nguyên và BVMT theo hướng tiếp cận toàn diện, bền vững, xóa bỏ quan niệm tiếp cận quản lý tài nguyên và BVMT mang tính cục bộ địa phương. Trong đó, cần xem nhiệm vụ BVMT là một vụ quan trọng của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ tư, cải cách bộ máy hành chính về quản lý môi trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh và cấp huyện. Tăng cường phản biện của công dân và xã hội đối với chính sách và hiệu quả quản lý đối với các vấn đề môi trường. Cải cách bộ máy hành chính theo hướng chú trọng cải cách các dịch vụ và tương tác giữa chính quyền với công dân, doanh nghiệp gắn với định hướng thị trường, hiện đại, tiện lợi, giảm chi phí thời gian và tiền. Chính quyền thúc đẩy các doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, có trách nhiệm với đất nước, thường xuyên cập nhật công nghệ theo hướng xanh và tiết kiệm tài nguyên, BVMT. Tỉnh cần nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý môi trường thông qua tăng cường nghiên cứu, cập nhật và áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong giám sát, theo dõi và đánh giá về hiện trạng môi trường.
__________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban quản lý các KCN Thái Nguyên (2021): Báo cáo về định hướng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2030.

2. Ban quản lý các KCN Thái Nguyên (2020): Tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2019, và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

3. Bộ Tài nguyên môi trường (2015): Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 29-5-2015 về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

4. Bộ Tài nguyên môi trường (2015): Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30-6-2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

5. Phạm Thị Ngoan (2016): Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, tr.30-31.

ThS Đỗ Quỳnh Hoa
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông,
Đại học Thái Nguyên
(Theo lyluanchinhtri.vn)

Tags quản lý nhà nước bảo vệ môi trường khu công nghiệp Thái Nguyên

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục