Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Bình Định và khuyến nghị một số giải pháp ứng phó

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/6/2022 | 8:21:03 AM

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, với địa hình đa dạng gồm cả miền núi, đồng bằng, cồn cát ven biển và hải đảo, thuộc khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu (BĐKH) và có tính dễ tổn thương cao trước tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới.

Trong những năm gần đây,  tác động của BĐKH đã làm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan,tình trạng nắng nóng, bão lũ, sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân. BĐKH tác động mạnh đến nhiều vùng, địa phương, đến các ngành, lĩnh vực của tỉnh, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) của tỉnh. Bài viết phân tích những ảnh hưởng của BĐKH đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường tỉnh Bình Định, từ đó đề xuất một số giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình hành động nhằm ứng phó với BĐKH và đảm bảo mục tiêu PTBV.

1. Tác động BĐKH đến đời sống kinh tế và môi trường tỉnh Bình Định

Tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên hơn 606 ngàn ha, nằm bên sườn phía Đông của dãy Trường Sơn Nam, có địa hình dốc và phức tạp, hướng dốc chính từ Tây sang Đông, núi và đồng bằng xen kẽ nhau. Do điều kiện vị trí địa lý và  địa hình, khí hậu Bình Định chia hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 1 - 8 (thường xuất hiện nắng nóng và khô hạn) và mùa mưa từ tháng 9 - 12 (chịu ảnh hưởng các cơn bão với tần suất trung bình từ 1 - 2 cơn/năm). Những năm gần đây, tình trạng khí hậu cực đoan xảy ra thường xuyên, đã tác động nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế và môi trường tỉnh Bình Định, cụ thể:

Hạn hán: Mùa khô ở Bình Định, lượng mưa rất ít chỉ đạt 20 - 25%, nhiệt độ cao, lượng bốc hơi lớn, kéo dài, thêm vào đó là địa hình dốc, các lưu vực sông ngắn nên các sông không trữ được nước trong mùa mưa gây nên tình trạng hạn hán rất nghiêm trọng vào mùa khô, gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất và đời sống. Có thể kể đến tình trạng nắng nóng kéo dài vào năm2016 và năm 2019 làm người dân Bình Định phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Tình trạng khô hạn khiến lượng nước tại hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh ở dưới mực nước chết, ruộng đồng nứt nẻ, còn người dân thì không có đủ nước sinh hoạt, cuộc sống rất khó khăn. Thống kê của Sở NN&NT tỉnh Bình Định cho thấy,vụ lúa Hè - Thu năm 2016, hơn 3.400 ha lúa bị hạn, trong đó khoảng gần 200 ha lúa bị chết. Các địa phương có diện tích lúa thiếu nước như TP. Quy Nhơn (697 ha); huyện Phù Mỹ (499 ha); Hoài Nhơn (344 ha); Hoài Ân (340 ha); Tây Sơn (237 ha); Tuy Phước (163 ha)…

Nắng hạn làm tình trạng cạn kiết nước gia tăng, năm 2019, tỉnh Bình Định có 88/165 hồ chứa thủy lợi đã cạn nước. Không chỉ thiếu nước sản xuất nông nghiệp mà ngay cả nước sinh hoạt cũng không đủ cung cấp cho người dân, làm hàng ngàn hộ dân tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Châu của huyện Phù Mỹ; Canh Thuận, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh của huyện Vân Canh; Bình Thuận của huyện Tây Sơn bị thiếu nước sinh hoạt.

Bảng 1. Tần suất hạn hán theo chỉ số K (thời kỳ 2008 -2018) tại trạm Quy Nhơn


Bảng 2. Tần suất hạn hán theo chỉ số K tại trạm Hoài Nhơn

Nguồn: Báo cáo Đánh giá khí hậu của UBND, Sở TN&MT tỉnh Bình Định  năm 2019

Theo Bảng 1,2, tần suất hạn hán rất khô tại các trạm Quy Nhơn, Hoài Nhơn chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 36,4 - 54,5% vào các tháng 2 -5, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn cao trong tháng mùa khô ở tỉnh Bình Định là do lượng mưa thấp cùng với nhiệt độ cao.

Xâm nhập mặn: Tình trạng xâm nhập mặn cũng xảy ra vào mùa khô hạn. Độ mặn của nước tại các cửa sông, đầm và ven biển tăng nhanh, lấn sâu vào đất liền làm thay đổi môi môi trường nước ngọt. Một số diện tích đất canh tác, thủy sản nước ngọt bị nhiễm mặn không sản xuất được. Hạn hán kéo dài kết hợp các đợt thủy triều dâng cao làm xâm nhập mặn phát tán nhanh trên phạm vi rộng, diễn ra chủ yếu tại các địa phương ven biển. Có thể kể đến đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất diễn ra vào các năm 2016, 2019, các huyện trên địa bàn bị xâm nhập mặn chủ yếu Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TP. Quy Nhơn, Tuy Phước. Xâm nhập mặn đã làm nhiều ha lúa tại nhiều địa phương trong huyện thiếu nước tưới, xì phèn, nhiễm mặn và mất trắng.

Mưa, bão, ngập úng: Do tác động của BĐKH, vào mùa mưa (tháng 9-12), Bình Định phải đối mặt với bão và lũ lụt. Theo tính toán, số lượng các cơn bão tác động vào tỉnh đang có xu hướng tăng theo thời gian. Trong các đợt mưa, lũ năm 2008, 2009, 2016, 2019, 2021, lượng mưa lớn kéo dài, Bình Định trở thành địa phương bị ngập úng nghiêm trọng. Mưa làm nhiều khu dân cư ở các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, … bị ngập sâu trong lũ. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng.Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, trong đợt mưa lũ năm 2021, Bình Định có 20 ngôi nhà bị sập, hư hỏng; 55 điểm trường bị ảnh hưởng; 269,1 ha lúa, 208,1 ha hoa màu bị thiệt hại; 12.486 con gia cầm bị nước cuốn trôi... Tổng thiệt hại sơ bộ lên đến 219 tỷ đồng.

Sạt lở đất: BĐKH cũng làm trầmtrọng tình trạng sạt lở. Bên cạnh đó, sự gia tăng dòng chảy sông, làm mất đất, diện tích đất sản xuất, sinh hoạt của người dân ngày càng bị thu hẹp, các công trình ven sông như di tích văn hóa, các công trình bờ kè bảo vệ sông cũng bị ảnh hưởng.Tại Bình Định, sạt lở thường xuất hiện tại các vùng đồi núi có độ dốc lớn, địa chất mềm yếu, tầng phủ mỏng như vùng núi huyện Vân Canh, An Lão, hay xuất hiện tại các vùng bờ biển có kết cấu địa chất yếu, quá trình xâm thực mạnh (huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát). Nhìn chung, sạt lở làm các chất ô nhiễm tích tụ trong đất hòa tan vào nước nhanh hơn, làm xáo trộn các tầng nước, trầm tích đáy sông, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước.

2. Kết quả PTBV tỉnh Bình Định

Các chỉ tiêu bền vững của Bình Định được xem xét thông qua Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá PTBV địa phương giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 2157/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/12/2013.Đây là Bộ chỉ tiêu về PTBV địa phương mới nhất do Chính phủ ban hành tới thời điểm hiện nay. Bộ chỉ tiêu bao gồm 28 chỉ tiêu chung trong đó có 17 chỉ tiêu bắt buộc, 4 chỉ tiêu khuyến khích sử dụng, và 5 chỉ tiêu đặc thù của vùng. Bộ chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các chỉ tiêu giám sát, đánh giá PTBV quốc gia và hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, bảo đảm bám sát các mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của Chiến lược PTBV Việt Nam và được áp dụng cho các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các nguyên tắc xây dựng danh sách chỉ tiêu được đưa ra gồm: (1) Phù hợp với mục tiêu, định hướng ưu tiên của Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 15/4/2012; (2) phù hợp với Bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá PTBV ban hành kèm theo Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011- 2020; (3) phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam; (4) kế thừa có chọn lọc Bộ chỉ tiêu PTBV đã xây dựng trong các nghiên cứu trước; (5) có khái niệm và phương pháp tính rõ ràng.

Đối với các vùng sẽ áp dụng thêm các chỉ tiêu đặc thù: Vùng Trung du và miền núi; đồng bằng; ven biển; đô thị trực thuộc Trung ương và nông thôn.

Theo Quyết định số 2157/TTg của Chính phủ, trong giai đoạn 2013 – 2020 Bình Định có 17 chỉ tiêu giám sát, đánh giá PTBV, cụ thể về chỉ số phát triển con người (HDI) (1 chỉ tiêu), kinh tế - xã hội (11 chỉ tiêu) và tài nguyên và môi trường (5 chỉ tiêu), các chỉ tiêu khác...

Theo Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Định, kết quả đánh giá về chỉ số PTBV cho thấy, Chỉ số HDI của Bình Định từ năm 2016 đến năm 2020 liên tục tăng, nhưng mức tăng không nhiều. Nguyên nhân chính là 3 chỉ số thành phần có tăng hàng năm, nhưng tốc độ tăng khá chậm. Cụ thể, chỉ số sức khỏe năm 2020 chỉ tăng 0,003 điểm so với năm 2016; chỉ số học vấn tăng 0,044 điểm, chỉ số thu nhập tăng 0,058.

Về các chỉ tiêu về kinh tế, trong năm 2020, GDP của tỉnh đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 3,61% so với 2016. Đây là mức tăng thấp nhất của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19. Thu ngân sách năm 2020 của Bình Định đạt khoảng 12.200 tỷ đồng, tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện trên 18.000 tỷ đồng. Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2020 đạt gần 39.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Như vậy, Bình Định có mức phát triển khá bền vững năm 2020. Kết quả này cho thấy nỗ lực của các hành động về kinh tế, về chỉ số phát triển con người và môi trường của địa phương. Tuy nhiên chỉ số phát triển xã hội của Bình Định còn thấp ở mức tương đương bền vững, cần có nhiều hoạt động cải thiện tiêu chí xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Bảng 3. Kết quả tính chỉ số thu nhập trong chỉ tiêu phát triển bền vững tổng hợp


Bên cạnh một số thành quả khả quan trong lĩnh vực kinh tế, một số thách thức mà Bình Định đang phải đối mặt khi thực hiện mục tiêu PTBV, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức độ phát triển không đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt có sự chênh lệch rõ nét giữa khu vực miền núi bên trong đất liền và các khu vực ven biển; Tăng trưởng của Bình Định thời gian qua dựa nhiều vào tăng đầu tư, mà chủ yếu là đầu tư nhà nước với hiệu quả đầu tư còn chậm được cải thiện. Năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp, công nghệ sản xuất ở nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu. Việc sử dụng tài nguyên còn lãng phí, kém hiệu quả, tỷ lệ che phủ rừng, chất thải rắn thu gom đạt thấp…

Bảng 4. Chỉ số phát triển bền vững môi trường

Nguồn: Dữ liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Định

3. BĐKH tác động đến mục tiêu PTBV của tỉnh Bình Định

Để đánh giá tác động của BĐKH đến các mục tiêu PTBV của Bình Định, thông qua Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Bình Định 2019 - 2020 (Sở TN&MT Bình Định); Báo cáo phát triển kinh tế- xã hội Bình Định (2016 -2020); Niên giám thống kê Bình Định 2020 (Cục thống kê Bình Định)và căn cứ theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Nhóm nghiên cứu đã dựa vào các tiêu chí tác động của BĐKH đến các lĩnh vực và khu vực chủ yếu của tỉnh Bình Định như: Tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, sức khỏe, hệ sinh thái và đa dạng sinh học; vùng ven biển và hải đảo, vùng đồng bằng, vùng núi và trung du, vùng đô thị…

Qua việc đánh giá dữ liệu sơ bộ về khí hậu của Bình Định và thu thập các bằng chứng ảnh hưởng của BĐKH đến các mục tiêu bền vững khác có thể thấy, trong thời gian qua, nhiệt độ trung bình năm của Bình Định có xu hướng tăng và lượng mưa biến động mạnh. Các yếu tố khí hậu cực trị (nhiệt độ cực đại, nhiệt độ cực tiểu, lượng mưa cao nhất, lượng mưa thấp nhất theo mùa) cũng có xu hướng tăng lên. Có sự gia tăng rõ rệt của các hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, bão và nước biển dâng, sạt lở gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, xuống cấp cơ sở vật chất của toàn ngành, toàn địa phương; làm nhiễm mặn, suy thoái, ô nhiễm môi trường nước, suy giảm đa dạng sinh học, mất hoặc suy giảm nguồn cung cấp thực phẩm của địa phương. Các biểu hiện này tác động mạnh mẽ đến hầu hết các mặt kinh tế, đời sống, xã hội, dân sinh tại Bình Định, qua đó tác động đến các chỉ tiêu thuộc 17 mục tiêu PTBV của Việt Nam.

Kết quả cho thấy, thiên tai và thảm họa liên quan đến BĐKH làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới ở địa phương, chẳng hạn trong trường hợp trẻ em gái là đối tượng đầu tiên được nghỉ học do hạn hán. Các thảm họa liên quan đến khí hậu có thể dẫn đến gia tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, BĐKH tác động đến các thành phần kinh tế, hạn hán kéo theo mức độ xâm nhập mặn nghiêm trọng, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư. Mặt khác, do thường bị ảnh hưởng từ các cơn bão khiến cho nhiều khu vực trên địa bàn xuất hiện mưa kèm theo giông lốc, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. BĐKH ngày càng biểu hiện rõ nét bởi các yếu tố như ngập, sạt lở, gây tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, các công trình nhà ở của người dân.

Sau đây, tổng hợp các bằng chứng thu thập về biểu hiện của BĐKH tại Bình Định tác động mạnh nhất đến các mục tiêu PTBV (SDG) được thể hiện ở Hình 1, cụ thể: SDG 13 - Ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai (73,1%); SDG 12 - Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (36.29%); SDG 8 - Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện (54,3 %); SDG 1 -Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi (53%); SDG 5 - Đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ va trẻ em gái (12 %); SDG 15 - Bảo vệ và phat triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phat triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất (26,9%)...

Hình 1. Tỷ lệ tác động của BĐKH tại Bình Định đến các Mục tiêu PTBV


Nguồn: Cục Thống kê Bình Định

Như vậy, qua các số liệu và phân tích được thể hiện ở Hình 1 cho thấy, các điều kiện khí hậu bất lợi và thiên tai thường xuyên tác động trực tiếp đến các lĩnh vực, địa phương và cộng đồng của tỉnh Bình Định, làm tăng khả năng bị tổn thương và tạo nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. BĐKH sẽ ảnh hưởng đến khả năng đạt được các mục tiêu liên quan đến vật chất và thể chất như thịnh vượng và phúc lợi, xóa đói giảm nghèo và việc làm, lương thực, năng lượng, nước, môi trường và sức khỏe.

4. Kết luận và khuyến nghị

Kết luận

Căn cứ vào các chính sách, chương trình, kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu thuộc các mục tiêu PTBV, Bình Định cũng đã rà soát và ban hành các chủ trương, chính sách và triển khai chương trình, dự án cho phù hợp và phát huy thế mạnh của tỉnh, qua đó, cũng đã đạt được một số kết quả khả quan và đáng ghi nhận: (1) Tỷ lệ nghèo đa chiều của Bình Định giảm còn 2,61%, tương đương còn 11.408 hộ nghèo (giảm 1,5% so với năm 2020); (2) Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1000 trẻ đẻ sống giảm từ 22,7 năm 2015 xuống 20,7 năm 2019; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2019 tăng 20% so với năm 2015; (3) Năm học 2019-2020 toàn tỉnh có 124.300 học sinh tiểu học, tăng 1,3% so với năm học trước; (4) Bình đẳng giới ở Bình Định đã dần trở thành nội dung xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội với nhiều thành tựu nổi bật. Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 ở cấp cơ sở là 27,9%, cấp huyện 15,8%, cấp tỉnh 16,6%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 28,6% (tăng 16,1% so với nhiệm kỳ trước), HĐND tỉnh đạt 26,3% (tăng 6,3%); (5) Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2019 đạt 97,2%; (6) Hơn 99% các hộ gia đình tại tỉnh đã được tiếp cận với điện năm 2016; (7) Tổng số thuê bao internet năm 2019 đạt 184.241 thuê bao, tăng 17% so với cùng kỳ; (8) Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2019, tăng 6,86% so với năm 2018; (9) Các vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ chất thải rắn thu gom, đã xử lý 77%; độ che phủ rừng tăng, đạt 55,2%; Giảm bất bình đẳng trong xã hội, thúc đẩy tiếp cận pháp lý và thông tin ngày càng được cải thiện hơn.

Kết quả, đánh giá PTBV tỉnh Bình Định có mức phát triển khá bền vững năm 2020, chỉ số phát triển tổng hợp là I = 0.63 ( 0.6 =< I <0.8). Kết quả này cho thấy nỗ lực của các hành động về kinh tế, về chỉ số phát triển con người và môi trường của địa phương. Tuy nhiên chỉ số phát triển xã hội (IXH = 0.48) của Bình Định còn thấp, ở mức tương đương bền vững (0.4=

Trước thách thức nêu trên, riêng đối với mục tiêu SDG 13- Ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai, trong giai đoạn từ 2020-2025, tầm nhìn 2050, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện dự án Xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Bình Định; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH của tỉnh Bình Định trong nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp.

Khuyến nghị

Tuy đã đạt được một số thành tựu trong tiến trình triển khai các hoạt động để hoàn thành mục tiêu PTBV, nhưng Bình Định vẫn còn những thách thứccần nỗ lực, huy động sức mạnh địa phương để đạt được những mục tiêu PTBV, với các giải pháp cụ thể sau:

Trong 5 năm tới (2021- 2025), Bình Định cần hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách theo hướng đảm bảo sự đóng góp và hưởng lợi công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương; đồng thời tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng để nâng hiệu quả thực thi chính sách.

Để huy động  được nguồn lực cho PTBV, cần tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả 2 khu vực tư nhân và Nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Các kế hoạch đầu tư, chương trình, dự án đều cần có sự lồng ghép với các mục tiêu PTBV để bảo đảm nguồn vốn được phân bổ có trọng tâm, cân bằng và tập trung hơn.

Bên cạnh nguồn lực tài chính, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Đa dạng hóa phương thức đào tạo gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện PTBV.

Thúc đẩy việc phối hợp giữa các bên có liên quan, đặc biệt giữa cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng trong thực hiện PTBV. Duy trì và triển khai cơ chế điều phối và phối hợp giữa các bên liên quan để định kỳ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động và đưa ra các giải pháp, chia sẻ các sáng kiến, thực hành tốt nhằm đạt được các mục tiêu PTBV mà tỉnh cam kết, góp phần vào thành công chung của quốc gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh BĐKH gia tăng có thể đẩy lùi các nỗ lực phát triển bền vững, tỉnh cần chú trọng nâng cao năng lực của địa phương trong phòng chống, ứng phó với các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; nâng cấp cơ sở dữ liệu, bản đồ rủi ro về thiên tai, khí hậu và dịch bệnh, từ đó xây dựng các kịch bản ứng phó và chống chịu tương ứng; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm; triển khai các giải pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn liên quan đến các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai; phát triển và nhân rộng các mô hình tốt trong chống chịu và ứng phó với các rủi ro về thiên tai, khí hậu và dịch bệnh dựa vào cộng đồng.

Tăng cường hợp tác quốc gia, vùng, quốc tế để thúc đẩy việc hỗ trợ, chuyển giao về tài chính, kỹ thuật cho thực hiện PTBV.

Giai đoạn tiếp theo, tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Phối hợp xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê PTBV, tăng cường thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV của tỉnh, làm cơ sở cung cấp dữ liệu cho quốc gia. Nâng cao năng lực thu thập, phân tích và sử dụng thông tin số liệu cho các cấp trong quá trình theo dõi, đánh giá và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Nhật Minh (1),(2)
Trần Thị Hồng Hiền (2), Đỗ Phong Lưu, Hoàng Thị Minh (2)

(1) Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ - Tổng cục Khí tượng Thủy văn
(2) Khoa các khoa học liên ngành - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Môi trường)

Tài liệu tham khảo

- Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội Bình Định (1996-2020) và Niên giám thống kê Bình Định 2020 (Cục Thống kê Bình Định);
- Thống kê về thiệt hại hại do bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định vụ Hè - Thu năm 2016, 2019, 2020, 2021;
- Báo cáo Đánh giá khí hậu tỉnh Bình Định 2019 của UBND, Sở TN&MT tỉnh Bình Định;
- Báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn các trạm khí tượng Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn (2020-2021);
- Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá PTBV địa phương giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 2157/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/12/2013;
- Báo Chính phủ, 43 chỉ tiêu giám sát đánh giá phát triển bền vững địa phương, https://vpcp.chinhphu.vn/43-chi-tieu-giam-sat-danh-gia-phat-trien-ben-vung-dia-phuong-1159151.h

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục