Xây dựng thành phố thông minh: Đảm bảo tính thống nhất và xuyên suốt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2022 | 9:25:50 AM

Hiện nay, xây dựng Thành phố thông minh, đô thị thông minh đang trở thành một vấn đề cấp thiết của nhiều quốc gia để giải quyết các vấn đề: dân số đô thị tăng cao, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Xây dựng thành phố thông minh: Đảm bảo tính thống nhất và xuyên suốt - Ảnh 1

1. Bối cảnh chung 

Hiện nay, xây dựng Thành phố thông minh (TPTM), đô thị thông minh (ĐTTM) đang trở thành một vấn đề cấp thiết của nhiều quốc gia để giải quyết các vấn đề: dân số đô thị tăng cao, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế là mục tiêu đã được khẳng định trong Quyết định số 950 QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. 

2. Tình hình phát triển TPTM 

Phát triển TPTM ở nước ta đang ở trong các giai đoạn ban đầu. Một số tỉnh, thành phố cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển TPTM. 

Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã, đang triển khai xây dựng đề án phát triển TPTM. Trong đó, có 30 tỉnh, thành trong cả nước đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án phát triển TPTM.

Có thể liệt kê ra đây một số  đề án: Đề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành ĐTTM giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, phê duyệt tháng 8/2021; Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phê duyệt 11/2019;  Đề án xây dựng mô hình TPTM tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2022, tầm nhìn đến năm 2030, phê duyệt 10/2019; Đề án phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, phê duyệt 8/2018; Đề án xây dựng TPTM tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, phê duyệt 12/2018; Đề án triển khai mô hình TPTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020, phê duyệt 2017; Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, phê duyệt 11/2017…

Cụ thể: Tỉnh Thừa Thiên - Huế, xây dựng TPTM với 4 mục tiêu tổng quát: (1) Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; (2) Quản lý đô thị tinh gọn; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh; (4) Dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. Mô hình triển khai là lấy phát triển dịch vụ ĐTTM là nhiệm vụ trọng tâm.  

Đề án đã xây dựng "Trung tâm Giám sát điều hành ĐTTM”, Trung tâm này có chức năng giám sát, xử lý giao thông; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; quản lý các điểm đỗ xe trên đường phố, tầng hầm của các tòa nhà cao tầng.

Đồng thời, giám sát an ninh, tình hình an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích, nơi tập trung đông người trên địa bàn TP Huế. 

Các dịch vụ ĐTTM khác sẽ được kích hoạt theo lộ trình, nhằm đảm bảo hướng đến cung cấp một ứng dụng duy nhất toàn tỉnh. Từ kết quả triển khai thí điểm, sẽ nâng cấp, mở rộng tích hợp các nền tảng và dịch vụ ĐTTM trong giai đoạn 2019 - 2022.

Tỉnh xác định, việc xây dựng ĐTTM là nhiệm vụ mới ở Việt Nam, do đó việc triển khai đòi hỏi phải vừa làm vừa học. Xây dựng ĐTTM là chiến lược phát triển lâu dài, đòi hỏi có lộ trình và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn. 

TP.HCM đang triển khai 4 nhiệm vụ lớn liên quan đến các vấn đề chung của các Sở ban ngành, quận huyện, đó là: (1) Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở; (2) Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; (3) Xây dựng Trung tâm dự báo và mô phỏng kinh tế - xã hội; (4) Thành lập Trung tâm an toàn thông tin. (Tổ chức theo mô hình Công ty cổ phần, để có cơ chế chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các chuyên gia giỏi).

Bên cạnh 4 Trung tâm nêu trên, mỗi Sở, ban, ngành sẽ thực hiện các dự án, trong đó có các ứng dụng chuyên ngành, tuy nhiên phần dữ liệu và dịch vụ phải được "kết nối theo cả chiều ngang”, tránh tình trạng "cát cứ dữ liệu”.  TP.HCM chọn 3 đơn vị thí điểm xây dựng ĐTTM là: quận 1 (nội thành), quận 12 (ven đô) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đề án của TP.HCM đưa ra tầm nhìn đến 2025.

TP Đà Nẵng đã triển khai một số dự án thí điểm liên quan đến TPTM, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm để mở rộng phạm vi, sau đó mới phê duyệt Đề án. Một số ứng dụng thông minh đã triển khai thành công trong các lĩnh vực như: Giao thông; An ninh trật tự và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; Cấp điện; Cấp nước; Môi trường (chất thải rắn, nước thải, nước ao hồ, không khí); Chiếu sáng công cộng; Vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; Giáo dục; Y tế. 

Phần mềm Quản lý nhân khẩu, hộ khẩu triển khai trên 28 quận, huyện, xã, phường và thí điểm sử dụng dữ liệu nhân khẩu, hộ khẩu điện tử khi giải quyết thủ tục hành chính, nhằm thay thế sổ hộ khẩu bằng giấy thông thường.

Xây dựng thành phố thông minh: Đảm bảo tính thống nhất và xuyên suốt - Ảnh 2
TP Đà Nẵng đang nỗ lực để xây dựng chính quyền số, kinh tế số. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Trong giai đoạn 2019 - 2025, Đà Nẵng dự kiến triển khai 53 dự án, được phân chia theo 6 trụ cột của TPTM (theo mô hình châu Âu).

TP Cần Thơ năm 2022 triển khai xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như: giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... kế hoạch năm 2023 - 2025 sẽ mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh.

Có thể thấy, các tỉnh thành có nhiều quan điểm xây dựng TPTM. Có tỉnh "phát triển”, có tỉnh "xây dựng”, có tỉnh "triển khai”, có tỉnh "triển khai mô hình ĐTTM”, có tỉnh "xây dựng mô hình ĐTTM”, có tỉnh "phát triển dịch vụ ĐTTM”. Về giai đoạn, tầm nhìn, cũng không giống nhau hoàn toàn. 

Nhiều tỉnh thành, hiện chỉ đang dừng ở giai đoạn khởi động, tức là phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, mạng kết nối, trung tâm an toàn thông tin, tạo lập và duy trì một số cơ sở dữ liệu (CSDL) cốt yếu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, xây dựng cổng thông tin giao tiếp giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, xây dựng thí điểm một số ứng dụng thông minh trong giao thông, du lịch, y tế, giáo dục… 

Mỗi thành phố thường nhấn vào các vấn đề nóng khác nhau, TP Huế nhấn mạnh vào du lịch; TP.HCM nhấn mạnh vào kinh tế, ùn tắc giao thông, triều cường, ngập nước. Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai chọn kinh tế và du lịch…  

Hiện nay các đề án TPTM đang được thúc đẩy, tuy nhiên qua các nghiên cứu, khảo sát các Đề án chủ yếu tiếp cận vấn đề xây dựng TPTM theo các ứng dụng (giao thông, y tế, giáo dục, môi trường…), ưu tiên các vấn đề bức xúc, đặc thù của địa phương, mà chưa quan tâm đúng mức đến khía cạnh "thông minh bền vững”.

Vấn đề xây dựng và liên tục làm giàu hạ tầng dữ liệu chưa được quan tâm đầy đủ, hoặc thậm chí chưa được đề cập rõ ràng trong các Đề án. 

Các ứng dụng thông minh trong TPTM thường được quan niệm như các ứng dụng thuần túy công nghệ thông tin. Mức độ quan tâm cũng thường ở mức "Có thì tốt” mà chưa phải là "Nhất thiết phải có”.

Nhiều đề án xây dựng TPTM của các tỉnh thành do các hãng công nghệ "có năng lực” tư vấn đồng thời triển khai và giao phó việc xây dựng TPTM. Cách làm này có ưu điểm là nhanh có các ứng dụng thông minh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên cách này không khuyến khích phát triển được cộng đồng doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

3. Những khó khăn cần tháo gỡ để phát triển TPTM 

a. Quan tâm và nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như người dân

Kinh nghiệm của quốc tế cũng như trong nước về xây dựng TPTM chỉ ra rằng thách thức lớn nhất là sự quan tâm và nhận thức của các cấp lãnh đạo (từ cấp thành phố đến cấp Sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở) cũng như người dân và doanh nghiệp. 

Hiện nay, nhận thức về đô thị thông minh được hiểu theo nhiều cách khác nhau: triển khai mô hình đô thị thông minh hay chỉ phát triển dịch vụ ĐTTM hay đơn giản chỉ là tăng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong việc điều hành, quản lý… Điều này khiến cho việc triển khai các đề án TPTM khó đạt được mục tiêu.

Nhận thức để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát huy các lợi thế của địa phương, hạn chế các rủi ro trong quá trình phát triển ĐTTM. 

Nhận thức làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, hào hứng tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình xây dựng, quản lý và phát triển ĐTTM… 

Nhận thức việc xây dựng TPTM cần mang tính thống nhất, xuyên xuốt các lĩnh vực về đô thị, đồng thời xác định đây là việc lâu dài, thường xuyên do đó tránh tình trạng phát triển TPTM hay ĐTTM theo phong trào.

Nhận thức việc thông minh hóa các đô thị đang phát triển nhanh như TP.HCM, TP Hà Nội và các tỉnh thành khác của Việt Nam, một mặt, đòi hỏi học tập kinh nghiệm quốc tế, mặt khác, đòi hỏi cách làm sáng tạo, tránh sao chép dập khuôn máy móc, dẫn đến lãng phí, hiệu quả thấp. 

Người dân và doanh nghiệp nhận thức mình là chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng, quản lý và phát triển ĐTTM.

b. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung

Cấu phần hạ tầng CSDL dùng chung là cấu phần quan trọng nhất trong "Kiến trúc ICT TPTM”. Theo quan điểm mới về chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phần cứng, phần mềm, cơ chế chính sách, nhân sự đều có thể thay thế, nâng cấp nhưng dữ liệu như một tài sản quan trọng cần được bảo vệ, khai thác và liên tục được làm giàu.

Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung là hệ thống tích hợp dữ liệu không gian đô thị và Hệ thống thông tin về hạ tầng đô thị. Hệ thống này phải là một Hệ thống CSDL (GIS 2D,3D)  liên ngành Quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị  và các dữ liệu chuyên ngành như Giao thông, năng lượng, cấp nước, thoát nước, chất thải, y tế, giáo dục…

Hệ thống này sẽ làm cơ sở để phát triển các ứng dụng quản lý, hỗ trợ ra quyết định, giúp lãnh đạo các cấp giám sát điều hành, quản lý một cách tổng thể, cho phép chia sẻ dữ liệu cho phát triển đô thị thông minh, giúp cho doanh nghiệp tạo ra dịch vụ mới…

Tuy nhiên, đây đang là một nút thắt lớn thể hiện trên hai khía cạnh: (1) vừa thiếu vừa thừa dữ liệu; và (2) khai thác dữ liệu. 

Ở khía cạnh thứ nhất (vừa thiếu vừa thừa dữ liệu), Đề án của hầu hết các tỉnh thành trong nước đều gặp tình trạng này. Dữ liệu còn thiếu, điều này dễ thấy, trong các dự án ứng dụng CNTT, các Sở, ban, ngành và cấp cơ sở thường đề xuất dự án xây dựng dữ liệu hoặc CSDL để bổ sung vào kho dữ liệu của mình.

Việc này tốn nhiều kinh phí. Trong khi, thực ra, nhiều dữ liệu đã có sẵn trên máy vi tính, máy chủ dữ liệu, những chưa có một cơ chế đủ mạnh để sàng lọc, thu gom, tập hợp các dữ liệu đó lại, hay nói cách khác, xây dựng những CSDL chuyên ngành. 

Việc cần làm là Thành phố (với sự tham mưu của Sở, ban, ngành và cấp chính quyền cơ sở) phải xây dựng một  "Mô hình thông tin”, trong đó xác định rõ, dữ liệu trong mỗi Sở, ban, ngành và cấp chính quyền cơ sở là dữ liệu gì, mô tả chính xác về dữ liệu đó, kèm cách thức thu thập, đánh giá, xử lý, lưu trữ, mức độ "chuyên dụng”, phân phối và khai thác dữ liệu. 

Các thành phố cũng phải xây dựng công cụ (sử dụng AI?) giúp các Sở ban ngành và cấp chính quyền cơ sở tập hợp các dữ liệu tản mát trên các máy vi tính, máy chủ dữ liệu về Kho dữ liệu của Thành phố với phương châm "Dữ liệu chỉ cần vào một lần”. 

Ở khía cạnh thứ hai (khai thác dữ liệu), Đề án của TP.HCM cũng đã nêu ra và nhiều tỉnh thành cũng gặp phải đó là các Sở ban ngành và cấp chính quyền cơ sở đều có kho dữ liệu của mình, nhưng do tình trạng "cát cứ”, mạnh ai nấy làm, không có sự thống nhất chung (không có một "Mô hình thông tin” chung), dẫn tới Sở này không sử dụng được dữ liệu của Sở khác, hoặc sử dụng được, song bị hạn chế về chất lượng dữ liệu, dữ liệu thiếu chính xác và  không đầy đủ…

Để giải quyết vấn đề này cần xây dựng khung CSDL thống nhất về kỹ thuật đồng thời cũng cần các quy định chặt về tránh nhiệm cung cấp thông tin cũng như quyên lợi được sử dụng thông tin trong hệ thống CSDL dùng chung.  

Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu dùng chung cần thống nhất mô hình thông tin để phép kết nối các CSDL với nhau, loại trừ dữ liệu trùng lắp và đảm bảo tính thống nhất dữ liệu trong toàn hệ thống.

Hiện nay, các tỉnh thành đang triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, còn trong hầu hết các dự án TPTM đều xây dựng các Trung tâm điều hành ĐTTM. Đây là nguồn cung cấp dữ liệu lớn cho Hệ thống CSDL dùng chung. Tuy nhiên, hiện nay cần bổ sung các cơ sở pháp lý, cơ chế tích hợp với Hệ thống CSDL dùng chung đảm bảo an toàn, đồng bộ và chính xác.

c. Thiếu các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về TPTM

Để đánh giá mức độ thông minh của thành phố hay một đô thị cần dựa vào các tiêu chuẩn đánh giá. Hiện nay, tổ chức ISO đã ban hành nhiều tiêu chuẩn về đô thị thông minh như ISO37166:2022; ISO 37150:2021… ISO 37120:2014, quy định 100 chỉ số thuộc 17 lĩnh vực (46 chỉ số cốt lõi, 54 chỉ số hỗ trợ), mà các TPTM cần đạt được. 

Mặt khác, cũng trên tinh thần đó, trước khi Bộ TT&TT ban hành Bộ chỉ số đo lường "mức độ thông minh” của các thành phố, đô thị ở Việt Nam, TP Đà Nẵng thì đánh giá TPTM thông qua 6 nhóm tiêu chí, mỗi nhóm tiêu chí gồm một số chỉ số: Phát triển con người (7 chỉ số); Tiếp cận cơ hội số (6 chỉ số); Môi trường kinh tế (11 chỉ số); Môi trường đô thị (11 chỉ số); Đời sống văn hóa - xã hội (4 chỉ số); Quản lý đô thị (5 chỉ số). 

TP.HCM đã tham khảo các tiêu chuẩn khác của thế giới và đưa ra một số chỉ số đánh giá TPTM về 13 lĩnh vực "nóng”: Kinh tế (5 chỉ số), Nguồn nhân lực (9 chỉ số), An ninh trật tự, an toàn (4 chỉ số), Chăm sóc sức khỏe (4 chỉ số), Vệ sinh an toàn thực phẩm (2 chỉ số), Chống ùn tắc giao thông (6 chỉ số), Chống ngập (4 chỉ số), Bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm (8 chỉ số), Chính quyền điện tử (4 chỉ số), Quy hoạch đô thị (2 chỉ số), Mức độ hài lòng của người dân (11 chỉ số), Sự tham gia của người dân vào công cuộc xây dựng TPTM (3 chỉ số), Mức độ sáng tạo của thành phố (3 chỉ số)… 

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ KH&CN đã công bố 14 TCVN về Phát triển ĐTTM, bền vững cho cộng đồng và đang xây dựng tiếp các chuẩn về Hạ tầng kỹ thuật ĐTTM; Bộ TT&TT đưa ra bộ tiêu chí đánh giá KPI về ĐTTM. Trong bộ chỉ số này (Phiên bản 1.0) bao gồm các chỉ số cơ bản nhất cho ĐTTM phù hợp với giai đoạn khởi đầu xây dựng ĐTTM ở Việt Nam, tập trung đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong các hoạt động của đô thị; Bộ TN&MT xây dựng TCVN về Hệ thống thông tin địa lý số (GIS)… 

Đến nay, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh; Tuy nhiên, các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí theo các mục tiêu quản lý chuyên ngành lĩnh vực đặc thù vẫn còn thiếu; Hệ thống tiêu chí đánh giá các TPTM của các địa phương cũng còn rất khác nhau và chịu ảnh hưởng nhiều của các nhà cung cấp giải pháp TPTM, ĐTTM. 

Để giải quyết vấn đề này, các Bộ, ngành cần sớm ban hành các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về TPTM, ĐTTM. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn này không chỉ đánh giá TPTM, ĐTTM mà còn nhằm kiểm soát và giới hạn các phát triển đổi mới và còn xác định các yêu cầu đối với khả năng liên thông, liên tác của các giải pháp công nghệ riêng cũng như việc tích hợp các thành phần trong ĐTTM...

d. Xây dựng TPTM nên chăng bắt đầu ngay từ quy hoạch thông minh 

Trong nhiều đề án TPTM phần quy hoach chủ yếu đưa ra các vấn đề như công bố quy hoạch, cập nhật quy hoạch mới… Tuy nhiên để đảm tính xuyên xuốt và thông nhất thì yếu tố thông minh phải được đưa ngay từ khi nghiên cứu lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành ở nhiều mức như: Quy hoạch chung toàn Thành phố, Quy hoạch chung quận, huyện, thị xã, Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết. 

4. Kết luận 

Các đề án về TPTM, ĐTTM đang được xây dựng và triển khai ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Song các vấn đề về nhận thức, vấn đề về hệ thống xây dựng CSDL, vấn đề các tiêu chuẩn, quy chuẩn… cho TPTM, ĐTTM còn gặp nhiều khó khăn cần vượt qua.

Do đó, các đề án TPTM, ĐTTM cần mang tính thống nhất, xuyên xuốt các lĩnh vực. Phát triển TPTM là việc phức tạp, lâu dài, tốt kém do đó cần phát huy nguồn lực từ địa phương cũng như sự tham gia tích cực hiệu quả của người dân, và các doanh nghiệp.

TS Nguyễn Nhật Quang, TS Phan Thế Hùng
-----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Dự thảo đề án "Xây dựng TP Hà Nội thông minh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (năm 2020).
2. Tài liệu tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, CPS, CQS, ĐTTM và an toàn thông tin mạng, năm 2021.
3. Đề án "Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành ĐTTM giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, 8/2021; 
4. Đề án phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, 8/2018; 
5. Đề án xây dựng TPTM tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, 12/2018; 
6. TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, 11/2017.
7. https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/do-thi-thong-minh-bat-dau-tu-tam-nhin-thong-minh.html.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng

Tags thành phố thông minh đô thị thông minh tăng trưởng xanh phát triển bền vững

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục