Phát triển công nghiệp và sức ép lên môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2022 | 3:44:45 PM

QLMT - Công nghiệp là lĩnh vực có đóng góp quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nền kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% GDP của cả nước, liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân 8,2%/năm.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp với mức tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 10,6%/năm.

Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng. Một số ngành công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là các ngành điện tử, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm… Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp tư nhân hình thành và phát triển trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, chế biến thực phẩm, sắt thép, kim khí.


Chỉ số sản xuất công nghiệp theo ngành giai đoạn 2015 - 2020. Nguồn: Tổng hợp từ các Niên giám Thống kê năm 2015 - 2020

Hiện nay, mặc dù số lượng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao ngày càng tăng, tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia khác trong khu vực. Do vậy, để sản xuất các mặt hàng cần tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng hơn, phát sinh nhiều chất thải hơn, gây sức ép đối với môi trường.

Trong khai thác khoáng sản, trừ một số loại khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, phù hợp với khai thác quy mô công nghiệp như dầu khí, than, bôxít, titan, apatit, đất hiếm, đá hoa trắng..., phần lớn các loại khoáng sản còn lại có quy mô trữ lượng thuộc loại vừa và nhỏ, phân tán, điều kiện khai thác phức tạp, không phù hợp với đầu tư quy mô lớn, hiện đại. Bên cạnh đó, việc quá chú trọng đến sản lượng khai thác, chưa quan tâm nhiều đến sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại... đã làm lãng phí tài nguyên và gia tăng ô nhiễm môi trường.

Trước những cơ hội tái cấu trúc ngành công nghiệp, khi đại dịch COVID-19 xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ có tiềm năng đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài, bao gồm các ngành tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm môi trường thuộc lĩnh vực gia công, chế biến (giấy, dệt nhuộm, thuộc da, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, nhiệt điện...).

Khu công nghiệp và cụm công nghiệp

Tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 KCN được thành lập (bao gồm 329 KCN nằm ngoài các khu kinh tế, 34 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 06 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích khoảng 114 nghìn ha. Trong đó, có 284 KCN đã đi vào hoạt động, tăng 72 KCN so với năm 2015. Nhìn chung, số lượng KCN đi vào hoạt động có xu hướng tăng qua các năm, trong đó tăng mạnh nhất vào các năm 2018, năm 2019.


Số lượng khu công nghiệp đi vào hoạt động giai đoạn 2015 - 2020

Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN còn gặp khó khăn, đặc biệt là các tỉnh duyên hải miền Trung (DHMT) và Bắc Trung Bộ, trái ngược với những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN, khu chế xuất đã có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng các KCN được đầu tư lắp đặt hệ thống XLNT, hệ thống quan trắc nước thải tự động gia tăng hằng năm, với mức tăng trung bình 1,26%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng công suất XLNT năm 2020 đạt trên 1,1 triệu m3/ngày.đêm (tăng 4,6% so với năm 2015). Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác BVMT năm 2020, có 90,69% KCN đang hoạt động có công trình XLNT tập trung, trong đó 90,9% đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Một số địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, có mức đầu tư cao cho BVMT. Mặc dù vậy, nhiều dự án, cơ sở hiện đang đầu tư, vận hành tại các KCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hoá dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc BVTV... Đây là vấn đề thách thức lớn đối với công tác kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.

Đối với cụm công nghiệp (CCN), tính đến hết năm 2020, cả nước có 698 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 22 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân 65%, thu hút gần 12 nghìn dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàn trăm nghìn người lao động. Tuy nhiên, số lượng CCN có biện pháp BVMT, công trình xử lý chất thải chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ; mới chỉ có 17,2% CCN đang hoạt động có hệ thống XLNT tập trung, trong đó 39,2% đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Bên cạnh đó, khoảng 60% số CCN đang hoạt động chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng nghĩa với việc các CCN này vẫn chưa có các biện pháp BVMT cụ thể, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác BVMT trong thời gian tới.

Làng nghề

Theo báo cáo công tác BVMT năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận.


Đặc trưng ô nhiễm từ nước thải sản xuất của một số loại hình làng nghề. Nguồn: Công văn số 2250/BNN-KHCN ngày 27/3/2020 của Bộ NNPTNT

Công tác BVMT tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý CTR cũng như hệ thống XLNT. Theo báo cáo công tác BVMT của Bộ NNPTNT năm 2020, có 16,1% làng nghề có hệ thống XLNT tập trung đạt yêu cầu về BVMT; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom CTR công nghiệp đạt 20,9%.

Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu (phổ biến là than chất lượng thấp), sử dụng hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa), quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm. Điển hình là làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (tỉnh Nam Định)… Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi, tạo nên các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3... Các làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.


Số lượng làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng theo loại hình. Nguồn: Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013

Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, ngày 11 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTg phê duyệt Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định danh mục và mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước.

Trong số 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, khu vực miền Bắc có số lượng lớn nhất với 34 làng nghề (chiếm 72,3%), khu vực miền Trung có 11 làng nghề (chiếm 23,4%) và khu vực miền Nam có 2 làng nghề (chiếm 4,3%).

So với giai đoạn 2011 - 2015, công tác BVMT tại các làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến, một số mô hình xử lý chất thải làng nghề đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường như: làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre; làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp...; nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường (như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang…). Nhiều phong trào, mô hình BVMT đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần tạo nên một diện mạo mới về môi trường ở nông thôn như: mô hình "dòng sông không rác” của Nam Định; mô hình "biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh "từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông tại Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...; mô hình "tôn giáo tham gia BVMT, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định…; mô hình tuyến đường hoa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai. Hiện đã có 39/47 làng nghề (đạt 72%) xử lý triệt để hoặc xây dựng dự án xử lý ô nhiễm môi trường, còn 08/47 làng nghề (28%) chưa có dự án xử lý ô nhiễm môi trường.

Cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp

Các cơ sở sản xuất lớn nằm ngoài KCN, CCN tuy số lượng nhỏ (khoảng 2% tổng số cơ sở sản xuất trong cả nước) nhưng chiếm trên 30% tổng sản lượng công nghiệp toàn quốc. Các cơ sở này nằm phân tán trên các vùng miền của cả nước với các lĩnh vực sản xuất chính là khai thác khoáng sản, sản xuất điện, khai thác và chế biến dầu khí, cơ khí, hóa chất, luyện kim, đóng tàu, sản xuất xi măng, chế biến thực phẩm.

Theo các báo cáo, số liệu thống kê chưa đầy đủ, lượng phát sinh nước thải và khí thải từ các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN chiếm tỷ lệ khá lớn, tùy theo loại hình sản xuất mà lượng phát thải và tính chất ô nhiễm khác nhau, gây nhiều sức ép lên môi trường. Việc XLNT đối với các cơ sở này đang là vấn đề nan giải do đa số các cơ sở sản xuất đều nằm xen lẫn trong khu dân cư. Ngoài ra, cơ sở sản xuất nhỏ thường không có kinh phí để xây dựng một hệ thống XLNT đảm bảo yêu cầu về BVMT.

Nguồn: Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020


Tags công nghiệp sức ép môi trường khu công nghiệp làng nghề

Các tin khác

Rác thải từ nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Do đó, sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực miền Nam đã thành công trong việc sử dụng các phụ phẩm công nghiệp như bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than và xỉ lò đốt rác để tạo ra vật liệu san lấp mới có khả năng chịu lực thay thế cát san lấp.

Thông qua việc thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bể sinh học có giá thể di động (MBBR) trong xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp”, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp, có ứng dụng công nghệ MBBR, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý sinh học kỵ khí tại nhà máy giấy.

Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới để thăm dò và dự báo tiềm năng nước ngầm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự