Hiện trạng và quản lý mạng lưới thoát nước tại Hải Phòng

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/3/2022 | 7:12:29 PM

QLMT - Qua đánh giá hiện trạng có thể thấy việc quy hoạch, xây dựng mạng lưới thoát nước thành phố Hải Phòng chưa hợp lý, việc quản lý phối hợp giữa các ngành giao thông công chính và các ngành khác chưa chặt chẽ, đã gây ra không ít những khó khăn và phức tạp trong quản lý thoát nước.

Thành phố Hải Phòng thành lập năm 1888 (hơn 130 năm), qua nhiều năm phát triển và hội nhập quốc tế, thành phố đã phát triển mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị trí thương cảng lớn nhất miền Bắc. Là đô thị loại 1 cấp quốc gia, là trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ. Hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng phát triển mạnh, đô thị được mở rộng thành 7 quận nội thành. Trong kế hoạch đến năm 2025 dời Trung tâm hành chính sang huyện Thủy Nguyên, xây dựng Thủy Nguyên thành đô thị loại VI ( theo QĐ số 500/QĐ-UBND ngày 07/3/2021). Ngoài ra, kế hoạch thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành và UBND huyện An Dương hoàn thiện các tiêu chí thành lập đơn vị hành chính cấp quận cho huyện An Dương. Song song với việc phát triển mở rộng này, khu vực đô thị trung tâm thành phố cũng cần được quan tâm, nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các sự cố vào mùa mưa bão, triều cường đang liên tục xẩy ra như ngập cục bộ, ngập diện rộng tại các khu phố, tắc cống, sập ga,... đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội ở đây.

Từ khóa: Hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới thoát nước, hiện trạng, thực trạng, nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mở rộng.

1. Khái quát chung

Mạng lưới cống thoát nước đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng là mạng lưới cống chung, tiếp nhận cả nước mưa và nước thải và xả trực tiếp ra các kênh mương, hồ, sông (không qua xử lý). Mật độ xây dựng cống còn thấp, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị cũ (quận Hồng Bàng, quận Lê Chân, quận Ngô Quyền và quận Hải An). Các khu vực đang đô thị hóa (phần mở rộng quận Hồng Bàng, quận Kiến An, quận Dương Kinh, quận Đồ Sơn và khu vực Tràng Cát quận Hải An) có mạng lưới cống thoát còn rất thấp, chất lượng xuống cấp nghiêm trọng và thường không đáp ứng được yêu cầu thoát nước.

Hiện trạng và quản lý mạng lưới thoát nước tại Hải Phòng - Ảnh 1
Hình 1. Hiện trạng MLTN khu trung tâm thành phố Hải Phòng. Nguồn: Sở Xây dựng Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng được chia cắt làm 5 vùng bởi 6 sông lớn: Sông Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình và sông Hóa. Nên MLTN cũng được xây dựng dựa trên các lưu vực của các con sông này.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Hải Phòng nên thường có mưa lớn, mưa kéo dài, lượng mưa trên 100mm kết hợp với triều cường trên 4.3m đã nhanh chóng làm ngập nhiều tuyến phố. Qua đánh giá hiện trạng có thể thấy việc quy hoạch, xây dựng MLTN là chưa hợp lý, việc quản lý phối hợp giữa các ngành giao thông công chính và các ngành khác chưa chặt chẽ, đã gây ra không ít những khó khăn và phức tạp trong quản lý thoát nước.

Về thực trạng quản lý thoát nước thành phố Hải Phòng khá phức tạp, do hiện nay phương pháp quản lý không tập trung. Hiện tại, HTTN thành phố được phân chia thành các khu vực khác nhau và giao cho các đơn vị khác nhau quản lý (xem Hình 2).

Hàng năm, các đơn vị/công ty quản lý trực tiếp các khu vực thoát nước đều nhận được nghĩa vụ công ích từ UBND là quản lý, bảo trì HTTN thông qua hình thức giao thầu. Ngoài ra, khi xẩy ra sự cố thoát nước tại khu vực nào thì đơn vị quản lý khu vực đó phải chịu trách nhiệm khắc phục, sửa chữa sự cố. Đây là phương pháp quản lý bị động, ứng phó sự cố hoàn toàn thụ động, hỏng đâu sửa đó.

Về tài chính, UBND thành phố Hải Phòng giao Sở xây dựng làm đơn vị quản lý vốn, cấp vốn hoạt động thường xuyên, cấp kinh phí cho các hoạt động công ích, .v.v. cho các Công ty quản lý thoát nước trên địa bàn. Việc thu giá dịch vụ thoát nước, UBND giao cho Công ty CP cấp nước Hải Phòng thu trên cơ sở 20% hóa đơn dùng nước, sau đó nộp cho Sở Xây dựng quản lý nguồn thu và chi theo kế hoạch năm hoặc chi khắc phục sự cố đột xuất.

Hiện trạng và quản lý mạng lưới thoát nước tại Hải Phòng - Ảnh 2
Hình 2. Mô hình hiện trạng quản lý thoát nước thành phố Hải Phòng

Về hoạt động quản lý MLTN bằng công nghệ thông tin còn gặp khó khăn do địa bàn phân chia cho nhiều đơn vị quản lý. Muốn quản lý HTTN của thành phố đạt hiệu quả thì trước tiên cần phải tập trung công việc quản lý cho một đơn vị duy nhất mới có thể phát huy và không bị tiêu tốn nguồn lực lãng phí. Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hải Phòng (sau đây gọi tắt là Công ty thoát nước Hải Phòng) đang triển khai số hóa MLTN, tuy nhiên chưa có cơ chế thực hiện, chưa có hướng dẫn xây dưng định mức đơn giá các công việc số hóa HTTN. Các hoạt động số hóa MLTN hiện nay của công ty đang được chính quyền thành phố Kita-Kyushu, Nhật Bản tài trợ, hướng dẫn. Cán bộ thực hiện số hóa là chuyên trách, không chuyên nên tiến trình còn chậm và khó thành công.

2. Nhận xét, đánh giá về hiện trạng hệ thống thoát nước tại thành phố Hải Phòng

HTTN thành phố Hải Phòng chủ yếu là HTTN chung, phát triển trên cơ sở cống thoát nước mưa hình thành qua nhiều thời kỳ, chất lượng các cống không đồng đều, kích thước và độ dốc cống nhỏ, mật độ tính theo chiều dài trên đầu người thấp, bị xuống cấp nghiêm trọng, hiện nay không còn đủ công suất và khả năng phục vụ tiêu thoát nước thải và nước mưa.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Hải Phòng nên thường có mưa lớn, mưa kéo dài, lượng mưa trên 100mm kết hợp với triều cường trên 4.3m đã nhanh chóng làm ngập nhiều tuyến phố. Qua đánh giá hiện trạng có thể thấy việc quy hoạch, xây dựng MLTN là chưa hợp lý, việc quản lý phối hợp giữa các ngành giao thông công chính và các ngành khác chưa chặt chẽ, đã gây ra không ít những khó khăn và phức tạp trong quản lý thoát nước.

Việc xử lý nước thải (XLNT) chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường nguồn tiếp nhận, cần được nghiên cứu và tăng cường về đầu tư xây dựng. Khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng và chi phí vận hành và bảo dưỡng nói chung còn thấp.

Diện tích hồ điều hòa trên địa bàn thành phố còn ít, nhất là khu vực đô thị trung tâm còn 73,3ha, chỉ bằng 60% hồ điều hòa theo quy hoạch. Tốc độ đo thị hóa nhanh, nhiều ao hồ, mương và các khu đất nông nghiệp bị san lấp để phục vụ cho nhu cầu nhà ở và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, MLTN tại các khu vực này chưa phát triển kịp cùng với tốc độ đô thị hóa.

Việc đầu tư các dự án về thoát nước trong thời gian vừa qua mới đạt 30 ÷ 40% so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, các dự án được giao cho các nhà đâu tư khác nhau, có một số dự án bị bỏ dở, lấp mương xong không thi công được do vướng mặt bằng, hoặc vướng kinh phí, v.v. gây ách tắc thoát nước. Nhiều dự án hạ tầng thi công kéo dài đã làm cản trở, gây ách tắc thoát nước, dẫn đến ngập lụt và khiến các hộ dân khiếu kiện kéo dài.

Một số dự án sau khi triển khai đã không thực hiện đấu nối hạ tầng hoặc đấu nối không đảm bảo kỹ thuật, hoặc chuyển hướng dòng chảy cho các tuyến cống thoát nước sang các lưu vực khác, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt.

Nhu cầu về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì, nạo vét MLTN của thành phố cũng như đô thị trung tâm là rất lớn, trong khi nguồn thu từ dịch vụ thoát nước còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc nạo vét bùn mương, hồ điều hòa, ga, cống chưa đủ kinh phí thực hiện đúng theo kế hoạch định kỳ. Các cống nhỏ đã xuống cấp chưa có điều kiện để sửa chữa, thay mới.

3. Nhận xét, đánh giá về thực trạng quản lý nhà nước về thoát nước tại thành phố Hải Phòng

Về quản lý đầu tư: UBND thành phố đồng ý chủ trương, Sở xây dựng làm chủ đầu tư, Ban QLDA làm đại diện chủ đầu tư và tổ chức thực hiện công việc đầu tư: Từ Bước chuẩn bị; Bước thực hiện dự án; và Bước kết thúc dự án. Sau khi hoàn thành, công trình thoát nước được giao cho Công ty thoát nước HP vận hành và bảo trì. Mô hình này đang là mô hình quản lý chung, áp dụng cho hầu hết các tỉnh, thành phố.

Hải Phòng là thành phố sớm có chủ trương cổ phần hóa Công ty thoát nước từ năm 2019. Nhưng, việc cổ phần còn vướng nhiều yếu tố bất cập về tài sản và định giá tài sản. Công ty thoát nước Hải Phòng quản lý, vận hành và bảo trì các tài sản như MLTN, nhà máy XLNT, các cống, các hồ ao, kênh mương, .v.v. nhưng không thể mang định giá để cổ phần.

Về nhiệm vụ công ích: UBND TP giao nhiệm vụ công ích hàng năm cho Công ty thoát nước Hải Phòng thực hiện vận hành, bảo trì các công trình trên MLTN và các nhà máy/trạm XLNT của thành phố theo hình thức giao thầu hàng năm. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý các tài sản này là việc giao thầu: Việc bảo trì là định lượng và thực hiện theo kế hoạch thì có thể giao thầu; Nhưng, việc ứng phó các sự cố là cấp bách, sự cố liên quan an sinh xã hội thì không thể dừng khắc phục lại để lập hồ sơ giao thầu. Đây là việc khó trong quản lý và là rào cản lớn cho việc cổ phần công ty theo đúng trình tự.

Hiện nay, mô hình tổ chức và phương pháp quản lý MLTN của các Công ty thoát nước cơ bản giống nhau, đều điều hành theo chế độ thủ trưởng (là mô hình được áp dụng phổ biến tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan chuyên môn). Nên, phương pháp xử lý công việc, cách ứng phó sự cố thường là bị động và dập khuôn theo cách hỏng đâu sửa đó, sự cố xẩy ra thì tổ chức khắc phục, sửa chữa. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp quản lý thoát nước. 

Để khắc phục được các vấn đề này thì cần thay đổi từ hành lang pháp luật, cơ chế chính sách, thay đổi từ chiến lược, thay đổi từ phương pháp quản lý và đặc biệt là phải thay đổi công cụ quản lý thoát nước sẽ có bước nhảy vọt về hiệu quả quản lý vận hành, bảo trì MLTN.

4. Những vấn đề cần nghiên cứu và khắc phục, sửa chữa

Những bất cập, khó khăn đang tồn tại ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, đòi hỏi các nhà nghiên cứu cần phải tìm ra cac giải pháp khắc phục, cải tạo, xây dựng mô hình quản lý HTTN ngày một tiên tiến và đáp ứng được nhu cầu xã hội. Do đó, các vấn đề cần nghiên cứu và giả quyết như sau:

1) Về kỹ thuật, chúng ta cần nghiên cứu: Các vấn đề về độ tin cậy và độ bền của đường ống nước thải; Tìm hiểu nguyên nhân của độ tin cậy thấp và độ bền của đường ống thấp chủ yếu có liên quan đến kháng không tương ứng với độ ăn mòn của cấu trúc vật liệu trong môi trường ăn mòn.Độ ăn mòn của môi trường gắn liền với đời sống của vi sinh vật, còn các tiêu chí độ ăn mòn của nó, các nhà nghiên cứu khác nhau cho rằng: Nồng độ hydrogen sulfide trong môi trường không khí, sunfide - trong nước, hóa chất hay nhu cầu oxy sinh học, nồng độ của các tế bào của vi sinh vật trên một đơn vị diện tích bề mặt của cấu trúc. Tiêu chí chung là không có, và các quy định này không chứa bất kỳ yêu cầu để đánh giá mức độ ăn mòn của môi trường và không quy định việc bảo vệ nó.

2) Phương pháp bảo vệ từ tác động vi sinh là sử dụng vật liệu chống ăn mòn axit dựa trên polime, polyethylene, polyvinyl clorua chống ăn mòn hoặc bê tông polyme; trong việc thực hiện XLNT- đưa vào nó chất oxy hóa dạng lỏng, clo, hydro peroxide; sử dụng mạng thông gió. Phương pháp này là thực tế phổ biến nhất trong việc XLNT, vì nó được khuyến cáo như là các tiêu chuẩn quan trọng trong nước.

3) Gia tăng tuổi thọ MLTN hiện có tương đương với tuổi thọ của tòa nhà đô thị. Các chuyên gia nước ngoài đã thực hiện nhờ việc tăng cường các vật liệu polyme.

4) Các giải pháp nghiên cứu: Quản lý thoát nước theo phương thức quản trị tài sản; Quản lý thông tin các sự cố MLTN; Quản lý MLTN bằng công nghệ thông tin, mô hình HTTT quản lý MLTN.

5) Nghiên cứu bộ máy quản lý: Cơ cấu tổ chức QLNN các cấp về MLTN của TP. HP (Từ UBND, Sở XD, cấp quận, huyện). Tìm giải pháp thích hợp cho Mô hình tổ chức, cơ chế QL MLTN của các Công ty thoát nước.

5. Kết luận

Hiện trạng HTTN và thực trạng QLNN về HTTN của thành phó Hải Phòng còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa có định hướng rõ ràng về sự phát triển mang tính đột phá, chưa có cơ chế chính sách phát triển bền vững, chưa chế tài đủ mạnh để song hành. Các nhà nghiên cứu, các nhà quản trị doanh nghiệptrước khi đề xuất giải pháp cần có cơ sở khoa học, có những bài học kinh nghiệm, kết quả thử nghiệm có hiệu quả và đặc biệt là phải có lộ trình về thời gian và quyết tâm đổi mới sẽ khắc phục những yếu điểm trong quản lý HTTN hiện nay.

6. Kiến nghị

Bằng thực trạng và những phân  tích đánh giá ở trên. Tác giả kiến nghị các cấp:

1) Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn riêng cho ngành thoát nước.

2) Định hướng số hóa HTTN, hướng dẫn và lập chi phí định mức đơn giá cho các công việc số hóa HTTN (ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý HTTN).

3) UBND thành phố chỉ đạo và giao quyền quản lý tập trung toàn bộ mảng thoát nước về một đơn vị quản lý. Tạo thuận lợi cho việc quản lý đơn vị này quản lý tập trung và ứng dụng hệ thống thông tin quản lý MLTN được đồng nhất.

4) Đối với Công ty quản lý thoát nước, lãnh đạo công ty cần lập Phòng quản lý thông tin, biên chế vị trí việc làm để chính thức số hóa HTTN. Xây dựng dự toán tạm tính đề án số hóa HTTN, trình Sở xây dựng làm cơ sở lập định mức đơn giá cho các công tác liên quan đến số hóa của đề án, trình UBND thành phố phê duyệt đề án định mức đơn giá số hóa này.

Phạm Văn Vượng 
 Viện KHCN Xây dựng

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Văn Hiểu, Phạm Văn Vượng (2018), Quản lý bể chứa và hồ điều hoà nước mưa, Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 31-T8/2018. ISSN: 1859-350X.

2. Phạm Văn Vượng (2018), Thực trạng quản lý mạng lưới thoát nước thải, Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, số 30-2018. ISSN: 1859-350X.

3. Phạm Văn Vượng (2016), Giải pháp chống úng ngập cho Hà Nội, Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam, số 6 (110)-2016. ISSN: 1859-3623.

4. Vũ Văn Hiểu, Phạm Văn Vượng (2019), Tài liệu giảng dậy: Vận hành, bảo dưỡng mạng lưới thoát nước, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, tháng 4/2019.

5. Phạm Văn Vượng, Vũ Văn Hiểu (2021), Tài liệu tham khảo - Quản lý tổng hợp nguồn nước, Nhà xuất bản xây dựng, Hà Nội, quý IV/2021.

6. Bộ Xây dựng (2021), Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM), Hà Nội, 2021.

7. Tiêu chuẩn Việt Nam (1991), TCVN 5576:1991 Hệ thống cấp thoát nước – Quy phạm quản lý kỹ thuật.

8. UBND thành phố Hải Phòng (2018), Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 về việc Phê duyệt quy hoạch thoát nước thải thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng, 2018.

9. Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng (2021), Đơn vị hành chính, dân số, Hải Phòng, tháng 01/2021.

10. 北九州市(平成23/2011)、ベトナム国ハイフォン市水環境改善事業、自治体国際協力促進事業(モデル事業。(Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Hải phòng, Việt Nam).

11. 公益財団法人、地球環境戦略研究機関(平成26/2014)、北九州市との連携によるハイフォン市グリーン成長計画策定支援事業報告書、北九州市平成26/2014. (Dự án hỗ trợ xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng phối hợp với thành phố Kitakyushu).

Tags chuyền xử lý nước thải quản lý năng lượng năng lượng điện xử lý nước thải tiết kiệm năng lượng

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục