Xây dựng chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2030, tầm nhìn đến 2050

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/10/2021 | 9:09:08 AM

QLMT - Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (chiến lược 2020) với sự tham gia của các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức có hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo tồn. Báo cáo đã ghi nhận các kết quả chính đã đạt được mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược vừa qua và xác định diễn biến của ĐDSH cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, dự thảo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (chiến lược 2030) được xây dựng với cách tiếp cận Hệ thống sinh thái - xã hội, lấy con người là trung tâm; phải ngăn chặn đà suy giảm của ĐDSH và tăng cường phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; kiểm soát được các tác động gây hại tới ĐDSH đồng thời sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái cũng như chia sẻ công bằng cho các bên những lợi ích từ nguồn gen. Dự thảo Chiến lược đến 2030 có 03 nhóm mục tiêu cụ thể với các chỉ tiêu định lượng; 06 nhóm nhiệm vụ chính và 06 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện.

Ngoài ra, để giảm tốc độ suy thoái ĐDSH trong 10 năm tới và hướng tới sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050, một số khuyến nghị đề xuất như: phải huy động được các cấp chính quyền cao nhất với ý chí chính trị và nhận thức đầy đủ về ĐDSH; cải cách thể chế kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; tăng cường nguồn lực; thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người dân địa phương và các thành phần trong xã hội trong việc ra quyết định liên quan đến bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái.

    Việt Nam chính thức là một thành viên tham gia Công ước ĐDSH (ĐDSH) từ năm 1994. Thực hiện nghĩa vụ quốc gia đối với thành viên của Công ước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 845/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 12 năm 1995 phê duyệt "Kế hoạch hành động bảo vệ ĐDSH của Việt Nam”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam về bảo tồn ĐDSH được xây dựng và ban hành. Kế hoạch 1995 trở thành kim chỉ nam cho các hành động bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam trong suốt giai đoạn 1995-2006. Sau đó tới nay, đã có thêm 2 văn bản Kế hoạch và Chiến lược mang tính pháp lý để thực hiện các hành động bảo tồn ĐDSH (Quyết định 79/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 5 năm 2007 phê duyệt "Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học" và; Quyết định 1250/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 7 năm 2013phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam đối với Công ước ĐDSH mà Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng là quyết tâm bảo tồn ĐDSH của Việt Nam - nơi được đánh giá là một trong những quốc gia có mức đa dạng cao trên thế giới.

    Năm 2020, Bộ TN&MT đã tiến hành xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030  với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, gồm cả các tổ chức phi chính phủ và của các chuyên gia độc lập. Trên cơ sở các báo cáo tổng kết đánh giá của 11 bộ, ngành, 48 địa phương và 08 tổ chức có hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, Dự thảo Báo cáo tổng kết và khung Chiến lược đã được xây dựng và được trình bày tham vấn ý kiến rộng rãi. Dự thảo Báo cáo đã phản ánh chi tiết các hoạt động triển khai và những kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án mà Chiến lược đã đề ra, những tồn tại và hạn chế, giải pháp khắc phục và định hướng những ưu tiên thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH trong 10 năm tới.

    1. Đánh giá các kết quả đạt được

    1.1. Các kết quả thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp

    Trong thời gian qua, hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực có danh hiệu quốc tế được củng cố và mở rộng. Từ thời kỳ đầu thực hiện Chiến lược 2020, trên cả nước, đã thành lập mới 09 khu bảo tồn gồm 04 KBT ĐNN, 03 khu RĐD và 02 KBT biển, nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha. Đã thành lập 03 hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị với tổng diện tích 521.878,28 ha. Trong giai đoạn này, đã đề cử và công nhận thêm 04 Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar), nâng tổng số 09 khu Ramsar được quốc tế công nhận; có thêm 05 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số 10 khu Vườn di sản ASEAN; thêm 01 khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, nâng tổng số 09 khu được công nhận; có thêm 03 khu Di sản thiên nhiến thế giới, nâng tổng số 06 khu được công nhận. Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái đã được chú trọng phục hồi. Ước tính năm 2020, phục hồi được 32.300 ha rừng bị suy thoái, hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

    Nhờ có các hoạt động bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên ở một số nơi như 500 cá thể voọc chà vá chân xám (Pygathrix nemaeus cinerea) tại Konplon, Kon Tum; hơn 200 cá thể voọc xám đông dương (Trachypithecus barbei) tại KBT Xuân Liên, Thanh Hóa; hơn 150 cá thể voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) ở vùng núi đá vôi đầm Vân Long (Ninh Bình) và khoảng 40 cá thể ở vùng núi đá vôi Hà Nam. Gần đây, đã xác định được 02 cá thể rùa hồ gươm (Rafetus swinhoei) (tưởng đã tuyệt chủng) tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh (Hà Nội), là cơ sở xây dựng khu bảo tồn loài - sinh cảnh tại đây. Đã có một số loài thủy sản nguy cấp hoặc có giá trị kinh tế được nghiên cứu gây nuôi để bảo tồn và thương phẩm như: cá anh vũ (Semilabeo obscurus), cá hô (Catlocarpio siamensis), cá lăng (Hemibagrus guttatus), cá chiên (Bagarius rutilus) và cá ngựa thân trắng (Hippocampus kellogi).

    Năm 2020, thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010. Trong đó, đã đánh giá ban đầu 41.363 nguồn gen, đánh giá chi tiết 3.136 nguồn gen. Thực hiện cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen, các Bộ, ngành đã cấp các Giấy phép tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại hoặc các Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại. Hệ thống quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen đã đi vào vận hành và bảo đảm 100% cây trồng biến đổi gen được đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học trước khi đưa ra trồng trọt; thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được đánh giá an toàn trước khi đưa ra thị trường.

    Nội dung đánh giá tác động đến ĐDSH được chú trọng trong đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược. Hầu hết các Hội đồng đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển có thể ảnh hưởng đến ĐDSH do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đều có sự tham gia của các chuyên gia ĐDSH và đại diện cơ quan chuyên trách quản lý BTTN và ĐDSH. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông sâu rộng được thực hiện thường xuyên tới mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng, các hành động nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Đã xây dựng và triển khai chuyên mục về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nội dung về ĐDSH đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông và đại học.  

    Hệ thống chính sách pháp luật về ĐDSH của Việt Nam dần được hoàn thiện đáp ứng với tình hình cụ thể của quốc gia. Kể từ khi Luật ĐDSH được Quốc hội phê chuẩn năm 2008 tới nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành hơn 190 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các luật. Hệ thống cơ quan quản lý về ĐDSH ở các cấp từ Trung ương tới địa phương, thậm chí tới các khu bảo tồn đang dần được kiện toàn với những trách nhiệm đã được xác định theo các quy định pháp luật.

    Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH đã được đẩy mạnh, tập trung các nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên; ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong điều tra nghiên cứu ĐDSH. Chú trọng xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu ĐDSH và hướng tới việc số hóa công tác quản lý BTTN và ĐDSH. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện vai trò đầu mối thực thi các cam kết quốc tế về ĐDSH; mở rộng đối tác, huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn loài, quản lý nguồn gen, quản lý đất ngập nước, quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu di sản ASEAN, sáng kiến thành lập hành lang ĐDSH.

    ​1.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại và hạn chế như: Một số mục tiêu định lượng của Chiến lược 2020 không đạt được. ĐDSH vẫn bị tiếp tục bị suy giảm thể hiện ở sự suy giảm về diện tích và chất lượng của các hệ sinh thái tự nhiên. Số lượng cá thể các loài nguy cấp bị suy giảm, số lượng các loài bị đe dọa tăng lên.

    Diện tích bảo tồn của các khu vực được bảo vệ không đủ lớn (phần lớn có diện tích dưới 50.000 ha) cho các hoạt động sinh học và di chuyển của nhiều loài động vật có kích thước lớn và các loài di cư. Trong khi đó, nhiều hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn trong quy hoạch lại chưa được xây dựng. Nhiều khu vực rộng lớn ngoài khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh cao chưa được xác định để có kế hoạch quản lý mới phù hợp.

    Hiệu quả quản lý khu bảo tồn chưa cao, vẫn còn những vụ khai thác trái phép gỗ và động vật hoang dã ở một số khu bảo tồn, thậm chí ở vườn quốc gia. Việc thực thi pháp luật ĐDSH còn thấp, tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng vẫn gia tăng. Chưa kiểm soát được sự di nhập các loài ngoại lai xâm hại và biện pháp giảm thiểu sự phân bố và tác động của chúng.

    Cơ sở dữ liệu về ĐDSH của Việt Nam còn tản mạn, phân tán tại các cơ quan, đơn vị khác nhau; chưa được quản lý theo một chuẩn thống nhất và chưa có một cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia đồng bộ. Do vậy, hiệu quả sử dụng thông tin, dữ liệu trong công tác quản lý và bảo tồn hết sức hạn chế.

    Các số liệu về các hệ sinh thái biển, đặc biệt diện tích rạn san hô và độ phủ san hô sống, diện tích thảm cỏ biển trên toàn quốc không có số liệu thống kê thường niên, chưa đáp ứng cho nhu cầu quản lý.

    Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Chiến lược, đó là: Trong chính sách, pháp luật về ĐDSH còn có những khoảng trống như hệ thống chính sách pháp luật về bảo tồn ĐDSH còn những vấn đề quản lý chưa thống nhất. Bên cạnh đó, Luật ĐDSH còn thiếu một số quy định hoặc chưa hoàn thiện. Ngoài ra, sự chưa thống nhất trong phân công trách nhiệm, chức năng và quản lý về ĐDSH giữa các cơ quan có liên quan cũng là thách thức lớn nhất đối với quản lý và bảo tồn ĐDSH. Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn ở địa phương còn thiếu hụt. Đặc biệt, tại hầu hết các Sở TN&MT ở địa phương chưa có đơn vị chức năng và cán bộ chuyên ngành bảo tồn ĐDSH. Giữa các Bộ, ngành tham gia quản lý hoặc sử dụng các KBT chưa có hợp tác chặt chẽ. Công tác quản lý bảo tồn ở các KBT chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ ở các ban quản lý khu bảo tồn phần lớn chưa được quan tâm và chưa có điều kiện được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chưa có chính sách mang tính pháp lý về chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, dịch vụ hệ sinh thái biển.

    Hệ thống thực thi pháp luật về ĐDSH còn những hạn chế mặc dù chức năng của từng cơ quan bảo vệ được quy định trong nhiều văn bản luật và nghị định. Sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi bảo vệ môi trường và ĐDSH chưa chặt chẽ. Công tác xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn còn chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân ngày càng gia tăng những vụ khai thác, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và các sản phẩm của chúng.

    Đầu tư kinh phí thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH từ nguồn ngân sách đã tăng nhưng còn dàn trải, thiếu trọng điểm và hiệu quả đầu tư còn thấp. Phần lớn nguồn tài chính cấp cho các KBT tập trung cho bộ máy quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng.

    Việc thay đổi dân số học dẫn tới tăng sử dụng các dạng tài nguyên như sử dụng đất cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, sử dụng nguồn nước, sử dụng và sản xuất năng lượng, tài nguyên sinh vật cùng với phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình tăng trưởng không bền vững; xung đột giữa bảo tồn và phát triển cũng là những nguyên nhân làm suy thoái ĐDSH.

    Nhìn chung, Chiến lược 2020 đã đề ra được các định hướng chiến lược và các nhiệm vụ ưu tiên trong thời kỳ và việc thực hiện cũng đã thu được những kết quả khả quan. Song nhìn chung, sau gần 10 năm thực hiện, vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra của chiến lược. Nhiều mục tiêu tham vọng, trong khi đó nguồn lực đầu tư cho ĐDSH ngày càng hạn chế và sự vào cuộc của các ngành, các cấp còn thiếu đồng bộ; chưa huy động được sự tham gia của các thành phần trong xã hội.

    2. Xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến 2030, tầm nhìn đến 2050

    Việc xây dựng Chiến lược 2030 được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để ĐDSH được bảo tồn, phục hồi, phát triển và dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người dân. Đồng thời, Chiến lược 2030 cũng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/1/2021 phê duyệt chủ trương Việt Nam ủng hộ Cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới về Thiên nhiên nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về ĐDSH trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

    Chiến lược 2030 được xây dựng trên những quan điểm: Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng, nền tảng để phát triển nền kinh tế xanh; bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp then chốt nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học; hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm tính thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương; bảo tồn đa dạng sinh học là quyền và trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân; lợi ích từ đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được chia sẻ công bằng và hợp lý, phù hợp với sự tham gia, đóng góp của tổ chức và cá nhân; tăng cường nguồn lực, ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

    Các nội dung chính của Dự thảo chiến lược

    Dự thảo Chiến lược Việt Nam giai đoạn mới được xây dựng phải căn cứ vào các bộ luật cơ bản là Luật ĐDSH 2008, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Thủy sản 2017 và Luật Bảo vệ môi trường 2020; các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và; thực trạng ĐDSH của Việt Nam thể hiện trong báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Chiến lược 2020. Từ cơ sở đó, bản Dự thảo Chiến lược được xây dựng với những nét đột phá mới là: phải có ngay các hành động ngăn chặn đà suy giảm của ĐDSH và tăng cường phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái. Song song với điều đó, phải kiểm soát được các tác động gây hại tới ĐDSH đồng thời sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái cũng như chia sẻ công bằng cho các bên những lợi ích từ nguồn gen.

    Có thể xem việc đề cập bảo tồn ĐDSH trong các hệ sinh thái nhân tạo như nông nghiệp và đô thị trong Dự thảo Chiến lược 2030 là nét mới bởi trong các giai đoạn trước đây, chỉ có các hệ sinh thái tự nhiên mới được chú trọng bảo tồn. Sử dụng cách tiếp cận Hệ thống sinh thái - xã hội, lấy con người là trung tâm, có thể điều chỉnh được các áp lực và hiện trạng của đa dạng sinh học thông qua các hành động đáp ứng (kể cả cách ứng sử) tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái mang lại phúc lợi lâu dài cho con người và xã hội. Xu hướng này là phù hợp với các tiếp cận của CBD và IPBES và khung chiến lược đa dạng sinh học toàn cầu GBF sau 2020.

    Đặc biệt, trong Dự thảo Chiến lược đã hướng tới đề cao vai trò của cộng đồng và các bên khác nhau, cụ thể đã đề cập tới việc tạo lập môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và vận hành cơ sở dữ liệu ĐDSH; hướng dẫn thực hiện các biện pháp khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân thiết lập các khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn ĐDSH hiệu quả (OECM); thực hiện các biện pháp khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn các giống cây trồng, giống vật nuôi bản địa quý, hiếm, đặc hữu.

    Dự thảo Chiến lược có các mục tiêu được xem là hoàn toàn phù hợp với tình trạng đa dạng của Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng đáp ứng với các mục tiêu của Khung ĐDSH toàn cầu sau 2020 của CBD (GBF sau 2020). Dự thảo Chiến lược 2030 có các đề mục cơ bản như quan điểm; mục tiêu tổng quát; 03 nhóm mục tiêu cụ thể; tầm nhìn tới 2050; 06 nhóm nhiệm vụ chính và 06 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện. Trong Dự thảo Chiến lược, đã đề xuất một số chương trình, đề án, dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới.

    Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được phân thành 03 nhóm chính: (1) Mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; (2) Các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư được bảo tồn hiệu quả; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn; (3) Giá trị của đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái được đánh giá, duy trì và nâng cao thông qua việc sử dụng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học. Một số các chỉ tiêu định lượng của các nhóm mục tiêu cụ thể đã được đề xuất.

    Các nội dung nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược: (1) Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; (2) Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; (3) Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen; (4) Đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (5) Quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; (6) Kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

    Các giải pháp chủ yếu: (1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; (2) Nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; (3) Đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; (4) Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; (5) Bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; (6) Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

        3. Một số đề xuất, kiến nghị

    Trong bối cảnh ĐDSH vẫn tiếp tục bị đe dọa và có chiều hướng suy giảm do áp lực phát triển kinh tế, xã hội và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ. Để giảm tốc độ suy thoái ĐDSH trong 10 năm tới (đến năm 2030) và cho phép phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong các năm tiếp theo, và hướng tới tầm nhìn của Công ước ĐDSH "sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050”, Chiến lược giai đoạn tới cần tập trung giảm thiểu các mối đe dọa tới ĐDSH tại các khu vực ĐDSH cao, các vùng đất ngập nước quan trọng, các cảnh quan sinh thái quan trọng; thúc đẩy các phương thức sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan.

    Những điều kiện tiên quyết để thực hiện Chiến lược giai đoạn tới là phải huy động được các cấp chính quyền cao nhất với ý chí chính trị, nhận thức đầy đủ về tầm quan quan trọng và nhu cầu cấp bách hiện nay nhằm ngăn chặn mất ĐDSH và sống hài hòa với thiên nhiên; cải cách các biện pháp khuyến khích, loại bỏ các trợ cấp có hại tới ĐDSH bao gồm các ưu đãi về kinh tế; cải cách các lĩnh vực kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn ĐDSH; thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người dân địa phương và các thành phần trong xã hội trong việc ra quyết định liên quan đến bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, kể cả ở khu vực ưu tiên bảo tồn và cảnh quan sản xuất; ĐDSH được lồng ghép trong tất cả các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của các lĩnh vực và áp dụng toàn diện trong các đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường về ĐDSH.

PGS.TS. Hồ Thanh Hải

Viện Sinh thái Tài nguyên và sinh vật


Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT, 2019. Báo cáo quốc gia lần thứ sáu về ĐDSH.

2. Bộ TN&MT, 2021. Báo cáo tóm tắt Tổng kết việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, 110 tr.

3. CBD, 2019. Post 2020 global biodiversity framework: Discussion paper

4. CBD, 2021. First draft of the post-2020 global biodiversity framework.

5. IPBES (2019): Summary for policymakers of the global assessment report on biodiversity and ecosystem services of the Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services. S. Díaz, J. Settele, E. S. Brondízio E.S., H. T. Ngo, M. Guèze, J. Agard, A. Arneth, P. Balvanera, K. A. Brauman, S. H. M. Butchart, K. M. A. Chan, L. A. Garibaldi, K. Ichii, J. Liu, S. M. Subramanian, G. F. Midgley, P. Miloslavich, Z. Molnár, D. Obura, A. Pfaff, S. Polasky, A. Purvis, J. Razzaque, B. Reyers, R. Roy Chowdhury, Y. J. Shin, I. J. Visseren-Hamakers, K. J. Willis, and C. N. Zayas (eds.). IPBES secretariat, Bonn, Germany. 56 pages.

Developing a national strategy on biodiversity to 2030, with a vision to 2050 (NBSAP Vietnam in the period of 2021 - 2030)

Ho Thanh Hai

Institute of Ecology and Biolgical Resources

    In 2020, the Ministry of Natural Resources and Environment has prepared a report on the results of the implementation of the National Strategy on Biodiversity to 2020, with a vision to 2030 with the participation of ministries, local branches, organizations with active related to conservation. The report has recorded the main results achieved in the past strategic objectives and tasks and identified the evolution of biodiversity as well as the shortcomings, limitations and causes. On that basis, the draft National Strategy on Biodiversity to 2030, with a vision to 2050, is developed with the approach of the socio-ecological system, taking people as the center; must prevent the decline of biodiversity and strengthen the restoration of degraded ecosystems; control harmful impacts on biodiversity, while sustainably using ecosystem services as well as equitably sharing benefits from genetic resources for all parties. The draft Strategy to 2030, with a vision to 2050 has 03 specific target groups with quantitative indicators; 06 groups of main tasks and 06 groups of mainly implemented solutions.

    In addition, to reduce the rate of biodiversity degradation in the next 10 years and towards "living in harmony with nature by 2050”, some recommendations are proposed such as: must mobilize the highest levels of government with political will and full awareness. about biodiversity; economic institutional reform towards sustainable development and green growth; increase resources; promote the full and effective participation of local people and stakeholders in decision-making related to biodiversity conservation and sustainable use of ecosystem services.

Keywords: Strategy, plan, biodiversity

Theo Tạp chí Môi trường

Tags chiến lược quốc gia về ĐDSH NBSAP Việt Nam Bộ Tài nguyên và Môi trường Dự thảo Chiến lược

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục