1. Giới thiệu
Theo sơ đồ hướng tuyến Bái Đính - Ba Sao, đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình sẽ cắt qua KBTTNĐNN Vân Long, trong đó:
Khu đất ngập nước (ĐNN) khoảng 1,1 km (từ km 12+00 đến km 13+100)
Khu vực đất thổ cư khoảng 0,8 km (từ km 13+100 đến km 13+900)
Khu vực đất đồi núi khoảng 0,7 km (từ km 13+900 đến km 14+600)
Kết quả điều tra, khảo sát thực địa cho thấy, mặc dù tuyến đường cắt qua KBTTN chỉ có 2,6 km nhưng có đến 6 HST. Các HST được nghiên cứu kĩ về ba đặc trưng: cấu trúc, thành phần loài, nguồn gen.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. HST ĐNN
2.1.1. Cấu trúc
Có thể chia cấu trúc của HST ĐNN thành ba tầng: mặt, giữa và đáy. Về thực vật, tầng mặt có các loài như lục bình (Eichhoria crassipes), lá sắn (Hydrocharis dubia), bèo cám Nhật Bản (Lemna japonica), bèo cám (Lemna perpusilla)... Ngoài các loài thực vật bậc cao có mạch như đã nêu, tham gia vào cấu trúc tầng mặt còn có một số loài thực vật phù du như Melosira varians, Synedracus, Pinnularia gibba... Một số loài động vật nổi thuộc lớp giáp xác (Crustacea) như Mongolodiaptomus birulai, Phyllodiaptomus tungidus hoặc phân lớp chân mang (Brachiopoda) như Bosmina longirostris… Tham gia vào tầng mặt còn có một số loài cá như cá mại bầu (Rasborinus lineatus), mương xanh (Hemiculter leucisculus), ngão (Cutter erythropterus), đuôi cờ (Macropodus opercularis)… cùng một số loài chim như vịt mốc (Anas acuta), vịt trời (Anas poecilorhyncha). Tầng giữa thành phần loài thực vật đơn giản hơn, chỉ thống kê được một số loài thực vật bậc cao như rau bát (Bootia alata), rong đuôi chồn (Hydrilla verticillata), mã đề nước (Ottelia alismoides), giang thảo (Potamogeton gaudichaudii)… Ngược lại, tầng giữa số lượng loài cá rất phong phú, có tới 20 loài. Tầng đáy có thành phần thực vật khá phong phú với các loài súng như lam (Nymphaea nouchali), trắng (Nymphaea pubescens), đỏ (Nymphaea rubra), sen (Nelumbo nucifera), sậy (Phragmites karka), chóc gai (Lasia spinosa) [3]. Động vật đáy chủ yếu gồm các loài thuộc ngành Thân mềm, trong đó lớp hai mảnh vỏ có 8 loài, lớp chân bụng có 8 loài; ngành Chân khớp có 2 loài.
2.1.2. Thành phần loài
Thành phần loài thực vật bậc cao có mạch: Đã thống kê được HST ĐNN có 35 loài thuộc 20 chi và 14 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó ngành Mộc lan chiếm tới 32 loài, 18 chi và 12 họ. Trong ngành Mộc lan thì lớp Mộc lan có 15 loài, thuộc 6 chi và 6 họ; Lớp Hành có 17 loài thuộc 12 chi và 6 họ.
Thành phần loài thực vật nổi: Đã thống kê được 25 loài thực vật nổi thuộc 21 chi, 12 họ của 5 ngành [2].
Thành phần loài động vật nổi: Đã thống kê được 18 loài, 13 giống thuộc 8 họ của 2 ngành.
Thành phần loài động vật đáy: Đã thống kê được 18 loài, 15 giống thuộc 1 họ của 3 ngành.
Thành phần loài cá: Đã thống kê được 28 loài thuộc 27 giống, 8 họ và 4 bộ.
Thành phần loài chim: Đã thống kê được 21 loài chim thuộc 17 giống, 11 họ và 7 bộ.
Thành phần loài bò sát: Đã thống kê được 3 loài bò sát thuộc 3 giống 2 họ và 2 bộ.
Thành phần ếch nhái: Đã thống kê được 2 loài thuộc 1 giống, 1 họ và 1 bộ.
2.1.3. Nguồn gen
HST ĐNN không phát hiện được nguồn gen quý, hiếm.
2.2. HST rừng trên núi đá vôi đoạn tuyến qua KBTTN
2.2.1. Cấu trúc
HST rừng trên núi đá vôi là một trong 2 HST quan trọng nhất của KBTTNĐNN Vân Long bởi HST này không chỉ là nơi sống, mà còn là cái áo giáp che chở bảo vệ cho đàn voọc mông trắng trước sự xâm hại của các loài thú ăn thịt, thậm chí cả các thợ săn. Đặc biệt, HST còn là nguồn duy nhất cung cấp thức ăn giúp đàn voọc mông trắng tồn tại và phát triển.
Thảm thực vật của HST có 4 tầng: tầng trên cùng tán không liên tục, chiều cao tối đa 20 m với một số đại diện như xoan nhừ (Choerospondias axillaris), vải guốc (Xerospermum glabrum), sếu hôi (Celtis cinnamomea), sếu đông (Celtis orientalis)… Tầng thứ hai gồm một số loài cây gỗ chiều cao không vượt quá 15 m như rù rì (Calophyllum balansae), bứa planchon (Garcinia planchonii), thàn mát (Milletia ichthyochtona), thàn mát thùy dày (M. pachyloba)… Tầng thứ ba gồm một số loài chiều cao không vượt quá 10 m như chân chim tám lá (Schefflera octophylla), chân chim núi (S.petelotii), thị lọ nồi (Diospyros eriantha), thị trổ (D.variegata), dọc khế (Cipadessa baccifera)... Cuối cùng là tầng cỏ quyết, gồm một số loài thuộc họ Cau (Arecaceae) như mật cật đá côi (Licuala calci phila), cau bụi rừng (Pinanga banaensis), họ Huyết giác (Dracaenaceae) như huyết giác (Dracaena cambodiana), phất thủ bầu dục (D.elliptica).
2.2.2. Thành phần loài
Thành phần loài thực vật: Đã thống kê HST này có 131 loài thuộc 42 họ của ba ngành thực vật bậc cao có mạch.
Thành phần thú, chim, bò sát, ếch nhái: Đã thống kê được 11 loài thú thuộc 9 giống, 7 họ, 2 bộ; 18 loài chim thuộc 10 giống, 8 họ và 2 bộ; 3 loài bò sát thuộc 3 giống, 3 họ và 1 bộ; 3 loài ếch nhái thuộc 2 giống, 2 họ và 1 bộ [4].
2.2.3. Nguồn gen
HST có 1 nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và thế giới xếp loại CR - Rất nguy cấp là voọc mông trắng [1].
2.3. Các HST cây bụi - trảng cỏ, rừng trồng, đồng ruộng và khu dân cư nông thôn
Bốn HST vừa nêu nằm trên đoạn tuyến từ km 13+100 đến km 14+600 có cấu trúc đơn giản, thành phần loài động, thực vật ít khác biệt, vì vậy, được xếp vào một nhóm.
2.3.1. Cấu trúc
Không có tầng, tán.
2.3.2. Thành phần loài
Thành phần loài thực vật: Đã thống kê được trên toàn tuyến đoạn từ km 13+100 đến km 14+600 có 129 loài thuộc 41 họ và 3 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó, ngành Thông đất (Lycopodiophyta) có 3 loài thuộc 2 họ; Ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) có 17 loài thuộc 7 họ; Ngành Mộc lan (Magnoliophyta) có 109 loài thuộc 32 họ. Trong ngành Mộc lan thì lớp Mộc lan (Magnoliopsida) chiếm đa số với 99 loài và 30 họ, lớp Hành (Liliopsida) có 10 loài và 2 họ.
Thành phần loài động vật: Đã thống kê được 15 loài thú thuộc 6 họ, 4 bộ, trong đó có 5 loài là động vật nuôi; có 34 loài chim thuộc 12 họ, 7 bộ, trong đó có 5 loài nuôi, 29 loài là hoang dã; có 4 loài bò sát thuộc 3 họ. 1 bộ; có 2 loài ếch nhái thuộc 1 họ, 1 bộ.
3. Đánh giá tác động đến ĐDSH đoạn tuyến từ km 12+00 đến km 14+600 khi thực hiện Dự án
Đánh giá tác động đến ĐDSH đoạn tuyến từ km 12+00 đến km 14+ 600 khi thực hiện Dự án chính là đánh giá tác động đến 6 HST đã được trình bày.
3.1. Tác động đến HST ĐNN
Nhiều hoạt động của Dự án gây tác động tiêu cực đến HST ĐNN như: Thi công phần đường, dòng bùn đất phát sinh do xói và tràn đổ; Thi công các cầu trên tuyến; Bùn khoan phát sinh từ hoạt động thi công cọc khoan nhồi các mố, trụ cầu cận kề nguồn nước; Chất thải rắn rơi vãi khi thi công phần trên cầu; Chất thải rắn không được thu gom khi thi công; Nước mưa chảy tràn qua bề mặt công trường cuốn theo các chất bẩn đổ xuống HST ĐNN. Các móng của các trụ cầu sẽ được thi công bằng công nghệ cọc khoan nhồi có sử dụng bentonite. Lượng đất lẫn bentonite và bentonite tràn đổ nếu thâm nhập vào nguồn nước của khu vực ĐNN Vân Long sẽ làm tăng chất rắn lơ lửng trong thuỷ vực làm cho thuỷ sinh vật có thể bị chết do ngạt thở. Do khả năng cơ động kém, động vật đáy không chỉ có nguy cơ chết ngạt mà còn có nguy cơ bị chết do vùi lấp. Dầu mỡ, giẻ lau dính dầu và dầu mỡ không được thu gom hoặc thu gom không triệt để, bị phát tán ra môi trường nước cũng là nguy cơ gây chết đối với thuỷ sinh vật.
Tóm lại, tác động tiêu cực của Dự án đến HST ĐNN là điều khó tránh khỏi. Vấn đề quan trọng là phải nhận dạng được, đồng thời có biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực có thể xảy ra.
3.2. Tác động đến HST rừng thứ sinh núi đá vôi
Đoạn tuyến từ km 13+900 đến km 14+500 nằm trong KBTTNĐNN Vân Long thuộc HST rừng thứ sinh núi đá vôi, là một trong 2 HST quan trọng của KBT, là nơi cư trú, sinh sống của loài voọc mông trắng. Để hoàn thành tuyến đường, buộc phải phá một đoạn đá dài khoảng 493,1 m. Khối lượng đá phải phá khoảng 27.719,25 m3, trong đó, đoạn qua KBT có chiều dài phải phá đá là 250 m, khối lượng đá là 11.120 m3.
Khi thực hiện phá đá bằng nổ mìn, với chấn động, tiếng ồn lớn từ thuốc nổ sẽ tác động mạnh không chỉ đối với voọc mông trắng mà còn ảnh hưởng đến các loài thú khác và một số loài chim, bò sát, ếch nhái đã được ghi nhận có ở HST. Vì vậy, nên sử dụng bột nở để tách các khối đá nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động phá đá do nổ mìn.
3.3. Tác động đến nhóm các HST còn lại
Bốn HST: Trảng cây bụi - trảng cỏ, rừng trồng, đồng ruộng, khu dân cư nông thôn nằm trong diện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư. Tác động đến ĐDSH ở các HST này là không đáng kể. Vấn đề quan trọng ở đây liên quan đến công bằng xã hội, chính sách đền bù thỏa đáng, quan niệm quê hương bản quán, dòng tộc, tâm linh... Nguyên tắc đến nơi ở mới ít nhất phải bằng nơi ở cũ cần được thực thi đầy đủ.
4. Đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến ĐDSH khi thực hiện Dự án
- Hạn chế phá đá bằng nổ mìn nhất là thời gian từ 12h đến 13h30 là khoảng thời gian voọc mông trắng cần được yên tĩnh.
- Nên sử dụng bột nở để tách các khối đá nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động phá đá do nổ mìn.
- Thiết lập hành lang ĐDSH kết nối với KBT loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng, tỉnh Hà Nam để mở rộng không gian hoạt động cho cả 2 đàn voọc, đồng thời hạn chế hiện tượng giao phối cận huyết, một nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa di truyền.
- Nối khu Gọng Vó với Đá Bàn tạo nên cầu nối tự nhiên cho voọc mông trắng mở rộng khu phân bố, giảm sức ép cạnh tranh không gian sống và nguồn thức ăn.
- Bảo vệ HST rừng trên núi đá vôi nhằm đảm bảo nơi sống, nguồn thức ăn giúp đàn voọc không chỉ tồn tại được mà còn phát triển, góp phần đẩy mạnh hướng du lịch sinh thái của tỉnh Ninh Bình.
TS. Lê Trần Chấn1
Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học
ThS. Lê Thị Phương Hoà2
Công ty cổ phần Khoa học và Kỹ thuật Môi trường
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2007). Sách đỏ Việt Nam, Phần I Động vật. NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.
2. Đỗ Văn Các (2011). Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển KBTTNĐNN Vân Long huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình. Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long.
3. Báo cáo Đánh giá tác động môi trường Dự án tuyến đường quốc lộ 5 kéo dài Cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long - Vân Trì. Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, Hà Nội, 2008.
4. Mai Đình Yên, Đỗ Văn Các, Phí Bảo Khanh, Phạm Văn Dũng, Bùi Trung Kiên (2010), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình. KBTTNĐNN Vân Long, Ninh Bình.
Results of biodiversity impact assessment in the road section through Van Long Wetland Reserve (at km12 + 00 to km14 + 60) and solutions to limit negative impact when implementing the project
Dr. Lê Trần Chấn
Center for Biodiversity and Biosafety
MSc. Lê Thị Phương Hòa
Environmental Engineering and Science Joint Stock Company
Abstract: The Ministry of Planning and Investment and the Standing People's Council of Ninh Bình Province have appraised the capital sources and approved the decision on investment policy for the Bái Đính (Ninh Bình) - Ba Sao (Hà Nam) road construction project. The route passes through Vân Long Wetland Reserve. Although the section through the Nature Reserve is only 2.6km long (from km12+00 to km14+600), but there are 6 ecosystems including wetland ecosystem, forest ecosystem on limestone mountains, and agricultural ecosystem (rice fields), shrubland – grassland ecosystem, planted forest ecosystem and rural residential area (villages and hamlets). Among the 6 ecosystems mentioned above, the forest ecosystem on limestone mountains is the most important because this is the habitat of the Trachypithecus Delacouri, an endemic species of Việt Nam recorded in the Vietnam Red Data Book (2007) and ranked CR - Critically Endangered. The project is subject to the preparation of an environmental impact assessment report (EIA) in order to propose effective solutions to limit negative impact on the Trachypithecus Delacouri in particular and biodiversity in general.
Keyword: Ecosystem, endemic, protected area, wetland.
Theo Tạp chí Môi trường