Tại Hà Nội, hệ thống cây xanh, vườn hoa đô thị được hình thành và phát triển bắt đầu từ thời Pháp thuộc, chủ yếu là các vườn hoa ở khu vực nội đô lịch sử. Đối mặt với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cơ cấu đô thị biến đổi, mật độ xây dựng và tầng cao đô thị gia tăng, để khôi phục, cải tạo, nâng cấp vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội rất cần thiết phải có một nghiên cứu, khảo sát một cách có hệ thống để đưa ra những đề xuất thích hợp.
Bản đồ phân loại vườn hoa khu vực nội đô lịch sử Hà nội theo quy mô (Ảnh trái), Bản đồ phân loại vườn hoa khu vực nội đô lịch sử Hà Nội theo giá trị văn hóa, lịch sử và đặc trưng (ảnh phải)
1. Mở đầu
Hệ thống cây xanh, công viên vườn hoa đô thị của Hà Nội được hình thành và phát triển bắt đầu từ thời Pháp thuộc, chủ yếu là các vườn hoa ở khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, lớn nhất thời đó là vườn Bách Thảo (nay là công viên Bách Thảo), nơi kết hợp nghiên cứu các loại thực vật, cây trồng. Người Pháp cũng tận dụng hài hòa những khoảng trống giữa các giao lộ và biến chúng thành một không gian xanh là những vườn hoa trong khu vực nội đô. Không chỉ cải tạo môi trường sống, kiến tạo những không gian xanh đẹp đẽ, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, phục vụ cho cộng đồng. Các không gian công viên cây xanh, vườn hoa trong đô thị được coi là không gian công cộng, không gian mở, nơi tất cả mọi người có thể tiếp cận dễ dàng một cách miễn phí. Những không gian này ngoài yếu tố xã hội còn phục vụ như một biểu tượng, một thành phần có ý nghĩa phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện kết nối thị giác mạnh mẽ nhất giữa con người với không gian môi trường xung quanh.
Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã tạo nên những cơ hội phát triển, trên cơ sở khai thác thế mạnh về cảnh quan tự nhiên, nhưng cũng đi kèm với những áp lực mới trong vấn đề quản lý và khai thác không gian xanh Thủ đô. Hiện nay rất nhiều không gian công cộng tại Hà Nội, bao gồm cả các vườn hoa đã bị thu hẹp lại hoặc biến mất, nhường chỗ cho nhà ở và các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa xảy ra nhanh chóng, nhất là các vườn hoa trong khu vực nội đô lịch sử với phạm vi giới hạn bởi đường đê sông Hồng và đường vành đai 2, bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ. Chính quyền TP Hà Nội cũng đã chủ động hơn trong việc đưa ra các chính sách phát triển cây xanh công cộng, tuy nhiên vườn hoa công cộng chưa được chú trọng đầy đủ. Do vậy, việc khảo sát và nghiên cứu đề xuất tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hệ thống vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội là hết sức cần thiết để làm rõ và phát huy giá trị của các không gian công cộng này, góp phần tạo lập bản sắc đô thị Hà Nội, phục vụ lợi ích của cộng đồng.
2. Thực trạng và phân loại hệ thống vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội
Hiện nay hệ thống các công viên, vườn hoa của Hà Nội gồm 3 loại hình chủ yếu là công viên văn hóa tổng hợp, công viên chuyên đề và vườn hoa, vườn dạo trong đó hệ thống vườn hoa chiếm tỷ lệ khoảng 65%. Ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, hệ thống công viên, vườn hoa được hình thành từ lâu đời, chủ yếu là vườn hoa, vườn dạo quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân.
Kết quả khảo sát và phân tích hiện trạng hệ thống vườn hoa khu vực nội đô lịch sử Hà Nội của nhóm tác giả thực hiện năm 2020 cho thấy trong tổng số 30 vườn hoa trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được khảo sát, có 14 vườn hoa với diện tích nhỏ hơn 0,4 ha, 11 vườn hoa có diện tích từ 0,4 đến 1ha và 5 vườn hoa có diện tích lớn hơn 1ha. Bên cạnh đó, có tới 14 trên tổng số 30 vườn hoa khu vực nội đô lịch sử có giá trị về lịch sử, văn hóa và các vườn hoa còn lại đều là những không gian công cộng có giá trị trong đô thị.
3. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội
3.1. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc
Quan điểm:
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các vườn hoa trong nội đô lịch sử phải giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan và đặc thù của TP;
Khai thác tiềm năng về du lịch, dịch vụ, tổ chức sự kiện, vui chơi, giải trí gắn liền với sự phát triển bền vững của khu vực;
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các vườn hoa cần có sự tham gia của cộng đồng.
Mục tiêu:
Tạo dựng không gian xanh TP, với tiêu chí cơ bản "Xanh – Văn minh – Văn hiến – Hiện đại”, nhằm đạt mục tiêu : 70% không gian xanh – 30% phát triển đô thị;
Tối ưu hóa quỹ cây xanh, mặt nước tự nhiên, đa dạng hóa các loại hình vườn hoa.
Nguyên tắc:
Nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có. Bảo tồn, duy trì quỹ đất hiện có, tăng chất lượng, đầu tư chiều sâu, không chuyển đổi quỹ đất thuộc không gian xanh sang mục đích khác;
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan gắn liền với việc đẩy mạnh phát triển du lịch và thương mại, vui chơi, giải trí, tổ chức sự kiện, đóng vai trò là không gian công cộng trung tâm của thành phố, đa chức năng và trở thành một phần không thể thiếu trong không gian đô thị;
Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý và thực hiện quy hoạch, kiến trúc bảo vệ cảnh quan của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư.
3.2. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan
3.2.1. Kiến tạo nơi chốn đối với các vườn hoa, làm điểm nhấn trong không gian đô thị
Với vị trí trung tâm và mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, các vườn hoa khu vực nội đô Hà Nội nên được đầu tư để kiến tạo một "nơi chốn” có sự khác biệt, đánh dấu ý nghĩa lịch sử hoặc nghệ thuật. Các vườn hoa này có thể được sử dụng cho các hoạt động giải trí, check-in, là nơi tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu văn hóa lịch sử cho khách du lịch trong và ngoài nước. Tại đây, các câu chuyện văn hóa hay lịch sử của vườn hoa nên được giới thiệu thông qua các bảng thông tin nhỏ để vườn hoa thêm phần hấp dẫn và giữ chân người tham quan lâu hơn.
Minh hoạ thiết kế không gian vườn hoa Bác Cổ, Hoàn Kiếm với bản sắc "nơi chốn”
3.2.2. Khai thác giá trị không gian mở, đa năng
Với ý nghĩa mang tính cộng đồng cao, không gian vườn hoa công cộng là nơi có thể giúp thay đổi tư duy lối sống của phần đông các cư dân đô thị Việt Nam có xu hướng chú trọng tới cá nhân và gia đình, ít có khả năng hợp tác và xây dựng cộng đồng đô thị. Không gian vườn hoa công cộng giá trị của một khu vực đô thị cần là một điểm đến đa dụng. Vườn hoa công cộng đó phải là nơi thu hút người dân ở mọi lứa tuổi, nhóm thu nhập, giới tính. Đó là nơi mà người dân có thể tìm thấy sự bình đẳng – nơi mọi khác biệt về tầng lớp xã hội, kinh tế có thể được bỏ qua và các vị trí xã hội khác nhau có thể đến với nhau trong tinh thần thân ái và hòa bình. Giá trị của một không gian vườn hoa công cộng trong khu vực dân cư được thể hiện qua việc đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu của người dân và thuộc về họ.
Việc tổ chức vườn hoa công cộng đa năng là một nơi thú vị, đáp ứng nhu cầu của người dân ở các độ tuổi khác nhau, có thể trở thành nơi giới thiệu và quảng bá cho các sản phẩm địa phương, là nơi thể hiện lịch sử và văn hóa của cộng đồng sẽ góp phần khiến cho cộng đồng cùng tham gia xây dựng duy trì giá trị không gian vườn hoa.
Minh họa thiết kế không gian đa năng tại vườn hoa 1-6, Đống Đa
Bên cạnh đó, vườn hoa công cộng cũng là những không gian mở, khơi dậy sự thích thú giúp giải tỏa căng thẳng cho người dân bởi các yếu tố của cảnh quan trong không gian mở (cây xanh, mặt hồ, đài phun nước, sinh vật sống, hoa…) sẽ khuyến khích người dùng tương tác với chúng. Cụ thể, với vị trí thuận lợi của vườn hoa Thanh Niên nhìn về phía Hồ Tây, một dạng tương tác sinh động khác là với các sinh vật và thực vật sống sẽ được hình thành. Hồ Tây là nơi lý tưởng cho các tương tác như vậy. Sự phong phú của thực vật (các loại cây, cỏ, rong rêu, hoa) và các loại sinh vật thủy sinh (cá, rùa) và ong, bướm… cung cấp cho môi trường một sức sống và thiết lập một hệ sinh thái tự cân bằng và khiến nhiều người thích lui tới vườn hoa để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây.
4. Kết luận
Vườn hoa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân, cũng là nơi mọi người gặp gỡ giao lưu, chia sẻ và tổ chức các hoạt động tập thể, là điểm kết nối những người có các quan điểm và thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau nhằm tăng cường sự gắn kết xã hội và cơ hội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, vườn hoa có thể tạo ra một bản sắc riêng cho mỗi khu dân cư.
Minh hoạ thiết kế không gian mở tại vườn hoa Thanh Niên
Trước thực tế phát triển của Hà Nội hiện nay, việc khảo sát, nghiên cứu định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hệ thống vườn hoa khu vực nội đô lịch sử là hết sức cần thiết để phát huy giá trị lịch sử văn hóa, giá trị không gian kiến trúc cảnh quan của hệ thống các vườn hoa này, hướng tới kết nối, phục vụ cộng đồng và phát triển một Hà Nội theo mục tiêu "Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Để tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hệ thống các vườn hoa khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, các giải pháp đề ra cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản đã nêu, đặc biệt quan tâm đến các khía cạnh: Khả năng kiến tạo nơi chốn, thúc đẩy các không gian đa năng, khai thác được giá trị không gian mở và đặc biệt khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong tất cả các bước thực hiện. Thực tế cho thấy, chính sách phát triển vườn hoa công cộng không chỉ để xây dựng nên các không gian công cộng hiệu quả mà còn là phương tiện hỗ trợ hữu hiệu cho phát triển kinh tế xã hội chung của đô thị, xây dựng đô thị lành mạnh, bền vững, đặc sắc và hấp dẫn.
- PGS.TS Lê Quân
- TS.KTS Nguyễn Thái Huyền
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)