Khối lượng nước thải ở Việt Nam đang gia tăng đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cùng với tác động của biến đổi khí hậu. Nước thải là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông. Các nguồn nước thải phát sinh bao gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn, trong đó nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 30% tổng lượng nước thải xả ra sông hồ, kênh rạch. Tại các đô thị, tỷ lệ đấu nối vào hệ thống cống chung là 60%, còn lại được xả thẳng ra bề mặt và tự tiêu thoát. Hiện tại chỉ có khoảng 13% lượng nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định (Bộ Xây dựng, 2019). Các thông tin nói trên cho thấy phần còn lại nước thải vẫn chảy trên bề mặt, một lượng thấm vào đất và tầng chứa nước ngầm, còn một lượng khác xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận.
Các biện pháp bảo vệ môi trường nước đang hướng tới việc giảm tải lượng phát thải chất ô nhiễm từ các nguồn phát thải và biện pháp làm sạch trực tiếp trong môi trường nước. Các biện pháp làm sạch nguồn phát thải không thể thực hiện chỉ dựa vào sự tự giác của các cá nhân hay tổ chức gây ra nguồn phát thải, mà cần phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý. Vì vậy, chúng ta cần có một công cụ kiểm soát chung có hiệu quả. Hiện tại ở Việt Nam, công cụ này chưa được xây dựng để đưa vào áp dụng.
Bài viết dưới đây nhằm đề xuất xây dựng một hướng dẫn kiểm soát phát thải ô nhiễm bởi nước thải đối với môi trường nước. Nhìn chung, cách tiếp cận về nước thải cũng tương tự như đối với "Cấp nước an toàn” - là phòng ngừa, đánh chặn, tạo các rào cản không cho ô nhiễm xâm nhập vào các bước tiếp theo trên dây chuyền hệ thống. Trong trường hợp của thoát nước, chúng ta cũng cần tạo các rào cản không cho nước bẩn phát thải ra môi trường, hoặc nếu đã phát thải ra thì phải tạo các điều kiện hòa loãng tốt nhất có thể. Vì vậy, tương tự như cấp nước, cũng có thể coi vấn đề này là "Thoát nước an toàn”. Trong Sơ đồ dòng chảy của nước thải (hình 1), có hai khái niệm:
• Lưu vực khép kín: là vùng nước bao gồm các ao hồ, sông và thậm chí một vùng biển, là nơi môi trường nước khó trao đổi với bên ngoài. Tại đây, tải lượng ô nhiễm tích tụ lại qua một thời kỳ dài, có thể gây ô nhiễm cho nguồn tài nguyên nước nói chung. Một lưu vực khép kín có thể rất rộng lớn, bao gồm một thành phố, nhều khu đô thị, nhưng cũng có thể có một vùng bao phủ hẹp hơn, bao gồm một đoạn sông, một hồ chứa với lưu vực xung quanh… Việc xác định quy mô của lưu vực khép kín tùy thuộc vào cấu trúc của hệ thống thoát nước và đặc điểm địa hình, cũng như phạm vi của đề án nghiên cứu.
• Tải lượng ô nhiễm: Là tải lượng tiếp nhận sau khi chất lượng nước thải được cải thiện theo từng bậc, đạt mức độ nhất định. Ví dụ:
Bậc 1 - ngay sau các công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc công trình xử lý nước thải tại chỗ;
Bậc 2 - sau công trình xử lý nước thải tập trung;
Bậc 3 - sau quá trình được hòa trộn với nước mưa, nước rửa bề mặt và tự làm sạch trên kênh mương dẫn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Nhìn chung có thể nhận thấy tải lượng ô nhiễm được giảm dần theo thứ tự, nếu trên hệ thống có đầy đủ các công trình thoát nước thực hiện tốt theo chức năng, tuy nhiên vẫn không thể loại trừ các nguy cơ gây ô nhiễm của nước thải, xảy ra cục bộ với môi trường xung quanh.
• Các chất gây ô nhiễm:
- Ô nhiễm hóa học bao gồm các kim loại nặng và các hợp chất hóa học nguy hại như cadimi, chì, crôm hóa trị sáu, thủy ngân, thạch tín, xyanua, v.v… có thể phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp.
- Ô nhiễm bởi vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm như bênh tả, kiết lỵ… phát sinh từ nước thải sinh hoạt (chủ yếu từ phân, nước tiểu của người và gia súc).
- Ô nhiễm hữu cơ, thể hiện bằng các chỉ số BoD, CoD và tổng Carbon hữu cơ. Các chất hữu cơ phát sinh từ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
- Ô nhiễm do phì dưỡng, có liên quan đến các chất thải hữu cơ nói trên. Sự phì dưỡng của các sinh vật phù du và rong tảo bởi các chất dinh dưỡng là hợp chất của ni tơ và phốt pho có trong nước. Các sinh vật phù du và rong tảo tiêu thụ ô xy hòa tan trong nước; nếu thiếu ôxy chúng sẽ bị phân hủy và càng làm mất cân bằng hệ sinh thái trong môi trường nước.
Đề xuất quy trình kiểm soát
Nguyên tắc chung của quy trình kiểm soát là phải xác định được tất cả các tải lượng ô nhiễm chảy vào môi trường nước, phân tích quan hệ ô nhiễm với chất lượng hiện hữu của môi trường nước, đặt ra mục tiêu giảm thiểu, lập, thực thi kế hoạch, kiểm chứng và rà soát kế hoạch. Dự kiến các bước cần thiết cơ bản thực hiện kiểm soát được trình bày trong Hình 2 dưới đây:
Cách xác định tải lượng ô nhiễm cho một số hoạt động chính trong đô thị
Trên đây là những yếu tố về tải lượng ô nhiễm có thể xác định cho vùng nước khép kín trong một khu vực đô thị. Bằng cách tính như trên, có thể so sánh được các chỉ tiêu tải lượng ô nhiễm trước và sau khi áp dụng các biện pháp giảm thiểu, làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả thực thi chiến lược kiểm soát ô nhiễm trên toàn bộ hệ thống thoát nước.
TS. Nguyễn Hồng Đăng
Đại học TNMT Hà Nội
Ths. Nguyễn Trọng Dương
Hội CTN VN
----------------------
Tài liệu tham khảo:
1) Hướng dẫn kiểm soát tải lượng ô nhiễm. Bộ Môi trường Nhật Bản. 2011
2) Nghiên cứu xác định tải lượng ô nhiễm vào sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam. Tạp chi Khoa hoc ĐHQG Hà Nội. Mai Trong Hoàng, Trần Văn Thụy và các cộng sự. 2018