Không gian sáng tạo trong các làng nghề truyền thống

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/5/2021 | 5:42:33 PM

“Không gian sáng tạo trong làng nghề góp phần tạo nên các giá trị mới, phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa của làng nghề truyền thống”

Chủ đề của bài viết này trả lời cho 3 câu hỏi: Không gian sáng tạo trong các làng nghề truyền thống là gì? Tại sao phải cần có không gian sáng tạo? Nó sẽ như thế nào?

Không giang sáng tạo trong các làng nghề truyền thống
Ví dụ cách tổ chức không gian tại sân của một hộ gia đình làm nghề đan đó. Cách bày có đủ từ nguyên liệu như các ống tre, thành phẩm sơ chế như tre, nứa đã chẻ, đồ hun khói…đến sản phẩm hoàn thành để có thể giới thiệu cho du khách đầy đủ về quy trình tạo ra một sản phẩm nghề. Bên cạnh đó vẫn không quên có bàn ghế ngồi uống nước và ăn bánh kẹo quà quê cho khách du lịch.

Không gian sáng tạo trong các làng nghề truyền thống là gì ?

Không gian sáng tạo có 2 nhóm: Thứ nhất đó là những không gian sản xuất để cho cộng đồng ở làng nghề có thể sáng tạo ra những sản phẩm mới có ý nghĩa đối với sự phát triển của nghề truyền thống, gọi là "Không gian sáng tạo sản phẩm nghề”. Ví dụ như các không gian sản xuất chung tại hợp tác xã, các trung tâm sản xuất sản phẩm nghề hoặc ở cả tại hộ gia đình, sân đình, sân giếng làng…. Thứ hai đó là những không gian mới, thể hiện sự sáng tạo trong tạo hình, tổ chức cảnh quan, hoạt động để hấp dẫn thu hút khách đến với làng nghề, thu hút cả hoạt động dịch vụ trao đổi mua bán hàng và hoạt động du lịch, gọi là các "Không gian cảnh quan làng nghề”, như phố nghề, trung tâm dịch vụ du lịch… Hai không gian này có thể khác biệt hoàn toàn hoặc có thể trùng lặp ở một số khía cạnh, loại hình.

Tại sao cần có các không gian này?

"Không gian sáng tạo sản phẩm nghề” hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự sáng tạo trong việc tạo lập sản phẩm nghề. Đây là mục tiêu rất quan trọng. Bởi sản phẩm nghề truyền thống vốn không phải là sản phẩm sản xuất hàng loạt, với máy móc mà là sản phẩm làm bằng tay. Mỗi một sản phẩm đều chứa đựng những tinh thần của người thợ, có những khác biệt qua từng sản phẩm, tạo nên hồn của từng sản phẩm. Sản phẩm của nghề truyền thống là như vậy. Dù cơ bản làm theo quy trình chung đã được đúc kết nhưng mỗi một sản phẩm là một lần sáng tạo dưới bàn tay của người thợ. Ví dụ như bình gốm nặn tay, vẽ tay, trong mỗi một sản phẩm đều chứa đựng tinh thần, cảm xúc của người thợ, khác với đổ khuôn công nghiệp.

Để thích nghi với thị trường, với thị hiếu thì bản thân các sản phẩm cũng phải thay đổi, đa dạng cả kiểu dáng, mẫu mã, phong cách… Những sản phẩm đẹp, có giá trị văn hóa cao của làng nghề luôn là những sản phẩm sáng tạo.

Những người nghệ nhân trong làng chính là những người có tố chất sáng tạo, cùng với sự yêu nghề, kinh nghiệm về nghề họ là điểm tựa để duy trì và phát triển nghề truyền thống. Họ rất cần được nuôi dưỡng, kích thích sự sáng tạo đó mà việc tạo lập không gian có thể đóng góp một phần.

Như vậy không gian sản xuất (phải là sản phẩm làm tay) chính là không gian sáng tạo.

Không gian này có thể là: Không gian làm nghề trong hộ gia đình (sân, hiên nhà); Không gian trên sân giếng, sân đình; Không gian làm trong các xưởng của hợp tác xã, tổ sản xuất và không gian trong các xưởng của các nhà thiết kế, các nghệ nhân vừa làm vừa đào tạo.

Rất nhiều nghề làm việc theo nhóm. Bàn tay đan tre thêu thoăn thoát không cản trở gì những câu chuyện về cuộc sống được chia sẻ khi cùng ngồi 5, 7 người đan, thêu với nhau. Sản xuất theo nhóm cũng làm một đặc trưng của làm nghề truyền thống và nó tạo nên ý nghĩa xã hội, văn hóa, tập quán của cộng đồng làm nghề. Khi làm chung, nhóm sẽ làm theo một dây chuyền, hoặc để người thợ có kinh nghiệm hướng dẫn người mới, già hướng dẫn trẻ, chia sẻ những sáng tạo mới, hoặc đơn giản chỉ để cùng chuyện trò , thêm niềm vui trong lao động.

Không giang sáng tạo trong các làng nghề truyền thống
Ví dụ này minh họa cho không gian trưng bày sản phẩm mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh. Đây là làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm đẹp, tinh xảo và luôn có tính sáng tạo, nhiều tác phẩm mang tính nghề thuật cao. Không thể để trưng bày các sản phẩm này như những hàng mây tre đan sử dụng thông thường mà cần có thiết kế giá trưng bày, đèn chiếu sáng… trong những không gian có sự đầu tư về thẩm mỹ cao.

Ví dụ điển hình là không gian làm nón lá làng Chuông (Thanh Oai). Người dân thường đan cùng nhau, phơi nón bên cạnh giếng, sân chùa, sân đình.

Các làng nghề hiện nay cũng đang có những đóng góp quan trọng từ những người họa sĩ, những nhà thiết kế. Với kiến thức bài bản họ có thể nghiên cứu để sáng tạo nên các sản phẩm mới dựa trên các chất liệu hình thái hay ý nghĩa tư tưởng của sản phẩm truyền thống. Những sản phẩm này mới là sự kế thừa và thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển. Có thể thấy rõ là nếu không có những xưởng làm gốm của các họa sỹ tại làng gốm Bát Tràng thì không có sự phát triển của làng nghề Bát Tràng như ngày nay. Vậy xưởng thiết kế, xưởng tạo hình hay làm nghề của những họa sỹ chính là những không gian sáng tạo.

Với các nghệ nhân, rất cần tạo lập những không gian để họ có thể vừa làm nghề, vừa truyền nghề cho lớp trẻ. Nơi làm việc của họ phải là nơi tạo cảm hứng sáng tạo, tinh thần truyền nghề của nghệ nhân, tạo cảm hứng học tập của giới trẻ, thế hệ sẽ phát huy các giá trị của văn hóa nghề. Những nghề như thêu, ren, ở Quất Động, Đông Cửu (Thường Tín), nghề điêu khắc gỗ và khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), sơn mài Hạ Thái (Thanh Oai), sơn mài Bối Khê ( xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) đều cần thiết lập các không gian riêng biệt để cho các nghệ nhân vừa sáng tạo vừa dạy truyền nghề.

Vậy hãy tạo ra những không gian để sự sáng tạo đó được thăng hoa.

Bên cạnh đó Không gian sáng tạo nghề cũng là không gian thu hút khách du lịch. Vì vậy trong các không gian đó không chỉ có các chức năng sản xuất sáng tạo mà còn cần có các không gian để cho du khách thăm quan và trải nghiệm cùng.

” Không gian cảnh quan làng nghề” cần được tạo lập vừa vì mục tiêu thương mại quảng bá sản phẩm vừa phát triển du lịch.

Có 2 nhóm:

1. Không gian để trưng bày sản phẩm, thích nghi với yêu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm. Có thể tổ chức trong 2 loại hình không gian:

Không gian tuyến phố làng nghề, với con đường rộng có vỉa hè, có các ki-ốt hoặc là nhà ở hai bên có cửa hàng, vừa bày bán sản phẩm vừa có các dịch vụ khác.

Các không gian trưng bày sản phẩm chung của làng nghề: Tại Trung tâm dịch vụ du lịch, khu trưng bày sản phẩm, các Trung tâm sáng tạo độc lập.

2. Không gian để hỗ trợ phát triển du lịch:

Các điểm nhấn cảnh quan, điểm check in tại làng nghề: Cổng làng, lối đi vào làng, tuyến phố làng nghề, các không gian đặc trưng như đường ngõ, ven sông của làng nghề.

Những không gian này rất cần sự sáng tạo, giá trị văn hóa của làng nghề cần được thể hiện khéo léo bằng việc tạo lập các cảnh quan với ý tưởng từ các sản phẩm nghề. Sự độc đáo, khác lạ, mang đặc trưng nghề của các không gian này góp phần tạo nên sức hút du lịch. Các di sản của làng như đình, ao, cổng làng được hòa nhập vào trong không gian có hoạt động du lịch, làm tăng thêm giá trị của di sản.

Cả hai loại hình không gian này đều là mới đối với làng xã. Hiện nay mới chỉ chú trọng hoạt động sản xuất, chưa chú trọng đến các không gian để quảng bá sản phẩm, nhất là thu hút khách du lịch đến thăm quan.

Không giang sáng tạo trong các làng nghề truyền thống
Không gian đan nón bên giếng ở làng Chuông có bản sắc đặc biệt, cả về hình ảnh và về ý nghĩa xã hội. Vừa bán hàng, chuyện trò, đan lát tạo nên môt đặc trưng mang tính văn hóa nghề truyền thống rất rõ nét.

Không giang sáng tạo trong các làng nghề truyền thống
Tại các Trung tâm dịch vụ hoặc trung tâm sáng tạo về tre, các ý tưởng có thể được thể hiện đa dạng, có thể có các mẫu tạo hình tre mới, mang tính nghệ thuật hay đưa vào trong kiến trúc.

Không gian sáng tạo sẽ như thế nào ?

Câu trả lời trông đợi vào sự sáng tạo và kết quả làm việc của các kiến trúc sư. Bài viết này chỉ minh họa một vài ý tưởng như một gợi ý.

Sáng tạo luôn tạo ra những giá trị mới. Sự sáng tạo các không gian trong các làng nghề truyền thống có sự tham gia của các KTS là rất cần thiết, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống.

Không giang sáng tạo trong các làng nghề truyền thống
Tại các làng nghề, bản thân cảnh quan có đặc trưng các sản phẩm nghề như chợ, bên phố nghề hay đường làng cũng đã là cơ sở để có thể sáng tạo. Ví dụ như xếp các chum vại hay thậm chí cả đồ gốm vỡ lên một bức tường cũng tạo ra một vẻ đẹp rất đặc trưng của làng nghề gốm.

Không giang sáng tạo trong các làng nghề truyền thống
Với các không gian mang dấu ấn lịch sử, thu hút khách du lịch, cũng là những không gian sáng tạo bằng giải pháp tái hiện lịch sử, bằng các hoạt động của cộng đồng với đặc trưng phong tục, tập quán của người dân.

PGS.TS. Phạm Hùng Cường/ Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2021

Tags Không gian sáng tạo Không gian làng nghè làng nghề truyền thống

Các tin khác

Rác thải từ nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Do đó, sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực miền Nam đã thành công trong việc sử dụng các phụ phẩm công nghiệp như bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than và xỉ lò đốt rác để tạo ra vật liệu san lấp mới có khả năng chịu lực thay thế cát san lấp.

Thông qua việc thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bể sinh học có giá thể di động (MBBR) trong xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp”, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp, có ứng dụng công nghệ MBBR, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý sinh học kỵ khí tại nhà máy giấy.

Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới để thăm dò và dự báo tiềm năng nước ngầm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự