Ứng dụng ảnh vệ tinh để giám sát và quản lý nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt tập trung

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/5/2021 | 10:52:50 AM

QLMT - Phương pháp ứng dụng ảnh vệ tinh để giám sát và quản lý nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt tập trung có thể được ứng dụng giám sát các khu vực sông hồ, đảm bảo tính khách quan, mang lại hiệu quả kinh tế. Bằng cách giám sát này có thể dự báo được trạng thái nguồn nước cả về số lượng và chất lượng, từ đó có các giải pháp kiểm soát chất lượng và đảm bảo an ninh nguồn cung cấp nước sinh hoạt tập trung.

Tóm tắt: Kết hợp sử dụng tư liệu ảnh vệ tinh và số liệu quan trắc có thể chiết suất được các thành phần ô nhiễm và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt một cách nhanh chóng trên phạm vi lớn, đảm bảo tính khách quan. Đây là giải pháp phản ánh thực trạng khách quan trên quy mô diện rộng để giám sát chất lượng nước mặt, đảm bảo an ninh nguồn cung cấp nước sinh hoạt tập trung. Bài báo trình bày cơ sở lý thuyết thu nhận thông tin từ ảnh vệ tinh với nội dung: tìm mối tương quan giữa thông số chất lượng nước với phản xạ rời khỏi bề mặt nước, và lựa chọn mô hình thích hợp để lập bản đồ chất lượng nước. Trên cơ sở này sẽ xây dựng được phương pháp lấy thông tin từ ảnh viễn thám để quản lý an ninh nguồn nước mặt phục vụ cho cấp nước sinh hoạt tập trung.

1. GIỚI THIỆU CHUNG

Viễn thám là khoa học thu nhận và chụp ảnh tất cả các hoạt động trên trái đất, là phương pháp thu nhận thông tin khách quan về bề mặt trái đất và các hiện tượng trong khí quyển nhờ các máy thu (sensor) được đặt trên máy bay, vệ tinh nhân tạo, tầu vũ trụ hoặc trên các trạm quỹ đạo. Công nghệ Viễn thám vệ tinh đã được thế giới áp dụng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi ảnh Landsat và Spot xuất hiện trên thị trường. Bước sang những năm đầu của thế  kỷ 21, không chỉ những nước sở hữu vệ tinh mà nhiều nước khác cũng đã ứng dụng công nghệ viễn thám vào giám sát chất lượng nước mặt [1, 2, 3]. Ảnh vệ tinh quang học có độ phân giải không gian cao đã được nghiên cứu để giám sát chất lượng nước trong lục địa và dải ven bờ biển [3]. Với những ưu điểm nổi bật so với các phương pháp nghiên cứu truyền thống, công nghệ viễn thám đã được sử dụng phổ biến trên thế giới trong quan trắc, đánh giá và giám sát diễn biến các thông số chất lượng nước với độ chính xác cao, tiết kiệm được thời gian và chi phí [4].

Tài nguyên nước là thành phần chủ yếu của môi trường sống, là yếu tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thực hiện thành công các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia [5]. Đảm bảo an ninh nguồn cấp nước sinh hoạt tập trung là tạo ra các rào chắn an toàn từ nguồn tới các nơi tiêu thụ và mỗi khi qua các rào chắn này thì nguy cơ nguy hại sẽ giảm dần đi cho tới khi người dân sử dụng là an toàn nhất. Sông suối hồ là vừa là thủy vực phổ biến dễ khai thác sử dụng làm nguồn nước thô cho hệ thống cấp nước tập trung nhưng lại là nguồn tiếp nhận nước thải nên dễ bị rủi ro ô nhiễm. Sơ đồ kiểm soát ô nhiễm nguồn nước bao gồm nguồn thải, vùng nguồn nước bị tác động của nguồn thải và vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước được nêu trên Hình 1. 

Ứng dụng ảnh vệ tinh để giám sát và quản lý nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt tập trung
Hình 1. Sơ đồ kiểm soát ô nhiễm nước

Sơ đồ Hình 1 cho thấy khoảng cách từ điểm kiểm soát chất lượng nước theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt đến điểm lấy nước thô của nhà máy nước là khoảng cách an toàn, tạo nên vùng bảo hộ vệ sinh có chiều dài LBV với đới bảo vệ gồm vùng nước và vùng đất liên quan. Đây chính là hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, hồ mà công trình đó khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình. 

Trong yêu cầu về quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước của Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 chỉ rõ việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước [6]. Trong Chỉ thị Số: 34/CT-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục đề cập nội dung: Nguồn nước, công trình cấp nước và quy trình sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được giám sát nghiêm ngặt, liên tục để bảo đảm nước sạch được cung cấp phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân có chất lượng tốt nhất và tuyệt đối an toàn [7].

Đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Sự cố nguồn nước ô nhiễm dẫn đến nước cấp của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn trong tháng 10 năm 2019 đã chỉ ra các bất cập từ việc bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, mối quan hệ giữa các tỉnh, các vùng,… cũng như  vấn đề kiểm soát như thế nào để giảm bớt thiệt hại, bởi khi nguồn nước không đảm bảo chất lượng thì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống cấp nước đô thị.

 Hiện nay, môi trường nước tại các lưu vực sông đang có dấu hiệu bị ô nhiễm do ảnh hưởng của các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Theo phương pháp truyền thống, mức độ ô nhiễm nước mặt được xác định thông qua một số các trạm quan trắc. Tuy nhiên do các điều kiện khác nhau mà tần suất quan trắc chất lượng nước nguồn tại ranh giới kiểm soát rất hạn chế, thông thường chỉ có 3 đến 6 tháng một lần với các thông số cơ bản theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT nên rủi ro đối với an toàn nguồn nước rất tiềm tàng. Với số lượng các trạm quan trắc hạn chế, việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước sẽ khó khăn và thiếu chuẩn xác.

Cùng với những chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, cần đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào xử lý ô nhiễm môi trường; và trước hết cần giám sát chặt chẽ môi trường bằng các công cụ hiện đại. Công nghệ viễn thám được phát triển và ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực môi trường nước. Kết hợp sử dụng tư liệu ảnh viễn thám và số liệu quan trắc có thể chiết suất được các thành phần ô nhiễm và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt một cách nhanh chóng trên phạm vi rộng lớn, đảm bảo tính khách quan. Công nghệ này được coi là giải pháp phản ánh thực trạng khách quan trên quy mô diện rộng để giám sát chất lượng nước mặt. 

Việt Nam có vệ tinh viễn thám VNRED Sat-1 được đưa lên quỹ đạo ngày 7/5/2013 và theo lộ trình phát triển dự kiến sẽ có vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 vào năm 2022. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và một số cơ sở dữ liệu viễn thám chuyên ngành đã và đang được xây dựng. Trong năm 2020, Cục Viễn thám quốc gia đã thu được là 11.535 ảnh với khoảng 5.768 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ ở vệ tinh VNREDSat-1 và ảnh SPOT 6/7 với độ phân giải cao phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và các vùng lân cận. Khả năng sử dụng ảnh viễn thám để điều tra, giám sát tài nguyên nước là một phương pháp cho kết quả nhanh và kịp thời nhất. Ảnh viễn thám đã được một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sử dụng để cung cấp thông tin về các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước như hồ chứa nước, trạm bơm, công trình thủy lợi..., nhất là khu vực khó đến hoặc đi lại tốn kém hoặc các lưu vực sông lớn chảy xuyên qua nhiều quốc gia. Với việc sử dụng ảnh vệ tinh Spot5, cũng như trong tương lai gần sử dụng ảnh vệ tinh VNRedsat-1 của Việt Nam, chúng ta có điều kiện chủ động giám sát chất lượng nước mặt của những dòng hợp lưu, cửa sông, hồ chứa nước,… để phục vụ quản lý an ninh nguồn nước[8]. 

2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ THU NHẬN THÔNG TIN CHẤT LƯỢNG NƯỚC TỪ ẢNH VIỄN THÁM

a. Bức xạ đối tượng nước và tính chất quang học của nó

Sử dụng thiết bị chuyên dụng phổ kế tiến hành đo bức xạ trực tiếp đối tượng nước ở ngoài thực địa. Đối với trường hợp sử dụng ảnh vệ tinh quang học như: SPOT, Landsat,… giá trị này phụ thuộc vào bước sóng của từng kênh ảnh. Hướng của các thành phần bức xạ về đầu thu được thể hiện trên Hình 2, trong đó: Ls – bức xạ bầu trời, Lr - bức xạ phản xạ bề mặt nước, và Lw - bức xạ rời khỏi mặt nước.
 
Ứng dụng ảnh vệ tinh để giám sát và quản lý nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt tập trung
Hình 2. Các thành phần bức xạ đi về đầu thu vệ tinh

Theo Mobley, 1999, giá trị phản xạ viễn thám Rrs được xác định bằng tỷ số [9]:
 (1)
Trong đó: Lw là bức xạ rời khỏi mặt nước và Ed  là bức xạ (từ mặt trời, bầu trời - hay bức xạ nguồn sáng) đi tới mặt nước. Bức xạ nguồn sáng đi tới mặt nước có giá trị [9]:
 (2)
Trong đó: Ld là bức xạ phổ đo được, Rp là tham số phản xạ, λ- kênh ảnh ứng với bước sóng tương thích. Giá trị bức xạ phổ ở trên mặt nước Lu là tổng bức xạ rời khỏi mặt nước Lw và bức xạ phản xạ bề mặt nước Lr, nghĩa là:
(3)
Với k là tham số tỷ lệ giữa bức xạ bầu trời Ls và bức xạ phản xạ trực tiếp từ bề mặt nước Lr. Bức xạ rời khỏi mặt nước có dạng:
 (4)
Giá trị k phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường khí quyển. 

Phản xạ viễn thám định nghĩa bằng phương trình (1) có mối liên quan hữu cơ với phản xạ nội hàm Fresnel ρ, phản xạ Fresnel trên bề mặt giao diện không khí-nước, hệ số khúc xạ của nước n, phản xạ trên mặt nước-không khí ; đồng thời là hàm số của hệ số hấp thụ của nước a và hệ số tán xạ của nước bb, với hệ số quan hệ f, được mô tả bằng biểu thức [10, 11]:
 (5)
Trong đó: Q = Eu(0-)/Lu(0-), với Eu(0-) là năng lượng bức xạ đi lên từ độ sâu bằng 0 (ký hiệu 0-) hay từ bề mặt nước.

b. Bức xạ gián tiếp đối tượng nước quan trắc bằng viễn thám vệ tinh

Để đưa vào sử dụng ảnh viễn thám quang học nói chung, ảnh Spot nói riêng, cần tiến hành hiệu chỉnh các ảnh hưởng của môi trường khí quyển. Trước hết từ ảnh gốc cần biến đổi giá trị lượng tử hóa DN về ảnh phản xạ ở đỉnh khí quyển (TOA), R*. Tiếp theo, sử dụng mô hình hiệu chỉnh khí quyển, biến đổi từ ảnh phản xạ ở TOA về phản xạ bề mặt (đất). Phản xạ R* liên quan với đối tượng nước, cụ thể là phản xạ rời khỏi mặt nước Rw thông qua biểu thức:
 (6)
Trong đó: Ra and Rr là phản xạ sol khí và phản xạ Rayleigh; Tg và Td là tham số truyền dẫn và khuếch tán bức xạ trong khí quyển.

Phản xạ viễn thám được tính theo biểu thức:
 (7)
Với S là suất phân chiếu bầu trời.

Từ các biểu thức (1), (5) và (7) thấy được phản xạ viễn thám xác định từ tư liệu ảnh viễn thám tuân theo quy luật khách quan khi có sự tương tác của ánh sáng vào nguồn nước.

c. Xác định các thành phần ô nhiễm nước mặt

Các đại lượng ô nhiễm nước mặt có khả năng phản xạ viễn thám chủ yếu là các thông số vật lý chất lượng nước như: độ đục, hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS), độ màu, hàm lượng dầu,…[12, 13]. Chất rắn lơ lửng tạo nên độ đục là các chất không hòa tan do xói mòn hoặc trong nước thải trôi vào nguồn nước mặt, và trong thành phần chất rắn lơ lửng có các chất dinh dưỡng. Khoảng 1/3 đến 2/3 hàm lượng nitơ và phốt pho của một con sông gắn liền với tải chất rắn lơ lửng [14, 15]. Nước mưa chảy tràn trong lưu vực có thâm canh nông nghiệp, trong nước thải xả vào  sông hồ hoặc từ trầm tích vận chuyển trở lại nước sông hồ có hàm lượng lớn chất dinh dưỡng N, P,... là nguyên nhân chính gây phú dưỡng, tạo nên độ màu của nước [12]. Việc phân tích ảnh có thể xác định được loại dầu, kích thước vệt dầu tràn xuất hiện xung quanh khu vực phát hiện trên ảnh hay ở nơi khác được dòng chảy đưa đến. Dầu loang khiến độ nhám của mặt sông hồ thay đổi, do đó khi sử dụng ảnh radar có thể thấy được sự khác biệt và nhận biết được các vệt dầu. 

Để thành lập bản đồ phân bố không gian của các biến chất lượng nước bằng sử dụng ảnh viễn thám, trước tiên cần thiết lập mô hình ước lượng chất lượng nước dựa trên phản xạ rời khỏi bề mặt nước. Khi xây dựng mô hình, cần được phản ánh đúng và khách quan mối quan hệ hữu cơ giữa các biến chất lượng nước với phản xạ rời khỏi bề mặt nước. Nhằm đạt mục tiêu này cần thực hiện 2 nội dung:

-   Tìm mối quan hệ tồn tại khách quan giữa biến chất lượng nước với phản xạ rời khỏi bề mặt nước.

-   Lựa chọn mô hình thích hợp để lập bản đồ chất lượng nước.

Công cụ hữu hiệu để giải quyết công nghệ nêu trên là dựa vào lý thuyết hàm hồi quy với việc xử lý và tổ hợp ảnh ở mức cao. Một số mô hình hồi quy thường được sử dụng có thể tóm tắt ở các dạng cơ bản sau:
 (8)
Trong đó: Y là biến số chất lượng nước và Xi là phản xạ rời khỏi mặt nước của một dải quang phổ cụ thể.

3.CÁC BƯỚC GIẢI ĐOÁN ẢNH VỆ TINH ĐỂ LẤY THÔNG TIN DIỄN BIẾN CHẤT LƯỢNG NƯỚC THỦY VỰC NGHIÊN CỨU

Chất lượng nguồn nước từ ảnh vệ tinh được giải đoán bằng phần mềm xây dựng dựa trên thuật toán cơ sở là các điều kiện vật lý về các yếu tố hấp thụ của đất, nước và không khí để phân loại các tham số chất lượng nước trong ảnh [16]. Hệ thống xử lý và chuyển đổi mô đun MIP (Modular Inversion and Processing System) có thể tự động nhận các tham số cảm biến và phân loại ánh sáng quang học, chuyển hóa nguồn năng lượng bức xạ, dựa trên cơ sở mô hình phần tử hữu hạn [17, 18]. Phần mềm MIP được sử dụng cho xử lý kết quả và dữ liệu. Đây là công cụ xử lý được phát triển cho việc thu nhận các thông tin từ các dữ liệu viễn thám đa phổ và siêu phổ. Cấu trúc của chương trình bao gồm các giải thuật có thể chuyển giao và tổng quát dựa trên sơ đồ chuyển đổi các yếu tố mang tính vật lý để trích ra các thông tin dựa trên các thông tin bức xạ thu được của bộ cảm. Các thông số chuyển đổi gồm các thành phần khác nhau của khí quyển, hàm lượng các thành phần trong nước, đặc tính phản xạ của nền đáy ở các vùng nước cạn.

Phân tích giải đoán ảnh được dựa trên hệ thống kiểm soát chất lượng từ tệp dữ liệu ảnh nguồn đến tệp dữ liệu ảnh đã xử lý. Các bước tổng thể giải đoán ảnh vệ tinh để lấy thông tin chất lượng nước trên các thủy vực như Hình 3 sau đây.

Hình 3. Các bước giải đoán ảnh vệ tinh để lấy thông tin chất lượng nước

Trước khi tiến hành xây dựng mô hình thông số chất lượng nước, cần tiến hành xử lý bức xạ ảnh vệ tinh với các bước như sau:

- Che vùng đất liền chỉ để lại mặt nước của đối tượng nghiên cứu.

- Nắn chỉnh hình học ảnh và khớp lưới điểm lấy mẫu thực địa theo tọa độ lên ảnh.

- Tách mây và bóng mây. Mây có tác động rất lớn và là lực cản đến khả năng giải đoán ảnh viễn thám trong điều kiện Việt Nam, bởi vì vào mùa mưa bầu trời nước ta nhiều mây và chứa hàm lượng nước mưa lớn, nên khi phân tích giải đoán ảnh rất khó xác định giữa mây và bề mặt nước. Đồng thời mây ngoài việc che phủ đối tượng quan sát, với ánh nắng mặt trời, mây cũng tạo nên các bóng râm trên bề mặt đất cản trở cho việc giải đoán ảnh [18].

- Xử lý tạo ảnh bức xạ R ở đỉnh khí quyển từ ảnh gốc DN (ảnh lượng tử hóa).

- Xử lý tạo ảnh phản xạ bề mặt ρsurface.

- Xử lý tạo ảnh phản xạ viễn thám ρrs.

- Tạo các kênh ảnh lớp cao từ ảnh phản xạ viễn thám ρrs.

- Tìm mối quan hệ phụ thuộc giữa mẫu thông số chất lượng nước thực địa với phản xạ viễn thám ρrs và loại bỏ những kênh ảnh không thỏa mãn yêu cầu.

- Thiết lập mô hình thông số chất lượng nước.

- Tính các sai số như sai số trung phương, sai số tuyệt đối trung bình,....

- Loại bỏ sai số thô, sau đó thiết lập lại mô hình chất lượng nước và tính lại các sai số.

- Quá trình thiết lập mô hình thông số chất lượng nước và tính các sai số sao cho thỏa mãn điều kiện:
+ Sai số tuỵệt đối trung bình < 30%, hay độ chính xác đạt được từ 70%.
+ Hệ số tương quan trong khi xây dựng mô hình R2 không nhỏ hơn 0,7.

Sau khi tiến hành xử lý bức xạ ảnh vệ tinh và loại sai số thô từ số liệu mẫu thực địa, mô hình được xây dựng dựa vào mối quan hệ tồn tại khách quan giữa phản xạ viễn thám của ảnh lớp cao với các thông số vật lý từ mẫu  chất lượng nước thực địa. Yêu cầu nghiêm ngặt của công nghệ là tính đồng bộ quan trắc lấy mẫu ngoài thực địa khi vệ tinh bay qua quét ảnh. Từ đây sẽ tuyển chọn được mô hình thông số chất lượng nước đảm bảo những yêu cầu đề ra. Mô hình thông số chất lượng nước được đánh giá trên điểm kiểm tra dựa vào hàm hồi quy.

Để xử lý một ảnh vệ tinh từ ảnh gốc đến sản phẩm là bản đồ chất lượng nước mặt cần khoảng 100 bước phân tích, xử lý và giải đoán, trong đó tập trung đến các vấn đề hiệu chỉnh ảnh, giải đoán ảnh  và xuất bản tài liệu từ ảnh. Phân tích giải đoán ảnh được dựa trên cơ sở các thông số hiệu chỉnh vật lý để đánh giá sự biến đổi chất lượng nước khu vực nghiên cứu.

Các ảnh Landsat được hiệu chỉnh khí quyển, loại bỏ nhiễu và tăng độ nét. Sau đó tiến hành phân loại lớp phủ mặt đất trên ảnh bằng thuật toán phân loại có kiểm định khoảng cách tối thiểu.

4. KẾT LUẬN

Đảm bảo an ninh nguồn nước là khâu quan trọng nhất và phải thực hiện đầu tiên trong chiến lược cấp nước an toàn cho đô thị và khu dân cư. Việc ứng dụng công nghệ phân tích ảnh viễn thám chụp ở độ phân giải cao, tỉ lệ lớn, để tìm mối quan hệ khách quan giữa biến đổi chất lượng nước với phản xạ rời khỏi bề mặt nước, và lựa chọn mô hình thích hợp để lập bản đồ chất lượng nước. Kết hợp giữa giải đoán ảnh vệ tinh và tài liệu quan trắc chất lượng nước khu vực nghiên cứu cho phép tính toán và dự báo được sự biến đổi chất lượng nước của thủy vực nghiên cứu. Phương pháp trình bày trên đây có thể được ứng dụng giám sát các khu vực sông hồ, đảm bảo tính khách quan, mang lại hiệu quả kinh tế. Bằng cách giám sát này có thể dự báo được trạng thái nguồn nước cả về số lượng và chất lượng, từ đó có các giải pháp kiểm soát chất lượng và đảm bảo an ninh nguồn cung cấp nước sinh hoạt tập trung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Yuan-Fong Su, Jun-Jih Liou, Ju-Chen Hou, Wei-Chun Hung, Shu-Mei Hsu, Yi-Ting Lien, Ming-Daw Su, Ke-Sheng Cheng, Yeng-Fung Wang. - A multivariate model for coastal water quality mapping using satellite remote sensing images, Sensors 8 (2008) 6321-6339.

2. Keiser M., Aboulela H., et. al. - Spectral enhancement of the SPOT imagery data to assess marine pollution near Port Said, Egypt. PIERS proceedings, Cambridge, USA, 2008.

3. Liew S. C., Saengtuksin B., Kwoh L. K. - Mapping Water Quality of Coastal and Inland Waters Using High Resolution Worldview-2 Satellite Imagery, Proc. 34th. International Symposium on Remote Sensing of Environment, Sydney, Australia, 10-15 April 2011.

4.Chavez P.S.An improved dark-object subtraction technique for atmospheric scattering correction of multispectral data, Remote Sensing of Environment, 24 (1988),459-479.

5. Quyết định Số: 81/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020.

6. Quyết định Số: 1566/QĐ-TTg ngày 09 tháng 08 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025.

7. Chỉ thị Số: 34/CT-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục.

8. Cục Viễn thám quốc gia. Dự án: Sử dụng công nghệ viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc (Quyết định số 977/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 06 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

9. Mobley, C. D. - Estimation of the remote-sensing reflectance from above-surface measurements. Applied Optics 38 (1999) 7442-7455.

10. Gordon H. R., Brown O. B., Evans R. H., Brown J. W., Smith R. C., Baker K. S., Clark D. K. - A semi-analytic radiance model of ocean color, J. Geophys. Res.93(1988) 10909-10924.

11. Morel, A., & Gentili, B. - Diffuse reflectance of oceanic waters: II. Implication of bi-directionality for the remote-sensing problem. Applied Optics 35 (1996) 4850 – 4861.

12. Trần Đức Hạ. Hồ chứa nước: Quản lý kỹ thuật để cấp nước an toàn cho đô thị và khu dân cư, Nhà xuất bản Xây dựng, 2019.

13. Chavezz P.S., Image-based atmospheric correction – revisited and improved, Photogrammetric Engineering and Remote Sensing, 62(9)-1996: 1025-1036.

14. Koponen, J., Lamberts, D., Sarkkula, J., Inkala, A., Junk, W., Halls, A., and Kshatriya, M.,  Primary and Fish Production Report. Mekong River Commission Information and Knowledge Management Programme, 2010. 

15. Lu, X.X. and Siew, R.Y. (2006), "Water discharge and sediment flux changes over the past decades in the Lower Mekong River: possible impacts of the Chinese dams”. Hydrology and Earth System Sciences 10-2006, 181-195.

16. Heege, T., Kiselev, V., Odermatt, D., Heblinski, J., Schmieder, K., Khac, T.V., and Long, T.T., Retrieval of water constituents from multiple earth observation sensors in lakes, rivers and coastal zones. Geosciences and Remote Sensing Symposium, 2009 IEEE International, IGARSS 2009 ,Vol.2, pp.II-833.

17. Bulgarelli, B., Kiselev, V., and Roberti, L., 1999, Radiative transfer in the atmosphere-ocean system: the finite element method. Apllied Optics 38, pp.1530-1542. 

18. Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Nghĩa Hùng, Thomas Heege, Nghiên cứu giải đoán ảnh vệ tinh để lấy thông tin phù sa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi, số 19-2013, trang 7-12.

GS.TS Trần Đức Hạ 
GVCC Trường Đại học Xây dựng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường - Hội CTN VN

ThS. Đinh Lam Thắng 
Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tags ứng dụng ảnh vệ tinh quản lý nguồn nước cấp nước sinh hoạt

Các tin khác

Nhóm sinh viên từ Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành công trong việc chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng, một phát minh có thể hỗ trợ hiệu quả trong y học cổ truyền.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Rác thải từ nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Do đó, sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực miền Nam đã thành công trong việc sử dụng các phụ phẩm công nghiệp như bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than và xỉ lò đốt rác để tạo ra vật liệu san lấp mới có khả năng chịu lực thay thế cát san lấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục