Đánh giá các mối nguy hại tác động đến chất lượng môi trường sống và đa dạng sinh học Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/5/2021 | 8:37:33 AM

QLMT - Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường là một trong những phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong định hướng của Đảng, Nhà nước về BVMT với quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Chất lượng môi trường sống là nền tảng quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), duy trì các chức năng và giá trị của hệ sinh thái tự nhiên trong việc đáp ứng điều kiện sinh tồn cho các loài, duy trì sự cân bằng của các hệ sinh thái (HST). Nằm trên dải đất miền Trung, Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát được đánh giá là trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An với các giá trị dịch vụ HST có quy mô rộng lớn, nơi cung cấp nhiều dịch vụ HST quan trọng như: các dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết và văn hóa. Tuy nhiên, Pù Mát cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trên khu vực. Do đó, để nhìn nhận, dự báo khách quan sự tương tác giữa các mối nguy hại tác động đến chất lượng môi trường sống ở khu vực VQG Pù Mát, bài viết áp dụng Mô hình đánh giá chất lượng môi trường sống (habitat quality model - InVest) của trường Đại học Standford (Mỹ) nhằm phân tích, thu thập, xây dựng các kịch bản phát triển, đề xuất giải pháp phù hợp bảo tồn cảnh quan, ĐDSH VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An.

 1. Địa bàn và phương pháp nghiên cứu

     Địa bàn nghiên cứu là VQG Pù Mát nằm ở giữa dãy Trường Sơn, thuộc địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương thuộc tỉnh Nghệ An với tổng diện tích tự nhiên hơn 94.000 ha. Trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 80.779 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.252 ha, phân khu hành chính dịch vụ 4.773 ha. Vườn có khoảng 896 loài thực vật, 241 loài động vật có vú, 137 loài chim, 25 loài bò sát và 15 loài lưỡng cư. Với giá trị ĐDSH phong phú, VQG Pù Mát được xem là kho lưu trữ gen quý hiếm của Việt Nam. Chính vì vậy, để bảo tồn và phát triển các giá trị đó trong bối cảnh thách thức do các hoạt động kinh tế, dân sinh tác động ngày càng lớn đết môi trường sống của khu vực cần phải đưa ra các giải pháp phù hợp trên cơ sở khoa học. Căn cứ vào đặc trưng của khu vực VQG Pù Mát, để có những phân tích, dự báo và đề xuất khách quan mô hình phân tích chất lượng cảnh quan được áp dụng tại cả vùng lõi (hơn 94.000 ha), vùng đệm (hơn 115.000 ha) và vùng ngoài (hơn 264.000 ha).

     Phương pháp nghiên cứu áp dụng Mô hình InVest được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến suy thoái môi trường sống. Cơ sở khoa học của mô hình chính là sự kết hợp thông tin về sử dụng đất với các nguy cơ đối với đa dạng sinh học, cảnh quan để tạo ra bản đồ chất lượng môi trường sống như mô tả ở Hình 1.

danh-gia-cac-moi-nguy-hai-tac-dong-den-chat-luong-moi-truong-song-va-da-dang-sinh-hoc-vuon-quoc-gia-pu-mat-tinh-nghe-an-1
Hình 1. Tổng hợp kết quả phân tích thay đổi về chất lượng môi trường sống theo các kịch bản phát triển khác nhau trong khu vực

     Theo Mô hình InVest, chất lượng môi trường sống sẽ phụ thuộc vào 4 yếu tố gồm: Mức độ nguy hại của nguồn phản ánh khả năng tác động đến đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên của nguồn suy thoái ở mức độ cao hay thấp, hệ số này được phản ánh bởi thang điểm từ 0 - 1 tùy theo đặc trưng của mỗi nguồn tác động; khoảng cách từ nguồn tác động đến từng điểm trong khu vực nghiên cứu, mức độ nguy hại của mỗi nguồn sẽ tỷ lệ nghịch với khoảng cách; Các yếu tố quản lý có thể giúp giảm thiểu tác động của các mối nguy cơ đối với môi trường sống bao gồm các chính sách chuyển đổi sinh kế, tăng cường quản lý, giám sát, tuyên truyền…; mức độ nhạy tương đối của từng loại môi trường sống đối với từng mối nguy cơ trên mỗi kiểu cảnh quan là yếu tố cuối cùng được sử dụng trong Mô hình InVest để tạo ra mức độ suy thoái toàn bộ trong một ô lưới với môi trường sống.

     Trên cơ sở áp dụng Mô hình InVest, nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu để tiến hành thử nghiệm áp dụng cho khu vực VQG Pù Mát ở Nghệ An. Chi tiết nguồn dữ liệu sử dụng và phân loại được thể hiện tại Bảng 1.

     Bảng 1. Các loại dữ liệu, nguồn dữ liệu và phương pháp thu thập

danh-gia-cac-moi-nguy-hai-tac-dong-den-chat-luong-moi-truong-song-va-da-dang-sinh-hoc-vuon-quoc-gia-pu-mat-tinh-nghe-an-2

     2. Kết quả đánh giá các mối nguy hại tác động đến chất lượng môi trường sống và ĐDSH của VQG Pù Mát

     2.1.Xác định các mối nguy hại và khả năng giảm thiểu đối với chất lượng môi trường sống

     Rà soát các nguồn tác động đến chất lượng cảnh quan ở quanh khu vực VQG Pù Mát cho thấy có những nguồn chính như: Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực được xác định là một mối nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống trong khu vực do gây ra sự phân mảnh các hệ sinh thái, đồng thời tạo cơ hội cho việc săn bắt động vật trái phép… theo Quy hoạch phát triển trên địa bàn sẽ có một số tuyến đường mới được xây dựng như đường Cò Phạt - Bản Búng, đường biên phòng Khe Choăng để phục vụ công tác tuần tra, kết nối thương mại; Phát triển thủy điện trong khu vực là nguồn nguy cơ có tác động mạnh đến đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên do nguy cơ làm thu hẹp diện tích đất, thay đổi dòng chảy tác động đến nhu cầu sử dụng nước của các loại hình sử dụng đất khác nhau. Rà soát quy hoạch và hiện trạng thủy điện cho thấy, đến nay trong khu vực có 8 nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành, còn 2 nhà máy là Yên Thắng và Môn Sơn là đang tạm dừng xây dựng; Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn có tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí, nước, đất và suy giảm đa dạng sinh học trong một thời gian dài; Phát triển du lịch là một trong những mục tiêu của chính quyền địa phương để khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên, tạo sinh kế bền vững cho người dân nhưng đây cũng được xác định là một mối nguy cơ có tác động đến chất lượng môi trường sống trong khu vực nếu các hoạt động du lịch không được quản lý tốt, vượt quá sức chịu tải của môi trường gây ra tác động mạnh đến chất lượng của môi trường sống và ngược lại; Săn bắn trái phép là một mối nguy cơ lớn ở khu vực VQG Pù Mát do sinh kế của người dân phụ thuộc nhiều vào rừng. Do đó, nếu có phương án chuyển đổi sinh kế cho người dân địa phương sẽ giúp giảm áp lực và tác động đến chất lượng môi trường sống ở khu vực nghiên cứu.

     Để hạn chế tác động tiêu cực từ các mối nguy cơ đến môi trường sống và ĐDSH của VQG, Ban quản lý Vườn cần phối hợp với  cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, xây dựng cầu giao thông qua các khu vực nhạy cảm của môi trường sống, phát triển du lịch sinh thái đảm bảo mức chịu tải, chuyển đổi sinh kế…

     2.2 Thiết lập các hệ số và kịch bản phát triển ở khu vực

     Dựa trên lý thuyết của mô hình, đối với mỗi nguồn tác động nghiên cứu thiết lập thành 5 cấp độ tác động, lần lượt gồm: không tác động (điểm số là 0); tác động ít (điểm số là 0,25); tác động trung bình (điểm số là 0,5); tác động cao (điểm số 0,75) và tác động rất cao (điểm số 1). Hệ số cụ thể về mức độ, khoảng cách tác động của mỗi nguồn được xây dựng theo 2 ngưỡng khác nhau gồm ngưỡng cơ sở và ngưỡng kỳ vọng (Bảng 2). Theo đó, nghiên cứu thiết lập 2 giả định về mức độ và khoảng cách tác động, bao gồm: Hệ số hiện tại phản ánh các hiện trạng theo đánh giá tác động thông thường của các mối nguy cơ; hệ số kỳ vọng phản ánh kỳ vọng của nghiên cứu khi các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp chính sách để giảm thiểu mức độ và khoảng cách tác động từ các mối nguy cơ trong khu vực.

Bảng 2. Mức độ và khoảng cách tác động của mỗi nguồn nguy hại đến chất lượng môi trường sống ở VQG Pù Mát

 danh-gia-cac-moi-nguy-hai-tac-dong-den-chat-luong-moi-truong-song-va-da-dang-sinh-hoc-vuon-quoc-gia-pu-mat-tinh-nghe-an-3
 
     2.3 Xây dựng các kịch bản cho bảo tồn và phát triển ở VQG Pù Mát

     Xây dựng các kịch bản phát triển trong khu vực nghiên cứu

     Về hiện trạng trong khu vực nghiên cứu có 8 nhà máy thủy điện, hệ thống các tuyến đường giao thông chưa được mở mới, hoạt động du lịch đang được hình thành và thu hút khách du lịch đến khu vực, sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng, nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học còn hạn chế. Theo đó, chất lượng môi trường sống được mô tả ở Hình 2 và Hình 3 (cột đầu). Qua đó cho thấy, hiện trạng chất lượng môi trường sống trong khu vực còn khá tốt, chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động phát triển kinh tế trong khu vực. Trên cơ sở phân tích các khả năng có thể xảy ra đối với các mối nguy hại đến chất lượng môi trường sống ở khu vực nghiên cứu cho thấy có những khả năng có thể xảy ra trong tương lai.

     Kịch bản 1: Giả định trong khu vực có 10 nhà máy thủy điện theo quy hoạch, hệ thống các tuyến đường giao thông được xây dựng trong khu vực; hoạt động du lịch được phát triển mạnh. Tuy nhiên, những kỳ vọng về quản lý, chuyển đổi sinh kế và phát triển du lịch đảm bảo sức chịu tải của môi trường sống để giảm thiểu các nguy cơ mới chưa được chú trọng trong khu vực. Kết quả cho thấy, khu vực bị tác động lớn nhất tăng lên 0,47% diện tích so với hiện trạng; khu vực bị tác động lớn tập trung ở trung tâm các thành phố chiếm 11,89% diện tích; khu vực bị tác động trung bình chiếm 15,12%; khu vực bị tác động ít chiếm 22,3% diện tích; còn lại 50,22% diện tích bị tác động rất ít.

     Kịch bản 2: Với giả định trong khu vực sẽ không phát triển các tuyến đường giao thông như định hướng ở trong khu vực, vẫn có 10 nhà máy thủy điện, hoạt động du lịch được phát triển và các yếu tố kỳ vọng về quản lý, chuyển đổi sinh kế chưa được tăng cường, đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, diện tích khu vực có môi trường sống bị ảnh hưởng ở mức rất lớn là không đáng kể, khu vực bị ảnh hưởng nhiều đã giảm so với kịch bản 1 và còn 4,93%; khu vực bị ảnh hưởng trung bình tăng lên 17,77%; khu vực bị ảnh hưởng ít chiếm 23,3% tổng diện tích của khu vực; còn lại là 52,98% diện tích bị tác động rất ít.

     Kịch bản 3: Giảm bớt 2 nhà máy thủy điện chưa được xây dựng; vẫn phát triển các hệ thống đường giao thông, du lịch và các yếu tố quản lý, chuyển đổi sinh kế, nâng cao nhận thức chưa được chú trọng như kịch bản 1. Kết quả phân tích cho thấy khu vực môi trường sống bị ảnh hưởng rất nhiều chiếm 0,48% tổng diện tích, khu vực bị ảnh hưởng nhiều là 11,87%, khu vực bị ảnh hưởng trung bình là 15,11%; còn lại là khu vực bị ảnh hưởng ít và rất ít.

     Kịch bản 4: Có 8 nhà máy thủy điện như kịch bản 3, hệ thống đường giao thông được phát triển để thúc đẩy sinh kế, giao thương cho người dân trong khu vực; hoạt động du lịch được phát triển nhưng công tác quản lý, tuyên truyền và định hướng phát triển theo hướng thân thiện với môi trường được tăng cường với kỳ vọng góp phần giảm thiểu tối đa tác động đến chất lượng môi trường sống trong khu vực. Ví dụ, du lịch phát triển ở qui mô phù hợp với sức chịu tải của hệ sinh thái, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của khách du lịch, người dân để giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái do du lịch gây ra; hoặc thực hiện các biện pháp như tăng cường tuần tra, quản lý để giảm thiểu hoạt động săn bắt, khai thác gỗ trái phép trong khu vực đối với hệ thống các công trình giao thông mở mới trong khu vực… Với kịch bản và kỳ vọng như vậy, kết quả chạy Mô hình cho thấy, khu vực có diện tích bị ảnh hưởng rất lớn gần như không có (0%), khu vực bị ảnh hưởng nhiều chiếm 4,93%; khu vực bị ảnh hưởng trung bình chiếm 17,76%; phần bị ảnh hưởng ít và rất ít chiếm lần lượt 23,28% và 54,03% diện tích khu vực nghiên cứu.

     Đề xuất giải pháp bền vững cho khu vực nghiên cứu

     Dựa trên kết quả phân tích cho thấy, để hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với đảm bảo chất lượng môi trường sống ở VQG Pù Mát, các ban, ngành chức năng cần tăng cường giám sát, theo dõi việc thực hiện các cam kết bảo vệ cảnh quan, môi trường của các nhà máy thủy điện trong khu vực; sớm thực hiện các biện pháp chuyển đổi sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư trong khu vực để giảm thiểu sự phụ thuộc sinh kế vào các nguồn lâm sản từ rừng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức để người dân giảm các hoạt động săn bắt, khai thác rừng trái phép trong khu vực; (iii) đẩy mạnh công tác tuần tra và kiểm soát bảo vệ khu vực cảnh quan, tránh những đối tượng xấu có những động tác làm ảnh hưởng đến môi trường sống; cần có biện pháp quản lý tốt hoạt động du lịch theo hướng sinh thái, đảm bảo sức chịu tải của môi trường tự nhiên trong khu vực; huy động các nguồn tài chính để thúc đẩy công tác nghiên cứu, bảo tồn  ĐDSH trong VQG Pù Mát.

     3. Kết luận và kiến nghị

     Thông qua việc ứng dụng Mô hình InVest tại khu vực VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An cho thấy, việc hiện thực hóa quan điểm "không đánh đổi giữa kinh tế với môi trường” là có thể thực hiện được và hữu ích đối với công tác lập quy hoạch phát triển, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); kết quả nghiên cứu thử nghiệm ở khu vực VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An đã giúp nhìn nhận, dự báo được sự tương tác giữa các mục tiêu phát triển với chất lượng môi trường sống của các loài trong khu vực; dựa trên kết quả nghiên cứu đã đưa ra được phương án phát triển tối ưu tại khu vực VQG Pù Mát, theo đó cần phải hạn chế phát triển thủy điện, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, tăng cường hoạt động quản lý để giảm tối thiểu các tác động đến chất lượng môi trường sống, duy trì đa dạng sinh học và phát triển các chức năng của hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực.Tuy nhiên, với mục đích chính là thử nghiệm trong bối cảnh dữ liệu, thông tin còn hạn chế nên để đưa được phương pháp luận này áp dụng vào trong thực tiễn quản lý ở Việt Nam đòi hỏi phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện, sự phối hợp liên ngành trong thực hiện các quy hoạch phát triển.

     Lời cảm ơn: Nhóm nghiên cứu trân trọng cảm ơn đề tài KC.08.11/16-20, Chương trình Kinh tế môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Ban Quản lý VQG Pù Mát đã hỗ trợ thực hiện.


     DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quản lý VQG Pù Mát, Báo cáo công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên rừng VQG Pù Mát, 2016.

2. Nguyễn Viết Hùng, Trần Huy Thái, Đỗ Ngọc Đài, Thành phần loài cây có tinh dầu thuộc họ na (Annonaceae) và họ cam (Rutaceae) ở VQG Pù Mát, Nghệ An, Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 6, 2015.

3. UBND tỉnh Nghệ An, Nghệ An toàn chí, tập 1, Địa lí tỉnh Nghệ An. NXB Thông tin và Truyền thông, 2014

4. Kevin McGarigal, Sam Cushman, Claudia Regan, Quantifying Terrestrial Habitat Loss and Fragmentation: A Protocol, 2005.

5. Le Thanh An, The Conservation Population of Northern White-Cheeked Gibbons (Nomascus Leucogenys) In Vietnam, IOSR Journal Of Environmental Science, Toxicology And Food Technology, 2013.

6. Luu Tuong Bach and Rawson, B. M., Population assessment of the northern white-cheeked crested gibbon (Nomascus leucogenys) in Pù Mát National.

7. Matthew McPherson, Steve Schill, George Raber, Kimberly John, Nathalie Zenny, Kim Thurlow, and Ann Haynes Sutton, GIS-based Modeling of Environmental Risk Surfaces (ERS) for Conservation Planning in Jamaica, Journal of Conservation Planning Vol 4, 2008.

8. Marta Terrado, Sergi Sabater, Becky Chaplin-Kramer, Lisa Mandle, Guy Ziv, Vicenç Acuña, Model development for the assessment of terrestrial and aquatic habitat quality in conservation planning, 2015.

9. Mark L. Watson, Habitat Fragmentation and the effects of road on wildlife and habitats, 2005.

10. Richard Sharp, Rebecca Chaplin-Kramer, Spencer Wood, Anne Guerry, Heather Tallis, Taylor Ricketts, InVest’s User guide, http://releases.naturalcapitalproject.org/invest-userguide/latest/.

11. https://naturalcapitalproject.stanford.edu/

12. http://www.pumat.vn/


Lại Văn Mạnh, Ngô Đăng Trí, Tô Ngọc Vũ, Đỗ Thị Thanh Ngà
Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Theo Tạp chí Môi trường

Tags chất lượng môi trường sống đa dạng sinh học Vườn quốc gia Pù Mát tỉnh Nghệ An

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục