Bình luận một số quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/2/2021 | 2:26:25 PM

QLMT - Việc tiếp cận được các thông tin môi trường có thể giúp người dân phản hồi cho các cơ quan nhà nước, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để giúp các chủ thể này cân nhắc, lựa chọn và đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với lòng dân, tăng hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, cơ chế để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân còn nhiều hạn chế. Bài viết bình luận một số quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân theo quy định hiện hành, từ đó đề xuất một số biện pháp để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân.

1. Bình luận một số quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân

Thông tin môi trường là số liệu, dữ liệu về môi trường dưới dạng ký hiệu, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dưới dạng tương tự. Thông tin môi trường gồm số liệu, dữ liệu về thành phần môi trường, các tác động đến môi trường, chính sách,  pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường. 

Cơ sở pháp lý quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường gồm: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014; Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định một số điều của Luật BVMT; Luật Tiếp cận thông tin 2016; mới đây nhất là Luật BVMT 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Quy định về các loại thông tin môi trường được công khai:

Theo quy định tại Điều 131 Luật BVMT 2014, thông tin môi trường phải được công khai gồm: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Các báo cáo về môi trường; Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Các thông tin quy định thuộc danh mục bí mật nhà nước thì không được công khai. Luật BVMT 2020 cũng có quy định cụ thể về các loại thông tin môi trường được công khai tại Điều 114, theo đó Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin về môi trường.

Như vậy, các văn bản đã có quy định rõ ràng các loại thông tin môi trường được công khai; Luật Bí mật nhà nước 2018 đã quy định cụ thể về các thông tin môi trường thuộc bí mật nhà nước không được công khai. Đây là cơ sở giúp cho người dân chủ động yêu cầu cung cấp những thông tin môi trường cần thiết cho hoạt động của họ.

Quy định về các hình thức công khai thông tin môi trường:

Khoản 2 Điều 131 Luật BVMT 2014 quy định yêu cầu hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Nghị định 19/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định một số điều của Luật BVMT đã cụ thể hóa các hình thức cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư như: tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan quản lý, chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; niêm yết công khai tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trụ sở UBND cấp xã; họp báo công bố công khai; họp phổ biến cho cộng đồng dân cư; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy các hình thức công khai thông tin môi trường đã được quy định khá linh hoạt, đa dạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả phía cơ quan nhà nước và người dân thực hiện hoạt động tiếp cận thông tin môi trường đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân. Tuy nhiên, đối với việc cung cấp thông tin môi trường theo yêu cầu lại chưa có các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự tiếp cận thông tin; thời hạn phải trả lời; cung cấp thông tin môi trường.

Quy định về thời gian cung cấp thông tin môi trường:

Việc cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng được cung cấp định kỳ ít nhất 1 lần/năm bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường; Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, địa phương; các báo cáo chuyên đề về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường xây dựng và công bố; Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố; Danh sách, thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố; Các xuất bản phẩm, ấn phẩm theo chuyên đề về môi trường, tài liệu truyền thông về môi trường và các vấn đề liên quan; Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư; Hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn dân cư; Giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư. Thời gian công khai thông tin trên trang điện tử chính thức và niêm yết tối thiểu là 30 ngày. Bao gồm tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan quản lý, chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; niêm yết công khai tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trụ sở UBND cấp xã.

Quy định về đại diện cộng đồng dân cư thực hiện quyền tiếp cận thông tin môi trường:

Cộng đồng dân cư có thể lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân làm người đại diện cộng đồng dân cư thông qua cuộc họp toàn thể hoặc đại diện hộ gia đình trong cộng đồng dân cư. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

Khi có yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp có nghĩa vụ cung cấp các loại thông tin sau: Hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn dân cư; Giấy phép liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn dân cư. Khi có yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cung cấp những thông tin theo các quy định về công bố thông tin môi trường (Điều 130, Điều 131 Luật BVMT 2014 và Điều 51 Nghị định 19/2015/NĐ-CP).

Trong trường hợp không có yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải cung cấp định kỳ ít nhất một năm một lần những loại thông tin được quy định tại Điều 51 khoản 1 Nghị định 19/2015/NĐ-CP. Đây là những quy định tạo hành lang pháp lý giúp cho cộng đồng dân cư thực hiện quyền tiếp cận thông tin môi trường của mình, giúp họ có thể tiếp cận được những loại thông tin môi trường phục vụ nhu cầu của người dân, hạn chế những xung đột, tranh chấp môi trường giữa người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

2. Một số biện pháp để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân

Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin môi trường: cần quy định rõ ràng về các nguyên tắc cần tuân thủ khi yêu cầu và cung cấp thông tin môi trường theo yêu cầu; trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin môi trường; về thời hạn, lệ phí cung cấp thông tin, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến cung cấp thông tin môi trường. Hoàn thiện các quy định về chế tài trong hoạt động tiếp cận thông tin môi trường để đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người dân cần quy định rõ chế tài đối với hành vi như: không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không đúng cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý hay các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không cung cấp thông tin cho người dân theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực thi quyền tiếp cận thông tin môi trường, có thể xảy ra trường hợp cơ quan nhà nước hoặc công chức cung cấp thông tin đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không bảo đảm quyền công dân của người dân trong việc tiếp cận thông tin, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu cung cấp thông tin môi trường, cần có các quy định giải quyết trường hợp khi người yêu cầu cung cấp thông tin môi trường có quyền khiếu nại trong các trường hợp cụ thể như bị từ chối cung cấp thông tin môi trường không phù hợp với các căn cứ theo quy định về cơ sở từ chối cung cấp thông tin; thông tin được cung cấp không phải là thông tin mà người dân yêu cầu.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về quyền tiếp cận thông tin môi trường: cho cả người dân và đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh về cách thức thực thi trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện theo quy định. Thông qua đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận thức rõ và cụ thể về trách nhiệm của mình và cách thức tuân thủ quy định của pháp luật, làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện trong thực tế.

Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp và tiếp cận thông tin môi trường. Đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên môi trường, đồng thời số hóa những nguồn thông tin chưa ở dạng số nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, phục vụ quản lý, nghiên cứu và tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung. Cung cấp, tiếp nhận thông tin môi trường qua internet tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng. Xây dựng thống nhất biểu mẫu điện tử trong hoạt động tiếp cận thông tin môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành và trao đổi thông tin môi trường.

Thời gian qua, việc ứng dụng tin học trong quản lý hành chính nhà nước nói chung đã tạo bước chuyển biến rõ nét nâng cao chất lượng dịch vụ công, làm cho nền hành chính ngày càng hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu này để xây dựng cơ sở hạ tầng thống nhất thông tin về ngành tài nguyên môi trường ở cấp trung ương và địa phương nhằm vừa đảm bảo việc thống nhất quản lý, vừa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin môi trường một cách có hệ thống và dễ dàng. Tăng cường năng lực cho cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin môi trường. Cơ quan nhà nước được đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, kinh phí và nhân lực trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường của mình, trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước khác khi giải quyết yêu cầu tiếp cận thông tin môi trường của người dân một cách tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dương Thị Bình (2009), "Thực trạng quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, http://vibonline.com.vn/bao_cao/thuc-trang-quyen-tiep-can-thong-tin-o-viet-nam

2. Nguyễn Đăng Dung (2011), Pháp luật Việt Nam về đảm bảo quyền được thông tin của công dân, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử, https://luatminhkhue.vn/phap-luat-ve-bao-dam-quyen-duoc-thong-tin-cua-cong-dan-va-viec-xay-dung-luat-tiep-can-thong-tin.aspx

3. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Tiếp cận Thông tin: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người - Quyền Công dân và Trung tâm Luật So sánh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

5. Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 thàng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

6. Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường.

7. Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật số 55/2014/QH13: Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2014.

8. Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật số 72/2020/QH14: Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2020.

9. Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Luật số 104/2016/QH13: Luật Tiếp cận thông tin, ban hành ngày 06 tháng 4 năm 2016.

10. Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật số 29/2018/QH14: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2018.

AN ANALYSIS ON REGULATIONS ON PEOPLE’S RIGHT OF ACCESS

TO ENVIRONMENTAL INFORMATION

• Master. NGUYEN THI HANG

Lecturer, Faculty of Economic Law, Hanoi Law University

ABSTRACT:

The access to environmental information could help people provide more environmental information to state agencies and business owners, improving the efficiency of state management of the environmental protection. However, the mechanism to ensure the people’s right of access to environmental information still faces some problems. This paper analyzes some current regulations on people's right of access to environmental information according. Based on the paper’s results, some measures are proposed to improve the enforcement of regulations on people's right of access to environmental information.       

Keywords: environmental information, environmental situation, information publicity, the right of access to information.


ThS. NGUYỄN THỊ HẰNG (Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội)
Theo Tạp Chí Công Thương

Tags quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân quy định

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục