1. Thực trạng quản lý quy hoạch đất đai trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
1.1. Quản lý xây dựng quy hoạch đất đai
UBND quận Cầu Giấy đã lập quy hoạch sử dụng đất tại quận Cầu Giấy, được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016-2020). Triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, hàng năm, UBND quận lập Kế hoạch sử dụng đất trong năm và được UBND thành phố phê duyệt. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt là căn cứ để UBND quận triển khai thực hiện các công trình, dự án theo đúng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố; là cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả. UBND quận đã chỉ đạo sát sao công tác triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất, không để tình trạng thực hiện các dự án ngoài quy hoạch sử dụng đất. Nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân đăng ký được cập nhật và phản ánh đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
1.2. Tổ chức bộ máy quản lý quy hoạch đất đai
Bộ máy quản lý quy hoạch đất đai hiện nay của quận Cầu Giấy không ngừng được tăng cường và hoàn thiện. Lực lượng cán bộ chuyên môn phục vụ công tác quản lý quy hoạch đất đai của quận về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác quản đất đai trên địa bàn quận. Tuy nhiên, việc tổ chức bộ máy vẫn còn có một số hạn chế như: Nhân lực có trình độ và kỹ năng thành thạo, chuyên ngành sâu còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước hiện tại; Số lượng nhân lực đáp ứng cho nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với đất đai nói chung và đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng còn thiếu và chưa được bổ sung kịp thời; Chất lượng tuyển dụng đầu vào nguồn nhân lực tuy cao, nhưng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được bố trí công việc phù hợp với năng lực, chuyên ngành đào tạo còn hạn chế, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho địa phương…
1.3. Quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch đất đai trên địa bàn quận
1.3.1. Thực trạng điều tra, khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính
Năm 2003, quận Cầu Giấy hoàn thành công tác đo đạc bản đồ và xây dựng hệ thống bản đồ địa chính với tổng số 238 mảnh bản đồ, trong đó: tỷ lệ 1/500 có 78 mảnh; 1/1000 có 126 mảnh; 1/2000 có 34 mảnh. Tuy nhiên, đến nay, do là bản đồ giấy, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, việc chuyển quyền sử dụng đất diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn quận Cầu Giấy nên công tác chỉnh lý biến động đất đai trên bản đồ địa chính gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đất ở, bản đồ bị nhàu nát, khó khăn trong việc sử dụng. UBND quận Cầu Giấy đã triển khai xây dựng bản đồ số, giúp cho việc quản lý, xây dựng hồ sơ địa chính được dễ dàng, chính xác hơn. Toàn bộ hồ sơ địa chính lập được sao lưu thành 02 bản: với 78 sổ mục kê, 124 sổ địa chính và 43 sổ đăng ký biến động. Công tác lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, về thời gian định kỳ 5 năm trên phạm vi toàn quận. Thực hiện tổng kiểm kê đất đai năm 2015, quận Cầu Giấy đã lập được bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho 8 phường. Hiện nay, Ủy ban nhân dân quận đang tiến hành lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận đến năm 2025 theo tỷ lệ 1:10.000 và bản đồ quy hoạch cho phường theo tỷ lệ 1:5.000.
Công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận Cầu Giấy ngày càng chặt chẽ từ việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đến việc quản lý và sử dụng đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong giai đoạn 2016-2019, trên địa bàn quận Cầu Giấy đã thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện 34 công trình dự án với tổng diện tích 159,5 ha. Tất cả các dự án đều thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt. Qua điều tra thăm dò ý kiến người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy cho thấy: Tình hình quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của quận Cầu Giấy có 73,33% được cho là phù hợp với thực tiễn; 26,67% ý kiến được cho là không phù hợp với thực tiễn. Về việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương được thực hiện tương đối tốt. 50% ý kiến cho rằng việc triển khai tốt; 21,67% cho rằng công tác này thực hiện tương đối tốt; 28,33% ý kiến cho rằng công tác này thực hiện chưa tốt. Việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương được người dân đồng thuận. Bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được chính quyền công bố công khai. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận Cầu Giấy cơ bản phù hợp với tình hình thực tế; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện tương đối tốt; việc công bố công khai quy hoạch được thực hiện đúng quy định; các dự án thực hiện mang tính khả thi và không có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức.
1.3.3. Quản lý đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất
Hồ sơ địa chính trên địa bàn quận Cầu Giấy được lập theo đơn vị hành chính phường. Nội dung thông tin trong hồ sơ địa chính phải đảm bảo thống nhất với Giấy chứng nhận được cấp (nếu có) và phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất. Thường vụ Quận ủy thường xuyên chỉ đạo tập trung lãnh đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn quận; UBND quận hàng năm cũng đều ban hành Kế hoạch về công tác cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. UBND quận cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường đều tổ chức giao ban với các phường về công tác cấp GCNQSDĐ trên địa bàn quận nhằm tổng kết, đánh giá những tồn tại, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ cũng như giao chỉ tiêu cho những năm tiếp theo. Tính đến ngày 31/10/2019, quận Cầu Giấy đã cấp giấy chứng nhận lần đầu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho 89.368 hộ với diện tích 1.053.42 ha. Còn tồn 15.211 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 178,28 ha, trong đó số thửa chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận là 1.536 thửa; 8.736 thửa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng do chủ sử dụng chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận. Một số phường trên địa bàn quận cơ bản đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tỷ lệ trên 95% như phường Nghĩa Tân và Quan Hoa. Tỷ lệ thửa đất cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lại phần lớn đất ở đô thị do tại thời điểm thống kê, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
1.4. Thực trạng việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đất đai trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận Cầu Giấy được thực hiện thường xuyên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, từ cấp thành phố (Thanh tra thành phố, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường) đến UBND quận Cầu Giấy theo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm, công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án được thực hiện, nhằm tránh việc sử dụng đất kém hiệu quả gây lãng phí tài nguyên đất đai. Trong giai đoạn 2017-2019, kiểm tra, rà soát có 23 dự án chậm tiến độ.
Về công tác giải quyết khiếu kiện đất đai, trong thời gian qua, UBND quận thường xuyên chỉ đạo kịp thời sâu sát cùng với sự nỗ lực tham gia của UBND các phường, của quận nên kết quả giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, được người dân đồng tình và chấp nhận, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài, kiếu kiện vượt cấp và khiếu kiện đông người xảy ra. Từ năm 2016 đến năm 2019 số vụ vi phạm về đất đai trên địa bàn quận có xu hướng giảm dần. Năm 2016 là năm xảy ra nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai nhất với 65 vụ trên tổng số 170 vụ trong giai đoạn 2016-2019. Công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trên địa bàn quận đã được thực hiện một cách nghiêm túc, giải quyết triệt để theo pháp luật về đất đai, giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.
1.5. Đánh giá chung
1.5.1. Những kết quả đạt được
- Công tác quản lý quy hoạch đất đai đã được Quận ủy, UBND quận đặc biệt quan tâm, chú trọng. Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai được thực hiện nghiêm chỉnh.
- UBND quận đã lập quy hoạch sử dụng đất, được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và UBND TP. Hà Nội phê duyệt; đã lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 và được UBND thành phố phê duyệt. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đi vào nề nếp, được thực hiện chi tiết, hoàn chỉnh, theo đúng quy trình, quy định của Luật Đất đai 2013.
- Bộ máy quản lý quy hoạch đất đai hiện nay không ngừng được tăng cường và hoàn thiện. Lực lượng cán bộ chuyên môn cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về quản quy hoạch đất đai.
- Thực hiện tốt công tác điều tra, thống kê, khảo sát, đo đạc, lập bản đồ hiện trạng theo quy định.
- UBND quận thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác kiểm tra nhằm chấn chỉnh các tồn tại về quản lý đất đai. Công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đã được thực hiện một cách nghiêm túc.
1.5.2. Một số tồn tại
- Quy hoạch sử dụng đất quận Cầu Giấy chậm được phê duyệt, gây nhiều khó khăn trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình dự án trên địa bàn quận trong giai đoạn 2016-2020.
- Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý quy hoạch đất đai còn chồng chéo, chưa phân định rõ chức năng nhiệm vụ. Nguồn nhân lực thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại.
- Vẫn còn tình trạng sau khi giải phóng mặt bằng, dự án không được triển khai thực hiện ngay hoặc triển khai chậm gây lãng phí đất đai, sử dụng đất đai kém hiệu quả.
Công tác quản lý hồ sơ địa chính qua các thời kỳ vẫn chưa được thực hiện tốt. Quá trình lập hồ sơ địa chính vẫn để tồn tại nhiều sai sót.
- Công tác thanh tra, kiểm tra còn mang tính hình thức. Việc thực hiện các quyết định thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sau thanh, kiểm tra còn chậm.
1.5.3. Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế
Nguyên nhân chủ quan: Thứ nhất, trình độ đội ngũ cán bộ làm quản lý đất đai nói chung và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa phân bổ đồng đều ở các cấp quản lý; Thứ hai, còn thiếu các tiêu chí để đánh giá, giám sát, thanh tra, kiểm tra; Thứ ba, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc quận chưa được phát huy tốt; Thứ tư, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đến các đối tượng sử dụng đất chưa được thực hiện tốt.
Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất được ban hành còn nhiều hạn chế, có nhiều điểm bất cập; Thứ hai, bảng giá các loại đất trên địa bàn quận Cầu Giấy được xây dựng chưa sát với giá thực tế chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường; Thứ ba, cơ sở dữ liệu về thông tin đất đai còn hạn chế và chưa được đầu tư đúng mức. Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính còn mang tính thủ công với trang thiết bị, máy móc thô sơ nên kết quả thực hiện chưa thật chính xác, không đúng với thực địa. Mặt khác, do tốc độ phát triển, quá trình đô thị hóa nhanh của quận, biểu mẫu, hồ sơ địa chính do Trung ương ban hành chưa hoàn chỉnh và liên tục thay đổi, làm cho hồ sơ địa chính quản lý đất đai tồn tại nhiều loại sổ sách khác nhau, không đồng bộ nên việc quản lý chồng chéo, khó kiểm soát; Thứ tư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đôi khi còn mang tính mệnh lệnh, quy hoạch manh mún theo chức năng.
2. Một số giải pháp hoàn thiện quản lý quy hoạch đất đai trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
2.1. Hoàn thiện công tác quản lý xây dựng quy hoạch đất đai
Một là, lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính minh bạch, khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quận, cụ thể:
- Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND quận lập và tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cần có sự tham gia của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quận thực hiện hiệu quả.
- Đổi mới công tác lập quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tiếp cận phương pháp tiên tiến. Tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, trong đó có phân tích không gian nhu cầu sử dụng đất và công khai, tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch.
- Rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ, không cấp phép đầu tư, giao đất với những dự án, công trình không đăng ký trong kỳ kế hoạch, năm kế hoạch.
- Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch sử dụng đất, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân.
- Xác định rõ nhu cầu sử dụng đất trong lập quy hoạch và nhất là kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cần phải phù hợp, sát thực tế; tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi, thiết thực. Sau khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần tổ chức công khai, công bố cho nhân dân biết và thực hiện. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tránh xảy ra các trường hợp sai phạm trong quản lý và sử dụng đất.
- Đánh giá những điểm không hợp lý của quy hoạch chi tiết đã duyệt so với thực tế. Từ việc xem xét kỹ lưỡng những điểm bất cập, Ủy ban nhân dân quận sẽ có cơ sở xin phép cấp quản lý cao hơn điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo tính thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đô thị của quận.
Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ làm cơ sở tin cậy cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất.
+ Xây dựng hệ thống thông tin tổng thể về quản lý đất đai đồng bộ ở 3 cấp quản lý: cấp phường, cấp quận và cấp thành phố. Tạo lập hành lang pháp lý đưa hệ thống thông tin đất đai xây dựng vào trong công việc hàng ngày. Tiến tới hoàn thiện toàn bộ hệ thống quản lý hồ sơ, bản đồ đầy đủ và đồng bộ theo đúng quy trình, quy định của Nhà nước.
+ Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển lĩnh vực đo đạc và bản đồ để tiến tới thiết lập đầy đủ kho cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, xây dựng theo chuẩn dữ liệu địa chính. Ứng dụng các khoa học kỹ thuật xây dựng hồ sơ địa chính điện tử thay thế bộ hồ sơ giấy.
+ Tăng cường rà soát tất cả các thửa đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chưa được cấp; rà soát các trường hợp có nguồn gốc đất phức tạp, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất hiện chưa có chế tài xử lý, để kịp thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ trong quá trình triển khai, thực hiện; Rà soát, thống kê những thửa đất, những chủ sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận đến từng phường, kết hợp công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận làm cơ sở xây dựng dữ liệu quản lý đất đai toàn diện.
- Đội ngũ chuyên môn trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ cần được tuyển chọn đúng ngành, đúng nghề, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Có chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn; chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ khoa học công nghệ về đo đạc và bản đồ có trình độ cao, có đóng góp tích cực vào hoạt động đo đạc và bản đồ của quận.
2.2. Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về đất đai
Thứ nhất, phân bổ thêm chỉ tiêu cán bộ, bổ sung lực lượng cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; đối với các phường có diện tích rộng cần tăng cường thêm cán bộ địa chính từ 2-3 cán bộ để hoàn thiện bộ máy quản lý đất đai, đáp ứng nhu cầu công việc.
Thứ hai, thời gian tới cần rà soát, sửa đổi bổ sung quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để kiện toàn tổ chức hoạt động. Cần đưa ra các biện pháp bố trí, luân chuyển cán bộ hợp lý. Luân chuyển cán bộ địa chính phường với chu kỳ dài hơn hoặc luân chuyển trong nội bộ phường (chuyển từ cán bộ địa chính sang địa chính xây dựng, địa chính môi trường) để tăng hiệu suất công việc và không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của cơ sở.
Thứ ba, đối với các cán bộ địa chính cơ sở cần đặc biệt quan tâm bởi đây là lực lượng có vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước về đất đai.
Thứ tư, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các cấp.
Thứ năm, có các hình thức khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý đất đai. Có các chính sách hỗ trợ, quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên. Song song với đó cần phải có các hình thức kỷ luật, xử lý nghiêm minh các vi phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ sáu, có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài và đội ngũ trí thức khoa học, hỗ trợ các điều kiện thuận lợi để đội ngũ tri thức khoa học tiếp tục tìm tòi và phát triển các khoa học công nghệ ứng dụng một cách hiệu quả trong công tác quản lý đất đai.
2.3. Hoàn thiện công tác quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch đất đai
Thứ nhất, tạo quỹ đất sạch phục vụ cho nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất:
- UBND quận cần phối hợp với các sở, ngành có liên quan nhằm đẩy mạnh công tác rà soát các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng không đúng mục đích để thu hồi theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố thu hồi đất và giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định.
- Sở Tài nguyên và Môi trường kiện toàn tổ chức và bố trí cán bộ có đủ năng lực làm công tác định giá đất thuộc Sở, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện điều tra, khảo sát giá đất thị trường, kịp thời xây dựng giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường.
- UBND quận chủ động thu hồi đất theo quy hoạch sử dụng đất.
Thứ hai, UBND thành phố chỉ đạo xây dựng, ban hành quy định trình tự thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án trên địa bàn thành phố.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác xét duyệt, cấp giấy chứng nhận. Rà soát lại những hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt quá hạn mức quy định của những năm trước để tiến hành hiệu chỉnh theo đúng quy định của Nhà nước.
Thứ tư, phân rõ trách nhiệm của cơ quan phải cập nhật, chỉnh lý biến động và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý đất đai cấp quận và cấp phường với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tránh tình trạng thiếu dữ liệu, thông tin.
2.4. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đất đai
- Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, tham mưu cho UBND thành phố sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về đất đai của thành phố phù hợp với quy định pháp luật hiện nay. Hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm chính sách, pháp luật đất đai, đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai có hiệu quả ngay tại địa phương xảy ra vi phạm.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra thường xuyên tình hình sử dụng đất đai và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
- Tăng cường công tác thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai, trong đó tập trung vào những vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm.
- Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc xử lý các vi phạm chính sách, pháp luật đất đai. Đôn đốc, tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra của các ngành chức năng.
- Xác định rõ trách nhiệm và có chế tài cụ thể đối với các ngành, các cấp, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Từ đó, phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp phê duyệt dự án không theo quy hoạch, kế hoạch và quy hoạch "treo”.
- Kiện toàn và hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra. Có kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, nhất là nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ tại chỗ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
2.5. Một số kiến nghị
2.5.1. Đối với cấp Trung ương
- Ban hành đồng bộ các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành nhằm sớm triển khai thi hành luật.
- Quy định, phân cấp rõ ràng quyền hạn, nhiệm vụ, trách của các Bộ, Ngành, các cấp quản lý. Tránh quy định chồng chéo, gây hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm hoặc gây lúng túng cho cấp quản lý phía dưới.
- Trong công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần xây dựng hệ thống pháp luật mang tính linh động, đổi mới quan điểm quản lý theo cơ chế thị trường, trong đó cần quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
2.5.2. Đối với UBND Thành phố Hà Nội
- Cần quan tâm đến công tác xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác định giá đất.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở. Tăng cường sự giám sát thi hành Luật ở Hội đồng nhân dân các cấp bằng các chương trình giám sát với các nội dung cụ thể.
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp hoạt động trong danh mục được tỉnh, thành phố khuyến khích đầu tư; các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, nhằm góp phần đưa đất vào sử dụng với hiệu quả sử dụng đất cao nhất.
3. Kết luận
Quản lý đất đai luôn là một vấn đề thời sự mang tính cấp thiết đối với bất kỳ địa phương nào. Bài viết đã phân tích, đánh giá những nét cơ bản nhất trong quản lý quy hoạch đất đai tại Cầu Giấy trong những năm qua, từ đó có cơ sở để đề xuất những giải pháp cho quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch đất đai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2014), Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 13/4/2015 quy định về khung giá đất.
3. Quốc hội (2013), Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.
4. Nguyễn Khắc Thái Sơn (chủ biên) (2007), Quản lý nhà nước về đất đai, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
5. Website: caugiay.hanoi.gov.vn
The land use management of Cau Giay District, Hanoi
Assoc.Prof.Ph.D Nguyen Duc Nhuan 1
Ph.D Nguyen Thu Quynh 2
1 2 Thuongmai University
Master. Ngo Tien Quan 3
3 Land Development Center of Cau Giay District
ABSTRACT:
Land is considered a valubale resource which plays an important role in the country’s socio-economic development. According to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, the Government of Vietnam unitedly manages the land use based on laws and plans, guaranteeing to use land effectively and approriately. The government has conducted many changes and adjustments in the land use managment in order to enhance the effectiveness of the land use management. Cau Giay District was established according to the Decree No 74-CP dated December 22, 1996 of the Government and it becomes one of the socio-economic hubs of Hanoi. The rapid urbanization in the district has required the local authorities to have solutions to use land more effectively and more sustainably.
Keywords: land use, Cau Giay District, land management.
TS. NGUYỄN ĐỨC NHUẬN - TS. NGUYỄN THU QUỲNH (Trường Đại học Thương mại) - THS. NGÔ TIẾN QUÂN (Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Cầu Giấy)
Theo Tạp Chí Công Thương