Quy định pháp luật về quản lý vận hành an toàn hồ chứa quặng đuôi
Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách và pháp luật để hỗ trợ công tác quản lý, kiểm soát rủi ro, sự cố và ô nhiễm môi trường từ các hồ đập chứa quặng đuôi trong chế biến khoáng sản. Tại Điều 38, Luật BVMT năm 2014 quy định các tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường như: Thu gom và xử lý nước thải theo quy định của pháp luật; Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn; Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; Phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường; việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT. Có thể nói, Luật BVMT là luật chung, chủ đạo để điều chỉnh tất cả các hành vi liên quan đến vấn đề BVMT nói chung, trong đó có BVMT trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2014. Nghị định này giành Chương 2 gồm 7 điều (từ Điều 4 đến Điều 10) hướng dẫn việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Trên cơ sở đó, Thông tư số 26/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 30/11/2016 quy định nội dung lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng công trình mỏ khoáng sản, báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án. Tuy nhiên những quy định này chỉ quy định chung ở khâu thiết kế, xây dựng ban đầu. Thực tế cho thấy, quá trình vận hành hồ, đập chứa quặng đuôi gây ra nhiều sự cố về an toàn và môi trường (mặc dù đều được xây dựng theo đúng thiết kế được phê duyệt ban đầu). Khi xảy ra sự cố thì doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều bị động, không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan nào và không có phương án chủ động ứng phó sự cố kịp thời.
Để tăng cường công tác quản lý các hồ đập thải quặng đuôi, ngày 7/11/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-BCT về tăng cường công tác quản lý an toàn đập và môi trường hồ chứa bùn thải quặng đuôi. Ngày 30/11/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 41/2020/TT-BCT quy định về quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2021. Theo Thông tư, chủ sở hữu khi vận hành hồ chứa quặng đuôi phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành hồ chứa quặng đuôi, đồng thời khai thác tối đa công năng của hồ chứa quặng đuôi theo thiết kế đã được phê duyệt; Tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi đã được phê duyệt, thực hiện đúng Kế hoạch kiểm tra hồ chứa, thường xuyên xem xét hoặc ghi lại những thay đổi trong quá trình vận hành để sửa đổi, cải tiến quy trình vận hành; Thực hiện các trách nhiệm bảo trì, giám sát an toàn hồ chứa quặng đuôi và Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố khẩn cấp; chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố hồ chứa quặng đuôi.
Mới đây, Luật BVMT năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua. Tại Điều 67 của Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể và chi tiết về BVMT trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; đối tượng khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường; nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Theo đó, nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường gồm: Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường; Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn; Kế hoạch thực hiện phân chia theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quan trắc môi trường trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án; Bảng dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường; các khoản tiền ký quỹ theo lộ trình. Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ, chế biến khoáng sản phải được đánh giá tác động môi trường, khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
Như vậy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã đề cập đến công tác BVMT nói chung và quản lý các hồ đập thải quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nói riêng. Hệ thống văn bản pháp lý này cũng đã đề cập đến nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc thực thi các yêu cầu của pháp luật có liên quan, nhằm thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường khi đang hoạt động và đã kết thúc. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất ở nước ta là ở khâu thực thi và giám sát việc thực thi pháp luật. Điều này đòi hỏi cần có sự quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng quản lý.
Các tác động môi trường từ các hồ đập thải quặng đuôi
Các doanh nghiệp khoáng sản chịu trách nhiệm chính trong suốt vòng đời hoạt động của đập, hồ thải quặng đuôi
Quặng đuôi là vật chất được thải ra trong quá trình chế biến khoáng sản có dạng bùn, gồm hai thành phần rắn và lỏng, trong đó phần rắn là các hạt mịn còn lại sau khi thu hồi khoáng sản có ích từ khoáng sản nguyên khai, phần lỏng là hỗn hợp nước thải và các hóa chất hòa tan sau quá trình chế biến khoáng sản. Các loại quặng đuôi này thường được thải vào hồ, đập thải quặng đuôi. Hồ chứa quặng đuôi là một hệ thống bao gồm hồ chứa (còn được gọi là hồ thải) hoặc bãi chứa (còn được gọi là bãi thải) quặng đuôi, đập chắn, thiết bị và các công trình phụ trợ được thiết kế, xây dựng để lưu giữ quặng đuôi tạm thời hoặc vĩnh viễn, đảm bảo ổn định và an toàn môi trường.
Đặc điểm và thành phần quặng đuôi phụ thuộc trực tiếp vào thành phần các loại quặng, hóa chất sử dụng và các quy trình công nghệ tuyển quặng cũng như công nghệ xử lý quặng đuôi được áp dụng. Các hồ và đập thải quặng đuôi từ quá trình tuyển một số loại quặng như đồng, chì-kẽm, antimon, vàng… có khả năng gây ô nhiễm cao do chứa nhiều chất độc hại. Chất ô nhiễm ở quặng đuôi chủ yếu là các kim loại nặng, hóa chất dư từ quá trình tuyển, nước thải axit mỏ, chất rắn lơ lửng... Các chất ô nhiễm này có khả năng gây suy thoái chất lượng nước ngầm, nước mặt, đất và không khí kể cả trong quá trình mỏ đang hoạt động và sau khi mỏ đã đóng cửa.
Theo kết quả điều tra, thống kê của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trên cả nước có khoảng 120 hồ chứa quặng đuôi với 109 đập chắn đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các hồ, đập chứa quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính số lượng hồ thải trên 4 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai đã chiếm trên 50% tổng số hồ chứa quặng đuôi trên cả nước, trong đó Bắc Kạn là địa phương có nhiều hồ đập quặng đuôi nhất với 21 hồ.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, các hồ chứa có dung tích đa dạng từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3 tuỳ thuộc vào công suất khai thác mỏ. Trên cả nước hiện có 10 hồ có dung tích trên 1 triệu m3; 38% các đập khảo sát được xây dựng bằng đất; 32% sử dụng kết hợp vật liệu đất, đá, bê tông, số lượng các đập xây bằng bê tông và đá hộc chỉ chiếm tương ứng 5% và 3%; 20/120 đập chắn được nâng chiều cao (một số đập nâng chiều cao từ 3 - 4 lần) nhưng 70% đập được nâng chiều cao không lập phương án thiết kế, các trường hợp còn lại đều do chủ đầu tư tự lập và phê duyệt; 39% doanh nghiệp không lập kế hoạch vận hành, bảo trì đập và hồ chứa trong quá trình sản xuất.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 -2019, ở nước ta đã xảy ra một số vụ vỡ đập lớn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nguyên nhân của các sự cố hồ chứa quặng đuôi đều xuất phát từ các sai sót trong quá trình thiết kế, xây dựng, quản lý, giám sát hồ, đập và các biến đổi bất thường của khí hậu. Điển hình là các vụ việc của Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), Công ty Nhôm Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), Công ty Apatit Việt Nam (tỉnh Lào Cai), Công ty Đầu tư và Khoáng sản Tây Bắc (tỉnh Yên Bái). Đặc biệt, năm 2018, vụ vỡ hồ chứa nước thải Xưởng chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đã khiến vườn tược của hàng trăm hộ dân ô nhiễm, để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý các hồ đập thải quặng đuôi
Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản là hoạt động mang tính đặc thù cao. Công tác BVMT trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vì thế cũng mang tính đặc thù tương ứng. Vì vậy, cần phải có chính sách phù hợp để vừa phát triển được ngành công nghiệp khai khoáng, vừa bảo đảm BVMT tương ứng và tương thích. Hiện nay các văn bản quy phạm phạm pháp luật về BVMT đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc áp dụng và triển khai trên thực tế còn nhiều vấn đề như việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, công tác thực thi pháp luật chưa nghiêm, công tác giám sát chưa đạt được hiệu quả… Do vậy, cần thiết phải tập trung đầu mối, nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra các quy định rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng, dễ thực hiện trong thực tiễn quản lý và sản xuất, kinh doanh.
Trước hết, UBND các tỉnh/thành phố cần làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý môi trường và an toàn đập quặng đuôi trên địa bàn; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính về BVMT và quản lý an toàn đập quặng đuôi trên địa bàn; Phân công, phân cấp trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BVMT và an toàn đập quặng đuôi do địa phương quản lý.
Đối với doanh nghiệp khoáng sản chịu trách nhiệm chính trong suốt vòng đời hoạt động của đập/hò thải quặng đuôi, từ thiết kế, xây dựng, vận hành, đóng cửa và cải tạo phục hồi môi trường. Các doanh nghiệp khoáng sản cần tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu pháp lý của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; Các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nắm chắc các quy định liên quan đến đập quặng đuôi của mình và đảm bảo rằng chúng luôn được giám sát và phải có hồ sơ chi tiết đối với tất cả các tài liệu liên quan đến đập quặng đuôi.
Các doanh nghiệp khoáng sản cần thực hiện các cam kết: Lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành các đập quặng đuôi để giảm tác động lâu dài và các rủi ro; Có trách nhiệm quản lý quặng đuôi với mục đích làm giảm thiểu các mối nguy hại; Chuẩn bị đủ nguồn lực (nhân lực, vật lực) đảm bảo đáp ứng hoạt động quản lý đập quặng đuôi; Thiết lập chương trình đánh giá, bao gồm cả đánh giá độc lập và cải tiến liên tục các vấn đề về sức khỏe, an toàn và hiệu quả môi trường thông qua quản lý rủi ro liên quan đến đập quặng đuôi; Ứng dụng khoa học công nghệ vào tận thu triệt để các thành phần có giá trị còn lại trong quặng đuôi hoặc ứng dụng tuần hoàn, tái sử dụng quặng đuôi.
› Hà Thị Chinh
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim
Theo Tạp Chí Môi Trường