Tác động của Covid 19 đến nền kinh tế Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/1/2021 | 8:50:49 AM

QLMT - Các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh COVID-19 tác động rất mạnh và nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết đã phân tích ảnh hưởng của Covid 19 đến nền kinh tế Việt Nam, với 3 tác động chính gồm: tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.

1. Đặt vấn đề

Dịch virus corona chủng mới (COVID-19) khởi nguồn từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và nhanh chóng lan rộng trên phạm vi toàn cầu khiến nền kinh tế thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Theo Bloomberg Economics , với suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc thấp kỷ lục và tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD (tương đương GDP Anh quốc). Ngày 2/3/2020, OECD đã cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% xuống còn 2,4% và cảnh báo có thể giảm xuống 1,5%. Điều này cho thấy ảnh hưởng nặng nề mà COVID-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới, khiến các quốc gia lớn chao đảo và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này. Theo tính toán sơ bộ bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo và khả năng khống chế dịch COVID-19. Kinh tế Việt Nam năm 2020 dự báo có thể giảm từ 0,5% đến gần 1% so với mục tiêu đề ra là 6,8%.

2. Ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam

Dịch COVID-19 tác động rất mạnh và đa chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, có 3 lý do cơ bản nhất để nhìn nhận về mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đối với nền kinh tế.

Một là tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang giảm tốc, lại bị bồi tiếp dịch COVID-19, nên mức độ giảm tốc có thể cao hơn và tác động mạnh mẽ đến tổng cầu kinh tế thế giới, các đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 9/3, các chuyên gia cảnh báo chủng virus corona mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ xuống dưới mức 2,5%, mức được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới. Đồng thời, dịch bệnh khiến giá dầu lao dốc, nợ công tăng dần, các công ty không thể trụ vào thời điểm không có khách hàng hoặc thiếu nguyên liệu.

Bloomberg Economics dự đoán trong kịch bản xấu nhất, suy thoái sẽ được ghi nhận ở Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục. (Hình 1)

tac-dong-cua-covid-19-den-nen-kinh-te-viet-nam-1

Dự báo trên cho thấy, nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ đi xuống. Một số quốc gia, như Italy và Pháp sẽ rơi vào suy thoái. Đức cũng sẽ trải qua suy thoái kỹ thuật, Mỹ sẽ có mức tăng trưởng 0% hoặc thậm chí âm. Điều này tác động đến thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD.

Hai là COVID-19làm gián đoạn các chuỗi giá trị, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo do các công ty, nhà máy sản xuất không chỉ ở Vũ Hán, mà ở toàn Trung Quốc đang trong tình trạng ngưng trệ. Mặt khác, các chuỗi sản xuất bị chặn bởi những kết nối, giao thương để tạm thời chống dịch. Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam đều phụ thuộc đầu vào trong chuỗi cung ứng đó.

Ảnh hưởng lớn nhất phải nói đến những doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc như may mặc, da giày, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô,… Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) ngành Dệt may và Da giày nhập khẩu 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc năm 2019. Chính vì lí do này, nên hầu hết doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên phụ liệu. Theo tính toán, nếu chậm nguyên liệu trong nửa tháng, riêng ngành Dệt may sẽ thiệt hại từ 1,5 - 2 tỷ USD. Với linh kiện điện tử, con số này có thể sẽ lớn hơn. Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, hiện nay, công ty đã rà soát từng mã hàng, từng khách hàng, từng chủng loại hàng và từng thị trường sản xuất. Do thiếu nguyên phụ liệu, nhiều khả năng công ty phải nghỉ gián đoạn do chờ nguyên phụ liệu trong khoảng thời gian từ 15/3 - 15/4. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm cho người lao động, kế hoạch doanh thu cũng như kế hoạch lợi nhuận của Công ty May 10 trong năm 2020.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, COVID-19 sẽ tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu khiến sản xuất trì trệ hay tạm thời ngừng dây chuyền lắp ráp và sản xuất trên khắp thế giới.  Chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ và đang chịu tác động từ COVID-19, vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước này đóng vai trò thiết yếu với sản xuất nước nhà. Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu lớn khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lấy ví dụ điển hình một ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam là phụ kiện đồ điện và điện tử. (Hình 2)

tac-dong-cua-covid-19-den-nen-kinh-te-viet-nam-2

Hình trên cho thấy nền kinh tế các nước đều có sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đối với ngành này.   Tại Việt Nam, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê quí I/2020, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6%; đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%, trong đó có 2.629 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 4.343 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.206 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

Ba là sự gián đoạn, lo ngại của người tiêu dùng, điều này sẽ tác động lớn đến lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ,... Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 ước tính đạt 449,9 nghìn lượt người, giảm 63,8% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 62,3%; bằng đường bộ giảm 65,9%; bằng đường biển giảm 83,6%.

Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, du lịch có thể thiệt hại hơn 7 tỷ USD. Ngành Du lịch sụt giảm nhanh chóng lượng khách, đặc biệt là những thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ba nước này chiếm khoảng 70% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (Khoảng 12,5 triệu lượt). Lượng khách quốc tế nói chung trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó còn phải nhắc đến một ngành nữa chịu thiệt hại trực tiếp là ngành hàng không. Theo ghi nhận, ngành Hàng không từ cuối tháng 1 đến nay đang tổn thất doanh thu chưa từng có trong lịch sử 25.000 tỷ đồng, 40% máy bay "đắp chiếu”, cắt giảm lương từ lãnh đạo đến nhân viên. Theo báo cáo của Vietnam Airlines, ngoài mất toàn bộ lượng khách Trung Quốc trong giai đoạn tạm ngừng khai thác đường bay Việt Nam - Trung Quốc, hãng cũng sẽ bị giảm lượng khách trên các đường bay quốc tế khác đi/đến châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á,... cũng như trên mạng bay nội địa do tâm lý lo ngại dịch bệnh.

3. Kết luận

COVID-19 đã và đang để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch, bảo vệ nhân dân, đồng thời có các đối sách để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng giữ vai trò nòng cốt cho nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quí I/2020.

2. Bloomberg Economics (2020), Dự báo thay đổi GDP các nền kinh tế thế giới quý I năm 2019.

3. Báo Pháp luật (2020), Kịch bản đánh giá tác động GDP quý I,II và cả năm 2020.

4. VTC (2020), Kinh tế Việt Nam và thế giới dưới bóng ma Covid-19, http://www.trungtamwto.vn/su-kien/15086-kinh-te-viet-nam-va-the-gioi-duoi-bong-ma-covid-19

5. Bùi  (2020), 10 yếu tố nổi bật ảnh hưởng của dịch nCoV đến nền kinh tế toàn cầu, http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/10-yeu-to-noi-bat-anh-huong-cua-dich-ncov-den-nen-kinh-te-toan-cau-318701.html

The impact of Covid-19 pandemic on the economy of Vietnam

Master. Bui Le Giang

Faculty of Office Administration, Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

The on-going Covid-19 pandemic has gravely wounded economies around the world including Vietnam. This paper is to examine the impact of Covid-19 on the economy of Vietnam in terms of the country’s growth rate, investment and trade; the disruption of important supply chains; and the decline in consumption and its impacts on service and tourism sectors.

Keywords: COVID-19, Vietnam’s economy, GDP, value chain.


THS. BÙI LỆ GIANG (Khoa Quản trị văn phòng, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)
Theo Tạp Chí Công Thương

Tags Covid-19 kinh tế Việt Nam dịch vụ du lịch

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục