Phương pháp cảnh báo lũ quét thời gian thực cho miền Trung

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/1/2021 | 9:49:04 AM

QLMT - Lũ quét, sạt lở đất thường xuất hiện tại khu vực nhỏ, nên để cảnh báo tại một địa điểm cần xác định được lượng mưa đã xuất hiện và xác định được các điều kiện phát sinh lũ quét và sạt lở đất như địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa... sinh ra hiện tượng ngày.

LTS: Thiên tai lũ quét, sạt lở đất liên tục xảy ra tại một số địa phương ở miền Trung vào tháng 10 và 11.2020 đã cướp đi hàng trăm mạng người, hàng chục người mất tích, tàn phá nhà cửa, gây xáo trộn đời sống của không biết bao nhiêu hộ gia đình. Sau những thảm kịch kinh hoàng ấy, những nguyên nhân cụ thể đã được gọi tên: tình trạng cấp phép thuỷ điện "cóc" ồ ạt, thiếu kiểm soát đã lấy đi nhiều diện tích rừng tự nhiên; đó là nạn phá rừng âm ỉ lâu mà không ít vụ có sự tiếp tay của chính những người mang trọng trách bảo vệ rừng; là cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên vì đã hết ngưỡng chịu đựng... Nhưng mổ xẻ vấn đề đến đâu thì cái quan trọng nhất đó là sẽ rút ra bài học gì, tìm được phương cách nào hiệu quả rồi phòng chống, để những nỗi đau, mất mát ấy không còn lặp lại.

Trên tinh thần đó, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp cùng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề "Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung - nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu". Quy tụ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực liên quan, là những nhà khoa học đầu ngành cũng như chuyên gia am hiểu thực tế tại các địa phương cụ thể, Hội thảo diễn ra tại Hội An vào ngày 16.1 tới sẽ là dịp để phân tích một cách thấu đáo thực trang lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phòng chống, giảm thiểu tác động mà chúng gây ra.  Để thông tin tới rộng rãi bạn đọc về những nội dung này, Người Đô Thị ngoài việc cập nhật và tường thuật về diễn biến Hội thảo, cũng sẽ lần lượt giới thiệu những bài tham luận của các chuyên gia. Mở đầu là góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu lũ quét  - PGS.TS. Lã Thanh Hà.

***

Lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng tự nhiên, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố và thường xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi; xuất hiện phức tạp, bất ngờ khi hội tụ đủ yếu tố bất lợi về mưa, điều kiện địa hình, địa chất và lớp phủ. Nguyên nhân gây lũ quét, sạt lở đất thường là tổ hợp các nhân tố hình thành (hoặc chỉ nhóm các nhân tố) xảy ra đồng thời: Mưa cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn hoặc kéo dài nhiều ngày; Địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn từ 20 đến 30%; Độ ổn định của lớp thổ nhưỡng yếu do quá trình phong hóa; Độ che phủ của thảm thực vật thấp do bị tàn phá, làm mất độ giữ đất của rễ cây, giữ nước của lớp thảm phủ. Ngoài ra, việc khai thác lưu vực, hoạt động chặt phá rừng, lấn chiếm hành lang thoát lũ, xây dựng các hồ chứa, cắt xẻ, san gạt sườn đồi, núi… cũng làm mất độ giữ đất, giữ nước của rễ cây, mất ổn định sườn dốc, yếu độ liên kết đất đá và tăng các khả năng xói mòn.

Lũ quét, sạt lở đất thường xuất hiện tại khu vực nhỏ, nên để cảnh báo tại một địa điểm cần xác định được lượng mưa đã xuất hiện và xác định được các điều kiện phát sinh lũ quét và sạt lở đất như địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa sinh lũ quét, sạt lở đất... Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở nước ta hiện nay chủ yếu dựa trên thống kê, các bản đồ về địa hình, độ dốc, thảm phủ, phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, kết hợp dự báo mưa từ các mô hình số, dữ liệu mưa từ ảnh vệ tinh, viễn thám.

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-1
Hiện trường vụ lở núi ngày 18.10.2020 tại doanh trại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị), vùi lấp 22 người. Ảnh: Vnexpress

Trước đây, đã ứng dụng thử nghiệm các sản phẩm cảnh báo lũ quét của Ủy ban sông Mê Kông như một công cụ hỗ trợ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, tuy nhiên cho đến nay, việc dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và là thách thức đối với ngành khí tượng thủy văn. Các bản tin hiện nay chưa dự báo được chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở đất mà mới dừng ở mức cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo huyện hoặc xã, vùng và mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng.

Dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm trong và ngoài nước, dưới đây xin giới thiệu một phương pháp cảnh báo lũ quét thời gian thực trên cơ sở mạng lưới quan trắc mưa kết hợp công nghệ thông tin hiện có. Phương pháp này có thể áp dụng cho lưu vực nhỏ nên thích hợp với khu vực miền Trung.

Phương pháp cảnh báo lũ quét trên thế giới

Hệ thống cảnh báo lũ quét ALERT (của Tổ chức Khí tượng thế giới  - WMO) ban đầu được phát triển vào những năm 1970 theo dự báo sông California - Nevada, bao gồm các thiết bị cảm biến khí tượng và thủy văn tự động báo cáo sự kiện, thiết bị truyền thông và phần mềm và phần cứng máy tính. Trong hình thức đơn giản nhất của nó, cảm biến ALERT truyền tín hiệu mã hoá, thường là thông qua radio tần số rất cao (VHF) và cực tần cao (UHF). WMO đã khuyến cáo thành lập các hệ thống cảnh báo lũ quét ALERT và đã thành công ở Mỹ và một số nước khác.

Từ năm 1980 đến 1990, WMO đã thực thi hơn chục dự án đẩy mạnh công tác cảnh báo, dự báo lũ và lũ quét ở các nước vùng châu Á - Thái Bình Dương như ở Trung Quốc, Ân Độ, Indonesia, Bangladesh, Burma, Nepal, Pakistan, Philippines, Malaysia... Hệ thống cảnh báo ALERT bao gồm 4 thành phần cơ bản: Máy đo mưa và đo mực nước tự động; Thiết bị thu thập số liệu tự động; Kỹ thuật tính toán phân tích số liệu; Truyền và phân phát bản tin.

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-2
Hình ảnh núi lửa Unzen. Ảnh: Wikipedia

Hệ thống cảnh báo và di dân ứng phó với tai biến lũ quét ở Nhật Bản (trường hợp nghiên cứu ở Mt. Unzen-Fugen): Từ khi núi lửa Mt. Unzen-Fugen lần đầu tiên phun trào năm 1990, sự xuất hiện dòng chảy rắn đã trở thành một mối đe dọa thực sự cho các con sông bắt nguồn từ núi này (sông Mizunashi, sông Akanatsudani, sông Nakao, sông Yue, sông Hijkuro).

Ứng phó với tình trạng này, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông, chính quyền thành phố Nagasaki và các cơ quan liên quan xung quanh núi này đã cùng nhau thiết lập hệ thống cảnh báo và di dân nhằm hạn chế thiệt hại gây ra bởi dòng chảy rắn. Hệ thống quan trắc chuyển động của dòng chảy rắn được thiết lập với các sensor dây, sensor rung cũng như các trạm đo mưa. Số liệu quan trắc được truyền về bằng sóng vô tuyến tới trạm xử lý đặt ở Cục Phát triển Shimabara của thành phố Nagasaki bằng hai trạm trung gian. Sau đó thông tin từ trạm xử lý này được chuyển tới các tổ chức liên quan bằng đường điện thoại.

Hệ thống cảnh báo ứng phó với tai biến lũ quét thiết lập ở vùng núi lửa Merapi (Indonesia): Khu vực xung quanh núi lửa Merapi được chính phủ Indonexia cho là một trong những khu vực quan trọng nhất cần được bảo vệ khỏi các tai biến trong chương trình kiểm soát tai biến quốc gia. Một số biện pháp giảm thiểu thiệt hại của tai biến cả công trình và phi công trình đã được triển khai ở khu vực này như là một dự án mẫu ứng phó với tai biến do hoạt động của núi lửa.

Trên sườn dốc của núi Mt. Merapi, 16 trạm quan trắc đã được thiết lập, mỗi trạm đều được trang bị một hệ thống thiết bị đo xa. Để thu thập số liệu, 6 trạm đo mưa  thời đoạn 10 phút, 9 trạm đo mực nước, 6 trạm đo chấn động và các sensor dây được thiết lập. Trạm đo mưa radar được thiết lập ở Trung tâm Kỹ thuật phòng chống tai biến (STC)/Trung tâm Nghiên cứu sông ngòi và Phòng chống tai biến (RCRS) ở thành phố Yogyakarta. Dữ liệu được truyền tới trạm chủ đặt ở STC/RCRS.

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-3
Núi lửa Merapi. Ảnh: The Indonesian Center for Volcanology and Geologic Hazard Mitigation/USGS

Hệ thống báo động lũ quét ở Thái Lan: Hệ thống thiết bị gồm các trạm đo mưa tự động lắp đặt từ thượng nguồn và cả ở hạ lưu. Phần mềm chuyên dụng tự động phân tích các bộ số liệu và cơ quan phụ trách sẽ ra thông báo cuối cùng về nguy cơ lũ lụt, lũ quét. Một mạng lưới truyền tin: internet, điện thoại di động vệ tinh. Bởi thế, dân vùng hạ lưu sông Ping, một chi lưu đổ vào Chao Phraya - một trong những con sông lớn nhất Thái Lan và chảy qua Thủ đô Bangkok, thường xuyên nhận được tin từ 30-120 phút trước khi lũ đổ về.

Các trận lụt lớn năm 2004, 2005, tại đây hầu như không gây thiệt hại về người.

Việt Nam thực hiện cảnh báo lũ quét như thế nào?

Tiếp theo công tác lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, việc cảnh báo lũ quét ở Việt Nam là một nhiệm vụ cực kỳ cấp bách phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai hàng năm ở các vùng có nguy cơ lũ quét nguy hiểm. Một loạt các địa phương và các bộ, ngành đã kết hợp các kết quả nghiên cứu này để xây dựng cho riêng mình hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai.

Có thể kể đến, như: Dự án, khảo sát, phân vùng nguy cơ và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam – Giai đoạn 1: Miền núi Bắc bộ do Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và môi trường thực hiện (2009-2012), đã xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xuất hiện lũ quét theo quy mô cấp tỉnh, tỷ lệ 1:100.000. Bản đồ này được nhìn nhận là bản đồ cảnh báo quy hoạch chưa phải là bản đồ cảnh báo lũ quét hàng năm.

Phương pháp đường tới hạn CL của Bộ Xây dựng và Cơ sở hạ tầng Nhật Bản để xây dựng ngưỡng mưa cho tất các khu vực có nguy cơ lũ quét cao thuộc 14 tỉnh miền núi Bắc Bộ. Tuy nhiên, các ngưỡng mưa trên chưa được đưa vào cảnh báo lũ quét thời gian thực.

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-4
Nếu nhiều năm trước đây thiên tai chủ yếu do nước lụt dâng thì nay cùng với thiên tai khốc liệt hơn do biến đổi khí hậu còn có cả "nhân tai” khốc liệt không kém do nạn phá rừng nguyên sinh lấy gỗ, phá rừng làm thủy điện nhỏ, thủy điện cóc... Ảnh: Hải Long

Ngoài ra còn có Dự án Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai nhằm hỗ trợ nhanh các hoạt động phòng chống thiên của tỉnh Hòa Bình; Dự án lắp đặt hệ thống cảnh báo mưa lớn, lũ lụt, lũ quét của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Ninh Thuận cũng đang được tiến hành triển khai,...

Hay dự án "Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo hệ thống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1 (2014-2015)” do Trung tâm Nghiên cứu thuỷ văn và tài nguyên nước – Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, thực hiện (2014-2016). Dự án đã xây dựng ngưỡng mưa gây lũ quét trên cơ sở áp dụng phương pháp của Bộ Xây dựng và Cơ sở hạ tầng Nhật Bản (Guidelines for the establishment of rainfall criteria for warning and evacuation in the event of debris flow disaster).

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-5
Hiện trường sạt lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My khiến 53 người bị vùi lấp. Ảnh: Vnexpress

Dự án "Điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực miền Trung, Tây Nguyên, và xây dựng hệ thống thí điểm phục vụ cảnh báo cho các địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu”, do Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu thực hiện thực hiện giai đoạn 2013-2016. Dự án đã tiếp thu nhiều phương pháp, kỹ thuật, công nghệ từ giai đoạn 1, thực hiện cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc và kế thừa, tiệm cận được công nghệ mới trên thế giới thông qua hợp tác với HRC (Trung tâm Thủy văn Hoa Kỳ) trong việc xây dựng mô hình cảnh báo lũ quét VNFFGS.

Hệ thống VNFFGS đã tiếp cận với phương pháp luận và công nghệ mới nhất trên thế giới. Dựa trên khái niệm FFG, Qbf, FFT, kết hợp với mưa vệ tinh, thực đo và dự báo bằng mô hình số trị, hệ thống VNFFG đưa ra hệ thống các bản đồ FFG và FFT chi tiết cho từng lưu vực, phục vụ cảnh báo lũ quét hữu hiệu. Hiện tại, phương pháp FFGS đang được Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biển đổi khí hậu áp dụng để thực hiện cảnh báo thử nghiệm nguy cơ lũ quét trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong mùa lũ từ năm 2017 đến nay.

Phương pháp cảnh báo lũ quét thời gian thực

Phương pháp đề xuất này là phương pháp cải tiến dựa trên phương pháp Guideline trong tài liệu "Hướng dẫn xác định ngưỡng mưa cho cảnh báo và di dân khỏi các lũ quét trầm tích” của Bộ Xây dựng và Cơ sở Hạ tầng Nhật Bản vào năm 1984.

Trên cơ sở nghiên cứu sự xuất hiện của lũ quét từ Nhật Bản và các nước nhiệt dới khu vực Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng sự xuất hiện lũ quét phụ thuộc vào quan hệ tổng lượng mưa tích lũy các thời đoạn và cường độ mưa lớn nhất xuất hiện trong thời đoạn đó tại một khu vực có điều kiện mặt đệm đã biết. Như vậy, việc xuất hiện một trận mưa gây lũ quét được xác định qua số liệu quan trắc mưa và sự xuất hiện lũ quét tại mỗi trạm đo.

Phương pháp này được sử dụng để cảnh báo sự xuất hiện của lũ quét sử dụng các chỉ số mưa (cường độ và tổng lượng mưa) rút ra từ số liệu về cường độ mưa và tổng lượng mưa thu thập được từ các trận lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra trong khu vực nghiên cứu. Do quan niệm trên, ngưỡng mưa gây lũ quét được nhìn nhận là ngưỡng động phụ thuộc vào mối quan hệ giữa lượng mưa lũy tích từ khi mưa và cường độ mưa tại thời điểm phát sinh lũ quét. 

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-6
Hình ảnh thủy điện Rào Trăng 3 trên thượng nguồn sông Bồ nhìn từ máy bay trực thăng quân sự Mi-171. Có thể nhận ra triền đồi cạnh nhà máy bị đốn cây và đốt trụi. Nguồn ảnh: Báo Thanh niên

Sau khi xây dựng đường tới hạn CL để xác định ngưỡng mưa gây lũ quét sẽ phân cấp báo động theo 3 cấp.

Báo động Cấp 1: Đường CL cấp 1 được xây dựng trên cơ sở là đường trung bình đi qua nhóm điểm thấp nhất của quan hệ lượng mưa tích lũy thời đoạn và cường độ mưa lớn nhất. Đường này được xác định trực tiếp trên biểu đồ quan hệ trên cho mỗi trạm, được ký hiệu là Y1. Nếu trong thực tế có xuất hiện trận mưa nằm ở trên đường Y1 (BĐ1) hoặc khu vực phía phải biểu đồ thì thuộc cấp Báo động 1.

Báo động Cấp 2: Đường CL cấp 2 được xây dựng trên cơ sở là đường trung bình đi qua nhóm điểm trung bình của quan hệ lượng mưa tích lũy thời đoạn và cường độ mưa lớn nhất. Đường này được xác định trưc tiếp trên biểu đồ quan hệ trên cho mỗi trạm, được ký hiệu là Y2. Nếu trong thực tế có xuất hiện trận mưa nằm ở trên đường Y2(BĐ2)  hoặc khu vực phía phải biểu đồ thì thuộc cấp Báo động 2.

Báo động Cấp 3: Đường CL cấp 3 được xây dựng trên cơ sở là đường bao đi qua nhóm điểm nằm xa nhất quan hệ lượng mưa tích lũy thời đoạn và cường độ mưa lớn nhất và được xác định qua khảo sát các trận mưa có hoặc nguy cơ lũ quét cao. Đường này được xác định trực tiếp trên biểu đồ quan hệ trên cho mỗi trạm, được ký hiệu là Y3(BĐ3). Nếu trong thực tế có xuất hiện trận mưa nằm ở trên đường Y3 hoặc khu vực phía phải biểu đồ thì thuộc cấp Báo động 3 là cấp nguy hiểm cần phát lệnh sơ tán khẩn cấp.

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-7

Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét thời gian thực theo phương pháp ALERT của WMO: Theo phương pháp ALERT của WMO, sơ đồ tổng thể tổ chức quản lý, điều hành công tác phòng tránh lũ quét cho 1 đơn vị cấp huyện được mô tả ở hình dưới:

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-8

Chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cảnh báo lũ quét gồm các thành phần: Khối 1: Thông tin đầu vào, các bản tin dự báo KTTV, số liệu mưa từ trạm do mưa trong khu vực; Khối 2: Trung tâm thu nhận, tích hợp và ra bản tin cảnh báo: Thu nhận thông tin, xử lý và ra bản tin cảnh báo lũ quét; Khối 3. Thông tin đầu ra – ra quyết định cảnh báo lũ quét; Khối 4: Tổ chức sơ tán, bảo vệ  theo phương châm 4 tại chỗ; Khối 5: Khối khắc phục hậu quả, sự cố môi trường và ổn định cuộc sống.

Bài viết này giới thiệu hai khối có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn. Trong dó khối thông tin đầu vào (Khối 1) - Xây dựng hệ thống thiết bị đo mưa có nhiệm vụ đo số liệu mưa liên tục theo thời gian thực và liên tục truyền dữ liệu về trung tâm máy tinh để xử lý thông tin. Trong khi đó, trung tâm thu nhận, tính toán, xử lý và ra bản tin cảnh báo lũ quét (Khối 2), có nhiệm vụ nhận và xử lý thông tin qua sóng điên thoại di động GSM từ các trạm đo mưa để tính toán kiểm tra diễn biến mưa vượt ngưỡng báo động; Thao tác phần mềm đã cài đặt trong máy tính để thông báo diễn biến mưa vượt ngưỡng báo động (3 cấp: Báo động 1,2,3) của từng trạm để quyết định các cấp báo động lũ quét cho mỗi trạm.

phuong-phap-canh-bao-lu-quet-thoi-gian-thuc-cho-mien-trung-9

Hiện nay trên thế giới và ở nước ta có nhiều phương pháp cảnh báo lũ quét khác nhau tùy theo dạng của lũ quét. Phương pháp cảnh báo lũ quét được giới thiệu trên đây chỉ áp dụng cho dạng lũ quét sườn dốc. Tuy nhiên để áp dụng hiệu quả trong thực tế, cần thiết phải thực hiện nhiều đợt thử nghiệm để hiệu chỉnh các thông số, đặc biệt là ngưỡng mưa cho các cấp báo động. Do vậy để phù hợp với thực tiễn có thể xây dựng các phương pháp áp dụng cho dạng lũ quét nghẽn dòng hoặc cả hai dạng.

Một số tồn tại của công tác cảnh báo lũ quét hiện nay ở Việt Nam

- Các thiết bị cảnh báo chưa được kết nối thành một hệ thống nhất, kết quả dự báo chưa được tích hợp trong một mô hình đầy đủ theo các số liệu về lượng mưa, số liệu  vệ tinh - viễn thám, số liệu mô hình trên không gian rộng. Chính vì thế chất lượng dự báo và cảnh báo thiên tai của các thiết bị độc lập còn nhiều hạn chế.

- Chưa đề cập và chưa có mô hình dự báo và cảnh báo thiên tai đúng nghĩa là một trong những vấn đề quan trọng và then chốt nhất của công tác phòng chống thiên tai ở nước ta hiện nay.

- Hệ thống quan trắc các trạm mưa tự ghi không đủ dày (đặc biệt thiếu trạm đo tại các vùng có nguy cơ lũ quét cao), thời gian quan trắc ngắn. Do vậy, việc áp dụng các phương pháp cảnh báo lũ quét hiện có, điển hình là phương pháp Đường tới hạn CL theo chỉ dẫn của Nhật Bản còn nhiều hạn chế. 

- Chỉ cảnh báo nguy cơ xuất hiện cho cấp huyện mà không chỉ ró vị trí cụ thể và quy mô, mức độ của trận lũ quét.

_____________

Tài liệu tham khảo:

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (2017), Điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, và xây dựng hệ thống thí điểm phục vụ cảnh báo cho các địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án cấp Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 UNND Tỉnh Thanh Hóa, 2016, Dự án "Xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1: 2014 – 2015”

 Lã Thanh Hà, 2012, Điều tra, khảo sát phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam- Giai đoạn 1, Dự án cấp Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Lã Thanh Hà (2017), Những điều cần biết về lũ quét, Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

Lã Thanh Hà, 2009, Phân tích và nghiên cứu thí điểm hệ thống cảnh báo lũ quét, Dự án Quản lý rủi ro thiên tai WB4,  CPO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Cao Đăng Dư, 1995, Nghiên cứu nguyên nhân hình thành lũ quét và các biện pháp phòng chống - Viện Khí tượng Thuỷ văn, Đề tài NCKH Độc lập cấp Nhà nước KT-ĐL-92-14, 1992 -1995.

 Vũ Cao Minh, 2003, Nghiên cứu đánh giá tai biến lũ quét – lũ bùn đá các tỉnh phía Bắc, đề tài nhánh thuộc đề tài: "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các loại hình tai biến địa chất lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng chống”,  Đề tài NCKH độc lập cấp Nhà nước 1999 -2003.

  Nguyễn Trọng Yêm, 2006, Nghiên cứu xác định nguyên nhân, sự phân bố lũ quét,lũ bùn đá nguy hiểm tại các tỉnh miền núi và kiến nghị các giải pháp phòng chống, Đề tài KC08.01 bổ sung

 Ngô Đình Tuấn, Thiên tai lũ quét ở Việt Nam, Chuyên đề nghiên cứu, Dự án UNDP VIE/97/002 - Disaster Management Unit, 2000.

 WMO, 1989, Hydrology of disatsters, Proccedings of technical conference in Geneva.

Vụ Nhân đạo Liên Hợp Quốc- DHA, 1994, Chiến lược và kế hoạch hành động giảm nhẹ thủy tai ở Việt Nam (tài liệu dịch), New York, Geneva.

 Development of warning and evacuation sustem against sediment disasters in developing countries, March 2004 – Guidelines for construction technology transfer, Ministry of Land, Infrastructure and Transport Infrastructure Development Institute – Japan


Theo PGS.TS. Lã Thanh Hà (Chuyên gia nghiên cứu lũ quét)/ Người Đô Thị

Tags miền Trung phương pháp cảnh báo lũ quét thời gian thực sạt lở đất lũ quét

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục