Tại Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về TTX đã được thể hiện trong Chiến lược quốc gia về TTX (Chiến lược TTX) và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX (Kế hoạch TTX). Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX cho thời kỳ 2013 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 23/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh khẳng định Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ KNK dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020 (Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ) xác định 11 nhóm nhiệm vụ chiến lược nhằm đạt 3 mục tiêu: Giảm cường độ phát thải KNK và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, nhóm nghiên cứu đưa ra khung định hướng xây dựng TTX trong ngành GTVT.
Trên cơ sở khung định hướng này, nhóm nghiên cứu rà soát các kết quả được về TTX của Bộ GTVT giai đoạn 2016-2020 và đưa ra các định hướng/khuyến nghị cho xây dựng kế hoạch hành động TTX giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2050.
MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TTX CỦA NGÀNH GTVT GIAI ĐOẠN 2016- 2020
Giảm cường độ phát thải KNK sử dụng nhiên liệu sạch hơn và nhiên liệu tái tạo
Chuyển đổi thị phần vận tải: Chuyển đổi phương thức vận chuyển từ cá nhân sang công cộng là một trong các chiến lược nhằm giảm nhẹ phát thải KNK. Các thành phố (TP) lớn đặc biệt là 5 TP trực thuộc Trung ương như Hà Nội, HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ tăng cường thị phần vận tải công cộng bằng các giải pháp như mở rộng mạng lưới, đổi mới đoàn phương tiện (thay thế phương tiện cũ bằng phương tiện mới), phát triển các ứng dụng/công nghệ thông minh để người dân có thể sử dụng, tra cứu dịch vụ hành khách công cộng một cách dễ dàng. Thực hiện các chiến dịch về truyền thông nhằm giới thiệu các tiện ích của xe buýt, mạng lưới phân bổ và những ưu đãi khi sử dụng xe buýt đã được thực hiện nhằm thu hút người dân chuyển đổi việc sử dụng phương tiện. Bên cạnh đó việc xây dựng và phát triển hệ thống vận tải khối lượng lớn như xe buýt nhanh (BRT), hệ thống metro (MRT) đang được triển khai chủ yếu ở các thành phố trực thuộc TƯ và các đô thị loại 1. Hiện nay, Hà Nội đã vận hành tuyến BRT từ Kim Mã - Yên Nghĩa với chiều dài 14 km. Tổng hành khách vận chuyển năm 2018 là 5,3 triệu lượt và khách bình quân/lượt khoảng 42,6 hành khách/lượt. Số hành khách mới chỉ đạt được gần 50% công suất thiết kế.
Tuy nhiên việc gia tăng thị phần vận tải hành khách công cộng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khách quan do các dịch vụ công nghệ như Grab, Go Viet… đã kéo một lượng lớn hành khách bỏ xe buýt chuyển sang dịch vụ này. Hơn nữa thói quen đi lại và tiện ích của việc sử dụng phương tiện cá nhân của cộng đồng.
Chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa: Trong 3 loại hình vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, chi phí vận tải đường bộ là cao nhất. Chi phí vận tải đường TNĐ chỉ bằng 30% so với vận tải đường bộ và lại rất thuận lợi cho việc chở hàng siêu trường, siêu trọng. Còn chi phí vận tải đường sắt ở nước ta hiện nay vẫn còn ở mức cao do quản lý chưa tốt, hầu hết hệ thống hạ tầng kỹ thuật đều lạc hậu, xuống cấp… nhưng vẫn rẻ hơn chi phí vận tải đường bộ khoảng 10%. Giai đoạn 2016-2020, ngành GTVT thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 với mục tiêu phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, xây dựng thể chế, chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải... Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ thị phần vận tải đường bộ đã giảm từ 76% xuống còn 65%. Hàng hóa đã và đang chuyển dần từ đường bộ sang các loại hình vận tải khác để đảm bảo hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, ngành GTVT hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ tiên tiến được hoàn thiện trên nền tảng khung Chính phủ điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, điều hành, khai thác vận tải đặc biệt là đối với hệ thống dữ liệu và thống kê, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải,…
Chuyển đổi nhiên liệu từ nhiên liệu truyền thống sang nhiêu liệu CNG và khí hóa lỏng LPG: Năm 2017, xăng E5 RON 92 được tiêu thụ ở 8 tỉnh với 445.864 m3. Quý I, năm 2018, xăng E5, RON 92, tiêu thụ 593.000 m3 (GIZ, 2018). Hà Nội tính đến thời điểm cuối tháng 12 năm 2019 đã có 07 tuyến xe buýt chạy CNG. Số lượng xe thống kê đến năm 2019 là 150 xe buýt CNG và dự kiến tăng thêm 150 xe buýt CNG vào năm 2022. Việc xe buýt chạy CNG của Hà Nội đều là xe buýt sàn thấp hỗ trợ cho người khuyết tật, hệ thống bảng điện tử Led hiện đại, wi-fi miễn phí, hệ thống GPS. TP.HCM, tính đến thời điểm năm 2018 có 428 xe buýt chạy. CNG trên tổng số 2596 xe, chiếm 16%. TP.Bình Dương đã đầu tư 42 phương tiện nhiên liệu năng lượng sạch (CNG, LPG) trên tuyến xe buýt Thủ Dầu Một - bến xe miền Đông. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch nói chung và nhiên liệu CNG nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với do hạ tầng các trạm nhiên liệu CNG thường chiếm diện tích lớn.
Việc sử dụng hiệu quả năng lượng đã và đang được thực hiện qua các hình thức như: dãn nhãn năng lượng, thực hiện tiêu chuẩn khí thải, tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu, niên hạn sử dụng và tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả.
Dãn nhãn năng lượng: Từ ngày 1/1/2018, các phương tiện ô tô từ 7-9 chỗ phải dán nhãn thông tin về lượng nhiên liệu tiêu thụ. Đối với xe máy phải dãn nhãn nhiên liệu từ ngày 1/1/2020 để người tiêu dùng có thông tin lựa chọn. Như vậy nhãn nhiên liệu tiêu thụ phải được dán đối với tất cả xe máy và ô tô mới. Việc tiêu thụ nhiên liệu phải được đăng ký và thông báo bởi nhà sản xuất với sự kiểm định và cấp giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Tiêu chuẩn khí thải: Chính phủ đã ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối cơ giới đường bộ, trong đó yêu cầu từ 1/1/2017, toàn bộ ô tô phải đạt tiêu chuẩn EURO 4, xe máy sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn EURO 3. Kể từ ngày 1/1/2020, toàn bộ ô tô phải đặt tiêu chuẩn EURO 5.
Tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu: Cùng với quyết định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp rắp và nhập khẩu mới. Bộ GTVT cũng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 77:2014/BGTVT về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới và QCVN 86:2015/BGTVT về khí thải mức 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Niên hạn phương tiện: Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/NĐ-CP đã có những quy định về niên hạn sử dụng cho các loại phương tiện gồm xe khách du lịch, xe buýt và xe khách dưới 15 năm; xe taxi từ 8-12 năm (8 năm đối với xe taxi hoạt động ở các đô thị đặc biệt, xe tải không quá 25 năm. Nghị định 111/2014/NĐ-CP quy định về niên hạn sử dụng đối với phương tiện thủy nội địa và phương tiện thủy nội địa được phép nhập khẩu, trong đó tàu khách không vượt quá 30 năm, tàu thủy lưu trú có niên hạn không quá 35 năm; tàu cao tốc chở khách không quá 20 năm và tàu đệm khí không quá 18 năm.
Tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả: Việt Nam hiện nay chưa có quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với các loại xe cơ giới. Tuy nhiên, hiện nay một số quốc gia đã đưa ra mức tiêu thụ nhiên liệu theo đặc trưng của mình. Một số quốc gia như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ quy định tiêu chuẩn về mức tiêu thụ nhiên liệu trong khi các quốc gia khác như châu Âu, Canađa và Úc ban hành các chương trình tự nguyện để khuyến khích sử dụng hiệu quả nhiên liệu.
Xanh hóa sản xuất
Thực hiện một chiến lược "công nghiệp hoá sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, công nghệ thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. Trên nguyên tắc như vậy, các doanh nghiệp đang thực hiện nghiêm túc thực hiện trong phạm vi nguồn lực và trình độ khoa học công nghệ của mình.
Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp GTVT: Sản xuất các loại động cơ sử dụng năng lượng mới, ít phát thải; tối ưu hóa vận hành và quản lý, tuân thủ các vấn đề về BVMT. Sau nhiều năm lắp rắp và sản xuất linh phụ kiện cho các hãng xe ô tô, xe máy của của nước ngoài thì lần đầu tiên doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được dòng xe thương hiệu Việt - Vinfast. Thương hiệu xe máy điện Vinfast đã được sử dụng trên thị trường và hướng người tiêu dùng Việt đến việc sử dụng các loại động cơ ít gây ô nhiễm môi trường.
Toàn bộ các cơ sở sản xuất công nghiệp GTVT đều hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như thay thế các thiết bị tại văn phòng, sử dụng các thiết bị có dán nhãn năng lượng theo quy định. Thí điểm việc sử dụng chất phụ gia nhiên liệu trên các đầu máy diesel D19E. Các chất phụ gia nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm chất thải, khói bụi than và khói đen trong quá trình vận hành, làm sạch và chống cặn bẩn trên các đầu phun, giảm ô nhiễm môi trường.
Doanh nghiệp vận tải xanh - sử dụng nhiêu liệu sạch hơn, tối ưu hóa quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả; tuân thủ các vấn đề về bảo vệ môi trường, sử dụng các loại phương tiện ít phát thải như xe điện, điện khí hóa.
Các cảng biển và các nhà máy đóng tàu đã và đang áp dụng các giải pháp công nghệ và quản lý nhằm hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các giải pháp công nghệ đang áp dụng tại các cảng biển như thay thế thế dần các thiết bị chiếu sáng sử dụng đèn halogen, thủy ngân bằng đèn chiếu sáng Led; thay thế các thiết bị sử dụng điện máy phát bằng các thiết bị sử dụng điện lưới; chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho các thiết bị trong cảng sử dụng diesel từ DO-II 0,05 S thành dầu DO-V 0,001 S, giảm lượng phát thải SO2, NO và NOx ra môi trường. Các giải pháp quản lý như chỉ tiến hành sử dụng các thiết bị điện khi cần thiết; ưu tiên đầu tư các thiết bị sử dụng điện năng, hệ thống điều khiển có sử dụng biến tần để điều khiển các mô-tơ điện, các phương tiện vận tải có suất tiêu hao nhiên liệu thấp.
Đối với các cảng hàng không là các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trình Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan. Ví dụ như năm 2018, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đưa ra mục tiêu cụ thể giảm 1,48% tổng mức tiêu thụ nhiên liệu của nhà ga SEU 1 so với năm 2018, sau khi thực hiện giải pháp thay thế hệ thống chiếu sáng khu vực nhà ga. Các giải pháp công nghệ áp dụng như điều hòa không sử dụng quá 250 C, tiến hành các giải pháp về nước cho hệ thống Chiller, kiểm soát CO2 và vận tốc gió phù hợp, giảm thất thoát lạnh ở các vùng không hữu ích, tối ưu hóa hệ thống thang máy, thay thế bình nước nóng tại trụ sở nhà điều hành, thay thế hệ thống trần chống thoát nhiệt trụ sở nhà điều hành… Các giải pháp quản lý như ban hành quy chế sử dụng điện tiết kiệm, đảm bảo sử dụng điện an toàn và hiệu quả, thay thế các thiết bị sử dụng động cơ diesel bằng các động cơ điện như xe nâng, xe vệ sinh nền nhà, máy nén khí…Các giải pháp thiết kế như sử dụng cách kính 3 lớp, có chức năng cách nhiệt nhưng vẫn đảm bảo độ sáng, hạn chế việc sử dụng ánh sáng từ đèn, giảm tải cho thiết bị điều hòa để tiết kiệm năng lượng
Doanh nghiệp cơ sở hạ tầng: Lồng ghép không gian xanh, tái sử dụng vật liệu địa phương, tuân thủ các vấn đề về BVMT trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, căn cứ vào báo cáo ĐTM, đề án bảo vệ môi trường, các cơ quan đã tiến hành thuê đơn vị tư vấn quan trắc và lập báo cáo quan trắc và giám sát định kỳ, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường 3 năm/1 lần. Lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định. Ngoài ra, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường khi có yêu cầu.
Xanh hóa lối sống
Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Chiến lược đặt ra mục tiêu tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa là 35-45%. Như vậy xanh hóa lối sống sẽ tập trung vào các hành động chính sách chuyển đổi lối sống cá nhân, cộng đồng, ví dụ như chuyển đổi lái xe sinh thái và thúc đẩy giao thông phi cơ giới.
Lái xe sinh thái: Lái xe sinh thái hay còn gọi là lái xe thân thiện với môi trường. Áp dụng đúng kỹ thuật lái xe sinh thái sẽ đồng thời đạt được các mục tiêu như tiết kiệm nhiên liệu, giảm tiêu thụ nhiên liệu nhờ đó giảm phát thải KNK và các chất gây ô nhiễm không khí, giảm chi phí bảo dưỡng, sữa chữa xe… Đến năm 2019, Bộ GTVT đã tổ chức được 03 khóa tập huấn lái xe an toàn. GIZ phối hợp với Tổng Cục Đường bộ thực hiện Chương trình đào tạo "Lái xe sinh thái và Lái xe Phòng vệ” nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vận tải và logictics quy mô nhỏ và vừa. Các kết quả của dự án đào tạo một lực lượng giáo viên dạy lái xe tải đủ đảm bảo chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm đào tạo lái xe cho 100 doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường bộ và tổ chức các khóa đào tạo giáo viên dạy lái xe sinh thái và lái xe an toàn tại các khu vực khác như TP. HCM và Đà Nẵng để nâng cao hơn nữa lực lượng nòng cốt giáo viên dạy lái xe sinh thái tại 3 khu vực trên toàn quốc.
Thúc đẩy giao thông phi cơ giới: Vấn đề nhận thức của người dân và cộng đồng (kể cả các nhà quản lý) về việc sử dụng phương tiện VTCC và phương tiện giao thông phi cơ giới đang dần được thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Tại các TP lớn như HN, HCM, ĐN, Cần Thơ, Huế, các tuyến phố đi bộ ngày càng được nhân rộng nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia giao thông bằng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện, đi bộ.
Hạn chế phương tiện cá nhân: Ở cấp độ địa phương, thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết để tăng cường quản lý phương tiện đường bộ bao gồm việc giới hạn xe máy đi vào trong đường vành đai 3, dự kiến triển khai vào năm 2030 (Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND).
Chính sách về đỗ xe: Ở cấp độ quốc gia, hiện chưa có chính sách đỗ xe cụ thể. Ở cấp độ địa phương, từng khu vực sẽ ban hành chính sách quản lý về cơ sở hạ tầng và giá vé. Công cụ quan trọng để chính quyền thành phố sử dụng để tác động về nhu cầu sử dụng phương tiện, bao gồm: Giới hạn khu vực đỗ xe; hành thành giá vé đỗ xe theo thời gian; thiết lập cơ sở hạ tầng bãi đỗ kết nối với các điểm trung chuyển VTHKCC. Hiện các thành phố lớn chưa có chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, chưa thu phí chống ùn tắc.
Thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng: Công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt những phương tiện quá niên hạn sử dụng… thường xuyên được thực hiện tại các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước. Đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận như (đi bộ, xe đạp, minibus) nhằm bù đắp và phát huy thế mạnh của từng loại phương thức vận tải.
Một số khuyến nghị cho xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2050
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cập nhật và điều chỉnh các mục tiêu giảm nhẹ phù hợp với kết quả của 05 quy hoạch kết cấu hạ tầng chuyên ngành đang cập nhật về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không.
Thứ hai, xây dựng được một bộ chỉ tiêu TTX để đánh giá các kết quả đạt được về TTX trong khung kế hoạch hành động. Bộ chỉ tiêu này phải đảm bảo tính chất phù hợp với các chỉ tiêu của Việt Nam nhưng gắn với thực tiễn của ngành GTVT.
Thứ ba, tiếp tục các chương trình phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Kế hoạch hành động TTX mà Bộ GTVT sẽ ban hành tới các Vụ chuyên ngành, Tổng cục đường bộ VN, các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT trên cả nước và toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành GTVT được biết và thực hiện.
Thứ tư, các dự án ưu tiên trong KHHĐ cần được huy động nguồn lực một cách rõ ràng đặc biệt là trong bối cảnh suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công để thực hiện được theo đúng lộ trình.
Thứ năm, việc áp dụng lồng ghép TTX vào trong các quy hoạch kết cấu hạ tàng chuyên ngành cần đưa ra được các giải pháp cụ thể và mang tính khả thi.
ThS. Cao Thị Thu Hương, Trần Thị Kim Thanh
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT
Theo Tạp chí Môi trường