Nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/5/2023 | 3:22:04 PM

QLMT - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký ban hành Quyết định số 1180/QĐ-BVHTTDL, đưa nghề làm bánh chưng, bánh giầy TP Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Tam Nông của tỉnh Phú Thọ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký ban hành Quyết định số 1180/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở TP.Việt Trì, huyện Cẩm Khê, huyện Tam Nông của tỉnh Phú Thọ chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.



Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tại Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch Đất Tổ. Ảnh minh hoạ.

Bánh chưng, bánh giầy, tượng trưng cho "Trời tròn - Đất vuông”, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Hai loại bánh này xuất phát từ câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được người Việt gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và sự trân trọng khi dành dâng cúng tổ tiên. Đến nay, nghề làm bánh chưng, bánh giầy đã phổ biến khắp cả nước, song không có nơi nào tục làm bánh chưng, giã bánh giầy lại trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán không thể thiếu trong các ngày lễ, Tết, ngày hội truyền thống với những nghi thức riêng biệt và độc đáo như ở Phú Thọ.

Nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ được nhiều nơi phát triển, giữ gìn trở thành nghề truyền thống. Hàng năm, tại Lễ hội Đền Hùng, hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy đã thu hút các nghệ nhân của 13 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Từ các cuộc thi trong lễ hội, những thành phẩm tiêu biểu được chọn làm lễ vật dâng các vị Vua Hùng, dâng Mẫu, dâng các vị thần…, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, khơi gợi niềm tự hào lịch sử, hiếu kính với Tổ tiên...

Đây là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Theo thể lệ của Ban tổ chức, đội giành giải nhất cuộc thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy năm nay được làm bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng lên các Vua Hùng trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm sau.

Theo đó, không gian văn hóa của tục làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ được xác định trải dài từ nơi bánh chưng, bánh giầy được sinh ra là làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì) và làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) đến nhiều vùng khác trên địa bàn tỉnh.

Lễ hội Đền Hùng hằng năm đều tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy, thu hút đông đảo nghệ nhân toàn tỉnh tham dự. Các sản phẩm đoạt giải sẽ được vinh dự chọn dâng cúng Vua Hùng và các vị tiền nhân.

Yên Hoà 

Tags Nghề làm bánh chưng Bánh giầy Phú Thọ Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Các tin khác

Tối 24.11.2023, bộ phim tài liệu "The Tao of Coffee – Cà Phê Đạo" của Warner Bros. Discovery kể về khát vọng và hành trình cà phê Việt Nam chinh phục toàn cầu chính thức phát sóng lần đầu tiên trên kênh Discovery tại Úc và New Zealand.

Triển lãm “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước hàng Đậu” là một điểm nhấn quan trọng trong tuyến trải nghiệm di sản đô thị thuộc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Địa điểm và sự kiện đã gây chú ý và được đông đảo giới chuyên môn, người dân thủ đô cũng như khách du lịch quan tâm. Những ngày cuối tháng 11/2023, ở khu vực Vườn hoa Vạn Xuân – Tháp nước Hàng Đậu có thể thấy hàng trăm người xếp hàng dài, chờ hàng tiếng đồng hồ để vào tham quan bên trong công trình đặc biệt này.

Hồ Hoàn Kiếm lúc này quy mô chỉ còn bằng một nửa hồ – vốn mang tên Lục Thủy vào thời xảy ra sự kiện ở thế kỷ XV đầy tính huyền thoại mà sau đó nó được mang tên.

Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam và đứng thứ 2 trong top 11 nơi tốt nhất châu Á mà du khách nên ghé thăm nếu dự định du lịch vào năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục