Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như thế nào?

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/11/2022 | 10:00:50 AM

QLMT - Hỏi: Xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết, việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như thế nào?

Trả lời:

Các chất ô nhiễm khó phân huỷ (bao gồm các chất POP) là những chất gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đa dạng sinh học và môi trường sống. Vì vậy từ năm 2001, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) đã được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện.

Việt Nam tham gia và phê chuẩn Công ước Stockholm từ ngày 22/7/2002 và đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 quy định về yêu cầu BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (tại Điều 69) cũng như các quy định xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (tại Điều 97, 98). 

Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như thế nào?
Ảnh minh hoạ. ITN

Điều 69 Luật BVMT 2020 về Bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.

1. Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như sau:

Không được sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm có hàm lượng vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật, trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đã được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm;

Phải kiểm soát nguồn phát sinh và công bố thông tin, dán nhãn, đánh giá sự phù hợp, kiểm tra đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của pháp luật;

Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật được phép tái chế, tiêu hủy, với điều kiện việc tái chế và tiêu hủy không dẫn đến thu hồi các chất này để tái sử dụng và phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường; 

Chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy vượt giới hạn tối đa cho phép phải được lưu giữ, thu hồi, quản lý và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, trừ trường hợp đã tái chế, tiêu hủy theo quy định tại điểm c khoản này;

Chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải được cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ báo cáo về chủng loại và kết quả tính toán lượng chất ô nhiễm phát thải vào môi trường nước, không khí, đất theo danh mục và chuyển giao xử lý để quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường theo quy định của pháp luật;

Khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất ô nhiễm khó phân hủy phải được đánh giá, xác định, cảnh báo rủi ro và đề xuất biện pháp quản lý an toàn, xử lý và cải tạo, phục hồi môi trường.

2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này; tích hợp thông tin quan trắc các chất ô nhiễm khó phân hủy trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia theo quy định của Công ước Stockholm, điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của pháp luật;

Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy thuộc lĩnh vực ngành, địa phương mình phụ trách theo quy định của Công ước Stockholm, điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của pháp luật;

Chính phủ quy định chi tiết về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của Công ước Stockholm và điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

Các nội dung của Điều 69, Điều 97, 98 của Luật BVMT 2020 đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Điều 38, 39, 40, 41, 42), Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Điều 47, 48) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (Điều 28).

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, địa phương, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyên gia triển khai hiệu quả các Quyết định này tại Việt Nam, nhằm giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP), bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.

CHUYÊN TRANG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Tags quy định về chất ô nhiễm khó phân hủy quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy quy định nhập khẩu các chất POP

Các tin khác

Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá đô thị đạt đô thị thông minh, có cơ chế ưu đãi cho các đô thị phát triển theo mô hình đô thị thông minh.

Khoảng cách ly (khoảng cách an toàn về môi trường) của các xí nghiệp công nghiệp tuân thủ theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

Bạn đọc hỏi: Gần đây có một số dự án đốt rác phát điện được xây dựng và đưa vào vận hành như tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ, Bình Dương... Vậy xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết, Việt Nam hiện có bao nhiêu nhà máy đốt rác phát điện?

Hỏi: Xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết: Hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế được xây dựng như thế nào?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục