Hội nghị BCH mở rộng năm 2022 Hội MTĐT và KCN khu vực miền Bắc

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/11/2022 | 12:00:00 AM

QLMT - Ngày 26/11/2022, tại Thành phố Hải Phòng, Hội MTĐT và KCN khu vực miền Bắc đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng năm 2022.

Tham dự Hội nghị, về phía Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp (MTĐT và KCN) Việt Nam có ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội, ông Hồ Chí Hưng - Tổng Thư ký Hiệp hội; ông Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường và Công nghiệp Việt Nam; Về phía các Hiệp hội khu vực, có ông Tăng Anh Trường - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên; ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội MTĐT và KCN khu vực miền Trung - Tây nguyên, ông Huỳnh Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội MTĐT và KCN khu vực miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM…

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị BCH mở rộng năm 2022 Hội MTĐT và KCN khu vực miền Bắc 

Hội nghị đã tổng kết hoạt động của Hội giai đoạn 2018 - 2022 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thảo luận và đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên môn như: thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường và công tác phân loại rác tại nguồn; triển khai thực hiện phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 tại thành phố Hải Phòng; điều chỉnh bổ sung một số công tác, định mức dự toán và hướng dẫn xác định chi phí đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường; mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp; thu gom rác thải sinh hoạt bằng xe 3 bánh. 

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2023

Về công tác tổ chức và công tác hoạt động hội

Theo báo cáo, Hội MTĐT và KCN khu vực miền Bắc gồm 53 đơn vị hội viên hoạt động tại các tỉnh thành khu vực phía Bắc từ Nghệ An trở ra, tăng 3 hội viên so với đầu nhiệm kỳ.  

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ủy viên BCH gồm 45 thành viên, Ủy viên Ban thường vụ gồm 11 thành viên, Thường trực hội gồm Chủ tịch và 4 Phó chủ tịch. 

Hội đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ đến 100% các hội viên trong khu vực theo văn bản, kết luận của Hiệp Hội, của Hội Miền bắc; Triển khai đến các hội viên trong việc tăng cường công tác phòng chóng dịch covid theo quy định.

Công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các đơn vị hội viên trong hơn 2 năm qua là hết sức tích cực, trong đó điển hình như các công ty hoạt động trên địa phương bị ảnh lớn bởi dịch bệnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…; Các đơn vị đã thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị của UBND các tỉnh, thành phố về giãn cách xã hội để phòng chống dịch; các đơn vị hội viên đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lên các kịch bản ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; thực hiện phổ biến, quán triệt đến 100% cán bộ công nhân viên, người lao động trong đơn vị.

Hưởng ứng kêu gọi của Hiệp hội và chính quyền địa phương về ủng hộ kinh phí, trang thiết bị phòng chống dịch CVID-19, kết quả Ủng hộ của các đơn vị Hội miền Bắc qua các kênh vận động của các ngành, địa phương: 1.992,8 triệu đồng (theo số liệu của hội viên báo cáo); Trích từ quỹ hội 30 triệu đồng để ủng hộ các đơn vị hội viên trong công tác phòng chống dịch.

Các chi hội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện: "nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh, không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng”; "Giữ gìn vệ sinh, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định” với nhiều hình thức như: phối hợp với chính quyền địa phương, hội phụ nữ, đài truyền thanh các phường xã trong công tác tuyên truyển vận động, mỗi người công nhân làm công tác VSMT là một tuyên truyền viên… đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ giữ gìn môi trường.

Tích cực tham gia đóng góp cho thành công lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội; tham gia dự các Hội nghị BCH mở rộng của Hội Môi trường đô thị và KCN khu vực miền Nam, miền Trung - Tây nguyên, các hội nghị, hội thảo chuyên đề về lĩnh vực quản lý chất thải, cơ chế chính sách trong lĩnh vực môi trường.

Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường và các hội thảo, dự án, điển hình như tham luận của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội với chủ đề: "Thực trạng thu gom rác thải trong đó có rác thải nhựa: Khó khăn và các kiến nghị tại Hội thảo trực tuyến về "Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” vào ngày 09.06.2021 do Hiệp hội Môi Trường và Khu công nghiệp Việt nam, Chuyên trang quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) phối hợp với Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức; Tham gia triển khai thực hiện dự án "Truyền thông về phân loại rác thải và gia tăng tỉ lệ thu gom, tái chế rác thải bao bì và các loại rác thải có thể tái chế khác nhằm thiết lập các nền tảng để xây dựng một mô hình kinh tế tuần hoàn” hợp tác giữa Hiệp hội Môi Trường và Khu công nghiệp Việt nam và Liên minh tái chế bao bì – PRO Việt Nam. Tọa đàm: "Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” do Tạp chí môi trường tổ chức, các Công ty Môi trường đô thị các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hà Nội có bài tham luận liên quan đến công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải.

Tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hội viên

Thực hiện lĩnh vực VSMT và các dịch vụ công ích đô thị đã đóng góp không nhỏ trong việc duy trì đô thị sáng - xanh - sạch đẹp. Đặc biệt là tăng cường công tác VSMT, chỉnh trang đô thị phục vụ các ngày lễ, tết và những dịp diễn ra các sự kiện chính trị của địa phương.
Chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng cao; khối lượng các dịch vụ MTĐT ngày càng tăng, nhiều đơn vị hội viên hàng năm vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.
Công tác chăm lo đời sống vật chất cho người lao động đã được các đơn vị hội viên thường xuyên quan tâm, chế độ phúc lợi cho người lao động được đảm bảo. Thu nhập bình quân người lao động đạt từ 6.000.000đ đến trên 8.000.000đ/người/tháng.

Về phương thức, giải pháp thu gom rác thải được các đơn vị áp dụng với nhiều mô hình cải tiến mang lại hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ và được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận.
Về ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực vệ sinh môi trường điển hình là Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai, công ty đã triển khai số hóa quản lý chất lượng dịch vụ, quản lý khách hàng theo quy trình liên mạch, thu phí không dùng tiền mặt… Đặc biệt ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong lĩnh vực quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải. Công ty triển khai phần mền trong lĩnh vực giám sát phân loại rác thải tại nguồn của chủ nguồn thải, của người lao động trên các tuyến, chụp ảnh, báo cáo ngay trên ứng dụng những trường hợp không phân loại, xả thải sai quy định.
Quan hệ hợp tác của đơn vị hội viên được thúc đẩy, điển hình là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.

Từ các kết quả hoạt động tích cực của các hội viên, Thường trực Hội khu vực miền Bắc đã xem xét và đề nghị Hiệp Hội khen thưởng tặng cờ thi đua, bằng khen cho các tập thể và Bằng khen cho cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và hoạt động Hội.

Đánh giá chung

Với kết quả đạt được, hằng năm nhiều hội viên hội khu vực Miền Bắc được Nhà nước, bộ ngành, chính quyền, đoàn thể địa phương, Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp nghiệp Việt Nam khen thưởng.

Công tác bảo vệ môi trường luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư quan tâm. Nhiều địa phương đã giành nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có công tác bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Thực trạng hoạt động thu gom chất thải sinh hoạt thời gian qua cho thấy phát triển rất đa dạng, được xã hội quan tâm, ngoài lực lượng là công ty môi trường thuộc khối nhà nước còn có một số doanh nghiệp tư nhân, HTX thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, các đơn vị này chủ yếu hoạt động ở các huyện, khu vực ngoại thành, vùng sâu… đây là lực lượng bổ sung để góp phần cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải được triệt, để nhưng việc thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, BHXH, BHYT…  cho người lao động của loại hình này còn hạn chế, chưa đảm bảo quy định của nhà nước.

Những hạn chế của công tác hội trong thời gian qua

- Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID19 nên việc tổ chức hội nghị BCH, hội nghị BCH mở rộng giữa nhiệm kỳ không được tổ chức đúng thời gian quy định, từ đầu nhiệm kỳ đến hôm nay hội mới tổ chức được.

- Công tác trao đổi thông tin hai chiều giữa Thường trực hội với hội viên chưa được thường xuyên.

- Chưa tổ chức được hội thảo khoa học kỹ thuật, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật công nghệ mới về sản xuất kinh doanh theo quy chế hoạt động.

- Một số hội viên chưa tích cực trao đổi thông tin, tham gia đóng hộp phí chưa đầy đủ, nguyên nhân chủ yếu là các công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu, hoạt động chưa ổn định, vai trò của hội chưa thực sự hỗ trợ cho các hội viên trong việc tham gía ý kiến với các bộ ngành về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên.

Đề xuất, kiến nghị

Kiến nghị Hiệp Hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam đề xuất với các Bộ ngành có liên quan và chính quyền các địa phương:

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành định mức dự toán Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị để các địa phương xây dựng, ban hành đơn giá.

Ban hành văn bản, quy định và hướng dẫn cách thu gom rác, thu tiền dịch vụ vệ sinh theo khối lượng/thể tích chất thải rắn (Điều 79 Luật Bảo vệ Môi trường 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020: chậm nhất đến ngày 31/12/2024, Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại) để các địa phương tổ chức triển khai khi thời gian thực hiện chỉ còn hơn 2 năm.

Đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu việc cấp phép lưu hành cho xe điện 3 bánh thu gom rác thải sinh hoạt làm cơ sở cho các đơn vị triển khai cơ giới hóa công tác thu gom chất thải sinh hoạt.

Cơ chế đấu thầu thực hiện từ 3 - 5 năm giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao năng lực hoạt động.

Đề nghị các Bộ ngành liên quan, các địa phương quan tâm đảm bảo việc tính đúng, tính đủ định mức KTKT đã ban hành, tính đủ giá dịch vụ VSMT làm cơ sở để đấu thầu, đặt hàng dịch vụ;

Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến cơ chế quản lý, các giải pháp kỹ thuật về lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. 

Đề nghị Hiệp hội tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng và các phương tiện thông tin đại chúng hỗ trợ, phối hợp thực hiện tốt các chương trình đã đề ra nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường ở từng địa phương; tiếp tục huy động các nguồn lực để tôn vinh người lao động có thành tích đóng góp cho sự nghiệp môi trường; hỗ trợ, giúp đỡ người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội MTĐT và KCN khu vực miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM phát biểu
Ông Huỳnh Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội MTĐT và KCN khu vực miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM phát biểu tại Hội nghị

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 2022-2023

Tiếp tục làm tốt công tác phát triển hội viên; Nghiên cứu, thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ cho các hội viên về cơ chế chính sách pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của các hội viên;
Phát động phong trào thi đua, kêu gọi và động viên hội viên hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh việc đảm bảo môi trường làm việc, tăng thu nhập cho người lao động, các hội viên cần tiếp tục chủ động trong việc thực hiện đổi mới quy trình công nghệ, có giải pháp đẩy nhanh các phương án cơ giới hóa, từng bước thay thế dần lao động thủ công…

Tăng cường liên kết giữa các hội viên để cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không cho các đơn vị khác mượn hồ sơ năng lực, pháp lý để tham gia đấu thầu không minh bạch, không đúng quy định. 

Tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách, các giải pháp liên quan đến công tác môi trường đô thị, không ngừng nâng cao vị thế của Hội nói riêng và Hiệp Hội nói chung.

Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Đại hội hết nhiệm kỳ của hội khu vực vào năm 2023;

Tiếp tục và tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên, giữa các cụm khu vực, nhằm tăng cường sự gắn kết trong hoạt động hội.

Nguyễn Vinh


Tags hội nghị Ban chấp hành Hội MTĐT và KCN khu vực miền Bắc Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp

Các tin khác

Ngày 8/8/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (Vuizea) tổ chức Hội nghị Ban thường vụ lần thứ Nhất, nhiệm kỳ VI (2024- 2029). Ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Vuizea chủ trì Hội nghị.

Công việc của công nhân vệ sinh môi trường rất nặng nhọc, vất vả. Họ thức khuya dậy sớm, thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, rác thải hôi hám thậm chí đối mặt với nguy cơ về tai nạn, bệnh tật để dọn dẹp, giữ gìn môi trường.

Ngày 28/6/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Vuizea) đã long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, trong nhiệm kỳ V, Ban lãnh đạo Hiệp hội Môi trường đô thị và KCN Việt Nam cùng tất cả các hội viên trên toàn quốc đã cùng nhau vượt lên những khó khăn và thách thức và đạt được những thành công nhất định, để lại nhiều dấu ấn tự hào trong quá trình xây dựng - phát triển của Hiệp hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục