Lực lượng chức năng bắt một vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép. ẢNH: H.P
Ngày 12.3.2020, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra và phạt hành chính hai đối tượng có hành vi quảng cáo trái phép hổ, gấu và nhiều sản phẩm ĐVHD khác trên mạng xã hội.
Mỗi đối tượng bị phạt hơn 1,2 triệu đồng; đồng thời tịch thu 2 điện thoại di động là "công cụ thực hiện hành vi vi phạm”, khi các đối tượng trước đó sử dụng để đăng quảng cáo bất hợp pháp.
Tiếp đó, tháng 5.2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận 1 cá thể voọc chà vá chân nâu sau khi nhận được thông tin tự nguyện chuyển giao từ người dân qua đường dây nóng 1800 - 1522.
Đây là hai trong số các vụ điển hình mà lực lượng chức năng đã "giải cứu” được ĐVHD cả bằng hình thức trực tiếp lẫn gián tiếp. Cơ quan ENV cho rằng, trong quá trình thực hiện chiến dịch giai đoạn 2019 – 2020 đã cho thấy những kết quả rất đáng ghi nhận.
Cơ quan chức năng ở các thành phố Huế, Đà Nẵng và Tam Kỳ đã xóa bỏ thành công 86,3% các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD được phát hiện qua chiến dịch. Đặc biệt, Đà Nẵng đạt tỷ lệ xử lý thành công các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD cao nhất trong 3 thành phố, với mức 94%. Tỷ lệ này ở Huế là 88% và Tam Kỳ là 77%.
Kết quả khảo sát cho thấy, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD tại các thành phố miền Trung trong giai đoạn 2019 - 2020 chỉ ở mức 5,9% trên tổng số các cơ sở khảo sát. Điều này thể hiện, tình trạng tiêu thụ ĐVHD tuy có xảy ra tại miền Trung, nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so với những ghi nhận trước đó tại Hà Nội (11%) và TP. Hồ Chí Minh (8%) trong giai đoạn 2017 - 2018.
Đáng chú ý, các cơ quan chức năng đã xử lý thành công 88,7% trong tổng số các dấu hiệu vi phạm được báo cáo trong giai đoạn khảo sát. Số lượng dấu hiệu vi phạm ghi nhận tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cao hơn đáng kể so với con số ghi nhận tại các đô thị miền Trung.
ENV cho rằng thành công trong xử lý vi phạm về ĐVHD ở các thành phố Huế, Đà Nẵng và Tam Kỳ là minh chứng cho hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý vi phạm về ĐVHD.
Tỷ lệ phản hồi của cơ quan chức năng tại Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đối với các dấu hiệu vi phạm do người dân thông báo qua ENV bình quân đạt 96,1%. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tại 3 địa phương đã xử lý thành công 57,9% vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống (ĐVHD bị tịch thu hoặc được tự nguyện chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
Năm 2020, chỉ có khoảng 26% các dấu hiệu vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống ở Quảng Nam có kết quả thành công, trong khi tỷ lệ này tương đối cao ở Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, với mỗi tỉnh đạt khoảng 80%.
Tại Tam Kỳ, ENV đã ghi nhận 8,1% các cơ sở được khảo sát có ghi nhận dấu hiệu vi phạm về ĐVHD. Trong khi đó, Đà Nẵng ghi nhận tỷ lệ cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD thấp hơn nhiều với chỉ 4,4% số cơ sở được khảo sát có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD, giảm đáng kể so với mức 11% trong chiến dịch khảo sát năm 2013 - 2015.
Xử lý thành công 26,7% số vụ vi phạm ĐVHD còn sống
Đà Nẵng là địa phương thành công nhất trong việc xử lý các dấu hiệu vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống được thông báo, với kết quả thành công được ghi nhận gần 80% các vụ việc được thông báo (14/18 vụ việc). Tương tự, Thừa Thiên Huế cũng đã giải quyết thành công 4/5 vụ việc liên quan đến động vật sống được thông báo. Trong khi đó, Quảng Nam chỉ thành công trong việc giải quyết 4 trên tổng số 15 các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống được người dân thông báo, đạt tỷ lệ 26,7%.
Theo Trần Hữu/ Báo Quảng Nam