Mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam là khả thi

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/6/2024 | 3:24:02 PM

QLMT - Việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 là khả thi về mặt kỹ thuật và là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần giảm phát thải carbon đạt đỉnh vào năm 2030.

Ngày 19/6, lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến Phát thải Ròng bằng 0 (EOR-NZ) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch. Báo cáo này được biên soạn bởi Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch.


Ảnh minh hoạ. ITN

Một trong những phát hiện chính của báo cáo cho thấy, việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 là khả thi về mặt kỹ thuật và là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần giảm phát thải carbon đạt đỉnh vào năm 2030 và chuyển đổi năng lượng xanh với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.

Báo cáo EOR-NZ đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050, bao gồm: Đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo; Áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng; Tách biệt tăng trưởng kinh tế với tiêu thụ năng lượng; Xây dựng hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định, các dự án hợp tác với Đan Mạch đã hỗ trợ tích cực cho mục tiêu đảm bảo nguồn cung năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững. Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz hy vọng rằng báo cáo này sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho Việt Nam trong quá trình ra quyết định và định hình chuyển đổi năng lượng xanh.

Việt Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió, cả trên bờ và ngoài khơi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn tài nguyên quốc gia. Báo cáo nhấn mạnh rằng, sự chậm trễ trong quá trình chuyển đổi sẽ gây ra chi phí không cần thiết do tác động gia tăng của biến đổi khí hậu.

Để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn. Khi cần, công suất của các nhà máy điện than nên giảm để ưu tiên cho những nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời đảm bảo nguồn dự phòng cho đến khi các giải pháp lưu trữ và những công nghệ khác được triển khai.

Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải. Đây là những bước đi cần thiết để đảm bảo mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường toàn cầu.

Sự hợp tác quốc tế và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc đổi mới công nghệ và chính sách sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được những thành tựu trong ngành năng lượng, hướng tới một tương lai xanh và bền vững.

TÙNG LÂM

Tags trung hòa carbon Phát thải Ròng bằng 0 chuyển đổi năng lượng năng lượng xanh

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục