Cuộc thi quốc tế chụp ảnh chim Birdrace Vietnam lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (ngày 11-12 /5/2024), quy tụ 77 nhiếp ảnh gia chim hoang dã đến từ 7 quốc gia. Ngay những ngày trước khi diễn ra cuộc thi, 2 loài chim ít khi gặp đã xuất hiện tại Tràm Chim làm gia tăng đáng kể "độ nóng” của cuộc thi. Đó là các loài vịt mỏ thìa và vịt mồng. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo - nhà nghiên cứu chim hàng đầu của Việt Nam, vịt mỏ thìa là loài phân bố ở vùng ôn đới, lần đầu tiên ghi nhận tại Tràm Chim. Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, vịt mồng là loài rất ít gặp, lần gần đây nhất được ghi nhận tại Tràm Chim là vào năm 2008.
Các nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp trong Cuộc thi chụp ảnh chim Birdrace Vietnam lần thứ nhất (ngày 11/5/2024) (Ảnh: Trần Triết)
Trong các ngày diễn ra cuộc thi, một tín hiệu vui khác cũng được nhận thấy đó là việc có rất nhiều chim cà kheo non đang theo bố mẹ. Các chú chim non này vừa nở được vài ngày. Nhiều chim cà kheo mẹ khác vẫn đang nằm tổ ấp trứng. Chim cà kheo làm tổ dưới đất, do vậy mực nước thích hợp vào đầu mùa mưa là điều kiện tiên quyết để chim có thể làm tổ và ấp nở thành công.
Điều này có được là do từ cuối tháng 12/2023, VQG Tràm Chim đã chủ động điều tiết nước đúng theo thiết kế kỹ thuật. Việc điều tiết nước đã giúp phục hồi điều kiện tự nhiên vốn có của Tràm Chim trong mùa khô. Mực nước thấp trong mùa khô tạo nên môi trường sống đa dạng, từ những mặt đất khô hoàn toàn, đến những vũng nước nhỏ và những lung bàu ngập sâu, cung cấp nơi sống cho nhiều loài sinh vật với những yêu cầu khác nhau về chế độ nước.
Vịt mồng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày 10/5/2024 (Ảnh: Thuần Võ)
Sinh vật đã nhanh chóng đáp ứng với môi trường sống thích hợp. Không chỉ những loài hiếm gặp, nhiều loài chim khác đã gia tăng số lượng ngoài dự đoán. Các loài như quắm đen, cồng cộc số lượng đã lên đến vài ngàn con, điều mà trước đây không thấy ở Tràm Chim.
Vịt mỏ thìa tại Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày 9/5/2024 (Ảnh: Nguyễn Hoài Bảo)
Việc điều tiết nước còn giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước trong vùng lõi VQG. Trước đây do tình trạng ngập úng nhiều năm, nước bị ô nhiễm hữu cơ nặng nề, màu đen sẩm, bốc mùi hôi thối. Hiện nay, chất lượng nước đã trong sạch hơn rất nhiều. Chất lượng nước cải thiện giúp cho nhiều loài tôm, cá phát triển, cung cấp nhiều thức ăn cho chim, giúp giải thích vì sau nhiều loài chim gia tăng số lượng bầy đàn lên rất cao.
Chim cà kheo tại Tràm Chim ngày 10/5/2024 (Ảnh: Trần Triết)
Sự đáp ứng tích cực của quần xã chim là chỉ báo sinh thái cho thấy việc quản lý môi trường VQG Tràm Chim đang đi đúng hướng theo mục tiêu đề ra của Đề án phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt.
Trong 27 giờ của cuộc thi chụp ảnh chim, các đội chơi đã ghi nhận tổng cộng hơn 100 loài chim khác nhau. Đây là một con số rất lớn. Các nhiếp ảnh gia từ các nước đều rất ấn tượng về sự đa dạng các loài chim của VQG Tràm Chim.
TS. Trần Triết
Nguồn: Báo Đồng Tháp