Xử lý rác thải điện tử đúng cách

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/4/2024 | 9:43:22 AM

Chất thải điện tử là loại chất thải nguy hiểm, chứa nhiều độc tố hoặc có thể giải phóng ra các hóa chất gây hại nếu không được xử lý đúng quy trình.

Với mục đích hỗ trợ người dân xử lý rác thải điện tử an toàn, đúng cách, Chương trình "Việt Nam tái chế" đã được các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng. Đây là chương trình thu hồi rác thải điện tử miễn phí đầu tiên tại Việt Nam.

Chương trình "Việt Nam tái chế" do Công ty TNHH Công nghệ HP Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Apple Việt Nam khởi xướng từ năm 2015. Nhiệm vụ của chương trình là giảm lượng rác thải điện tử, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc xử lý rác thải điện tử không đúng cách, bảo đảm tất cả rác thải điện tử được xử lý và tái chế trong môi trường chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường.


Nhân viên Chương trình "Việt Nam tái chế" đến thu gom rác thải điện tử tại nhà ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HẰNG MAI 

Tất cả rác thải điện tử được thu hồi thông qua chương trình này sẽ được xử lý một cách chuyên nghiệp để đạt được tỷ lệ thu hồi tài nguyên tối đa và bảo đảm quy trình tái chế an toàn, thân thiện với môi trường.

Theo đó, có 4 bước để thực hiện quy trình của "Việt Nam tái chế", gồm: Thu gom-rác thải điện tử được thu gom từ hộ gia đình hoặc doanh nghiệp bởi nhân viên chuyên nghiệp; vận chuyển-các thiết bị sau khi thu gom sẽ được vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải nguy hại bằng xe tải chuyên dụng; phân loại-phân loại thiết bị cẩn thận theo từng danh mục sản phẩm và bóc tách hoàn toàn theo từng dòng vật liệu; xử lý và tái chế-các vật liệu có giá trị thu hồi được chuyển giao cho đơn vị có chức năng tái chế.

Các chất thải phát sinh từ trong thiết bị sẽ được đưa vào hệ thống xử lý chuyên biệt. Hiện tại, "Việt Nam tái chế" có 10 điểm thu hồi rác thải điện tử tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hộ gia đình, các doanh nghiệp cũng có thể đăng ký thu hồi rác thải điện tử miễn phí tận nơi theo quy định của chương trình.

Kể từ khi thành lập vào năm 2015, Chương trình "Việt Nam tái chế" cũng đã tham gia và tổ chức những hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về rác thải điện tử. Chị Mai Thị Thu Hằng, đại diện quản lý chương trình cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng rác thải điện tử được thu hồi đã lên tới 100 tấn. Đây là con số khá nhỏ so với tổng lượng rác điện tử thải ra thị trường, nhưng để đạt được số lượng này là cả một quá trình vận động người dân hình thành thói quen thải bỏ và xử lý rác điện tử đúng cách.

"Sau khi biết đến và tham gia thải bỏ tại điểm thu hồi của Chương trình "Việt Nam tái chế", dần dần người dân đã quen với việc thu gom rác điện tử. Cứ khi nào có thiết bị điện tử hư hỏng là người dân lại đem tới địa điểm thu hồi hoặc liên hệ "Việt Nam tái chế" đến gom tận nơi”. Ngoài ra, nhằm khuyến khích người dân nâng cao ý thức và chủ động trong việc phân loại, thu gom rác thải điện tử, chương trình cũng đã triển khai hoạt động tích điểm-nhận quà. Không chỉ được thu gom và xử lý miễn phí rác thải điện tử đúng cách mà người dân còn có thể tích điểm sau mỗi lần thải bỏ rác và nhận lại các phần quà thân thiện với môi trường.

Chị Mai Thị Thu Hằng cho biết thêm, rất nhiều người dân đã liên hệ về Chương trình "Việt Nam tái chế" với mong muốn được tổ chức thêm các điểm thu gom ở các tỉnh, thành phố khác. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy người dân trên địa bàn cả nước đã bắt đầu có ý thức phân loại và xử lý rác thải đúng cách.

Theo qdnd.vn

Tags xử lý rác rác thải điện tử chất thải nguy hiểm

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục