Hội thảo do Hội Hóa học và Độc học môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trường Đại học Auburn (Hoa Kỳ), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức.
Khung cảnh hội thảo ICEPORM 2024.
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành; ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; ông Hervé Conan, Tổng Giám đốc AFD Việt Nam và hơn 100 đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia đến từ 19 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 4/3 đến ngày 7/3/2024, gồm: 3 chương trình đào tạo ngắn; 8 phiên hội thảo xoay quanh các chủ đề khác nhau.
Theo đó, Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường sẽ trình bày hơn 80 công trình, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học môi trường của hơn 100 nhà khoa học và quản lý môi trường đến từ 15 quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội để các đại biểu cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, thảo luận các vấn đề môi trường để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Nhiệm vụ quan trọng Việt Nam cần tập trung thời gian gần đây là triển khai chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải dựa trên nguyên tắc công bằng, công lý, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế dành nhiều thời gian chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cùng tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Trong 4 ngày làm việc, sẽ có nhiều phiên trao đổi, thảo luận với sự đa dạng về chủ đề, trong đó tập trung vấn đề ô nhiễm môi trường nổi cộm như: ô nhiễm vi nhựa, ô nhiễm hóa chất, quan trắc môi trường, công nghệ xử lý ô nhiễm, đánh giá rủi ro sinh thái và sức khỏe con người… Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm, mong muốn được chia sẻ, nghiên cứu và áp dụng phù hợp trong thực tiễn.
Trong khuôn khổ hội nghị, sẽ bao gồm phiên đối thoại giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhằm trao đổi thông tin một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam, thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường.
LÂM HÀ