Để triển khai chiến lược có hiệu quả, vừa qua, Bộ chỉ tiêu về tăng trưởng xanh đã được Bộ KH&ĐT ban hành, bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 nhóm mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, cho đến phản ánh mức độ "xanh hoá” trong các ngành kinh tế… Lường trước những khó khăn trong quá trình lượng hóa các chỉ tiêu, nên cơ quan ban hành đã chia thành 2 lộ trình (lộ trình A là những chỉ tiêu sẵn có, đã có số liệu hoặc có nguồn thông tin để biên soạn, có tính khả thi cao, đã được thực hiện ngay trong năm 2023; lộ trình B gồm 19 chỉ tiêu mới, được thực hiện từ năm 2026). Bộ chỉ tiêu có quy định theo hướng mở để có thể cập nhật phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, một số chỉ tiêu sẽ là thách thức lớn trong tổ chức thực hiện cũng như đánh giá đo lường, đặc biệt là các chỉ tiêu theo lộ trình B, như tỷ lệ các cơ sở đạt tiêu chuẩn cơ sở y tế xanh, bền vững so với tổng số cơ sở y tế; tỷ lệ vốn đầu tư công xanh so với tổng vốn đầu tư công; tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng; tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh trong tổng trái phiếu đã phát hành. Cùng với đó là tỷ lệ chi đầu tư công xanh so với tổng chi ngân sách nhà nước; tỷ lệ các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch được dán nhãn xanh; số lao động có việc làm xanh trong nền kinh tế…
Nếu không có sự vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện thì ngay cả thời hạn năm 2026 cũng có thể sẽ không kịp. Đứng đầu cơ quan được giao làm đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên trong năm nay chính là bổ sung việc thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công vào kế hoạch hành động của bộ, ngành và bố trí nguồn lực để thực hiện. Bước tiếp theo là xây dựng khung giám sát đánh giá thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tích hợp Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh.
Không kém phần quan trọng là cần xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh; thường xuyên rà soát, đánh giá danh mục và nội dung các chỉ tiêu thống kê này để kịp thời điều chỉnh, bổ sung.
Tất nhiên, "cẩm nang” xanh đó mới chỉ là bước khởi đầu, định hướng cho quá trình thực hiện "xanh hóa” còn khó khăn hơn nhiều. Đáng mừng là đã có nhiều cánh én báo xuân. Việt Nam hiện nằm trong tốp 10 nước thu hút đầu tư xanh nhiều nhất, chiếm 5% trong các nước đang phát triển.
Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài cho năng lượng tái tạo chiếm chủ yếu, tăng gấp 5,7 lần trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng xanh tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều so với tỷ lệ chung, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 30% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45% tổng dư nợ tín dụng xanh)…
Thực tiễn đang biến chuyển nhanh chóng mỗi ngày, mỗi giờ và mốc thời gian năm 2026 chẳng xa xôi.
Theo SGGP