Quảng Bình được chi trả hơn 82 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/12/2023 | 5:02:37 PM

QLMT - Trong giai đoạn 2023-2025, Quảng Bình sẽ chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 và được phân bổ khoảng 235 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, sẽ có những hỗ trợ tích cực cho các chủ rừng, đặc biệt là các hộ gia đình được giao rừng tự nhiên mà chưa có kinh phí.



Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch sẽ chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế với giá 5 USD/tấn. Chính phủ ban hành Nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Từ đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương sẽ nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế, sau đó điều phối gần 50 triệu USD đến các tỉnh.



Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình sẽ chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 và được phân bổ khoảng 235 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh Quảng Bình được chi trả 82,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là 80 tỷ đồng và kinh phí trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình là 2,4 tỷ đồng. Nội dung chi trả bao gồm hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính. Hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính gồm có bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh, hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế và hoạt động quản lý.



Tỉnh Quảng Bình có diện tích rừng trên 590.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,7%, đứng thứ 2 cả nước. Với tiềm năng lớn về tạo tín chỉ carbon rừng, Quảng Bình có thể thu được khoản thu nhập đáng kể từ thị trường tín chỉ carbon và sử dụng nguồn kinh phí này để phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.

Đồng thời, việc bảo vệ rừng và thực hiện các hoạt động trồng rừng mới, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn cũng sẽ giúp giảm thiểu khí thải nhà kính và đảm bảo sinh thái của khu vực. Việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng cũng là một cơ hội để Quảng Bình đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC/PEFC, trồng và phục hồi rừng ngập mặn trên địa bàn.



Việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình làm việc với Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường xây dựng để xây dựng dự thảo Biên bản ghi nhớ là một bước quan trọng trong việc khai thác tiềm năng tạo tín chỉ carbon rừng của Quảng Bình. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cùng với các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan có thể đưa ra những đánh giá và đề xuất để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến từ các bên liên quan còn giúp tăng tính minh bạch và công khai trong quá trình triển khai dự án, đồng thời tạo sự đồng thuận và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương. 

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, việc này sẽ thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu đánh giá khả thi phát triển dự án tín chỉ carbon rừng.

"Với nguồn kinh phí này, trong 3 năm sẽ có những hỗ trợ tích cực cho các chủ rừng, đặc biệt là các hộ gia đình được giao rừng tự nhiên mà chưa có kinh phí. Vừa rồi chỉ mới là thí điểm, nhưng sau này sẽ thành thị trường thì chúng tôi sẽ điều tra, đánh giá trữ lượng để có số liệu tương đối chính xác sau đó sẽ thương lượng với các tập đoàn, tổ chức mua bán tín chỉ carbon này để bán, cũng góp phần tăng trưởng cho ngành nông nghiệp”, ông Mai Văn Minh cho hay.

PHẠM TRUNG

Tags Quảng Bình bán tín chỉ carbon tín chỉ carbon

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục