Thủ đô nghìn năm tuổi trong mắt thế hệ trẻ

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/1/2021 | 4:41:17 PM

QLMT - Hà Nội là một thành phố lâu đời hay vẫn thường được gọi là “Thủ đô nghìn năm văn hiến”, với sự thừa hưởng nét giao thoa văn hóa Á – Âu từ đời sống, nghệ thuật đến quy hoạch – kiến trúc.Từ những năm 2000, những dự án xây dựng tại đây bước sang giai đoạn chuyển mình nhờ có sự đầu tư trong và ngoài nước. Đây vừa là cơ hội và cũng là thử thách đánh thức khả năng sáng tạo của ngành kiến trúc nói riêng và của cả thành phố nói chung.

Cùng TCKT lắng nghe những chia sẻ của những sinh viên Kiến trúc thủ đô – thế hệ trẻ – những người đặt nền móng cho sự sáng tạo của thành phố trong tương lai.

Thành phố bắt đầu chuyển mình

Hoàng Nhật Anh: Đối với các không gian công cộng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong tư duy của các KTS, các nhà quản lý đô thị và chính quyền. Đó là chuyển đổi sự tập trung vào hình thức biểu tượng thành sự hiệu quả khi tạo ra các không gian công cộng. Điều này có được cũng một phần do sự học tập kế thừa từ các thành phố khác trên thế giới. Một vài ví dụ điển hình có thể kể tới đó là "Phố đi bộ Hồ Gươm”. Phố đi bộ là một không gian công cộng vô cùng điển hình ở các thành phố Châu Âu và gần như bất kì thành phố nào dù lớn hay bé nào cũng có phố đi bộ của riêng thành phố đó. Sự hiệu quả của loại hình phố đi bộ khi áp dụng tại Hà Nội có lẽ là không cần bàn cãi. Theo thống kê thì một ngày cuối tuần có thể có tới 25.000 người tới "Phố đi bộ Hồ Gươm”. Loại hình này không chỉ đóng góp tích cực vào bộ mặt của thành phố mà còn thúc đẩy các loại hình kinh tế của nhà nước và tư nhân xung quanh khu vực hồ Gươm. Hay như trước đây là trường hợp của "Zone 9” được cải tạo từ khu xí nghiệp Dược phẩm Trung Ương II nằm trên phố Trần Thánh Tông. Đây cũng là một loại hình không gian công cộng được kế thừa trên thế giới dựa vào việc cải tạo lại từ các không gian bỏ hoang đã được các KTS thực hiện rất nhiều ở các thành phố khác sau cuộc khủng hoảng đại suy thoái 2008 khiến rất nhiều công trình trên thế giới phải bỏ dở việc xây dựng. Việc này đã buộc các KTS phải nghĩ ra các cách tái thiết lại từ những không gian bỏ hoang. Mặc dù "Zone 9” đã bị đóng cửa nhưng không thế phủ nhận những giá trị tích cực cho đô thị cũng như trong cuộc sống của người dân. Ngoài ra chúng ta có thể thấy rất nhiều  các cuộc thi nhằm thúc đẩy sự sáng tạo cho thành phố Hà Nội như cuộc thi "Thiết kế Km0” do thành phố Hà Nội tổ chức hay tới những cuộc thi nhỏ hơn do các trường đại học, các cá nhân tổ chức nhằm thúc đẩy các sáng tạo trong thiết kế không gian công cộng.

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-1
Ảnh 1: Phố đi bộ hồ Gươm – Nguồn: Internet

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-2
Ảnh 2: Zone 9 – Nguồn: Internet

Tạ Hồng Đức: Không kể những công trình tái sử dụng từ thời Pháp thuộc, phần lớn các công trình quy mô lớn, dễ nhận biết, tạo ra bộ mặt đô thị trên địa bàn là các công trình công vụ, hoặc các công trình do nhà nước quản lý đang thiếu đi nhiều sự sáng tạo, gây ra hiện tượng những nhà văn hóa hay những bảo tàng cứ "nhang nhác” nhau và hơi hướng kiến trúc Liên Xô thế kỉ trước. Số nhiều sáng tạo trong kiến trúc nằm ở sự đóng góp của những hạt nhân là những văn phòng kiến trúc địa phương quy mô nhỏ, trung bình với các công trình thương mại và dân dụng (Võ Trọng Nghĩa Architect, MIA Design Studio, AHL, Le House, ODDO Architects,…)  hoặc các văn phòng, công ty kiến trúc có yếu tố nước ngoài với các công trình quy mô sức chứa lớn (Group8Asia, GMP International GmbH, Foster & Partners, Nikken Sekkei Vietnam,…).

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-3
Ảnh 3: Nhà hàng Pizza 4P’ thiết kế bởi Văn phòng kiến trúc ODDO Architects – Ảnh: ODDO

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-4
Ảnh 4: 5×14 House thiết kế bởi văn phòng AHL với cảm hứng từ cửa xếp nhà phố Hà Nội – Ảnh: AHL

Những năm 2015 -2016 có nhiều bài báo viết về một nhà hàng bia ở Hà Nội với kiến trúc lạ, những bài viết đó thu hút một lượng độc giả lớn trên các diễn đàn và kéo theo sự quan tâm của cộng đồng về kiến trúc, vốn dĩ hiếm khi nhiều đến như vậy. Sự tò mò đã khiến sự tiếp cận ngày một nhiều, có nhiều người đến đó không chỉ để thưởng bia, mà còn để thưởng thức không gian lạ lẫm khá mới mẻ hồi đó. Chính sự sáng tạo trong thiết kế đã tạo ra sự khác biệt dựa trên những kế thừa văn hóa ‘quán nước vỉa hè’ đặc trưng của phố phường Hà Nội. Đó là nhà hàng Cheering Beer Restaurant tại số 2 Lý Thường Kiệt – Hà Nội thiết kế bới văn phòng kiến trúc H&P Architects – KTS Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương.

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-5
Ảnh 5: Cheering Beer Restaurant – 2 Lý Thường Kiệt – Hà Nội thiết kế bởi Văn phòng kiến trúc H&P – Ảnh: H&P

Cheering Restaurant được cải tạo từ một dự án bị bỏ không đã nhiều năm. Bởi thế, hệ khung kết cấu thép và một số vật liệu bao che như kính, thép hình, thép hộp, mái tôn… đã được tái sử dụng một cách thông minh và hiệu quả. Sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, Cheering Restaurant là một trải nghiệm thực sự đáng giá về cách ứng xử của kiến trúc đương đại với bối cảnh ở một không gian chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa – Một "nơi chốn” nhiều ký ức ở Thủ đô đã ngàn năm tuổi.

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-6
Ảnh 6: Cheering Beer Restaurant và văn hóa vỉa hè phố phường Hà Nội- Ảnh: H&P

Nguyễn Kiên Tố: Ngoài những không gian được nhiều người biết đến như trên, nhiều không gian sáng tạo như: 60s Thổ Quan, Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm, Ơ kìa Hà Nội … cũng đang có những hướng đi mới để phục vụ công chúng. Tại đây các nghệ sĩ có cơ hội được thể hiện khả năng sáng tạo đồng thời tạo cơ hội cho công chúng được tiếp cận, trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật.

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-7
Ảnh 7: Hanoi Creative City

Công nghệ trong sáng tạo kiến trúc

Tạ Hồng Đức: Việc Hà Nội lựa chọn tối đa hóa tiềm năng của lĩnh vực thiết kế cho sự phát triển bền vững của đô thị là một tín hiệu tốt cho thúc đẩy sáng tạo ở từng chi tiết nhỏ. Những sự khập khễnh giữa các tầng lớp kiến trúc cũ – mới ở khu vực Phố cổ hay khu vực Phố Pháp trước đây dần được quan tâm và coi trọng. Từng nét bút mới đặt vào đều được quan sát và đưa ra bàn luận chỉn chu. Tiềm năng của lĩnh vực thiết kế là những sáng kiến mới, những ý tưởng dung hòa táo bạo, vận dụng những công nghệ mới, lấy khoa học, kĩ thuật là công cụ để xóa nhòa các ranh giới và giới hạn.

Một ví dụ tiêu biểu gần đây ứng dụng công nghệ mới trong sáng tạo kiến trúc ở Hà Nội một cách hợp lý đó là thiết kế đạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế ‘Cột Mốc Số 0’. Vị trí được lựa chọn là khu vực Hồ Gươm – nơi giao thoa của nhiều yếu tố lịch sử cũ: Tháp Rùa, cụm di tích Đền Bà Kiệu – Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Hòa Phong, và các yếu tố mới: tượng đài Lý Thái Tổ, Bách hóa Tràng Tiền, Bưu Điện Hà Nội,…. Và nhóm tác giả đạt giải Nhất đến từ trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất phương án sử dụng công nghệ 3D Hologram trong thiết kế đặt tại vị trí nằm giữa trục Tháp rùa với Tượng đài Lý Thái Tổ. Cổng Ánh sáng được tạo ra nghệ Laser Plasma Hologram, những hạng mục vật chất này sẽ phải đáp ứng tiêu chí phẳng mặt để không phá vỡ cảnh quan hiện hữu. Đồng thời phương thức thể hiện, chất liệu  và các chi tiết mỹ thuật khái quát và truyền tải được chức năng, ý nghĩa của cột mốc, có tính độc đáo đồng thời thể hiện đặc trưng văn hóa của Hà Nội.

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-8
Ảnh 8: Phương án Giải nhất cuộc thi Cột Mốc số 0 đặt tại khu vực hồ Gươm sử dụng công nghệ ánh sáng Hologram trong thiết kế – Ảnh: Trần Trung Ngạn

Kỹ thuật Holographic là một kỹ thuật độc đáo cho phép ánh sáng tán xạ từ một vật thể được ghi lại và sau đó tái tạo lại hình ảnh 03 chiều trong 01 chùm tia laser. Nhờ đó, hình ảnh của vật thể sẽ được nhìn thấy ngay cả khi nó không còn hiện diện tại vị trí đó nữa.Việc sử dụng công nghệ mới là yếu tố tiên quyết quan trọng để tác phẩm hòa nhập với bối cảnh chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, chứng minh cho việc tối đa hóa tiềm năng của lĩnh vực thiết kế góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt thủ đô trong kỷ nguyên sáng tạo.

Yếu tố thu hút cộng đồng trẻ

Hoàng Nhật Anh: Theo cá nhân tôi thì những không gian cộng cộng gây ấn tượng với người trẻ đầu tiên đó phải là sự hiệu quả. Khi không gian đó đem lại sự hiệu quả thì sẽ có nhiều người tới trải nghiệm và làm không gian đó trở nên nhộn nhịp. Trong chúng ta thì có lẽ ai thời trẻ cũng từng mong muốn cùng bạn bè mình tới những nơi nhộn nhịp. Còn một không gian công cộng mà không có người sử dụng sẽ trở thành không gian chết gây ra sự lãng phí về cả không gian lẫn tiền bạc,…

Thứ hai đó có lẽ là tính mới lạ. Những người trẻ tuổi như tôi luôn muốn thử, tìm tòi và tận hưởng những không gian mang tính mới lạ. Đôi khi những người trẻ tìm đến một không gian chỉ đơn giản vì họ tò mò xem ở đó có gì mới lạ tạo cảm hứng cho họ khám phá. Mới lạ ở đây có thể cả về mặt hình thức lẫn tinh thần. Về mặt hình thức có thể VD như Zone 9 được cải tạo từ một tòa nhà bỏ hoang cũ, làm thay đổi toàn bộ diện mạo của tòa nhà. Còn về tinh thần thì có thể VD như phố đi bộ hồ Gươm khi hằng ngày chúng ta có thể chạy xe rất nhanh qua hồ Gươm nhưng khi có phố đi bộ thì việc đi bộ lại giúp chúng ta có những sự mới lạ về mặt tinh thần.

Thứ ba đó là tính xúc cảm trong không gian công cộng. Theo tôi đây có lẽ là đặc điểm quan trọng nhất trong không gian công cộng để gây ấn tượng trực tiếp cho người sử dụng. Có một không gian công cộng tôi rất thích ở Hà Nội đó là hồ Tây. Cá nhân tôi thích hồ Tây không phải vì hồ Tây được thiết kế xung quanh vô cùng đẹp, vì nếu xung quanh hồ Tây chỉ là đường đất có lẽ tôi cũng sẽ đến hồ Tây. Nhưng chính mặt nước, cây xanh, ánh nắng và gió, những thứ thuộc về thiên nhiên đã tạo ra một hồ Tây thực sự cảm xúc trong tôi và trong nhiều người Hà Nội khác.

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-8
Ảnh 9: Hồ Tây – Nguồn: Internet

Cơ hội và thách thức

Nguyễn Kiên Tố: Hiện nay có rất nhiều Cuộc thi liên quan đến sáng tạo các không gian sân chơi, không gian cộng đồng và có xu hướng đề cao tính khả thi để có thể hiện thực hóa những đồ án đoạt giải. Ngoài ra cũng có những giải thưởng về tính sáng tạo để nhằm khuyến khích những nỗ lực sáng tạo của các bài dự thi hướng đến những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Đây chính là những cơ hội rất tốt cho sinh viên kiến trúc hay các kiến trúc sư trẻ có cơ hội áp dụng những kiến thức tích lũy được để có thể thể hiện bản thân cũng như hiện thực hóa dự án của mình trong việc xây dựng nên các không gian sáng tạo cho cộng đồng. Tuy nhiên, thách thức đặt ra ở đây là phải luôn cân bằng được tính sáng tạo và khả thi.

thu-do-nghin-nam-tuoi-trong-mat-the-he-tre-9
Ảnh 10: Lễ phát động cuộc thi "Ngôi nhà mơ ước” lần thứ 3

Trở thành thành phố sáng tạo mở ra rất nhiều cơ hội cho những ngành nghề làm sáng tạo nói chung cũng như các kiến trúc sư nói riêng. Thế hệ của các kiến trúc sư trẻ, sinh viên mới ra trường có lẽ may mắn hơn thế hệ của các anh, các chú do có rất nhiều những dự án, những cuộc thi để có thể khẳng định mình từ rất sớm nhằm mang lại một giá trị tốt đẹp cho con người Hà Nội, cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên cơ hội càng nhiều thì thách thức có lẽ cũng càng lớn. Với sự phát triển về công nghệ như phần mềm công nghệ, vật liệu công nghệ,…đi kèm với kiến trúc thì có lẽ các kiến trúc sư trẻ luôn phải tự nâng cấp tư duy của bản thân mình cùng với đó là sự linh hoạt hơn trong công việc. Kiến trúc sư không chỉ là thiết kế mà để hoàn thành một công trình thực tế họ cần phải xử lý được rất nhiều công việc khác từ lên ý tưởng cho tới khả năng vận hành, quản lý dự án.

Ngành kiến trúc trong tương lai sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho các kiến trúc sư. Tuy nhiên sự đào thải trong ngành kiến trúc có lẽ cũng sẽ tương đương với tiềm năng phát triển. Chỉ những người thực sự tâm huyết và đam mê với kiến trúc mới có thể đi với kiến trúc trên một chặng đường dài.


Theo Bích Thuỷ/ Tạp chí kiến trúc

Tags thủ đô trong mắt thế hệ trẻ Hà Nội

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục