Cắt giảm 40% thủ tục hành chính về môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/8/2020 | 8:53:16 PM

QLMT - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cắt giảm 40% thủ tục hành chính nhưng không buông lỏng vấn đề môi trường, theo Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà.

Tại phiên thảo luật ở tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 11/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, việc cắt giảm 40% thủ tục hành chính tương đương với cắt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí tuân thủ cho các tổ chức, cá nhân.

Theo ông Hà, hiện nay các cơ quan chức năng đang tập trung kiểm soát 100% doanh nghiệp với đầy đủ các thủ tục phức tạp, như quan trắc định kỳ mỗi năm hai lần. Tuy nhiên, 80% trong số các doanh nghiệp này không gây ô nhiễm. Từ thực tế đó, Ban soạn thảo đề xuất "khoanh lại" những lĩnh vực có tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao để quản lý chặt chẽ hơn.

Cơ quan chức năng sẽ tập trung nguồn lực, con người vào việc kiểm soát mức độ ảnh hưởng môi trường của 5% doanh nghiệp nguy cơ gây ô nhiễm, đơn cử như công ty Formosa Hà Tĩnh gây sự cố ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016.

Tham gia ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải cương quyết bảo vệ môi trường, bắt đầu từ đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy. "Coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm", ông nói.

Lãnh đạo Chính phủ đánh giá nhận thức về vấn đề môi trường chưa đúng mức, chưa cương quyết; nên ở nhiều nơi môi trường còn là vấn đề nhức nhối.

Đề cập đến hiệu quả của Luật Phòng chống tác hại rượu bia và nghị định 100, Thủ tướng đặt vấn đề "nên chăng có một nghị định với chế tài nghiêm khắc" liên quan đến các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. "Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn", ông nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải làm rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành liên quan, không để một bộ "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Về quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự thảo Luật để Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành quy chuẩn này cho phương tiện giao thông là "không ổn".

Theo ông Thể, hàng không Việt Nam là thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hàng năm ICAO đều mời các thành viên, trong đó có Bộ trưởng Giao thông Vận tải các nước dự hội nghị và nội dung quan trọng nhất là ban hành quy chuẩn về khí thải, môi trường liên quan tàu bay. Việt Nam không sản xuất tàu bay mà mua từ nước ngoài, nên tiêu chuẩn về khí thải, môi trường liên quan đến các nhà sản xuất.

Tương tự, về tàu biển và phương tiện tàu thủy, Việt Nam cũng là thành viên của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Tổ chức này có quy định tiêu chuẩn về môi trường, khí thải, phát thải, từ đó, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cũng như các nước cụ thể hóa.

"Nếu chúng ta tự ban hành tiêu chuẩn khí thải của tàu bay, tàu biển sẽ không áp dụng được, vì tự mình đưa ra một thông số mà sản phẩm quốc tế không có như vậy", ông Thể nói.

Liên quan đến đường bộ, Việt Nam là thành viên của Hiệp hội ôtô thế giới. Tại các nước phát triển, việc sản xuất ôtô có yêu cầu ngày càng cao về môi trường, họ cũng ban hành quy chuẩn và từ đó các nước cụ thể hóa.

"Nếu chúng ta giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành quy chuẩn thì Bộ sẽ căn cứ vào đâu?", ông Thể nêu băn khoăn và kiến nghị nội dung này nên giữ như quy định hiện hành.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực đầu năm 2015. Dự án Luật sửa đổi được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Tags môi trường

Các tin khác

Tội phạm động vật hoang dã đang gây ra những tác hại nghiêm trọng cho môi trường và đe dọa sinh kế, sức khỏe cộng đồng.

Trên khắp Châu Á, nhiều khu vực đang chịu cái nóng cực độ của mùa hè sớm. Nhiệt độ cao chưa từng có, nắng nóng gay gắt đã lập kỷ lục và gây ra hàng chục vụ tử vong.

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Để ứng phó với tình trạng nắng nóng kỷ lục ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo, các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách phát triển các giống lúa chịu hạn, đa dạng hóa cây trồng và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự