Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/4/2024 | 8:56:18 AM

Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh về chất lượng, giá của sản phẩm, hàng hóa...



Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp ngành chiếu sáng

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người, thay đổi cấu trúc và phương thức vận hành của các tổ chức. Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành TƯ khóa XIII đã khẳng định, chuyển đổi số là một phương thức mới, hiệu quả để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước.

Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới.

Nhiều Văn kiện và Nghị quyết của Đảng trong thời gian qua đã đề cập về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Chuyển đổi số ngành chiếu sáng được hiểu là việc khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh về chất lượng và giá của sản phẩm, hàng hóa cũng như các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng.

Chuyển đổi số trong ngành chiếu sáng bao gồm: Chuyển đổi số tại các đơn vị/doanh nghiệp quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp là các công ty công nghệ, chuyên sản xuất và cung cấp các giải pháp về chiếu sáng, vật tư, thiết bị điện và điều khiển thông minh chiếu sáng.

Mục tiêu của chuyển đổi số và hưởng lợi từ chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành chiếu sáng

Mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp chiếu sáng: (1) Tăng hiệu quả và năng suất; (2) Cải thiện trải nghiệm khách hàng; (3) Mở rộng thị trường và tăng doanh thu; (3) Tối ưu hóa quy trình quản lý và sản xuất ; (4) Tận dụng dữ liệu và thông tin; (5) Tăng cường khả năng cạnh tranh; (5) Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo;(6) Góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hưởng lợi từ chuyển đổi số đó là:

+ Hiệu suất và hiệu quả tăng lên: Việc triển khai các công nghệ góp phần giảm sai sót và đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, quy trình kinh doanh được cải tiến nhờ công nghệ kỹ thuật số, từ đó giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh.

+ Cung cấp lượng thông tin lớn một cách chi tiết: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cho phép đội ngũ nhân sự có quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu một cách chi tiết. Theo đó, họ có thể theo dõi, đo lường các loại chỉ số, tỷ lệ chuyển đổi, giá trị khách hàng, sự hài lòng của khách hàng...

Điều này không chỉ cho phép doanh nghiệp sắp xếp dữ liệu một cách trực quan, rõ ràng và dễ truy cập mà còn cho phép đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu này. Nhờ đó, các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định linh hoạt hơn.

+ Duy trì tính cạnh tranh của doanh nghiệp: Chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0 đã trở thành vấn đề sống còn của hầu hết doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần lựa chọn công nghệ phù hợp để đáp ứng quá trình chuyển đổi số, đồng thời làm hài lòng khách hàng trong cả hiện tại và tương lai.

+ Nâng cao trải nghiệm khách hàng: Khách hàng ngày nay có nhiều thay đổi trong kỳ vọng và xu hướng mua hàng. Chuyển đổi số giúp phân tích dữ liệu khách hàng một cách nhanh chóng và chi tiết. Nhờ đó, có thể nâng cao trải nghiệm và mong đợi của khách hàng.

+ Thúc đẩy mối liên kết giữa các đơn vị trong doanh nghiệp: Chuyển đổi số cho phép đội ngũ nhân sự giữa các bộ phận/ phòng/ ban trong doanh nghiệp giao tiếp dễ dàng và linh hoạt hơn. Bằng cách sử dụng các nền tảng quản trị tự động hóa, các bộ phận/ phòng ban có thể dễ dàng chia sẻ dữ liệu, thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Nhờ đó, giúp tăng cường liên kết giữa các phòng/ ban.

+ Nâng cao hiệu quả và giảm chi phí cho doanh nghiệp: Chuyển đổi số là quá trình tốn kém nhiều chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi chuyển mình thành công, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tối đa chi phí cho các hoạt động.

Ngoài ra, vấn đề lưu trữ dữ liệu giờ đây đã có điện toán đám mây và có thể được quản lý bởi các nhà cung cấp. Nhờ đó, có thể giúp nhân viên có thời gian để tập trung vào các nhiệm vụ khác, mang lại nhiều giá trị kinh doanh hơn, đồng thời đơn giản hóa việc lưu trữ dữ liệu.


Chiếu sáng tại TP Hồ Chí Minh.

Chuyển đổi số trong một số doanh nghiệp chiếu sáng hiện nay

Nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0 nhiều doanh nghiệp lớn trên cả nước nói chung và một số doanh nghiệp lớn của ngành chiếu sáng nói riêng như Rạng Đông, Điện Quang, Signify Việt Nam, Hapulico, Sapulico… đã thực hiện chuyển đổi số và thực tế đã chứng minh có sự thành công bước đầu, đó là, tăng hiệu quả và năng suất lao động; mở rộng thị trường và tăng doanh thu; tăng khả năng cạnh tranh; tối ưu hóa quá trình quản lý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Có thể khái quát về quá trình chuyển đổi số của một số doanh nghiệp chiếu sáng lớn như sau:

- Xuất phát điểm là doanh nghiệp sản xuất truyền thống, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông xác định chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi tư duy, nhận thức, chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh, vận hành để thích ứng với thời đại 4.0.

Đây chính là động lực mới tạo nên bước phát triển đột phá, tạo một vị thế xứng đáng cho doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như trên thị trường quốc tế. Rạng Đông chuyển đổi số từ năm 2019 và trước đó tốc độ tăng trưởng doanh thu của Rạng Đông chỉ khoảng 6

- 10%, nhưng chỉ sau 3 năm, dù gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng…, Rạng Đông vẫn đạt mặt bằng tăng trưởng mới là 20%, gấp đôi so với trước khi chuyển đổi số.

Gần 4 năm tiến hành chuyển đổi số với hành trình tái cấu trúc chiến lược sản phẩm và chuyển đổi mô hình kinh doanh, Rạng Đông là doanh nghiệp tiên phong trong ngành chiếu sáng ở Việt Nam với tham vọng trở thành thương hiệu được ghi nhớ trong khu vực, bước ra thị trường quốc tế: Một Rạng Đông gắn liền với Thông minh - Smart.


Rạng Đông chuyển đổi thành công 4 tầng công nghệ.

Theo ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Rạng Đông, có 6 bài học kinh nghiệm rút ra của Rạng Đông sau gần 4 năm thực hiện chuyển đổi số, đó là (1) Xác định mục tiêu rõ ràng; (2) Xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp; (3) Linh hoạt trong công tác triển khai; (4) Không ngừng cải thiện quy trình; (5) Thay đổi tư duy trong quản trị; (6) Định hình văn hóa đổi mới.

Thời gian vừa qua, RĐ mới bước vào giai đoạn khởi động, số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa một số quy trình đã có. Giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030, chuyển đổi số bước vào giai đoạn mới với nội dung trọng tâm là thay đổi chiến lược sản phẩm, thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh đã tạo tiền đề cho những thành công tiếp theo trên con đường chuyển đổi số.

- Từ một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thuần túy, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã bứt phá trở thành công ty công nghệ, chuyên sản xuất và cung cấp các giải pháp chiếu sáng, thiết bị điện và điều khiển thông minh mang lại sự tiện nghi, an toàn, thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và xã hội.

Với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu về công nghệ, Điện Quang luôn trú trọng việc đầu tư hạ tầng, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0, chuyển đổi số và đang khẳng định vị thế tiên phong "Chuyên gia ánh sáng - Dẫn đầu công nghệ”.

Không chỉ đa dạng hóa sản phẩm, Điện Quang còn được biết đến là đơn vị cung cấp các giải pháp dịch vụ chiếu sáng uy tín, với khả năng tư vấn, thiết kế và thực hiện các giải pháp chiếu sáng dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp và công cộng… hiệu quả.

- Signify là công ty hàng đầu thế giới về hệ thống chiếu sáng chuyên dụng, dân dụng và chiếu sáng cho công nghệ Internet of Things (Hệ thống kết nối Internet), với chiến lược chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh, đã chủ động ứng dụng công nghệ số hóa tem xác thực hàng chính hãng qua tin nhắn SMS, bảo vệ người tiêu dùng và đối tác phân phối.

Để đảm bảo chất lượng cho công trình, Signify khuyến khích khách hàng lựa chọn và chủ động nhận diện hàng chính hãng nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

- Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành, duy tu, duy trì sửa chữa hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn Hà Nội.

Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ KHCN trong công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng (HTCS), Hapulico đã chủ động đầu tư phát triển nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, phần mềm quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng bao gồm:

(1) Đầu tư xây dựng Trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng sử dụng công nghệ GSM/3G,4G… cho phép điều khiển linh hoạt hệ thống chiếu sáng công cộng theo tình hình thời tiết, kiểm soát các sự cố trong quá trình vận hành;

(2) Xây dựng hệ thống phần mềm CityWork ứng dụng công nghệ GIS số hóa toàn bộ dữ liệu HTCS;

(3) Phần mềm quản lý xe chuyên dùng ứng dụng công nghệ GPS giúp cho công tác điều hành xe chuyên dụng...

(4) Xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động App Hapulico Smart "Cổng tiếp nhận thông tin giải đáp sự cố và đánh giá công tác quản lý HTCS TP Hà Nội”….

Hình ảnh của phần mềm Citywork.vn - Ứng dụng công nghệ GIS và GSM/GPRS trong quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng – Hapulico.

Với việc ứng dụng chuyển đổi số triển khai các phần mềm trên đã giúp cho Hapulico chủ động thích ứng với phân cấp quản lý của UBND TP Hà Nội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, chủ đầu tư…

Khái quát về một số doanh nghiệp chiếu sáng (bắt đầu từ Rạng Đông) bước đầu thành công cho thấy, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một thách thức rất lớn cho tất cả doanh nghiệp và nếu doanh nghiệp không chủ động thực hiện chuyển đổi số thì chắc chắn sẽ không phát triển một cách bền vững.

Một số định hướng chuyển đổi số của ngành chiếu sáng Việt Nam trong thời gian tới

Ngày 13/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đối số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030” trong đó đã cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, các giải pháp về chuyển đối số đồng thời giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân từ nay đến 2025 và đến 2030. Để cụ thể hóa quyết định này ngành chiếu sáng cần triển khai một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Nhận thức ở đây là ngay từ ban lãnh đạo của các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp công nghệ, sản xuất… và các doanh nghiệp quản lý vận hành) thông qua đó xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể về chuyển đổi số cho doanh nghiệp bao gồm: Chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của doanh nghiệp mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Thứ hai, từng bước chuyển dần từ sản xuất các sản phẩm thuần túy sang sản xuất và cung cấp các thiết bị điện chiếu sáng và điều khiển chiếu sáng thông minh, các giải pháp công nghệ chiếu sáng tiên tiến theo hướng "Made in Viet Nam” và "Thiết kế tại Việt Nam” .

Thứ ba, đầu tư hạ tầng, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ, sản xuất các thiết bị điện... để phục vụ nhu cầu của xã hội, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Thứ tư, xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin của doanh nghiệp, của Hội Chiếu sáng Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng. Chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công cũng như các bài học kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Thứ năm, xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành chiếu sáng.

Thứ sáu, tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp chiếu sáng kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong đổi mới cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính; đổi mới mô hình quản lý… có liên quan đến chuyển đổi số.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)
(Nguồn: Tạp chí Xây dựng)

Tags chiếu sáng chuyển đổi số kỹ thuật số chiếu sáng đô thị

Các tin khác

Kể từ khi Chính phủ Việt Nam cam kết mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và đặt ra lộ trình tham gia thị trường tín chỉ carbon, cho đến nay, mục tiêu này đã có những tín hiệu tích cực…

Hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mê Kông, cơ cấu mùa vụ, trữ nước, chuyển nước từ nơi khác về, thay đổi quy trình hoạt động của thủy điện,...là ý kiến của các nhà khoa học đưa ra nhằm giải quyết căn cơ, bền vững tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô đã trở thành đặc tính của vùng, năm nào cũng xảy ra. Để gỡ khó cho người dân vùng hạn mặn, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thực hiện một số biện pháp như cơ cấu lại giống cây trồng, thay đổi thời gian sản xuất, ngăn mặn, trữ ngọt,… Tuy chỉ là giải pháp tình thế song bước đầu có tín hiệu tích cực.

Được xác định là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của quốc gia, ĐBSCL được ưu tiên đầu tư, xây dựng các hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, những tác động từ thượng nguồn, từ biển và sự phát triển nội tại ở ĐBSCL là những thách thức lớn, đòi hỏi một chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh tác hại của các loại hình thiên tai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục