Biến đổi khí hậu tác động đến thoát nước đô thị trên nhiều phương diện

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2022 | 12:02:15 PM

QLMT - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực thoát nước đô thị trên nhiều phương diện, từ hệ thống thu gom nước thải đến việc lựa chọn công nghệ xử lý…

BĐKH và các hiện tượng biến động về thời tiết làm nước biển dâng (NBD) tăng tần suất và cường độ các trận mưa cùng với hậu quả của quá trình mở rộng đô thị theo các quy hoạch không phù hợp và quản lý sử dụng đất yếu kém đã làm cho ngập lụt đô thị nước ta ngày càng trầm trọng. Tại khu vực miền núi, hiện tượng lũ quét và lở đất ngày càng thường xuyên hơn, gây nhiều thiệt hại cho nhiều thành phố trong đó có hệ thống thoát nước.

Biến đổi khí hậu tác động đến thoát nước đô thị trên nhiều phương diện
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội khơi thông hố ga chống úng ngập trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Nguyễn Quang

Phát biểu tại hội thảo "Chính sách và giải pháp thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu” hồi tháng 8/2022, PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết: Những năm gần đây biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan hơn. Mưa lớn hoặc mưa lớn kèm theo triều cường dẫn đến tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các đô thị Việt Nam gây nhiều tổn thất về người, môi trường, xã hội và kinh tế. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều của BĐKH và nước biển dâng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo việc bê tông hóa, giảm diện tích thấm, ao hồ, kênh rạch mang nhiệm vụ trữ nước, tiêu thoát nước. Việc quản lý cao độ nền của đô thị chưa được thật sự chặt chẽ và quyết liệt. Hệ thống thu gom nước mưa của các đô thị được xây dựng nhiều năm và đã xuống cấp, kích thước cống được tính toán chưa bao gồm ảnh hưởng của BĐKH. 

Trong "Nghiên cứu đề xuất các yếu tố lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đô thị thích hợp cho các vùng miền Việt Nam” do GS.TS Trần Đức Hạ làm chủ nhiệm, các nhà khoa học cho rằng: BĐKH đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực thoát nước đô thị trên nhiều phương diện như:

- Các sự kiện thời tiết cực đoan (mưa bão lớn) và tổng lượng mưa tăng dẫn đến sự cần thiết phải tăng cường quản lý trong điều kiện thời tiết mưa bão. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như nhiệt độ lên chất lượng nước có thể khiến phải đầu tư vào nhà máy xử lý nước thải (XLNT). Các giải pháp thích ứng phòng chống lũ lụt như đê sông/biển sẽ cần thiết để kiểm soát mực nước biển tăng và lũ lụt do lượng mưa và nước mưa chảy tràn tăng cao gây ra. Hơn nữa, khi thực hiện quản lý tổng hợp hệ thống nước, việc quản lý nước thải hợp lý có thể góp phần khắc phục những khó khăn trong cấp nước sinh hoạt ví dụ như tái sử dụng nước thải sau xử lý cho các mục đích cấp nước vệ sinh, tưới cây, cảnh quan sẽ làm giảm nhu cầu khai thác nguồn nước tự nhiên.

- Tăng lượng mưa và cường độ mưa dẫn đến tăng lưu lượng chảy tràn và dòng chảy. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ đục của nước, tăng hàm lượng các chất hữu cơ, các mầm bệnh, và tăng nồng độ các hóa chất trừ sâu trong sông hồ. BĐKH sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước thải trong hệ thống cống thu gom. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thiết kế và vận hành các nhà máy/ trạm XLNT hiện hữu và trong tương lai.

- Mực nước biển dâng cao kèm theo mưa lớn, bão lũ có thể gây ngập lụt các tuyến đường sắt vùng duyên hải, sân bay, phá hủy cầu cống và hệ thống ống dẫn. Tại nhiều nơi, các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, đê biển, cống ngăn mặn... được xây dựng căn cứ vào các dữ liệu thời tiết lịch sử và không còn phù hợp trong điều kiện khí hậu. Vì vậy nguy cơ tổn thất là rất lớn. BĐKH sẽ mang lại nhiều rủi ro thiên tai cho Việt Nam, chủ yếu là thay đổi về lượng mưa và giông bão. Mực nước biển có thể dâng cao thêm từ 30cm - 1m trong vòng 100 năm tới, là những yếu tố liên quan trực tiếp đến vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường trong nông nghiệp và nông thôn ở nước ta, làm tăng rủi ro lũ lụt cho các vùng đất trũng ven biển. Năm 2007, ảnh hưởng tàn dư bão số 6 kết hợp với gió đông hoạt động mạnh đã gây ra mưa lớn nhất trong mùa lũ. Các trận lũ khủng khiếp tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng ngàn hộ dân địa phương. Do mưa lũ liên tiếp nên hệ thống các đê bao, đê ngăn mặn, đê kè sông, đê biển, kênh mương nội đồng bị sạt lở.

- Nhiều tuyến đường giao thông, công trình di tích lịch sử bị bùn đất vùi lấp. Thêm vào đó, do úng ngập trong thời gian dài, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải từ nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi đã bị rửa trôi xuống các ao hồ, kênh mương, các dòng sông, lượng chất thải sinh hoạt và chất thải các loại gia tăng mạnh không được thu gom chôn lấp,… theo dòng nước trôi nổi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường; các công trình cấp nước sạch tập trung hoặc hư hỏng hoặc do nguồn nước cấp từ sông quá ô nhiễm gây khó khăn cho việc xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Đây chính là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh như: tiêu chảy cấp, viêm niêm mạc mắt, nước ăn chân, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết,.. 70% dân cư sinh sống gần vùng ven bờ hiện đang đối mặt với các đe dọa không dự báo được của mực nước biển dâng cao và các thiên tai khác. BĐKH và mực nước biển dâng cao có thể làm tăng các vùng ngập lụt, làm cản trở hệ thống tiêu thoát nước làm tăng thêm cường độ xói lở tại các vùng ven bờ và nhiễm mặn, dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt...

Các chuyên gia về thoát nước cho biết, hệ thống thoát nước chịu ảnh hưởng lớn trước ngập lụt, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước… Trong những ngày có mưa lớn, kết hợp triều cường dâng cao thì hầu như nước mưa ở đây thoát rất chậm, gây ngập một số tuyến đường. Tại một số khu vực, đồng thời xâm nhập mặn vào hệ thống cống bao thu gom, nước thải làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nước thải tại nhà máy.

Tác động của BĐKH đối với các đô thị duyên hải ngày càng trở lên nghiêm trọng hơn. Mưa lớn., bão lũ và triều cường xảy ra thường xuyên làm tăng lưu lượng nước thải của đô thị. kéo theo sự pha loãng hàm lượng BOD, gia tăng chất thải rắn vô cơ trong nước thải. Vì vậy, khi lựa chọn công nghệ xử lý nước thải cho các nhà máy cần xem xét đến hiệu suất xử lý của công trình khi hàm lượng BOD đầu vào biến thiên.

Nước biển dâng khiến các công trình xử lý lâm vào tình trạng xâm nhập mặn. có thể làm oxy hóa các thiết bị máy móc và khiến quá trình hóa học bị gián đoạn hoặc việc xử lý không đạt hiệu quả như mong muốn. Dây chuyền công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn phải có khả năng phục hồi tốt và các công trình trong dây chuyền xử lý có thể chống lại việc nước biển tràn vào trạm/ nhà máy XLNT. 

Trong Chiến lược Quốc gia về BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số: 213/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 có nêu: Đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến; ứng dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại cho các khu đô thị và vùng nông thôn; tăng cường năng lực quản lý, xử lý và tái sử dụng nước thải công nghiệp và sinh hoạt; đến năm 2020, 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 5% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng. Đây được xem như là cơ sở để đánh giá và lựa chọn công nghệ XLNT phù hợp cho đô thị.

Trong thời gian qua, hiệu quả của chính sách về phát triển đô thị, thoát nước, phòng chống ngập úng, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH của Việt Nam đã có những thành tựu và cải thiện nhiều về nội dung, là cơ sở cho các hoạt động của địa phương, doanh nghiệp, cá nhân triển khai các hoạt động đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải theo hướng tiếp cận cập nhật thêm các biện pháp ứng phó và thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, vẫn cần các giải pháp hay và hiệu quả nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, tối ưu trong đầu tư xây dựng, đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc.

Tham khảo: "Nghiên cứu đề xuất các yếu tố lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đô thị thích hợp cho các vùng miền Việt Nam”

Lâm Hà

Tags biến đổi khí hậu thoát nước đô thị thoát nước

Các tin khác

Quảng Ninh hiện là một trong số ít những địa phương được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá là địa phương đã và đang từng bước hài hòa, hạn chế tối đa được xung đột giữa phát triển KT-XH và vấn đề bảo vệ môi trường.

Việc quản lý chất thải nói chung và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (CTR CNTT) nói riêng trong KCN đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hoạt động tái sử dụng loại chất thải này của các doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường là giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Những mô hình, cách làm xuất phát từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người, của cả cộng đồng chung tay hưởng ứng thì môi trường mới trong lành và sạch đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục