Các lợi ích của xây dựng công trình xanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/10/2022 | 4:30:18 PM

QLMT - Công trình xanh (CTX) hiện đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển CTX, rất nhiều các hội nghị, hội thảo về chủ đề này đã được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp để hiện thực hoá các chính sách trong cuộc sống.

Ở Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (năm 2010), Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 (năm 2014), Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2015), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2017), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 (2017); Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (2018), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (2019). Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh.

Vừa qua, Bộ Xây dựng chủ trì, tổ chức sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 với chủ đề "Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của việt nam tại COP 26” nhằm chia sẻ các sáng kiến tối ưu hóa việc áp dụng các xu hướng và giải pháp trong lĩnh vực xây dựng xanh, từ đó thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng hướng tới nâng cao chất lượng môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các lợi ích của xây dựng công trình xanh

Hội thảo chuyên đề tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022

Vậy việc xây dựng và phát triển các CTX mang lại những lợi ích gì? Trong bài viết "Những lợi ích to lớn và lâu dài của xây dựng công trình xanh và đề xuất các giải pháp phát triển”, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng - một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã đưa ra các lợi ích của CTX về cả kinh tế, sức khoẻ, xã hội và cả lợi ích về môi trường.

Lợi ích về kinh tế

Theo ước tính, ở Việt Nam nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc truyền thống thì chi phí đầu tư cho CTX chỉ bằng hoặc thấp hơn chi phí đầu tư cho công trình xây dựng thông thường. Nên sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc và kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại thì chi phí đầu tư CTX cao hơn công trình thông thường cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành sử dụng CTX sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4-5 năm vận hành CTX, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư. Từ năm thứ 5 trở đi và lâu dài về sau tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.

Lợi ích về ưu đãi thuế đối với các CTX

Ở hầu hết các nước đã phát triển CTX đều thực hiện chính sách ưu đãi giảm thuế để khuyến khích việc thiết kế và xây dựng các CTX tiết kiệm năng lượng.

Năng suất lao động được cải thiện, giảm số ngày ốm nghỉ việc, do đó thu nhập của người lao động ở trong các CTX tăng hơn ở trong các công trình thông thường khoảng 5%.

CTX có giá trị thị trường cao hơn nhà thông thường, vì hiệu quả sử dụng năng lượng và nước sạch cao, chất lượng môi trường sống tốt hơn, chi phí vận hành thấp và có tính bền vững, được khách hàng ưa chuộng, cho nên nhà đầu tư thu được nhiều lợi ích kinh tế.

Một lợi ích gián tiếp do các CTX mang lại là giảm nhu cầu về các tiện ích sinh hoạt đô thị, như là cấp điện, cấp khí đốt và nước sạch. Điều này dẫn đến chi phí tiện ích đô thị thấp hơn trong dài hạn (không cần phải mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị về cấp điện, cấp khí đốt, cấp nước, thoát nước). Đây là lợi ích công cộng, nhà đầu tư CTX không trực tiếp hưởng thụ lợi ích này.

Lợi ích về mặt sức khỏe và xã hội

Người sống và làm việc trong các CTX sẽ có sức khỏe tốt hơn: Hội chứng bệnh sống trong nhà đóng kín cửa, sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng điện ban ngày, như là đau đầu, chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, trầm cảm… là một vấn đề nan giải trong nhiều thập kỷ qua. Cơ quan BVMT Mỹ ước tính, ô nhiễm không khí trong nhà đóng kín có thể tồi tệ hơn từ 2 đến 5 lần, đôi khi tới 100 lần so với chất lượng không khí ngoài trời. Trong số 146.400 trường hợp tử vong ung thư phổi vào năm 1995, có 21.100 trường hợp đã được xác định liên quan đến ô nhiễm khí radon bên trong các tòa nhà. Khoảng 20 triệu người (trong đó hơn 6 triệu trẻ em) bị hen suyễn, có thể bị kích hoạt bởi các chất ô nhiễm trong nhà thường được tìm thấy trong các nhà không phải là CTX, chi phí y tế điều trị bệnh cho những người này ở Mỹ đã lên tới hàng triệu USD mỗi tháng. Sống và làm việc trong các CTX tránh được những vấn đề ô nhiễm và "sick building” như trên do sử dụng các hệ thống thông gió lành mạnh, tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng vật liệu xây dựng nội thất không độc hại.

Cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư: Giúp dân cư sống cảm thấy dễ chịu, thoải mái, tiện lợi, bởi sống trong môi trường không khí không bị ô nhiễm, an toàn sức khỏe, cộng đồng dân cư sống được tăng cường chia sẻ tất cả các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.

Lợi ích về môi trường

Do sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là phát triển sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, năng lượng sinh học…) cho nên CTX sẽ có tác dụng làm giảm thiểu tới khoảng 30% phát thải "khí nhà kính, khí ô nhiễm” của ngành xây dựng, nguyên nhân gây ra BĐKH và mưa axit

Chống lại hiện tượng "đảo nhiệt” trong đô thị: CTX thường được che phủ bằng cây xanh ở xung quanh nhà, trên mặt tường, trên mái nhà và cả ở không gian trong nhà, đồng thời CTX phát thải nhiệt thừa ít, do đó các đô thị được hình thành từ các CTX thì sẽ không xảy ra hiện tượng "đảo nhiệt”.

Tái chế sử dụng nước mưa, nước xám trong CTX và đô thị xanh, tăng cường bề mặt thấm nước, sẽ tiết kiệm tài nguyên nước, giảm dòng chảy sói lở và úng ngập đô thị, chống ô nhiễm nguồn nước mặt.

Lâm Hà (T/h)


Tags công trình xanh lợi ích đô thị xanh

Các tin khác

Những công trình nhận được chứng nhận LEED không chỉ mang đến không gian sống và làm việc hiện đại, mà còn là minh chứng cho tương lai bền vững của ngành kiến trúc.

Trong bối cảnh thách thức về biến đổi khí hậu và sự cần thiết của việc bảo vệ hệ sinh thái, lĩnh vực kiến trúc cảnh quan không chỉ là môi trường cho người làm nghề thỏa sức thể hiện sự sáng tạo, mà còn là bản ngã của một xã hội đang hướng tới tương lai bền vững.

Thiết kế công trình bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là xu hướng kiến trúc chủ đạo hướng đến tăng trưởng xanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hướng tới các đô thị xanh, có rất nhiều chỉ tiêu về hạ tầng đô thị xanh, công trình xanh, các sản phẩm đô thị … Hành lang xanh trong cấu trúc đô thị đóng góp một vai trò rất quan trọng cho mục đích phát triển bền vững của đô thị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự